Giấc mơ vườn âm thanh cồng chiêng

Thứ Sáu, 30/10/2015, 09:00
Nghệ nhân Bùi Tiến Xô, ở xã Vĩnh Tiến, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, là một người Mường kỳ lạ. Suốt hàng chục năm ròng, cuộc đời ông là những chuỗi viễn du tới hang cùng ngõ hẻm khắp các tỉnh vùng Đông Bắc chỉ để tìm mua những chiếc chiêng cổ. Hiện ông có tới 55 chiếc chiêng hiếm quý. Đó là một bảo tàng tư nhân đầu tiên về những bộ cồng chiêng mang đậm dấu ấn văn hóa Mường Thàng của vùng Kim Bôi.

Thăm thẳm hồn chiêng

Đó là những ký ức tuổi thơ mà cậu bé Xô đã từng vác chiếc đèn măng sông cùng cha để đi hát trong những đêm hội bản ở khắp vùng Mường Động ở Kim Bôi này. Cậu lũn cũn ôm lấy bọc cơm được dành lại mang về nhà cho mọi người cùng ăn. Đó là lộc vàng của những hạt ngọc đời đem lại cho những nghệ nhân hát ca đem lại niềm vui cho bản làng. Ngày ấy bản nghèo lắm, đói ăn, đói mặc, chỉ có ngô khoai sắn. Một miếng cơm trắng được coi là những hạt ngọc mà ông trời ban cho người Mường.

Chiếc đèn bão và chiếc chiêng cổ duy nhất còn lại là đồ gia bảo của người cha trao cho cậu bé Bùi Tiến Xô. Cùng với đó là những làn điệu dân ca và tiếng chiêng Mường đã làm cho cậu mất ngủ nhiều đêm. Âm thanh ngân vang của những đám ma tiễn đưa người về với núi rừng là nỗi niềm thao thức trái tim non trẻ của Bùi Tiến Xô. Âm u và đầy bí ẩn. 

Những tiếng ru não ruột của những người mẹ già hát trong đêm đầy sương như con ma rừng bắt cái vía của cậu bé Xô ngày nào. Một dàn chiêng nỉ non hòa cùng tiếng khóc của thân phận nghèo đói, nơi con suối cạn bên những nương ngô héo rũ. Khi ấy cậu bé Xô ôm lấy chiếc chiêng của cha để lại và bất ngờ hát lên muôn giai điệu đang thổn thức trong lòng mình.

Đội cồng chiêng Đú Sáng do nghệ nhân Bùi Tiến Xô phụ trách.

Đến 13 tuổi, Bùi Tiến Xô đã được bà cô trao cho cây nhị để chơi bản nhạc Mường đầu tiên trong đời. Đó là một thử thách cho bất cứ một nghệ sĩ trẻ nào muốn bước vào đội văn nghệ bản làng. Tất cả phải tự học, tự cảm và suy tư về một sắc mầu Mường vang vọng trong con tim. Cậu bé chơi như lên đồng say sưa với khúc ca tình yêu con sông, con suối và những điệu múa dưới trăng. Đó là những giai điệu tình yêu ngân rung trong âm hồn chiêng rạo rực. 

Rồi sau đó là một bản ca đi săn của người Mường. Làm trai của miệt Mường Động phải dũng mãnh và xông pha với mọi hiểm nguy để bảo vệ ruộng vườn nương lúa. Những nhịp chiêng mãnh liệt làm xốn xang con tim non trẻ ngày nào. Nhiều đêm, cậu bé Xô ôm chiếc chiêng cổ đem lại những giấc mơ trong một vườn âm thanh của hàng trăm chiếc chiêng nhảy múa. Từ đó hình thành những chuyến đi tìm một kho báu âm thanh ngay tại dưới chân mình. Nghe lời cha truyền lại và những giấc mơ kiếm tìm trong tâm hồn cậu bé Xô bắt đầu…

Muôn nẻo kiếm tìm

Tôi được sống cùng những hồi ức tuổi thơ của nghệ nhân Bùi Tiến Xô. Giấc mơ vườn âm thanh cồng chiêng bắt đầu từ chiếc chiêng cổ đầu tiên mà ông được trả công làm thợ suốt hai tháng trời. Đó là chuyện ông đi làm nhà cho một gia chủ ở Bản Lác, Lai Châu. Suốt cả tháng trời ông cùng với cánh thợ chỉ ăn ngô và sắn để làm công cho người ta. 

