Gia tài của lão nghệ sĩ hát bội

Thứ Hai, 09/05/2016, 11:22
Người nghệ sĩ tuy đã vào tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng dáng người thẳng, lưng thẳng, điệu bộ dứt khoát và chẳng nề hà lên xuống hai tầng lầu căn nhà mỗi ngày. Khuôn mặt ông dù đã mang nhiều vết thời gian nhưng bộc toát được sự nhanh nhẹn. Ông nói, việc thường xuyên đi diễn cũng rèn được cho ông thói quen và tinh thần dẻo dai để tiếp tục bám nghề.


60 năm ăn cơm Tổ

Người nghệ sĩ thoáng chút trầm ngâm chỉnh lại gọng kính, chậm rãi hồi tưởng lại khi ông còn là cậu bé 12, 13 tuổi được cha là ông Lê Phước Hoài chỉ dạy cho cách hát, cách đi đứng và điệu bộ trên sân khấu.

Ông Lê Hữu Lập, sinh năm 1943, được anh chị em trong nghề gọi bằng tên thân mật “Út Tèo”, là một trong những nghệ sĩ hát bội lớn tuổi nhất hiện nay và được những nghệ sĩ lão luyện trong nghề kính trọng.

Nghệ sĩ Hữu Lập trong một số vai tuồng cổ.

Ông Hữu Lập đi hát từ những năm 50 của thế kỷ trước trong gánh hát gia đình đã truyền đến đời thứ ba: gánh hát bầu Liêu. Bầu Liêu là tên gọi của nghệ sĩ Lê Văn Liêu, một kép chính, bầu gánh nổi tiếng lúc bấy giờ trong giới nghệ thuật miền Nam, và là ông nội của ông Hữu Lập.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống hát bội khi ngoài ông, cha ra còn có cô là “đào chánh” Ba Đắc nổi tiếng, máu nghề trong Hữu Lập được nuôi dưỡng sâu đậm dần theo năm tháng.

Lăn lộn trên sân khấu đến khi trưởng thành, năm 18 tuổi, ông được theo thầy, nghệ sĩ Tám Diều học nghề bài bản hơn. “Cha mẹ và thầy thấy tôi có khiếu múa võ nên đào tạo chuyên diễn kép võ từ đó đến nay. Dù là vai chính hay dàn bao (diễn phụ trợ quanh kép-đào chính) vai nào tôi cũng diễn được. Thế mạnh của tôi là còn ở những vai tướng hay vai hề, ngoài kép võ”, ông nói.

“Trước năm 1975, nhất là vào thập niên 60, cải lương và hát bội nói chung rất được ưa chuộng. Người làm nghề cũng được đi hát thường trực và dễ sống. Khi đó, cải lương được ưa chuộng hơn nên các gánh hát bội-tuồng cổ thường pha cải lương, Hồ Quảng để hút khán giả. Một người làm nghề có thể nuôi được cả nhà”, ông nhớ lại.

Quay sang nhìn người vợ tóc lấm chấm bạc, ông kể, ngày xưa khi cưới bà Nguyễn Thị Bạc, con gái của nghệ sĩ Kim Huê (đoàn Tam Kim Huê), ông dắt díu cả vợ con đi theo mình. Nhưng vợ ông không theo nghề mà chỉ đứng phía sau lo cho gia đình.

 Trong suốt đời xướng ca, ông đã từng theo hơn chục đoàn khác nhau, từ những đoàn ở Sài Gòn như: Huỳnh Thành, Tấn Thành B (đình Phú Hoà), Chánh Thần (tiền thân đoàn Huỳnh Long), Tấn Thành-Năm Đồ, Chánh Thành Ngọc Mai; cho đến những đoàn ở Vĩnh Long như Đồng Thinh, hay đoàn Viên An ở Cà Mau.

“Ngày nay, tôi chỉ còn hát thường xuyên ở đoàn Minh Sen (TP Hồ Chí Minh), đoàn Hồng Cúc (Bến Tre), cũng như hát các lễ kỳ yên, hát chầu ở tỉnh theo lời mời của bà bầu Hoá, bầu Quý”, ông lẩm nhẩm. Vai Phàn Định Công, Trịnh Ân, Ôn Đình (tuồng San Hậu), hay Đường Thái Tông (tuồng Phàn Lê Huê) đều là những vai kinh điển của ông.

Lục chiếc rương gỗ ở góc nhà, có gần 10 quyển album chụp lại những vai diễn của ông, những khoảnh khắc rong ruổi cùng đoàn hát từ trước năm 1975 đến nay. Chỉ vào một bức ảnh phim mờ đục chụp hồi thập niên 1990 khi diễn ở Lăng Ông-Bà Chiểu, ông nói, khi môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc đến hồi thoái trào, những gánh hát bắt đầu tan rã, nghệ sĩ tìm đường khác mưu sinh, còn những ai bám trụ được thì phải tìm nghề tay trái mới mong tồn tại nổi.

