Tiến sĩ Giáp Văn Dương:

Hãy khuyến khích các trường tự chủ vươn lên

Thứ Hai, 06/06/2016, 07:38
Tiến sĩ Giáp Văn Dương từng sống và làm việc tại nhiều nước trên thế giới như Anh, Áo, Singapore. Anh trở về Việt Nam trong bối cảnh giáo dục đang quá bộn bề. GiapSchool, ngôi trường trực tuyến của anh đã bắt đầu đi vào cuộc sống bằng những khóa đào tạo trực tuyến và ngắn hạn cho các doanh nghiệp; giúp những người trẻ tìm lại ước mơ của chính mình qua các hoạt động giáo dục ngoại khóa.


Anh cũng quan tâm đến nhiều vấn đề của giáo dục Việt Nam, đặc biệt là kỳ thi chung quốc gia. Theo tiến sĩ Giáp Văn Dương, hãy trả kỳ thi Quốc gia về cho các trường Đại học để họ có cơ hội phát huy tính tự chủ, sáng tạo của mình. Đó cũng là cơ hội cho giáo dục đại học Việt Nam vươn lên.

Để cho các trường đại học tự chủ tuyển sinh

- Theo chủ trương của Bộ Giáo dục và đào tạo thì kỳ thi Quốc gia sẽ có những thay đổi, đó là đưa vào xét tuyển chung để giảm thí sinh ảo chứ không tuyển sinh theo nhóm trường nữa. Anh có ủng hộ quan điểm này?

+ Trong kinh tế, lên kế hoạch hoạt động trước cho một doanh nghiệp là việc bắt buộc phải làm. Lên kế hoạch hoạt động cho một nhóm doanh nghiệp thì phải thận trọng, cần suy tính xem có cấu kết gì vì lợi ích cục bộ của nhóm đó mà gây ảnh hưởng xấu cho cả nền kinh tế hay không. Còn lên kế hoạch hoạt động cho tất cả các doanh nghiệp là điều phải tránh.

Đó là chuyện trong kinh tế, ai cũng có trải nghiệm và cũng hiểu ngay hậu quả. Trong giáo dục, câu chuyện cũng tương tự, chỉ có điều hệ quả của nó không lộ rõ ngay như trong kinh tế, nên không ai thấy e sợ.

Các trường tốp dưới sẵn sàng vì lợi ích trước mắt là giảm được thí sinh ảo, mà sẵn sàng tham gia liên danh tuyển sinh theo kiểu tập trung như vậy. Lợi ích đó chỉ là lợi ích ngắn hạn, trước mắt.

Trên thực tế, đó chỉ là lý do để che đậy cho sự lười biếng trong công tác tuyển sinh, và cam chịu để vớt những thí sinh rớt từ tốp trên xuống, mà không chịu tự thân vận động, tích cực truyền thông để tuyển được những thí sinh giỏi hơn nếu họ năng nổ tự làm.

Cái giá phải trả cho lười biếng, hay lợi ích trước mắt đó, là các trường tốp dưới sẽ tự tước đi cơ hội tuyển được những thí sinh giỏi, do đó cũng tự tước đi cơ hội vươn lên của chính mình. 

Cá nhân tôi cho rằng, để các trường tự chủ tuyển sinh là tốt. Các trường phải nỗ lực vươn lên, cũng giống như anh bán hàng, phải nỗ lực không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, phải marketing, phải truyền thông để quảng bá thương hiệu của mình.

Qua đó sẽ dần cải thiện được vị trí. Cả hệ sinh thái vì thế sẽ duy trì được không khí cạnh tranh, nên sẽ tốt dần lên.

Ngoài ra, để các trường tự tuyển sinh là theo đúng tinh thần tự chủ đại học của Luật Giáo dục. Khi một luật đã ra đời, thì các chỉ đạo triển khai nên nhất quán.

Về phía Bộ, tôi nghĩ Bộ chỉ nên dừng ở việc để hỗ trợ các trường sử dụng dữ liệu thi tốt nghiệp để lên phương án tuyển sinh cho trường mình, thay vì đứng ra tổ chức tuyển sinh tập trung.

- Vậy theo anh, phương án xét tuyển tập trung sẽ gặp phải những trở ngại gì?

+ Trở ngại thì sẽ chẳng có trở ngại gì. Phần mềm không phức tạp, dữ liệu lại trong tay. Bộ đã ra tay, nhất định sẽ thành công, tất nhiên theo tiêu chí của Bộ là giảm thí sinh ảo. Vấn đề là hệ quả của việc này là gì?

Cả hai phương án tuyển sinh theo nhóm như nhóm GX hoặc tuyển sinh tập trung toàn quốc đều có những hệ quả tương tự nhau. Những trường tốp dưới đi vào phương án tuyển sinh theo nhóm sẽ đánh đổi lợi ích trước mắt là tránh được thí sinh ảo nhưng phải trả giá là họ sẽ chỉ hớt được những thí sinh từ tốp trên rớt xuống.