Khi ấy ở tuổi 26 (1978), anh chàng Bùi Tiến Xô chỉ mong có đồng tiền đầu tiên mua gạo và thịt về cho vợ con. Nhưng rồi chờ đợi và chờ đợi, gia chủ hết tiền làm nhà, ngỡ như cánh thợ về tay trắng. Thôi thì có bao nhiêu trả bấy nhiêu thợ cũng phải chịu. Trả gì nhận nấy, không bằng tiền thì vật dụng có trong nhà. 

Thế là anh thợ trẻ Bùi Tiến Xô cầu được ước thấy, tha chiếc chiêng đồng cổ của gia chủ về nhà, cho dù lúc đó không biết nó được giá bao nhiêu khi bán cho hàng đồng nát. Ai ngờ đó là chiếc chiêng cổ đầu tiên mà Bùi Tiến Xô có được. Nó cũng là chiêng cổ nhất trong bộ sưu tập của ông cho đến nay, với 400 năm tuổi.

Lại có lần ông kể, vào năm 1993, khi nghe tin ở huyện Đà Bắc, một gia đình có bộ chiêng quý gồm 8 chiếc muốn bán. Ông háo hức đạp xe đi tới 60 cây số, vòng đi vòng lại để tìm đến gia chủ. Nhưng khi hỏi ông mới biết chủ nhân muốn giữ lại cho con cháu sau này bán mới được giá. Đây là bộ chiêng cổ càng để càng được nhiều tiền. Ông trả bao nhiêu cũng không bán. Số tiền mà ông ki cóp chẳng thấm vào đâu với giá của bộ chiêng cổ vào thời điểm đó. 

Nhưng không hiểu sao, từ khi nhìn thấy bộ chiêng đó, nghệ nhân Bùi Tiến Xô như mất hồn. Ông bị ám ảnh, trong đầu luôn luôn có ý nghĩ mình phải có bộ chiêng quý đó. Thế là ông lại đạp xe lên và nài nỉ gia chủ. Thấy ông tha thiết quá, gia chủ bèn hét giá cao lên theo giá thị trường thực sự làm ông ngỡ ngàng. Nhưng quyết mua nên ông trở về vay mượn khắp nơi mà vẫn không đủ. 

Nghệ nhân Bùi Tiến Xô với bảo tàng cồng chiêng.

Đêm lại đêm mất ngủ. Những âm thanh của bộ chiêng đó như ám hồn ông. Chúng phải trở về với ông. Những đứa con tinh thần của ông phải sống dưới mái nhà này. Ông mơ mộng cho dù chẳng thể tìm đâu cho đủ tiền. Không ngờ đến sáng, ông có quyết định táo bạo làm sửng sốt cả nhà khi bán cả đàn bò đang lớn. Cộng thêm tiền vay mượn nữa là đủ để mua bộ chiêng đó. 

Thế là đàn bò 8 con đó thay cho 8 chiếc chiêng mà ông mang về trong tiếng kêu than của vợ con. Nhưng rồi mọi chuyện an bài chỉ vì dàn chiêng ấy đã an ủi mọi người. Những âm thanh của chúng như được bay bổng và theo chân bà con Mường lên nương lên rẫy và hát những bài ca đi săn thú cùng với những chàng trai dũng cảm vượt núi cao.

Đang say sưa với tôi về những âm thanh của chiêng, nghệ nhân Bùi Tiến Xô chợt nhớ đến chiếc chiêng được phân ngôi âm thanh mà ông sưu tầm được ở huyện Lạc Sơn, vùng người Mường Vang. Ông lấy chiếc chiêng đó trong giàn treo rồi kể, đó là câu chuyện cảm động mà ông phải theo đuổi cho bằng được. 

