Gã lực điền trên "cánh đồng" chữ

Thứ Sáu, 21/06/2019, 13:53
43 tuổi đời, 21 năm làm báo chuyện nghiệp, xuất bản 27 tập sách đủ cả bút ký, phóng sự, truyện dài, chưa kể còn tham gia làm phim tài liệu với các đài truyền hình, vì thế gọi Đỗ Doãn Hoàng là “gã lực điền” có lẽ cũng không quá lời. Mê mải đi, mê mải viết, với Đỗ Doãn Hoàng, làm báo không chỉ là nghề kiếm sống mà trở thành cái nghiệp đầy đam mê.


1. Lần đầu gặp Đỗ Doãn Hoàng vào năm 2001 ở tòa soạn Báo An ninh thế giới (100 Yết Kiêu) khi Hoàng vừa chuyển từ Báo Thanh Niên sang, tôi bị ấn tượng ngay bởi cái bộ dạng… lôi thôi của Hoàng khi thấy gã mặc quần âu nhưng lại đi… giầy thể thao và lúc nào cũng khoác cái áo gile ký giả.

Ngày ấy, phần lớn những người đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, nhưng Hoàng hễ ngồi lên cái xe Suzuki GN 125 to kềnh càng (mà hình như rất ít khi được rửa sạch sẽ) là đội sùm sụp cái mũ bảo hiểm màu mận chín che kín hết cả đầu. Đã thế, phía sau đuôi xe còn gắn thêm cái thùng nhựa để đựng đồ nên nhìn chả khác gì bộ dạng của ông già.

Tôi đã có vài năm ngồi chung căn phòng làm việc trên tầng 4 ở 100 Yết Kiêu với Hoàng nên quá hiểu cái sự… lôi thôi của gã. Có hôm, vừa đầu buổi sáng đến cơ quan, mở cửa phòng đã thấy Hoàng đang… nằm ngủ trong khi vẫn mặc nguyên bộ quần áo đỏ quạch bụi đường, đôi giầy cũng đầy bùn đất. Hỏi thì hắn bảo đã chạy xe máy cả đêm từ Yên Bái, 4 giờ sáng mới về đến Hà Nội nên không về nhà nữa mà chạy thẳng lên cơ quan nằm ngủ.

 Cái sự lôi thôi của Hoàng khó có thể kể hết, ngay cả cái cách gã mặc đồ cũng không giống ai, vì nó không theo một nguyên tắc phối màu nào, mà rất tùy hứng. Nếu mùa Đông, trên người Hoàng có lúc tới… vài màu mà không có cái nào cùng tông với màu nào. Sau này, dù đi ôtô, nhưng trong xe của gã lúc nào cũng bừa bộn đủ thứ trên đời, vì Hoàng bảo cái xe này cũng là cái nhà di động của gã, khi cần là có thể lên đường bất cứ lúc nào nên cái gì cũng phải có sẵn.  

2. Nhưng, khác hẳn với vẻ lôi thôi trong ăn mặc, với công việc, Hoàng là người rất nghiêm túc. Những năm làm phóng viên Báo An ninh thế giới, Hoàng đi công tác triền miên, có đợt đi cả tháng mới thấy về đến tòa soạn. Ngày ấy, lương phóng viên thấp, nhuận bút của Báo An ninh thế giới 1 triệu một bài phóng sự nhưng cũng chẳng bõ bèn gì so với chi phí dọc đường nên nhà báo Nguyễn Như Phong, khi ấy là Phó Tổng biên tập phụ trách nội dung tờ An ninh thế giới tuần, vừa trực tiếp quản lý phóng viên, có cơ chế rất hay là khuyến khích phóng viên đi công tác xa, không chỉ đi các tỉnh phía Bắc mà đi cả các tỉnh phía Nam. 

Ông đề nghị Tổng biên tập hỗ trợ vé máy bay, hỗ trợ thêm tiền công tác phí cho phóng viên đi các vùng miền, càng xa càng tốt, vì ông bảo viết phóng sự thì phải đi, đi để mở mang hiểu biết, đi để tích lũy vốn sống, và quan trọng là viết phóng sự thì phải đi thì mới có bài vừa hay vừa lạ được. Nhờ cái cơ chế ấy mà Hoàng đi suốt, bởi Hoàng bảo thích đi lang thang như thế, kể cả phải vay tiền cơ quan để đi công tác Hoàng cũng sẵn sàng vay rồi “trả nợ” dần bằng… bài, chứ ở Hà Nội một tháng thôi là gã thấy cuồng chân.

