HLV Phan Thanh Hùng - Lận đận vì không biết "từ chối"

Thứ Sáu, 11/12/2020, 12:13
"Tập phim" thứ ba trong cuộc đời huấn luyện của ông Phan Thanh Hùng đi đến cao trào. Nó phức tạp đến mức ông cảm thấy mệt mỏi và không còn chút quyến luyến nào tại CLB Than Quảng Ninh, nơi ông đã dành cả tấm chân tình suốt gần nửa thập kỷ. Đây là lúc để chiến lược gia gốc Đà Nẵng nhìn lại những gì đã xảy ra, trước khi trả lời câu hỏi "Điều gì mới giúp ông thật sự hạnh phúc?".


Nỗi truân chuyên của ông Hùng

"Tôi mệt mỏi lắm rồi", HLV Phan Thanh Hùng với cái giọng khàn đặc nói qua điện thoại một cách chán chường. Mấy ngày qua, tình hình tại CLB Than Quảng Ninh khiến ông Hùng trăn trở. Năm lần bảy lượt, ông muốn gặp bằng được Chủ tịch Phạm Thanh Hùng để làm cho "ra ngô, ra khoai" chuyện đội bóng. Nhưng cũng từng ấy lần, Chủ tịch Hùng tránh ông. Thượng tầng né mặt, học trò lũ lượt ra đi. Quá mệt mỏi trước một tương lai mờ mịt, ông Hùng quyết định trở về Đà Nẵng để nghỉ ngơi.

"Tôi chờ quyết định của tỉnh. Tôi muốn xem họ dự định thế nào rồi mới tính chuyện làm tiếp. CLB có làm gì với hợp đồng của cầu thủ và tôi đâu. Đội hiện chẳng có kế hoạch nào. Toàn đội bây giờ còn đúng 9 người thì tập cái gì. Đội phải có tài chính mới làm được chứ không có thì nghỉ thôi. Tôi đã giao đội cho các cầu thủ còn lại và trợ lý tự tập luyện rồi", ông Hùng giải thích.

HLV Phan Thanh Hùng nộp đơn từ chức ở CLB Than Quảng Ninh.

Vậy là ông Hùng cuối cùng cũng có một… quyết định cứng rắn. Thực tế, "cứng rắn" hay "cương quyết" không phải để diễn tả về con người của Phan Thanh Hùng trong cả cuộc đời làm nghề huấn luyện. Lẽ ra, nếu như mạnh mẽ hơn, sẽ chẳng có chuyện CLB Than Quảng Ninh lấy ông làm bình phong che chắn bê bối dồn quân, "điều" ba cầu thủ chủ lực như Xuân Tú, Hồng Quân, Fagan sang CLB Hải Phòng để giúp đội này đua trụ hạng cách đây 5 tháng.

Suốt khoảng thời gian ấy, ông Hùng phải nghe không biết bao điện thoại, trả lời không biết bao nhiêu lần trong những cuộc họp báo xoay quanh câu hỏi vì sao CLB Than Quảng Ninh lại "bán máu" một cách đầy lộ liễu cho CLB Hải Phòng như thế. Rồi sau đó, với cái giọng khàn đặc như nói chẳng ra hơi, ông Hùng lại phải lấy bóng đá trẻ - thứ mà ông dồn bao tâm huyết cho Quảng Ninh 4 năm qua - làm phương án cứu trợ trước báo giới.

Đó không phải là lần duy nhất trong năm qua, ông Hùng đau đầu giữa sự giằng xé từ đôi bên. Một đến từ sự hờ hững của thượng tầng. Và phần còn lại là những tiếng than thở của "đàn con" vì chuyện lương thưởng chẳng thấy đâu. 4 tháng qua, ông Hùng và các cầu thủ chẳng thấy tin nhắn nhảy số về thu nhập. Cả năm 2020, họ cũng chẳng thấy tăm hơi về tiền lót tay. Thậm chí, 10% tiền thưởng của năm 2019 cũng không có động tĩnh và tiền thưởng mùa 2020 đều là ký sổ ghi nợ.

