Hai cảnh sát chung một chữ “tâm”

Thứ Hai, 26/10/2020, 08:49
Có một sự thật hiển nhiên mà tất cả chúng ta đều dễ dàng đồng thuận với nhau, ấy là: Lòng tốt có thể vượt qua những rào cản của tuổi tác, giới tính, sắc tộc, quốc tịch, v.v…


Chuyện rằng, Yukio Shige là một sỹ quan cảnh sát người Nhật Bản, sinh năm 1943. Ông đã phục vụ tại sở cảnh sát tỉnh Fukui được 42 năm. Vào năm 2003, ông Yukio quyết định nghỉ hưu khi vừa tròn 60 tuổi. Khi đó ông là Đồn trưởng Đồn cảnh sát Tôjinbô, thành phố Sakai.

Chỉ vài ngày trước khi nghỉ hưu, ông Yukio đã làm được một việc phi thường. Bữa đó Yukio Shige đang đi tuần trên bãi biển thì nhìn thấy một cặp vợ chồng già đứng trên vách đá. Bãi biển Tôjinbô là nơi có khung cảnh rất đẹp, nhưng bãi đá ở đây lại chịu tai tiếng vì là nơi đã có nhiều người chọn nhảy xuống để tự kết liễu cuộc đời mình. Cảm nhận được chuyện không lành, ông Yukio mới chạy vội lên vách đá.

Cặp vợ chồng già kể cho ông Yukio rằng họ là một chủ quán rượu. Do nợ nần ngập đầu đến mức phải đóng cửa quán rượu, do vậy cặp vợ chồng kia nuôi ý định tử tự vào lúc hoàng hôn. Thật may mắn khi mà Yukio đã thuyết phục được họ từ bỏ được ý định tử tự, sau đó đưa cặp vợ chồng ấy về văn phòng an sinh xã hội huyện. Yukio từ biệt họ sau khi cặp vợ chồng được chính quyền cấp cho một số tiền vừa đủ để đi xe buýt về Tokyo.

Không kể nắng mưa, gần như lúc nào ông Yukio cũng có mặt trên vách đá.

Ấy thế nhưng, năm ngày sau đó, ông Yukio nhận được một bức thư của cặp vợ chồng già cùng với tin rằng họ đã tự tử bằng cách chết đuối. Vì lòng thương người và cơn giận trước sự dửng dưng của chính quyền, ngay sau khi nghỉ hưu, ông Yukio tự mình nhận trách nhiệm tuần tra những vách đá tại khu vực Tôjinbô để ngăn người tự tử.

Cách bãi biển Tôjinbô hàng chục nghìn ki-lô-mét về phía Đông là thành phố San Francisco của nước Mỹ. Cầu Cổng Vàng là một trong những biểu tượng nổi tiếng tầm thế giới của thành phố. Tuy vậy, gần như tháng nào cũng có người nhảy từ trên cầu xuống sông để tự tử. Vào thập niên 1990 của thế kỷ trước, thái độ của người Mỹ đối với tự tử khác với bây giờ. Họ coi tự tử là một hành động đáng xấu hổ, còn người tự tử chắc hẳn có vấn đề gì đó về đầu óc. Do vậy mà các cơ quan chức năng San Francisco hoàn toàn không có chính sách gì để giải quyết vấn nạn tự tử cả.

Kevin Briggs là một sỹ quan trẻ trong lực lượng Cảnh sát giao thông San Francisco. Trong một lần đi tuần qua cầu Cổng Vàng, anh bắt gặp một người phụ nữ leo qua thành cầu rồi đứng lên thanh dầm chữ I. Trước trường hợp này, những người đồng sự của Kevin sẽ lái xe đi hoặc là gọi cho một cơ quan nào đó khác. Thế nhưng anh lại cho dừng xe và lại gần người phụ nữ.

Kevin hoàn toàn không có sáng kiến nào để ngăn cô ta tự tử. Anh chỉ biết buột miệng nói ra bất cứ thứ gì mà mình vừa chợt nghĩ ra, từ van xin cô gái đến những lời tỏ sự đồng cảm. Thật kỳ lạ làm sau, những lời lắp bắp của viên sỹ quan dường như đã chạm tới người phụ nữ, và cô ta trèo lại vào trong cầu.

Sau vụ việc trên khiến cho Kevin được cấp trên giao nhiệm vụ đi tuần trên cầu Cổng Vàng và ngăn cản những người có ý định tự tử. Và Kevin đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này. Trong hơn 20 năm công tác, Kevin đã thuyết phục được hơn 200 người từ  bỏ ý định tự tử. Anh trở thành một người hùng, còn được người dân địa phương đặt cho biệt danh là “Ông thần cầu Cổng Vàng”. Vào năm 2013, Hiệp hội Phòng chống tự tử Mỹ đã trao huân chương danh dự cho Kevin vì những đóng góp của anh.

Đó là, khi phát hiện được người nào đó có ý định tự tử, ông Yukio và anh Kevin sẽ nhanh chóng tiếp cận họ. Nhanh chóng nhưng cũng phải thật thận trọng và kiên nhẫn, vì trong nhiều trường hợp những người định tự tử đang trong trạng thái kích động, hoàn toàn có thể nhảy xuống hay tấn công bất kỳ ai lại gần họ. Ông Yukio và anh Kevin phải tỏ ra thật tự nhiên, hành động giống như những người qua đường chỉ muốn trò chuyện với người đang định tự tử. Sau khi tiếp cận được đối tượng, hai người sẽ tìm cách nói chuyện với họ.