Chính cái máu thích phiêu lưu ấy nên gần 20 năm trước, Hoàng đã quyết định dụ khị Lê Thế Vinh, phóng viên báo điện tử Vietnamnet (Vinh giờ là Phó Tổng biên tập tờ báo này) đi bộ cả tuần từ trung tâm huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) vào vùng ngã ba biên giới Việt- Trung- Lào để… viết phóng sự. Đọc phóng sự của Hoàng mới thấy, ngoài cái sự chịu đi còn là chịu đọc. Hoàng có cách lấy tư liệu rất kỹ, “đào bới” cả lịch sử của những vùng đất mà Hoàng đến, vì thế đọc phóng sự sẽ có cảm giác như được đi du lịch cùng tác giả, còn những người đi sau sẽ có cảm giác không còn gì để viết lại nữa.

Đỗ Doãn Hoàng tác nghiệp tại Nam Phi.

3. Năm 2005, Hoàng chuyển sang Báo Lao Động và được làm phóng viên đặc biệt, nghĩa là phóng viên nhưng không thuộc biên chế bất cứ ban nào mà do… Tổng biên tập trực tiếp phụ trách, có thể cả tuần, thậm chí cả tháng mới đến cơ quan một lần. 

Về Báo Lao Động, Hoàng vẫn mê mải đi, đi hết Việt Nam thì Hoàng tìm cách đi nước ngoài, từ Đông Nam Á, tới châu Á, rồi châu Âu, châu Mỹ, châu Phi. Có lần Hoàng tự sự rằng: “Đôi lúc tôi tự hỏi, nghề viết sẽ đưa mình đến đâu. Trang viết, cũng như cuộc đời bao giờ cũng thế, nó luôn thắp lên trong ta cái khát vọng được đi đến tận cùng của cảm xúc và sự chứng thực. 

Đến một ngày tôi nhận ra vẻ đẹp và sự mê dụ của những chuyến đi như thế. Đời làm phóng sự của tôi, đã được đi đến những miền hoang thẳm và xa ngái bậc nhất địa cầu. Không bị mê dụ, không có cảm giác biết ơn số phận sao được, khi mà nghề phóng sự đã cho tôi được đặt chân đến con đèo cao nhất thế giới mà không có xe cơ giới có thể đi qua (ở Tây Tạng). Rồi chứng kiến quả núi lạ lùng mà ở đó người ta làm lễ, chặt xác người quá cố ra, dụ kền kền đến đem từng miếng trần gian trong tủy cạn lên giời (điểu táng). 

Lại có một bình minh lang thang trên sông Hằng, tận thấy cư dân Ấn Độ hỏa táng cập rập với bao nhiêu thi thể người rồi rải tro cốt xuống bến nước chúng tôi đang nhẩn nha cho chim nước ăn. Ngày đẹp trời nào đó, tôi đi làm bài cho số Tết, xem “Hoa vẫn thắm bên bờ hai biển lớn” Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, để rồi Mũi Hảo Vọng (Cape Town, Nam Phi) mời tôi bơi hai sải thỏa tang bồng mà trườn từ biển lạnh sang biển ấm. Ngoài kia, hàng nghìn con chim cánh cụt, cả một đảo phủ kín hải cẩu. Đường về, cá voi gù lưng, dựng vây như thanh bảo kiếm đen kịt giữa đại dương, quây quanh các dãy núi Mười Hai Vị Tông Đồ...”.

Vì thế, khi được giao nhiệm vụ tổ chức bài cho Chuyên đề Cảnh sát toàn cầu, người đầu tiên tôi nghĩ đến “xin” bài là Đỗ Doãn Hoàng. Đọc phóng sự du ký của Hoàng, dù đề tài nào cũng vẫn thấy có sự thú vị của một người thích khám phá và khả năng ngôn ngữ rất phong phú. Vì thế, đôi khi những câu chuyện tưởng chẳng liên quan gì với nhau nhưng Hoàng vẫn “gói” được hết vào trong một bài phóng sự.

Sau này, ngoài viết phóng sự du ký, Hoàng còn đầu tư vào mảng phóng sự điều tra và cũng gặt hái được nhiều thành công. Bởi anh bảo rằng trách nhiệm của người làm báo còn phải bênh vực những người yếu thế. Có nhiều loạt phóng sự điều tra của Hoàng đã thực sự gây chấn động. Có những vụ điều tra kéo dài cả năm trời, câu chuyện vẫn còn những góc khuất. Bằng những loạt bài điều tra này, nhiều phận đời oan khuất nhờ có Hoàng lên tiếng, theo đuổi đến cùng sự việc mà được minh oan.

Cũng vì cái đam mê đi và viết ấy mà Hoàng được mời tham gia vào nhóm nhà báo môi trường, đi đến tận Nam Phi để viết bài bảo vệ môi trường, bảo vệ loài tê giác sắp tuyệt chủng vì nạn săn bắn của con người. Năm 2015, Hoàng được bầu chọn là nhà báo xuất sắc trong lĩnh vực điều tra chống lại nạn giết hại, buôn bán động vật hoang dã, với các chuyến tác nghiệp xuyên quốc gia...