Thu nhập của bản thân, ông nói, giảm sút rất nhiều theo vòng suy thịnh của nghề. Vào “mùa hát” tháng giêng, tháng hai, tháng ba hay tháng 11 âm lịch, những đoàn hát có nhiều lời mời ở các đình, miếu. Mỗi nơi ông hát từ 1-3 suất, với mỗi suất khoảng 350.000 đồng. “Có khi, mỗi tháng thu nhập chỉ được có 1 triệu đồng, nếu không đúng mùa”, ông nói.

"Bách khoa toàn thư sống" của hát bội

Sinh thời, nghệ sĩ Lê Phước Hoài, cha ông ngoài tài năng ca hát còn là một biện tuồng, tức người làm công việc biên soạn kịch bản, tuồng tích cho các vở diễn. Thừa hưởng khả năng đó từ cha, ông Hữu Lập đã gom góp cho mình gia tài đồ sộ hơn 500 kịch bản tuồng khác nhau, tích luỹ được từ kho sách và tài liệu về tích xưa. Tất cả kiến thức về hát bội-tuồng cổ đều nằm trong nghệ sĩ này.

Nghệ sĩ Hữu Lập bên những kệ chứa kịch bản và tài liệu về bộ môn tại nhà riêng.

Một góc căn phòng thờ kiêm phòng lưu giữ những tài liệu quý trên tầng hai, ông Hữu Lập chỉ vào hai kệ lớn chất đầy kịch bản tuồng, cho biết không thể nhớ hết được số kịch bản mà mình đã viết trong suốt cuộc đời. Số kịch bản ước chừng trên 500 vở là số ông còn giữ lại được, chưa kể một số khác đã thất lạc.

Nằm cạnh kệ đựng kịch bản, hơn 300 quyển sách cổ, ghi chép lại tuồng tích. Lướt đôi bàn tay qua chồng sách, ông nói, “tất cả đều là sách hiếm xuất bản trước 1975, nhờ chúng mà tôi có kiến thức, cảm hứng và động lực sáng tác”.

“Những kịch bản này ngoài viết cho các gánh hát, còn được dùng cho các vở tuồng của đài truyền hình thành phố và các hội diễn”, ông kể. Vào thời điểm giao thời những năm 1980-1990, một kịch bản của ông viết cho đài truyền hình được trả đến 12 đồng, “gấp bốn lần tiền một suất hát”, và “trong khi lương kép chính cũng chỉ khoảng bao nhiêu đó, có khi không bằng”, ông tếu táo.

Ngoài kịch bản, ông còn một cuốn sách chép tay bảo lưu chi tiết cách vẽ mặt trong nghệ thuật hát bội - tuồng cổ. Lật xem từng trang, ông giải thích: “Tôi vẽ lại khuôn mặt của những nhân vật kinh điển trong hát bội như Trình Giảo Kim, Tạ Ôn Đình, Phàn Định Công, Dư Hồng; đường nét tôi đều ghi nhớ và hệ thống hết lại”. Quyển sách hơn 100 trang, mỗi trang là một khuôn mặt với chú thích chi tiết đều được ông tỉ mẩn vẽ tay hết sức kỳ công.

Lục trong mớ hình ảnh, kỷ vật trong chiếc gương gỗ kê sát góc tường, ông khoe gia tài hàng chục bằng khen, bằng chứng nhận viết kịch bản cho các hội diễn trải dài từ Nam tới Trung. Tất cả đều được ông cẩn thận sao chép ra nhiều bản và đem ép nhựa.

Có những tấm hình, bằng khen có tuổi đời trên 20 năm nhưng không hề lấm một vệt bụi, ít vết xước, sáng tinh tươm, chứng tỏ chủ nhân của nó đã mang ra nhìn ngắm, lau chùi thường xuyên bằng sự trân trọng nghề nghiệp của mình.

73 chưa phải là già

Người nghệ sĩ tuy đã vào tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng dáng người thẳng, lưng thẳng, điệu bộ dứt khoát và chẳng nề hà lên xuống hai tầng lầu căn nhà mỗi ngày. Khuôn mặt ông dù đã mang nhiều vết thời gian nhưng bộc toát được sự nhanh nhẹn. Ông nói, việc thường xuyên đi diễn cũng rèn được cho ông thói quen và tinh thần dẻo dai để tiếp tục bám nghề.