Đó là chiếc chiêng cổ có được phân ngôi âm thanh rất chính xác. Một mình nó tấu lên có thể thay cho cả một dàn chiêng. Đó là một chiếc chiêng kỳ lạ nhất mà ông khao khát có được. Nhưng khi vượt chặng đường núi hơn 70km, tìm đến thì con trai gia chủ quyết tâm giữ lại, cho dù ông bố đã đồng ý bán. Nghệ nhân Bùi Tiến Xô thuyết phục bằng mọi cách nhưng xem ra việc bất thành. 

Ông trở về với những nỗi xao xác con tim. Nhưng rồi ông lại đạp xe lên và chỉ ngắm nhìn nó với nỗi tuyệt vọng. Ông xin gia chủ gõ từng âm thanh vang lên trên mặt chiêng và lắng nghe. Những tiếng vọng lạc loài của con người của một thời tiền sử vang lên. Hàng vạn âm thanh như nỗi xót xa của thân phận tha phương trên mọi nẻo đường, bên dòng suối ngân rung. Những tiếng hú vang của người mẹ tìm con bị lạc trong rừng sâu. Rồi tiếng trẻ con thổn thức trong trái tim ông. Lúc đó không kìm được nước mắt. Tâm hồn nghệ sĩ trong trái tim Bùi Tiến Xô thổn thức, ông đã khóc. 

Khi ông tạm biệt gia chủ ra về với nỗi buồn chan chứa thì bất ngờ người con trai gọi lại và trao chiếc chiêng cổ đó cho ông với niềm tin là đã trao hồn chiêng của ông cha cho đúng người đáng tin cậy. Ông kể mình đã mua nó với giá 12 triệu nhưng đối với niềm khao khát của ông và sự tin cậy của gia chủ lại là vô giá.

Khúc ca từ những vú chiêng

Nghệ nhân Bùi Tiến Xô ngừng kể chuyện mà chậm chạp bước đến dàn chiêng cổ. Ông cầm lên một chiếc chiêng mầu lông chuột phôi phai theo thời gian, rồi lim dim mắt xoa tay lên vú chiêng. Vậy ra ông đang cầu hồn chiêng trở về. Bàn tay chai sạn của ông chỉ mới xoa lên vú chiêng đã làm âm thanh sống dậy. Thì ra đó là sự bí ẩn của những chiếc chiêng cổ. Chỉ xoa lòng bàn tay, hồn chiêng trở về, tiếng vọng rừng núi đã hoan ca. 

Ông càng xoa âm thanh của niềm vui càng rền vang. Rồi ông lấy dùi gỗ gõ lên chiêng làm xôn xao cả một cung đường bên ngôi nhà sàn. Ở cái phố chợ Bãi Chạo này chỉ có gia đình ông làm ngôi nhà sàn Mường còn sót lại. Ông kỳ cục xúc từng xe đất để làm nền cho ngôi nhà sàn. Ước mơ của ông về ngôi nhà sàn lưu giữ bộ chiêng cổ mà cả đời mình đi tìm kiếm.

Nơi đây, dàn chiêng của ông đã thừa đủ để cho đội chiêng 50 người mà ông đã thành lập ở xã Đú Sáng, Kim Bôi, từ năm 2007. Chiêng Mường phải để cho người Mường gọi hồn ông cha trở về vui với con cháu. Hồn chiêng là hồn người trao gửi cho thế gian này, với những nỗi khát khao về một tương lai tươi sáng. Tươi sáng cho núi rừng Mường. Tươi sáng cho bản trường ca “Đẻ đất đẻ nước” bất tử của người Mường. Bàn tay của nghệ nhân Bùi Tiến Xô như đã gọi hồn chiêng trở về. Nghe ông hát cùng âm thanh chiêng vang vọng với những tiếng trầm hùng bay bổng cuốn lấy tâm hồn tôi.

Di Cát
.
.
.