Trên điện thoại, ông Hùng vẫn nói nhẹ nhõm là khi vượt qua áp lực về ý niệm của thắng bại. Nhưng lúc này, thắng bại trên sân cỏ chỉ có thể hiện diện khi vấn đề tài chính của đội bóng được giải quyết. Biết bao CLB chỉ vì không thắng nổi cơm áo gạo tiền mà đi đến giải thể. Chính ông Hùng lúc này cũng phải thừa nhận rằng chuyện tài chính đang khiến tập thể CLB Than Quang Ninh tan đàn xẻ nghé. Trò đi rồi, giờ tới ông "tiếp bước".

Đừng bao giờ chỉ biết gật đầu

Cuối cùng, ông Hùng cũng viết đơn từ chức. Một động thái cho thấy thái độ cương quyết không thỏa hiệp. Suốt 4 năm qua, ông Hùng vẫn luôn đứng về phía chủ tịch. Cả giai đoạn hai mùa qua, khi CLB Than Quảng Ninh bắt đầu nảy sinh mâu thuẫn tài chính, ông Hùng vẫn luôn là cầu nối dẹp yên những cái tôi nổi loạn trong phòng thay đồ của đội bóng. Không biết bao lần, các cầu thủ CLB Than Quảng Ninh vì nể thầy Hùng mới chấp nhận ở lại. Cũng chẳng rõ bao lần họ vì người thầy hiền lành của mình mà không đình công sau hai vụ nợ lương và ký sổ. Nhưng họ cũng không thể vì chữ "nể" để nhìn gia đình nhỏ bé rơi vào cảnh thiếu thốn, túng quẫn. Sự ra đi của Xuân Hùng, cầu thủ đang phải nuôi đến 5 miệng ăn trong gia đình, là một ví dụ.

5 năm qua, HLV Phan Thanh Hùng luôn kề vai sát cánh, ủng hộ mọi quyết định của Chủ tịch Phạm Thanh Hùng

Ông Hùng mệt mỏi trước sự ra đi của các học trò. Ông cũng không thể cứ nhu mì mãi mà không đưa ra một động thái cương quyết hơn. Nhưng cái lắc đầu như đã nói kể trên nó vẫn mang trong mình nội hàm của sự ân tình. "Đây hoàn toàn là chuyện tài chính chứ có ai muốn đi đâu. Họ hẹn rằng ngày 15-12, tỉnh làm việc với bầu Hùng rồi sẽ có câu trả lời. Trước mắt tôi vẫn muốn lo cho đội Quảng Ninh của mình. Trường hợp xấu nhất, tôi sẽ nghỉ ngơi một thời gian rồi sẽ tính tiếp", ông Hùng tiết lộ với phóng viên.

Vậy là, ông vẫn không có ý định rời CLB Than Quảng Ninh, đội bóng mà 4 năm ông gắn bó, ngay cả khi nó đang rơi vào cảnh hỗn loạn. Vì cái gật đầu của đội bóng này, ông bỏ qua lời đề nghị mức lương được cho lên tới 9 chữ số mỗi tháng của CLB Hoàng Anh Gia Lai. Vì không muốn các bên căng thẳng, ông Hùng để ngỏ sự tha thiết đến từ Becamex Bình Dương hay mới đây là Đông Á Thanh Hoá. Rồi ông chẹp miệng tâm sự với bạn bè: "Nếu anh đồng ý đến Bình Dương, chức vô địch 2014 và 2015 đáng ra là của anh rồi đấy".

Ông Hùng cứ tiếc nuối một cách vu vơ như thế. Nhưng bi kịch này cũng bắt nguồn từ sự thiếu quyết đoán, nặng về tình cảm của chính bản thân ông. Đâu phải ở Quảng Ninh, ông Hùng trải qua truân chuyên như thế. Hơn một thập kỷ làm nghề huấn luyện, người ta vẫn cứ thấy một Phan Thanh Hùng với mẫu số chung như vậy. Trước khi là cầu thủ, ông được biết tới bởi sự đa năng.

Theo như lời HLV giàu thành tích nhất Việt Nam cấp CLB này, ông "vứt đâu cũng đá được". Vì những cái gật đầu vô điều kiện ấy mà sự nghiệp cầu thủ của ông không có gì nổi trội trong thế hệ 6x. Cũng bởi cái tính cả nể, ông Hùng trải qua nhiều sóng gió tại Đà Nẵng và Hà Nội bất chấp sự thật, ông một tay đặt nền móng cho hai đội bóng ấy.

