“Hai Phượng” và cơ hội của phim Việt

Thứ Sáu, 01/03/2019, 09:27
Lần đầu tiên, có một bộ phim của điện ảnh Việt - “Hai Phượng” – (đạo diễn Lê Văn Kiệt) được phát hành song song tại hai thị trường Việt Nam và Mỹ. Phim sẽ ra mắt khán giả Mỹ vào ngày 1/3. Đó là một nỗ lực miệt mài của Ngô Thanh Vân (diễn viên chính và là nhà sản xuất) cùng ê kíp của chị trong hành trình đưa phim Việt ra nước ngoài.


Phá thế độc tôn của phim hài

“Hai Phượng” đang chinh phục khán giả trong nước bằng những suất chiếu kín lịch ở các hệ thống rạp ngay từ khi ra mắt. Nhiều người kỳ vọng, “Hai Phượng” sẽ phá vỡ “lời nguyền” để đạt doanh thu kỷ lục phòng vé, thậm chí vượt cả “Cua lại vợ bầu”, bộ phim hài đang chiếm kỷ lục phòng vé sau 2 tuần chiếu với doanh thu 176 tỷ.

Đến lúc này, sau gần một tuần công chiếu, chưa có con số nào về doanh thu của “Hai Phượng” được đưa ra, nhưng bộ phim đang chiếm được cảm tình của khán giả và giới chuyên môn. Nếu “Hai Phượng” thành công tại phòng vé, tác phẩm của đạo diễn Lê Văn Kiệt và nữ diễn viên Ngô Thanh Vân sẽ mở ra một cơ hội cho dòng phim hành động ở Việt Nam, phá thế độc tôn của dòng phim rom-com, chick-flick tại các rạp chiếu.

Cảnh trong phim “Hai Phượng”.

“Hai Phượng” là bộ phim hành động thứ 3 của Ngô Thanh Vân sau “Dòng máu anh hùng” (2007) và “Bẫy rồng” (2009). Phim có cốt truyện đơn giản, kể về hành trình đi tìm con của một nữ giang hồ về vườn, làm nghề đòi nợ thuê ở miền Tây để kiếm tiền nuôi con ăn học.

Con gái của Hai Phượng bị bắt cóc trong một đường dây mua bán nội tạng trẻ em. Phim là hành trình đi tìm con của Hai Phượng, đau đớn, mất mát, mang đầy những giá trị nhân văn về tình mẫu tử. Ngô Thanh Vân và ê kíp của chị đã tạo nên một không gian thuần Việt” trong bộ phim hành động kiểu Hollywood.

Từ đầu đến cuối phim, gần như “Hai Phượng” độc diễn trong bộ bà ba tím, đội nón lá và mái tóc buộc túm, mặt mộc. Phim có kết cấu chặt chẽ, tiết tấu nhanh, mạnh, với những pha võ thuật được đầu tư kỹ lưỡng, mạnh mẽ. Lần đầu tiên, khán giả Việt được mãn nhãn với một bộ phim hành động “made in Việt Nam”.

Phim nhận được nhiều lời khen của giới truyền thông và các nhà chuyên môn. Nhà văn Dạ Ngân chia sẻ trên trang cá nhân: “Tôi đi xem “Hai Phượng” vì tin Ngô Thanh Vân và các bạn người Việt hải ngoại trong “Dòng máu anh hùng”. Chắc chắn “Hai Phượng” sẽ rất đáng xem.

Sốt ruột cho nền điện ảnh cũng như văn học nước nhà. Bộ phim rất miền Tây mà cũng rất Hollywood. Nghẹt thở, mãn nhãn, nhân văn. Đem đi đấu trường phim hành động với thế giới không ngại. Đứa bé gọi mẹ nó là Ý (tiếng Anh phụ đề là Mom), cách gọi của dân miền Tây ảnh hưởng tí người Hoa, như gọi chị là chế vậy. Có lẽ trong phim đứa con không cha được dạy gọi Ý để tránh đi”.

Nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm cho rằng: “Các cảnh hành động liều cao xuyên suốt bộ phim như cuộc rượt đuổi nghẹt thở bằng một chiếc xe máy cà tàng theo chiếc xuồng máy bắt cóc đứa con của Hai Phượng, cảnh nhảy xe tải lên Sài Gòn, đối đầu với Trực (Phạm Anh Khoa), một tay buôn người đã giải nghệ làm nghề sửa xe và đặc biệt là cảnh cận chiến căng thẳng, tàn bạo giữa Hai Phượng và Thanh Sói trong toa tàu ở phần cuối phim đều chứng tỏ Hai Phượng là một bộ phim hành động “made in Việt Nam” không trộn lẫn”.

 Tuy nhiên, phim vẫn có những hạt sạn, vì thế “Hai Phượng” chưa phải là phim xuất sắc. Thứ nhất, kết cấu phim đơn tuyến, nếu không nói là quá đơn giản, dễ đoán. Cảnh điều tra của công an nhiều chỗ vô lý, dẫn đến vai trò của công an mờ nhạt, thụ động. Có nhiều chi tiết liên quan đến công an hơi phi thực tế như cảnh Hai Phượng lừa trực ban đi lấy thuốc đau bụng và dễ dàng đột nhập vào lấy hồ sơ của một vụ án lớn được bày trên bàn làm việc…

Nhìn tổng thể, “Hai Phượng” là một bộ phim tốt, được đầu tư, chăm chút kỹ lưỡng của ê kíp Ngô Thanh Vân và đạo diễn Lê Văn Kiệt. Với Lê Văn Kiệt, sau nhiều bộ phim không để lại dấu ấn, hay nói cách khác là thất bại, thì “Hai Phượng” là cơ hội để vị đạo diễn Việt kiều này khẳng định vị trí và cơ hội của mình ở Việt Nam.

Cơ hội nào cho phim Việt?

“Hai Phượng” là bộ phim đáng xem của điện ảnh Việt, ghi nhận nỗ lực không ngừng của Ngô Thanh Vân trong hành trình hơn một thập kỷ qua. Sau “Dòng máu anh Hùng”, “Bẫy rồng”, Ngô Thanh Vân dấn thân vào vai trò của nhà sản xuất và không ngại đổi mới, mạo hiểm với nhiều dòng phim khác nhau.

Dù không phải dự án điện ảnh nào của chị cũng được đón nhận. “Tấm Cám - chuyện xưa và nay”, gây hiệu ứng về mặt truyền thông nhưng bị chê tơi tả, còn “Cô Ba Sài Gòn” vẫn nằm ở trạng thái chơi vơi giữa phim giải trí và phim nghệ thuật và thất bại về doanh thu.

Đến “Song Lang”, bộ phim nhận được nhiều khen ngợi của giới truyền thông và khán giả nhưng lại thất bại về doanh thu phòng vé. Hành trình đó cho thấy nỗ lực không ngừng nghỉ của Ngô Thanh Vân trong vai trò là nhà sản xuất. Và đó là một hành trình không dễ dàng, phải đánh đổi rất nhiều thất bại, tiền bạc và cả sự nhẫn nại.

Với “Hai Phượng”, dường như Ngô Thanh Vân mới tìm đúng chất của mình trong vai trò diễn viên và nhà sản xuất. Nói như nhà báo Lê Hồng Lâm, vai diễn “Hai Phượng” “đo ni đóng giày” cho Ngô Thanh Vân. Nhưng không dừng lại ở đó, Ngô Thanh Vân vẫn không ngừng nỗ lực để đưa phim Việt ra nước ngoài.

Trong khi phim Việt chỉ loanh quanh với dòng phim hài, tình cảm và an phận với doanh thu phòng vé chạm mốc trăm tỷ, thì Ngô Thanh Vân và ê kíp của chị mong muốn nhiều hơn thế, đưa phim Việt ra nước ngoài. “Tôi đã luôn cố gắng không ngừng nghỉ trong suốt thời gian qua.

