Đừng nghiêm trọng hóa cuộc sống

Thứ Hai, 07/09/2020, 13:30
Đó là một trong những nguyên tắc của bác sĩ người Nhật Bản Shigeaki Hinohara (1911 - 2017).


Những nguyên tắc thông thái và đúng đắn về cuộc sống của vị bác sĩ trường thọ này thực sự sẽ làm đảo lộn thế giới quan của bất cứ ai. Đó vừa là những lời khuyên mang tính y khoa vừa là những lời dạy đạo đức theo truyền thống phương Đông cổ xưa. Có lẽ vì thế nên tên tuổi Shigaeki Hinohara đã được biết đến rộng rãi khắp thế giới, còn sách của ông được đọc trên cả hành tinh.

Shigeaki Hinohara mất khi chỉ còn hai tháng rưỡi nữa là đến dịp sinh nhật lần thứ 106 của mình. Mặc dù tuổi cao nhưng ông vẫn minh mẫn và tích cực: làm việc trong bệnh viện, tập luyện thân thể, lên các kế hoạch, viết kịch bản, viết sách, giảng bài và biết cách vui vẻ. Chẳng hạn vào dịp sinh nhật 105 tuổi ông đã xách ba lô đựng các đồ bơi đến Đài Loan để tổ chức tiệc mừng với các vị khách của mình.

Cuộc đời của con người này là tấm gương cho tất cả mọi người. Tấm gương về sự phục vụ mọi người, về thái độ đối với sức khỏe, về kỷ luật đối với bản thân và về lối sống đúng đắn, hợp lý. Shigeaki Hinohara đã cho thấy rằng con người ngay cả khi đã rất cao tuổi vẫn có thể sống tích cực, lạc quan, biết quan tâm đến xung quanh. Di sản mà ông để lại cho hậu thế có thể sẽ còn được nghiên cứu và thực hiện không chỉ ở Nhật Bản. Những lời khuyên đơn giản và phổ quát, thông thái mà có tính triết học của bác sĩ Shigeaki buộc chúng ta phải suy nghĩ về việc phải sống thế nào, phải dành những năm tháng quý giá và bổ ích một đi không trở lại vào việc gì. Bằng tấm gương của mình Shigeaki Hinohara đã chứng minh rằng không có gì là không thể đối với một con người sống nhân văn, tươi sáng, biết hướng đến tri thức và sự hài hòa.

Sau đây là một số lời khuyên của bác sĩ Shigeaki Hinohara để sống được một cuộc đời lâu dài và bổ ích.

Shigeaki Hinohara.

Người quên tuổi tác của mình là đồ ngốc nghếch

Hinohara đã nói thẳng thừng, dứt khoát như vậy. Cần phải nhớ đến tuổi tác của mình để sử dụng chúng có ý nghĩa, để biết quan tâm đến sức khỏe của mình và những người thân thuộc.

Trẻ con không đọc sách về sau sẽ bị lú lẫn như người già

Shigaeki khẳng định: "Chẳng có thuốc nào chữa được bệnh lú lẫn tuổi già - đó là một quá trình không thể đảo ngược. Nhưng có cách phòng ngừa nó và cần phải luyện từ nhỏ!". Ông coi việc luyện tập đầu óc là yếu tố chính giúp con người sống đến trăm tuổi mà vẫn giữ được đầu óc minh mẫn, trí nhớ tốt.

Muốn sống lâu ư? Đừng nghiêm trọng hóa cuộc sống!

Câu này Shigeaki viết ra lần đầu trong bài "Sống biết cách". Bài đó ông viết khi đã 90 tuổi. Hinohara biết cách vui vẻ trước từng điều nhỏ nhặt trong cuộc sống giống như trẻ thơ: ông vui khi đến ngày nghỉ, vui với thời tiết tốt, với bầy chim bay trên bầu trời. Hinohara coi việc luyến tiếc thời trẻ và hoài niệm quá khứ như là sự đọc lại một cuốn sách cũ, nó không đưa lại năng lượng cho đầu óc con người để sống.

Cần tiếp xúc không chỉ với những người cùng tuổi mà cả với lớp trẻ

Lời khuyên này vị bác sĩ đưa ra trong cuốn sách "Sống lâu, sống khỏe". Vì sao ông lại nhấn mạnh đến việc tiếp xúc với lớp trẻ? Đấy là để thấy được một cách trực quan thái độ đối với cuộc sống nên như thế nào: không lo âu, lạc quan và vui sướng, bởi vì những người trẻ sống bằng hôm nay. Toàn bộ thực chất là ở đấy.

Hãy làm việc tận tâm đến ngày cuối cùng

Đó là đơn thuốc sống lâu thực sự của người Nhật Bản. Tất cả những người sống lâu và tác giả của những phương pháp trường thọ đều đúng là làm việc đến hơi thở cuối cùng. Họ có một cuộc sống xã hội tích cực. Vì thế họ không sợ bị lú lẫn. Bản thân Hinohara cũng thường làm việc bảy ngày một tuần và ở lại chỗ làm đến 18 tiếng một ngày đêm. Theo ông, trước 60 tuổi chúng ta sống còn tính đến bản thân và gia đình, nhưng sau 60 chúng ta có thể mang lại lợi ích thực tế cho xã hội.

Năng lượng đến không phải từ bữa ăn hay giấc ngủ, mà đến từ sự tự cảm tốt

Vị bác sĩ lấy bọn trẻ làm thí dụ: chúng chạy nhảy chơi đùa suốt ngày mà không cảm thấy đói hay buồn ngủ. Bọn trẻ mải việc của chúng không để ý đến thời gian trôi và không thấy cần phải tuân thủ chặt chẽ bảng thời gian biểu. Hinohara khuyên mọi người không nhốt mình vào khuôn khổ lịch ngày, không nhất thiết phải ăn theo bữa, phải ngủ đúng giờ.