Kevin Briggs (trái) và một trong những người có ý định tự tử mà ông đã ngăn cản.

Anh Kevin chia sẻ: “Tôi sợ nhất những người không mở miệng ra nói. Họ gần như đã xác định chắn chắn rằng mình phải chết như một điều tất yếu. Những người hay nói và nói nhiều thì ngược lại. Họ đang có những nỗi đau trong lòng mà không tìm được ai để giãi bày… Có vô số lý do đẩy một người đến chỗ tự tử. Mâu thuẫn trong gia đình. Mất việc. Thi trượt đại học, v. v… Nhưng điểm chung là họ đều cảm thấy mình như gánh nặng lên gia đình và bạn bè!”.

Riêng ông Yukio lại đề cao việc tạo những “khoảng lặng” cho người tự tử. Một cuộc trò chuyện giữa ông và người định tử tự được chia làm nhiều phần. Chẳng hạn như ông Yukio sẽ hỏi họ về thời tiết, rồi sau đó chuyển đề tài câu chuyện sang chủ đề kế hoạch ngày mai của họ là gì. Theo Yukio, điểm quan trọng là để cho người định tự tử có cơ hội được suy nghĩ và nói ra những gì họ muốn. Nhưng ông Yukio cũng phải cẩn thận không để cho câu chuyện kéo dài quá lâu, vì ở trên đỉnh vách đá có gió biển thổi mạnh, rất dễ khiến người ta bị kiệt sức hay ốm vì lạnh.

Phần nhiều mọi người sẽ bỏ ý định tự tử sau khi họ đã giãi bày hết nỗi lòng u uẩn của mình ra. Nhưng mọi chuyện chưa phải đã là kết thúc sau khi ông Yukio và anh Kevin thuyết phục được họ thành công và đưa họ về bệnh viện gần nhất. Những vấn đề mà họ gặp phải cần nhận được sự giúp đỡ giải quyết trong một thời gian rất dài. Vì vậy mà hội “Kokoro ni Hibiku Bunshu Henshukyoku” do ông Yukio sáng lập nên đã cho xây dựng sáu toà chung cư tại thành phố Sakai.

Yukio nhận thấy rằng, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 đến nay, càng ngày có nhiều người Nhật Bản tự tử vì mất việc và mất khả năng tài chính để thuê nhà. Ông Yukio vì thế mới đón họ về sống tại sáu toà nhà chung cư nói trên. Có được một không gian riêng cho mình, cộng với tình nhân ái và những sự giúp đỡ khác từ các thành viên trong hội, chắc hẳn những người định tử tự sẽ lấy lại đủ dũng khí đế sống tiếp phần đời còn lại.

Trong khi đó ở nước Mỹ, anh Kevin lại chủ động phối hợp chặt chẽ với “Hiệp hội Phòng chống tự tử Mỹ” để giải quyết vấn đề nói trên. Những thành viên trong hiệp hội giúp đỡ người suýt nữa tự tử bằng cách tư vấn tâm lý tư vấn pháp luật miễn phí giúp họ. Cùng với đó là chủ động tìm chỗ ở mới cho họ, đồng thời nhận họ vào làm tại doanh nghiệp của mình, v.v… Mục tiêu là tạo dựng được cuộc sống mới tốt đẹp hơn để giúp họ không còn ý định tự tử nữa. Trong số những người được anh Kevin và “Hiệp hội Phòng chống tự tử Mỹ” giúp đỡ có không ít trường hợp sau nhận được những thành công lớn trong cả công việc lẫn cuộc sống cá nhân của họ.

Điều quan trọng thứ ba là không ai có thể làm việc này một mình cả. Cả ông Yukio và anh Kevin đều đặt mục tiêu làm thay đổi nhận thức của xã hội về việc tự tử. Nhờ vào sự cố gắng và lòng chân thành của mình mà họ đã thành công. Các lực lượng cảnh sát, cấp cứu cứu hộ ở tại cả Nhật Bản và Mỹ đều đã đưa vào chương trình huấn luyện của mình nội dung phòng chống tự tử. Những hội nhóm tương thân tương ai giúp đỡ người tự tử xuất hiện nhiều hơn, đơn cử như hội “Kokoro ni Hibiku Bunshu Henshukyoku” của ông Yukio đã mở rộng từ một mình ông lên tới hơn 20 thành viên tại khắp thành phố Fukui. Họ đã giúp đỡ được hơn 500 người từ bỏ ý định tự tử.

Hai con người ở hai đất nước khác nhau ấy, trách nhiệm của họ chưa lúc nào dừng lại cả. Kevin Briggs mới đây đã chia tay ngành cảnh sát để nhận sổ hưu. Anh dành thời gian đi khắp nước Mỹ vừa diễn thuyết, vừa giáo dục cho mọi người biết về vấn nạn tự tử và cách giải quyết.

Còn ông Yukio, tuy nay đã ở tuổi 80 nhưng vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ ngừng nghỉ việc cứu rỗi những người có ý định tự tử cả. Hằng ngày, cụ ông vô cùng đáng kính ấy vẫn bất kể nắng mưa mà cầm chiếc ống nhòm ra ngoài bãi biển tuần tra. Mong rằng những cống hiến của hai con người cao quý này sẽ không uổng công họ, và xã hội có ít con người bị đẩy đến chỗ phải tự lấy đi sinh mạng của mình.

Vũ Thái Thịnh (tổng hợp)
.
.
.