"Gã khùng" và kỷ lục… ảnh chợ

Thứ Năm, 19/01/2017, 16:13
Đi khắp nơi, ông góp nhặt tinh hoa thuần túy nhất của dân tộc mà không đòi hỏi một sự xác nhận nào về công việc mình đang làm. Mỗi năm, số lượng ảnh tư liệu không ngừng tăng lên giúp cho việc tra cứu về địa chỉ mọi miền đất nước được thuận lợi. Kho ảnh của ông chính là một "bản đồ" đất nước với đầy đủ những địa danh nhỏ bé, sâu xa, hẻo lánh nhất. Những ai cần tư liệu về chợ Việt Nam đều có thể tìm ông để tham khảo.


Thú đam mê kỳ lạ

Đặt chân đến 63 tỉnh, thành với trên 2.000 bức ảnh về chợ Việt Nam, kỉ lục gia Hồ Đại Phước (ngụ quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) vẫn chưa chịu dừng bước trong hành trình xuyên Việt để khám phá về các ngôi chợ.

Nhiều người gọi ông là "gã khùng" với thú đam mê chẳng giống ai. Đam mê chụp ảnh từ nhỏ nhưng vì chưa có điều kiện nên ông đành phải gác lại ước mơ.

Năm 1993, gia đình có chút của ăn, của để, là lúc niềm đam mê bừng cháy, ông quyết định đi mục sở thị khắp các vùng miền để chụp ảnh về chợ. Ý thích khác người cùng với việc làm không công tốn của ấy khiến ông bị cho là khùng, là gàn dở.

Nhiều người hỏi ông sao không đi chụp phong cảnh, di tích lịch sử hay chụp người đẹp chẳng hạn, ông bộc bạch: "Đời sống phát triển, nhu cầu đi du lịch của con người rất cao. Ai cũng chọn những địa danh nổi tiếng để đi và chụp những bức ảnh  đặc trưng của vùng miền họ tới. Tôi đã từng suy nghĩ rất nhiều về việc chụp ảnh lưu niệm và tôi nhận ra rằng, ở mỗi địa phương thì chợ là phản ánh chân thực về cuộc sống cũng như nếp sinh hoạt của con người".

Hồ Đại Phước tìm thấy những phong tục và nét đẹp rất riêng ở các ngôi chợ. Con người ở chợ là sự pha tạp mọi thành phần, thể hiện được sự chân thật đúng như trong đời thường.

Đi đến đâu, ông đều tranh thủ hỏi thăm người dân về lịch sử phát triển của từng ngôi chợ, về văn hóa và phong tục làng quê. Thấy phong thái bảnh bao, đầu tóc lúc nào cũng bóng lộn, cộng thêm chiếc xe ôtô màu xanh nước biển láng cóong, nhiều người tưởng ông là Việt kiều về nước.

Nhìn thấy ông quan sát, ngắm nghía rất lâu rồi mới đưa máy lên chụp, họ hỏi: "Chụp chợ về để sửa chữa, tu bổ phải không? Thôi ráng làm cho dân chúng tôi nhờ".

Kỉ lục gia Hồ Đại Phước với 5 tấm hình chợ đại diện cho chiều dài hình chữ S.

Hiện nay, trong tủ nhà ông có hơn 100 bộ album lớn bé, lưu giữ suốt 20 năm ông đi khám phá về chợ. Những năm đầu tiên, khi máy chụp hình kĩ thuật số chưa phổ biến, ông chụp bằng máy phim với những tấm hình đơn sơ, bố cục còn lộn xộn. Bây giờ hiện đại, ông dùng máy ảnh kĩ thuật số cùng với việc nâng cao tay nghề chụp ảnh nên những bức ảnh dần đi vào khuôn nếp, bố cục rõ ràng, sắc nét.

Dần dần ông xây dựng cho mình một chủ đề cụ thể. Những tấm hình chợ và hồn người trong ảnh hiện lên rõ rệt, hài hòa, chân thực. Từ những ngôi chợ có tên đến những ngôi chợ không tên, tất cả đều thể hiện một cách sống động trong những bức ảnh của ông.

Hầu như ai gặp ông lần đầu tiên cũng cảm thấy thoải mái bởi khí chất cởi mở của một ông già Nam Bộ. Thay vì khề khà rượu chè với những bạn đồng niên thì ông lại lái xe đi chụp chợ. Rất thuận lợi là vợ con ông không ai phản đối, vì đã hiểu quá rõ tính cách của ông, đã thích đã mê thì đố ai cấm cản nổi.

Sau mỗi chuyến trở về, ông đổ ảnh ra máy tính, chọn lựa cẩn thận những tấm ưng ý nhất sau đó ra tiệm rửa thành những album theo từng chủ đề. Hàng ngàn tấm ảnh khác nhau, nhưng ông thuộc làu và nhớ từng chi tiết cụ thể nhất.

Tấm nào chụp ở đâu, chụp trong hoàn cảnh nào, đều được ông đánh ký hiệu riêng, rất khoa học và ghi chú thích rõ ràng. Trong đó, ảnh chợ TP Hồ Chí Minh chiếm tỷ cao nhất, sau đó đến các chợ phía Bắc.

Ông chia sẻ: "Có những chợ mình chụp xong một thời gian sau không còn nữa nên mình rất vui. Tôi lấy đó làm niềm hạnh phúc vì đã mấy ai còn lưu giữ được hình ảnh đương thời của một ngôi chợ đã bị phá".

Ông được xác lập kỉ lục Người chụp hình về chợ nhiều nhất Việt Nam.