Còn nhớ năm 2008, khi bầu Hiển rót tiền vào Đà Nẵng, ông Hùng đã bối rối thế nào. Ông đứng trước hai con đường, một bên là đội hình cầu thủ gắn bó với mình từ lứa U21 và phần còn lại là những ngôi sao bầu Hiển không tiếc tiền đưa về. Chính điều đó tác động tiêu cực tới tâm lý của ông, dẫn đến Đà Nẵng thua liền ba trận mở màn.

Ông Hùng mất việc. Bản thân ông cũng thừa nhận mình không có đủ cá tính mạnh như trợ lý Lê Huỳnh Đức để tạo ra cái uy cho một đội bóng giàu tham vọng. "Với lứa cầu thủ tôi dìu dắt, Đức và Đà Nẵng lập tức vô địch quốc gia. Tôi phải thoát ra thì các em mới bình tâm mà thi đấu, tôi còn ở lại thì chỉ làm tình hình thêm căng thẳng".

Ông Phan Thanh Hùng vẫn đau đáu và nặng tình với bóng đá đất mỏ.

Ông Hùng sau đó về Hà Nội, như một cách trả nghĩa ân tình với bầu Hiển. 6 năm, ông biến Hà Nội thành một đội bóng thành công trên mọi phương diện. Suốt 6 năm ấy, có vô số lời mời chèo kéo ông Hùng. Và một lần nữa, vì cái ân tình của bầu Hiển, ông nấn ná ở lại dù thừa hiểu triều đại của mình tại thủ đô sắp đi tới hồi kết. 

Bao năm qua, Phan Thanh Hùng không thay đổi, chấp nhận rối ren, phiền muộn  ở các CLB ông huấn luyện. Ông cố gắng thoả hiệp, rồi tự gồng lên giải quyết những vấn đề hoặc có thể gạt bỏ, hoặc thuộc quyền hạn của người khác. Ít nhất, ông vẫn luôn duy trì quan điểm "hạnh phúc là con đường ta đã chọn, chứ không phải kết quả cuối cùng". Một trường hợp lạ lùng của nền bóng đá nhiều "toan tính".

CLB Than Quảng Ninh có thể được giải cứu

CLB Than Quảng Ninh đang lâm vào cuộc khủng hoảng lớn nhất từ khi trở lại V.League năm 2014. Đội bóng này hoạt động nhờ hai nguồn tiền. Họ nhận khoảng 30 tỷ đồng/ năm từ ông bầu, Chủ tịch Phạm Thanh Hùng. Khoảng 40-50 tỷ còn lại nhận từ nhà tài trợ Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam. Mùa 2020, nhà tài trợ rút lui.

Trước thềm mùa giải 2021, Chủ tịch Phạm Thanh Hùng muốn tỉnh hỗ trợ, duy trì đội bóng. Khi chưa nhận được sự giúp đỡ, ông có ý muốn trả CLB về tỉnh. Ngày 15-12 tới, lãnh đạo tỉnh và Chủ tịch Phạm Thanh Hùng mới có cuộc gặp, đưa ra quyết định về việc có hay không hỗ trợ CLB. Nếu không có sự hỗ trợ từ tỉnh, CLB Than Quảng Ninh khó tìm đủ nguồn lực cho V.League 2021 và sự tồn tại của đội bóng giàu truyền thống này sẽ bị đe dọa.

Cuộc khủng hoảng tài chính ở CLB Than Quảng Ninh đang tác động mạnh mẽ tới đội bóng. CLB nợ lương cầu thủ nhiều tháng, hơn nửa đội hình đã ra đi, người hâm mộ vốn mất niềm tin sau vụ Quảng Ninh "bán máu" cho Hải Phòng hồi năm ngoái, giờ càng thêm thất vọng với tình hình của đội.

Tuy nhiên, một nguồn tin tiết lộ nếu chủ trương của tỉnh với đội bóng thông qua, sẽ có không dưới 100 tỷ đồng được viện trợ để "giải cứu" CLB Than Quảng Ninh. Với số tiền như vậy có thể kiện toàn lại đội bóng, mà trước mắt là giữ chân HLV Phan Thanh Hùng.

Đơn Ca
.
.
.