Còn nếu họ chủ động và nỗ lực trong tuyển sinh, thì điểm số khi đó sẽ chỉ là một yếu tố để thí sinh quyết định, các yếu tố khác như sự thấu hiểu giữa hai bên, cơ hội nghề nghiệp mà nhà trường mang lại… sẽ đóng vai trò quan trọng. Khi đó trường sẽ tuyển được một phần thí sinh giỏi nhờ những nỗ lực đó.

Những nhân tố đó, tức sự nỗ lực tự thân của nhà trường và tỷ lệ học sinh giỏi đó, sẽ tạo sự khác biệt về dài hạn. Còn nếu cứ an phận đi theo mãi mãi ổn định trong thứ bậc định sẵn, thứ bậc này được quyết định duy nhất bởi mức điểm của thí sinh, dần dà sẽ hình thành một hệ thống mang tính quan liêu chặt chẽ từ trên xuống.

Riêng phương án tuyển sinh chung với lợi ích mà Bộ đưa ra là tránh thí sinh ảo, thì đó mới chỉ là lợi ích trước mắt mà không tính đến những hệ lụy về lâu dài.

Không khác gì việc đồng phục biển hiệu ở phố Lê Trọng Tấn hiện nay, lợi ích trước mắt chỉ là sự đồng bộ và gọn gàng nhưng về lâu dài sẽ triệt tiêu vấn đề cạnh tranh và nhận diện thương hiệu.

Cho nên, tôi vẫn nhất quán quan điểm tuyển sinh là quyền tự chủ của các trường, hãy khuyến khích các trường chủ động làm việc đó. Nếu không, thiệt hại về dài hạn rất lớn, vì qua đó sẽ hình thành một trật tự cố định. Khi đó, tính cạnh tranh, động lực để các trường vươn lên sẽ không còn nữa.

- Anh có lo lắng quá không khi thực tế, trong trả lời mới nhất của Thứ trưởng Bùi Văn Ga, quan điểm của Bộ Giáo dục và đào tạo là không bắt buộc các trường xét tuyển chung.

+ Tôi cho rằng, chúng ta cứ viện cớ giảm thí sinh ảo để liên tục thay đổi các phương án tuyển sinh nhưng rõ ràng, thí sinh không ảo. Thí sinh không từ trên trời rơi xuống. Lý do thực sự là vì các trường không đủ năng lực xử lý và phán đoán, không biết mình ở vị trí nào mà thôi.

Các trường đổ lỗi cho thí sinh trong khi vấn đề thực sự là nằm ở nhà trường. Tuy Bộ nói rằng không bắt buộc nhưng khi Bộ đã tổ chức thì ít trường nào dám không tham gia. Giống như khi mẹ chị nói rằng, mẹ mời con tối sang ăn tối, tham gia hay không là tùy con, thì lời mời đó là một mệnh lệnh.

- Vì sao chúng ta mãi loay hoay với những phương án của một kỳ thi chung Quốc gia, liên tục thay đổi khiến thí sinh hoang mang, lo lắng. Với một người từng trải qua hệ đại học ở Việt Nam và nhiều năm du học, làm việc ở các nước phát triển, theo anh, phương án nào phù hợp nhất với bối cảnh của chúng ta hiện nay?

+ Tôi ủng hộ kỳ thi chung Quốc gia và dùng kết quả đó để xét tuyển đại học. Còn việc tuyển sinh là của các trường. Các trường phải coi đó là cơ hội để mình vươn lên, cơ hội để mình có thí sinh giỏi.

Vai trò của Bộ chỉ là đơn vị tổ chức kỳ thi và kiểm tra việc tuyển sinh xem có công bằng, minh bạch. Ta thử hình dung, nếu nước Mỹ sử dụng một hệ thống tuyển sinh đại học chung cho toàn quốc thì nó sẽ kinh khủng đến thế nào. Đâu còn sự bung nở, sáng tạo, cạnh tranh và thu hút tài năng khắp thế giới như bây giờ.

Chúng ta đang đào tạo những con người công cụ

- Theo những phân tích của anh về dài hạn thì hệ lụy của phương án tuyển sinh chung rất nặng nề, trong khi nền giáo dục của chúng ta đang quá bộn bề. Phương châm học để thi luôn đóng đinh trong đầu của các thế hệ học sinh Việt Nam, thưa anh?

+ Nếu dùng phương thức này thì học sinh Việt Nam sẽ quay cuồng với việc học để thi lấy điểm cao. Tất cả sẽ chạy đua, tạo ra một guồng máy học để thi vì điểm thi là yếu tố duy nhất để quyết định việc họ vào trường nào.

Còn nếu giao quyền tuyển chọn về các trường, họ sẽ có những chiến lược truyền thông, quảng bá, giao lưu, mời học sinh đến tham quan trường mình, các phương thức đó sẽ pha loãng áp lực của điểm số.

Còn nếu điểm số là tiêu chí duy nhất thế này, chúng ta sẽ tạo ra những thế hệ đầu to mắt cận, lao vào cuộc chiến giành điểm số mà bỏ qua những kỹ năng hoặc cơ hội phát triển toàn diện khác.

Nếu tuyển sinh tập trung, thì các trường có làm công tác truyền thông, marketing cũng không còn tác dụng nhiều nữa, vì phân loại thí sinh bởi phần mềm tuyển sinh sẽ đóng vai trò chính, chứ không phải nỗ lực và quyết định của con người.