Người sống thọ không bao giờ lo thừa cân

Hinohara chẳng hạn cân nặng 60 ký và duy trì chế độ ăn ít. Ông cho rằng việc cắt giảm lượng calo và cholesteron cần dùng sẽ hạ thấp nguy cơ xơ cứng động tĩnh mạch - một trong những nguyên nhân chính của hàng loạt thứ bệnh. Khi trẻ cơ thể cần một lượng lớn calo, nhưng sau tuổi 60 thì tình hình thay đổi. Theo ông chỉ cần ăn đầy 70% dạ dày là đủ.

Phải có kế hoạch cho mọi việc

Bác sĩ Hinohara khuyên nên học theo thanh niên, sống cho hiện tại. Nhưng đồng thời phải biết hoạch định công việc của mình và ghi chúng vào nhật ký. Ông kể là sổ chi chép của ông thường đầy các kế hoạch dự định trong vòng 5 năm. Khi Hinohara qua đời ở tuổi 105 thì nhật ký của ông đã ghi các kế hoạch cho 5 tháng tới. Lập kế hoạch là một cách tốt để ngăn ngừa sự lú lẫn. Và chúng giúp sống lâu hơn.

Hàng năm phải đi khám bệnh nhưng đừng coi y học là phép thần tiên chữa bách bệnh

Ông khuyên đừng quá để ý đến bệnh tật. Trong liệu pháp chữa bệnh việc tránh nghĩ nhiều về bệnh có khi còn tốt hơn thuốc gây mê. Hinohara khẳng định liệu pháp âm nhạc, tiếng cười cởi mở và lối sống năng động sẽ giúp chống chọi với nhiều thứ bệnh hơn là thuốc men.

Đừng mang vào cuộc sống của mình quá nhiều tiện nghi

Trong nhà bạn có thang máy? Thì bạn cứ bấm thang mà lên tầng. Còn Hinohara thì ngay khi tuổi đã rất già vẫn đi bộ lên cầu thang, hơn nữa, còn cùng lúc bước hai bậc một để bắt các cơ bắp phải vận động nhiều.

Đừng tích lũy vật chất

Đó là một quá trình vô nghĩa, chẳng hay ho gì. Hinohara thường nói rằng chúng ta không bao giờ biết được khi nào giờ của mình sẽ điểm. Và chúng ta không mang theo được gì khi từ giã cõi đời. Thực tế là con người sống không cần phải có nhiều thứ, chẳng qua là họ cứ chạy theo khuôn mẫu cuộc sống giàu có để rồi tự làm khổ mình. Nên tốt nhất ta hãy nghĩ đến hình ảnh mình để lại trong tâm trí của những người thân thuộc, gần gũi, thậm chí cả của những người xa lạ.

Sống tích cực là điều quan trọng

Hinohara là người có khiếu hài hước, mỉa mai. Ông khuyên ngay cả trong những tình huống khó khăn, phức tạp cũng phải nên tìm ra những mặt tích cực. Ông sống lạc quan và khuyên mọi người cũng nên sống như vậy.

Đừng làm điều gì mà bạn không muốn làm

Bác sĩ Hinohara viết trong các sách của mình rằng đi ngược lại chính mình là có hại cho sức khỏe và không giúp cho việc sống lâu. Hiển nhiên, có những việc mà chúng ta buộc phải làm trong vai cha mẹ, vợ chồng, thành viên của xã hội. Đó là bổn phận và trách nhiệm. Nhưng nếu có khả năng lựa chọn thì tội gì bắt mình phải làm những việc không muốn làm.

Hãy biết giải trí nghiêm túc

Đó là một thứ ngọn lửa đốt cháy bên trong chúng ta và soi sáng cuộc sống chúng ta không ngừng nghỉ. Hinohara nhấn mạnh rằng trong quá trình lão hóa chất lượng cuộc sống của người nào cũng bắt đầu phụ thuộc ngày càng nhiều vào các thú vui của họ và mức độ thực hiện các thú vui đó. Còn khi cảm giác muốn tĩnh lặng xuất hiện thường xuyên hơn thì đó là bước đầu đến ngưỡng cuộc sống. Cần phải tăng cường giao tiếp, dành nhiều thời gian cho những việc yêu thích, tìm thêm những thú vui mới, lên các kế hoạch - những cái đó sẽ thúc đẩy đi lên phía trước. Khi đó không còn thời gian đâu mà chán nản, bi quan. Tâm hồn dù ở tuổi 70, 80, 90 vẫn cứ là trẻ trung. Đừng để hứng thú với cuộc sống của bạn biến thành ngọn lửa leo lét, hắt hiu. Hãy sống mỗi ngày với đầy những công việc thoải mái, những sở thích, những cuộc đi dạo, chơi đùa với các vật nuôi ở nhà.

Cho đến tận ngày cuối của một cuộc đời dài lâu và hiệu quả của mình Shigeaki vẫn còn chữa bệnh, vẫn tích cực hoạt động, đến sau tuổi 75 ông còn viết thêm được 150 cuốn sách. Cuốn "Sống lâu, sống khỏe" của ông rất phổ biến ở đất nước Mặt Trời Mọc.

Theo lời khuyên của bác sĩ Shigeaki Hinohara chắc bạn cũng muốn sống một cuộc đời dài lâu, tích cực và hạnh phúc. Thế sao bạn không bắt đầu ngay từ hôm nay? Bởi có gì đâu phức tạp để thực hiện những điều nói trên đây khiến bạn không chỉ khỏe mạnh hơn, mà còn vui vẻ, tốt lành và thông thái hơn.

Ngân Xuyên
.
.
.