Với tôi, điện ảnh Việt có nhiều cái để chúng ta có thể giới thiệu ra thế giới: văn hóa cổ truyền, ẩm thực, con người Việt… đó đều là những chất liệu tuyệt vời để khai thác. Nếu như khán giả vẫn còn ủng hộ, tôi sẽ làm tất cả để phim Việt được đến với bạn bè khắp năm châu”, Ngô Thanh Vân chia sẻ với báo chí.

Để làm được điều này, "Hai Phượng" phải đáp ứng được những tiêu chuẩn về điện ảnh quốc tế, từ câu chuyện kịch tính, cao trào và có chiều sâu cho đến các phần kỹ thuật như âm thanh, hình ảnh, chất lượng phim, màu sắc và các cảnh hành động đủ đẳng cấp Hollywood.

Được biết, để có thể công chiếu “Hai Phượng” cùng thời điểm tại Việt Nam và Mỹ, Ngô Thanh Vân đã ký thỏa thuận với Well Go USA Entertainment - hãng phát hành phim lớn từng cho ra mắt nhiều phim hành động bom tấn đến từ Mỹ và các quốc gia thuộc châu Á và châu Âu.

"Hai Phượng" sẽ được công chiếu đầu tiên tại quận Cam, Dallas, Houston, Falls Church, San Jose và sau đó sẽ là San Diego, Philadelphia, Portland, New York City, Seattle và các nơi khác. Ngô Thanh Vân cho biết đây sẽ là dự án phim cuối cùng của cô trong vai trò đả nữ. Bộ phim đã mất bốn năm từ khi lên ý tưởng cho đến khi hoàn thành những công đoạn cuối cùng và ra mắt khán giả.

Trước “Hai Phượng”, phim Việt chưa có cơ hội phát hành ở nước ngoài, nhất là khi việc phát hành đó được diễn ra đồng thời tại Việt Nam và Mỹ. Phim Việt từ trước tới nay vẫn chỉ ra nước ngoài bằng kênh tham gia các liên hoan phim như “Đập cánh giữa không trung” của Nguyễn Hoàng Điệp, “Cha cõng con” của Lương Đình Dũng, “Đảo của dân ngụ cư” của Hồng Ánh… Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần chia sẻ: “Việc phim Việt được phát hành tại Mỹ thể hiện sự nỗ lực của các bạn làm phim trẻ, đó luôn là khát vọng, mong muốn của các nhà làm phim Việt Nam.

Điều này thế hệ chúng tôi chưa làm được. Nhưng nó rất có ý nghĩa vì điện ảnh là một kênh quảng bá văn hóa, con người Việt Nam một cách hữu hiệu nhất. Nó mở ra hy vọng cho phim Việt, hy vọng vào một thế hệ làm phim trẻ, giàu nhiệt huyết và sáng tạo, tiệm cận với các xu hướng mới của thế giới”.

Ngô Thanh Vân là “đả nữ” số 1 của điện ảnh Việt  (cảnh trong phim “Dòng máu anh hùng”).

Phim Việt lâu nay loanh quanh với mấy câu chuyện hài, nhẹ nhõm, vui tươi. Những bộ phim nghệ thuật, có chiều sâu như “Song lang”, “Đảo của dân ngụ cư”… đều thất bại về doanh thu phòng vé. Bài toán đau đầu của các nhà làm phim là làm thế nào để cân đối được câu chuyện nghệ thuật và doanh thu. Một nền điện ảnh không thể đơn điệu về mặt ngôn ngữ thể hiện.

Đạo diễn, diễn viên Hồng Ánh cho rằng, không có khái niệm phim nghệ thuật hay phim thị trường, mà chị chỉ quan niệm phim hay và dở. Đề tài không quan trọng, cái quan trọng là đạo diễn có đủ tài để thuyết phục người xem đồng cảm với câu chuyện của mình hay không. Thành công của “Hai Phượng” đã mở ra một cơ hội mới cho phim Việt, cho sự dấn thân và không ngừng tìm tòi của một thế hệ những người trẻ, đam mê và quyết liệt với tình yêu của mình.

Lan Tường
.
.
.