Các trường đã bị phần mềm sử dụng, chứ không phải là sử dụng phần mềm, tức không còn quyền tự chủ như trước nữa.

Cho nên, như tôi đã từng phân tích, triết lý giáo dục của Việt Nam là đào tạo con người công cụ, thì điều đó ăn sâu đến mức các trường cũng sẵn sàng tự biến mình thành công cụ, và thản nhiên bỏ bớt quyền tự chủ của mình mà phải rất khó khăn mình mới có được phần nào.

Nếu cứ đào tạo con người công cụ thì sẽ hình thành những lớp người máy móc, dần dà sẽ trở nên vô cảm và thiếu nhân tính. Quán tính này đã quá nặng, vì thế phải luôn giật mình, và phải luôn nỗ lực không ngừng.

- Con người công cụ sẽ luôn thụ động trước mọi hoàn cảnh, tình huống. Vậy với triết lý đào tạo con người tự do, và khuyến khích người học tự thân khai sáng của anh, ở Việt Nam liệu có bị lạc lõng hay không?

+ Vấn đề cốt lõi của giáo dục là phải đào tạo những con người tự do trong khai sáng. Nhưng tinh thần này đang quá lạc lõng ở Việt Nam. Rất may, thời gian qua, tôi chuyển hướng sang đào tạo cho khối doanh nghiệp, chuyển hóa con người công cụ sang con người tự do và nhận được những phản hồi rất tốt.

Doanh nghiệp ủng hộ vì họ phải phá tan tư duy đó, bởi nếu họ là công cụ thì họ sẽ chết. Họ phải tự giải phóng chính mình để vươn lên. Hiệu quả đó thể hiện ngay sau khóa học, vì thế mà được đón nhận.

- Là một người tâm huyết với những đổi mới của giáo dục, anh có kiến nghị gì với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo?

+ Tôi mong Bộ trưởng hãy làm mọi cách để thúc đẩy và đảm bảo quyền tự chủ, tự do học thuật của các trường. Bất cứ điều gì gây hại đến quyền tự chủ và tự do học thuật đó thì hãy ngăn chặn.

Nhờ đó sẽ chấm dứt được việc đào tạo con người công cụ để chuyển sang đào tạo con người tự do và sáng tạo, tức chuyển sang giải phóng con người thông qua giáo dục.

- Rộng hơn nữa cho môi trường giáo dục của chúng ta, cho chính những học sinh đang bị biến thành công cụ học để thi?

+ Học sinh bây giờ chịu rất nhiều áp lực, từ nhà trường, gia đình, xã hội và chính bản thân các em trong một guồng máy học để thi. Vì vậy mà thi gì thì học nấy. Thi xong là phải tìm cách quên ngay để đối phó với môn thi khác. Quá trình đó, cùng với nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy bất cập, đã tạo ra những con người công cụ.

Ngoài ra hiện giờ công việc giáo dục đang dồn hết cho nhà trường. Giáo dục trong gia đình rất quan trọng, nhưng đang bị lơ là vì đời sống bận rộn, mà cha mẹ cũng không bắt nhịp được với chương trình học của con ở trong trường.

Vậy nên tôi đang tìm cách thúc đẩy giáo dục trong gia đình, như triển khai các chương trình đồng hành cùng con, học làm cha mẹ, với mục đích giúp các bậc làm cha mẹ giành lại vị thế quan trọng của giáo dục trong gia đình với sự trưởng thành của con trẻ, chứ không buông toàn bộ cho nhà trường.

Làm bố mẹ cũng phải học. Dạy con đúng cách cũng phải học. Tôi muốn thay đổi cách nhìn của bố mẹ đối với việc giáo dục con cái. Tại sao bố mẹ lại giao phó toàn bộ việc giáo dục con cái, tài sản quý nhất của mình, cho nhà trường, nơi mình biết rõ là còn rất nhiều bất cập.

- Ở Việt Nam, dường như lựa chọn đại học là con đường duy nhất để lập thân. Theo anh, trong bối cảnh xã hội hiện nay, điều đó có còn phù hợp?

+ Đại học không phải là lựa chọn duy nhất. Với sự phát triển của công nghệ giáo dục và các chương trình giáo dục trực tuyến mở, vai trò của đại học sẽ ngày càng giảm.

Nhà tuyển dụng cũng chỉ quan tâm đến bộ kỹ năng làm việc của ứng viên. Như chúng tôi đây, khi tuyển dụng nhân sự, tôi chỉ có 3 yêu cầu: trung thực, đam mê và thạo việc. Ứng viên nào có được ba điều đó, tôi sẽ tuyển, bất kể bằng cấp ra sao, đã tốt nghiệp đại học hay chưa.

Vậy nên, đại học không phải là con đường lập thân duy nhất. Con đường lập thân duy nhất phải nằm ở việc thấu hiểu bản thân mình, sống thật với chính mình và trả lời được câu hỏi: Ta sẽ làm gì với cuộc đời mình?

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Việt Hà (Thực hiện)
.
.
.