Rất khó để gặp được ông vì ông cứ đi như con thoi giữa các đoàn hát, di chuyển thường xuyên từ TP Hồ Chí Minh đi tỉnh và ngược lại. Sáng nay thấy ông vừa về từ Vĩnh Long, hôm sau đã thấy ông gói ghém balo theo đoàn Ngọc Khanh đi hát ở ngoại ô TP Hồ Chí Minh.

Ông Hữu Lập kể: “Đi diễn ở TP Hồ Chí Minh hay Vũng Tàu thì thời tiết dễ chịu hơn, diễn ở các tỉnh miền Tây thì nắng nóng nhưng bù lại khán giả ở quê rất mê coi hát, coi mà không nhả”. Vừa trở về từ chuyến lưu diễn một tuần lễ ở Bến Tre, hôm sau ông đã chuẩn bị cho ngày kế tiếp diễn ở Bà Rịa-Vũng Tàu.

Nỗi vất vả trên những chuyến đi xa, ông nói: “Ở quê diễn thường phải trên 5 tiếng đồng hồ, vừa hết lớp diễn của mình, cái áo bên trong vắt ra nước nhưng đành chịu để diễn tiếp, vì có khi vai của mình phục trang rất dày”.

Đợt diễn dài nhất ông đi có khi đến 15 ngày ròng. Khi đi diễn xa, ông thường bắt xe bus từ nhà ở đường Lạc Long Quân, quận 11 đến bến xe miền Đông hoặc bến xe miền Tây rồi đi tiếp. “Tôi thường đi một mình, hành lý chỉ có chiếc balo. Nếu đợt diễn nào cần nhiều phục trang thì tôi phải đùm túm mang đem, nếu phục trang có sẵn thì tôi chỉ xách theo”, ông giải thích.

Thường trực hát cho đoàn Minh Sen (nghệ sĩ Đinh Minh Sen), thỉnh thoảng khi sắp xếp được, ông lại “chạy” sang hát cho đoàn Ngọc Khanh, nơi ông và bà bầu – NSƯT Ngọc Khanh đã diễn chung với nhau từ hồi đôi mươi. “Tụi tôi hiểu ý nhau và hợp rơ lắm”, ông cười.

Nói về bậc tiền bối, nghệ sĩ Minh Sen không giấu được sự ngưỡng mộ và kính trọng tuyệt đối. Nghệ sĩ Minh Sen bày tỏ: “Dù được may mắn làm bầu, nhưng với tôi, anh Hữu Lập vẫn là đàn anh mà tôi tuyệt đối kính nể từ những ngày đầu biết anh cho đến khi mời về cộng tác với đoàn từ năm 1992 đến nay. Nhờ anh hết lòng hết sức cống hiến cho nghệ thuật, những vở tuồng do anh viết kịch bản đã đem dựng và đoạt hai huy chương vàng của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch năm 2003, và Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2006”.

Ở tuổi thất tuần, ngoài đi hát, ông còn đi vẽ màn trướng, áo bà, vẽ tường cho các đình miếu, cơ sở tâm linh. Hình vẽ ở các đình Tân Hội (An Sương, quận 12), miếu Bà Thiên Hậu (quận 2), đình Chí Hoà (quận 1), hay đình Nhơn Trạch (Vũng Tàu) đều được tạo nên dưới bàn tay ông.

Ông cho biết: “Tất cả hình đều do tôi tưởng tượng, xem tài liệu mô phỏng mà sáng tạo ra”. Những hình vẽ đó cũng được chụp lại trong cuốn sổ ở nhà. “Nếu người ta vẽ cho một đình lấy tiền từ 20-30 triệu thì tôi chỉ lấy từ 2-3 triệu, coi như làm công quả, báo đáp Tổ nghiệp đã nuôi dưỡng mình”.

Chỉ những bức hình gia đình của năm cô con gái cùng cháu ngoại treo trên tường, ông nói: “Mang bệnh rối loạn tiền đình hơn 14 năm, vợ và mấy đứa con tôi cũng mong chồng, cha ở nhà để con cháu phụng dưỡng. Các con không muốn tôi vất vả một mình. Nhưng mỗi năm qua đi tôi càng mê nghề hơn. Một ngày không được hát, chịu sao nổi, dù có phải ăn chợ ngủ đình”, ông trăn trở.

“Nếu mai không còn, gia tài của tôi nguyện kính dâng cho đình Thắng Tam (Vũng Tàu, nơi cất giữ tài liệu hát bội) gìn giữ”, ông ngậm ngùi.  

Từ ngày đầu tập tễnh theo cha bước chân lên sân khấu, đến nay, người nghệ sĩ 60 năm tuổi nghề đã để lại cho môn nghệ thuật này hàng trăm kịch bản, tài sản học thuật và nhiều vai diễn để đời.
Huỳnh Duyên
.
.
.