4. Cuối tháng 4-2019, Đỗ Doãn Hoàng gửi tặng tôi bộ 3 quyển sách mới nhất vừa xuất bản được đóng hộp rất đẹp: “Búi Thông thơ dại” (truyện dài); “Trong tận cùng hang ổ” (phóng sự điều tra); “Ở lại với ngàn sao” (du ký). Dù đã đọc những phóng sự này được Hoàng in rải rác trên các báo, nhưng khi tập hợp thành sách, vẫn thấy sức đi và viết của Hoàng thật đáng nể. Ở đó không chỉ là những chuyến đi cho thỏa chí được khám phá những vừng đất mới, được sống tận cùng với những số phận, mà còn có cả những trăn trở của người làm báo trước mỗi sự việc, mỗi thân phận người.

Đã có nhiều đồng nghiệp viết về bộ sách mới này của Hoàng, nhưng tôi tâm đắc với những lời nhận xét của chị Nguyễn Lê Hương, Giám đốc Chi nhánh Công ty Du lịch Vietravel tại Hà Nội, rằng: “Những bài viết sau, và thậm chí ngay trong các chuyến lang thang tới rất nhiều vùng đất trên thế giới của Đỗ Doãn Hoàng không phải là cẩm nang du lịch, mà nó gợi cho người đọc cái ham muốn được đi, khám phá, cảm nhận, như là những xúc cảm mạnh mẽ, mơ mộng mà anh thể hiện trong từng câu, từng chữ (…). 

Các bài viết đậm tính khám phá, mơ mộng và lãng mạn của Hoàng không chỉ gợi lên ở người đọc cái ham muốn xê dịch mà còn truyền cảm hứng thêm cho những người làm du lịch cái ham muốn được giới thiệu nhiều hơn nữa về những vùng đất thú vị tới đông đảo bà con ta. Sự có mặt của Hoàng trong các chuyến đi luôn mang tới những thú vị, bất ngờ. Hoàng là người đi nhiều, đọc nhiều, yêu thiên nhiên, và là một người ham học hỏi với trí nhớ đặc biệt tốt. 

Đỗ Doãn Hoàng cùng một đồng nghiệp Nam Phi.

Cho nên, khi Hoàng lên đường, không chỉ là mang theo sự háo hức chuẩn bị khám phá một vùng đất, mà Hoàng còn mang theo cả một kho tư liệu không nhỏ đã được tích luỹ từ khi nào đó. Tôi nghĩ, từ hàng thập kỉ trước. Và hễ có dịp là anh trở thành một hướng dẫn viên tự nguyện và thân thiện nhất cho tất cả bạn đồng hành. Hoàng có thể nói không mệt mỏi suốt cả một chặng đường, cầm mic, trên xe, trên tàu, đi bộ… vừa đi vừa nói, khúc chiết và rất khôi hài (…). 

Cái cách đi ào ào, vừa đi vừa nói quá cởi mở của Hoàng đôi khi khiến người ta nghĩ rằng, sẽ chẳng có lúc nào Hoàng dừng lại để… nghỉ ngơi. Và tôi cũng từng không hình dung được là Hoàng viết vào lúc nào. Nhưng có một chi tiết mà tôi rất nhớ ở Hoàng, đó là anh thường xuyên bật máy tính lên làm việc trong suốt các chuyến bay dài. Trong cuốn sách này, ở bài cuối cùng, trên chuyến bay từ Indonesia về Việt Nam, transit qua Malaysia, Hoàng đã viết một bài trọn vẹn hơn 5.000 chữ về chuyến đi ấy, kèm theo một bộ ảnh đầy xúc cảm về hai ngọn núi lửa đang hoạt động Bromo và Ijen. 

Hoàng khiến tôi kinh ngạc. Vì hầu hết sau các chuyến đi, di chuyển qua nhiều vùng địa lý, khí hậu khác nhau, trên nhiều loại phương tiện, mọi người đều mệt lử. Và chuyến bay về chính là chuyến để… ngủ. Vậy mà Hoàng thì bật Macbook sạc đầy ngồi viết…”.

5. Vài năm gần đây, ngoài viết báo, giữ chuyên mục cho một số tờ báo, Hoàng còn tham gia làm phim tài liệu với một số đài truyền hình. Thỉnh thoảng gọi điện đặt bài, lại thấy Hoàng nói đang ở một tỉnh xa lắc, thậm chí nhiều lúc điện thoại không gọi được, liên lạc qua email mới biết Hoàng đã ở nước ngoài, và sau những chuyến đi ấy, thế nào Hoàng cũng sẽ gửi cho vài phóng sự.

Đi và viết, với Hoàng có lẽ cái nghiệp ấy sẽ còn là niềm đam mê đeo đẳng lâu dài.

Nguyễn Thiêm
.
.
.