Góp nhặt tinh hoa chợ

Bộ sưu tập ảnh chợ của ông Hồ Đại Phước đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam xác lập. Đã là kỉ lục gia, nhưng ông chưa bao giờ bằng lòng với những gì mình đang có. Ông tâm niệm, phải đi cho đến khi nào chụp được hết chợ Việt Nam mới thôi. Ông đã đặt chân đến 63 tỉnh, thành trong cả nước, nhưng để đi sâu, đi sát và chụp được tất cả chợ Việt nam thì vẫn chưa làm được.

Lần đi chụp ảnh về hai ngôi chợ ở điểm đầu và điểm cuối của đất nước, một mình ông đã rong ruổi hết 38 ngày từ Bắc vào Nam. Đặt chân lên địa đầu Tổ quốc chụp hình ngôi chợ Lũng Cú (Hà Giang). Sau đó, xuôi về đất mũi Cà Mau chụp hình chợ Đất Mũi.

Trong mỗi bức hình về chợ, ông đứng bên cạnh để chứng tỏ là ông đã từng đi đến nơi đó, đã tự tay chụp hình chứ không phải xin ảnh của ai. Hành trình ròng rã hơn một tháng trời, một mình một xe, mệt đâu nghỉ đó, ông như một con ngựa bất kham. Ông quyết tâm đi, một phần vì muốn thực hiện bộ ảnh chợ hoàn hảo, phần nữa là để thử sức dẻo dai và độ bền của cơ thể.

Để có được những tấm hình ấy, ông phải kiên trì và bền bỉ một thời gian dài. Vui buồn trên hành trình thì nhiều lắm.

Một mình một xe ôtô, ông rong ruổi khắp chiều dài đất nước chụp ảnh chợ.

Ông kể một kỉ niệm vui: "Lần đó xe đi qua địa phận tỉnh Quảng Ngãi thì bị CSGT thổi còi, yêu cầu dừng lại. Tôi được thông báo vi phạm chạy quá tốc độ cho phép. Lỉnh kỉnh máy ảnh, túi xách trên tay, tôi trình bày hoàn cảnh của mình với anh cảnh sát do mình ham ngắm cảnh đẹp quá nên không để ý. Nghe tôi nói thế, mấy anh công an cười và nhắc nhở. Vui quá, tôi mời chụp ảnh luôn. Sau đó thì quen, mỗi lần đi ngang qua đều gọi điện mời họ uống nước xong các anh còn dẫn tôi đi tham quan những thắng cảnh của địa phương".

Rồi lần khác, khi ông mải mê chụp hình về ngôi chợ có tên rất lạ, xong mải mê xem hình, ông bỏ quên luôn chân máy. Đi được mấy chục cây số thì sực nhớ ra, ông vội vàng quay lại tìm. Thấy ông, người chủ quán tươi cười trao lại chân máy và dặn: "Lần sau nhớ cẩn thận, gặp người xấu là mất tong đó".

Chợ Việt Nam muôn hình vạn trạng, có những cái không tên, hoặc tên lấp sau các gian kiốt nên thật khó để chụp được hình ảnh tên chợ. Gặp trường hợp như vậy, tay máy Hồ Đại Phước phải chụp toàn bộ phong cảnh chợ, sau đó chụp riêng một bảng hiệu có ghi tên chợ rồi về ghép lại.

Đến những chợ vùng biên hoặc gần khu vực quân sự, người ta không cho chụp hình, ông vào tận ban quản lý trình bày: "Tôi là kỉ lục gia chụp ảnh về chợ. Tôi rất cần có một bức ảnh về ngôi chợ của địa phương mình để hoàn thiện bộ sưu tầm". Nghe thế, họ vui vẻ đồng ý ngay.

Không những mê chụp ảnh chợ, ông còn thích chụp ảnh với bất cứ ai gặp ngoài đời.

Đi khắp nơi, ông góp nhặt những tinh hoa thuần túy nhất của dân tộc mà không đòi hỏi một sự xác nhận nào về công việc mình đang làm. Mỗi năm, số lượng tư liệu ảnh mới không ngừng tăng lên khiến cho việc tra cứu về địa chỉ mọi miền đất nước được thuận lợi. Kho ảnh của ông chính là một "bản đồ" đất nước với đầy đủ những địa danh nhỏ bé, sâu xa, hẻo lánh nhất. Những ai cần tư liệu về chợ Việt Nam đều có thể tìm đến ông để tham khảo.

Công việc chụp hình cần mẫn và thường xuyên của ông vừa mang dáng dấp một công trình nghiên cứu khoa học, vừa thể hiện nét đặc sắc vùng miền trong mỗi ngôi chợ. Kĩ thuật chụp ảnh của tác giả còn mang tính du lịch, chưa công phu, bài bản nhưng đã toát lên được đầy đủ khung cảnh đặc thù phía ngoài từng ngôi chợ

Ông chưa có ý định ngừng lại khi sức khỏe còn tốt và đặc biệt niềm đam mê du lịch và chụp ảnh chợ vẫn luôn thôi thúc ông phải đi đến tất cả những vùng đất có chợ để chụp. Trong hành trình chinh phục vùng miền và chụp những bức ảnh về chợ, ông Hồ Đại Phước đã tự mình làm một bài thơ về 5 tấm hình chợ đại diện cho đất nước hình chữ S:

Lũng Cú chợ ở đỉnh đầu
Thủ đô yêu dấu Đồng Xuân gọi là
Đông Ba giữa nước đấy mà
Bến Thành ghi dấu Bác ra nước ngoài
Vươn theo chữ S chiều dài
Tận cùng Đất Mũi trải dài Việt Nam

Ngọc Thiện
.
.
.