Hoa hồng và xương trắng

Thứ Ba, 25/08/2020, 11:38
Nhiều phụ nữ đã chứng minh được rằng: Họ hoàn toàn có thể trở thành chuyên gia giám định pháp y và thậm chí còn tỏ ra vượt trội hơn cả các đồng nghiệp nam nữa. Một ví dụ tiêu biểu cho những "bóng hồng" trong ngành giám định quốc tế là tiến sỹ Clea Koff người Mỹ.


Trong một thời gian rất dài ở phương Tây chỉ có đấng mày râu mới là những chuyên gia giám định pháp y mà thôi. Có hiện tượng đó là bởi lẽ, người ta vẫn khư khư với quan niệm rằng, giám định viên thì làm việc không kể đêm ngày quanh xác chết và hoá chất nên chỉ có đàn ông mới có thể chịu đựng được. Tuy vậy, trong vòng bốn mươi năm trở lại đây có nhiều phụ nữ đã chứng minh được rằng: Họ hoàn toàn có thể trở thành chuyên gia giám định pháp y và thậm chí còn tỏ ra vượt trội hơn cả các đồng nghiệp nam nữa. Một ví dụ tiêu biểu cho những "bóng hồng" trong ngành giám định quốc tế là tiến sỹ Clea Koff người Mỹ.

Clea Koff sinh năm 1972 trong gia đình đa sắc tộc, bố là người Do Thái, mẹ là người Tanzania. Cả hai vợ chồng đều là những nhà làm phim tài liệu kỳ cựu, và họ thường xuyên đưa những đứa con đi cùng trong quá trình tác nghiệp. Trước khi trưởng thành, Clea đã đặt chân tới rất nhiều quốc gia, như  nước Anh, Mỹ, Kenya, Tanzania, và Somalia. Những chuyến đi này không những giúp cho Clea một cách nhìn cuộc sống vô cùng độc đáo, mà còn là nhân tố quyết định nhiều sự lựa chọn trong sự nghiệp của cô.

Series phim “Waking the Dead” được xây dựng dựa trên những vụ án thật mà Clea Koff cùng các đồng nghiệp của bà gặp phải.

Ước mơ của cô bé Clea là trở thành một thư ký, và cô hoàn toàn có thể trở thành một thư ký tài năng nhờ ngoại hình lẫn tài tổ chức của mình. Tuy vậy, Clea lại sớm hình thành sự quan tâm đối với ngành pháp y, một phần vì cuốn sách "Witnesses from the Grave: The Stories Bones Tell" - tạm dịch: "Những nhân chứng dưới mồ: Bộ xương có thể cho chúng ta biết điều gì?". Tác giả của cuốn sách là hai chuyên gia giám định pháp y đi khai quật những ngôi mộ tập thể của những người bị chính quyền độc tài quân sự Argentina tàn sát trong giai đoạn 1970 - 1980.

Cô bé Clea khi đó đã thật sự bị ấn tượng vì nghị lực phi thường và tinh thần quả cảm vì công lý của các chuyên gia giám định pháp y Argentina. Cô thậm chí còn gọi điện đến Cục Điều tra liên bang Mỹ để xin được làm người học việc của các giám định viên hàng đầu đất nước. Tất nhiên là người ta khéo léo từ chối cô. Nhưng rồi họ cũng khuyên cô bé nên theo học ngành giám định pháp y ở đại học.

Sau khi nhận được bằng thạc sỹ ngành giám định pháp y vào năm 1994 tại Mỹ, Clea từng nghĩ rằng  mình  sẽ làm việc cho một sở cảnh sát nào đó tại nước Mỹ. Thế nhưng sự nghiệp của Clea đã rẽ ra một hướng mới. Sau khi cuộc nội chiến Rwanda tạm thời lắng xuống, Liên hợp quốc cho mở một cuộc điều tra về vụ diệt chủng đã sát hại hơn 1 triệu người dân đất nước này. Clea trở thành một chuyên gia của đoàn đặc phái viên được Liên hợp quốc cử đến Rwanda.

Là thành viên trẻ nhất trong đoàn phái viên nói trên, ấy thế nhưng Clea lại phải nhận một nhiệm vụ vô cùng khó khăn: Khai quật và giám định từng bộ xương của các nạn nhân. Cuối cùng Clea đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình, và kết quả giám nghiệm của cô được Toà án Công lý quốc tế sử dụng để xét xử những đối tượng đã gây nên nạn diệt chủng.

Sau Rwanda, Clea tiếp tục được cử đến nước Cộng hoà Yugoslavia cũ với nhiệm vụ tương tự. Công việc của cô ở đây khó khăn hơn nhiều, vì cuộc nội chiến Yugoslavia đã khiến nhiều khu mộ bị hoàn toàn phá huỷ hoặc nếu không thì cũng mất dấu trên bản đồ. Nhiều đêm Clea đã phải thức trắng chỉ để dùng bàn chải đánh thật sạch từng mẩu sụn nhỏ rồi ghép chúng lại với bộ xương chính xác.

Rồi nữa là việc, liên tục trong 8 giờ đồng hồ hằng ngày Clea phải chịu đựng mùi thối của xác chết đang phân huỷ đến mức nhiều người đàn ông lăn ra ngất xỉu. Phải nhờ đếný chí phi thường của Clea và các đồng nghiệp mà Liên hợp quốc mới có đủ bằng chứng để đưa một loạt các quan chức Yugoslavia, trong đó có cựu Tổng thống Slobodan Milosevic, ra xét xử vì tội diệt chủng. Đồng thời giúp hằng trăm nghìn gia đình "đoàn tụ" với thi hài người thân của họ.

Sau khi hoàn thành sứ mệnh tại Liên hợp quốc, Clea Koff trở lại Mỹ và trở thành một chuyên gia giám định pháp y chuyên nghiệp. Vào năm 2005 cô thành lập Trung tâm Thông tin nhận dạng người mất tích tại thành phố Los Angeles. Đây là một tổ chức phi lợi nhuận chuyên điều tra về những người chết mà không biết nhân thân nhằm làm sáng tỏ cái chết của họ.

Một trong những vụ án nổi tiếng nhất mà Trung tâm Thông tin nhận dạng người mất tích giúp khám phá ra là cái chết của Mitrice Richardson. Mitrice là một người phụ nữ có tiền sử sử dụng ma tuý. Sau khi cô bị tạm giam ở đồn cảnh sát Lost Hills vì tội tàng trữ cần sa và được thả ra, Mitrice đột nhiên mất tích. Hơn ba ngày sau đó, thi thể của cô ta được tìm thấy dưới đáy vực. Điều tra của cảnh sát kết luận rằng Mitrice trong cơn phê ma tuý đã ngã xuống vực mà chết.

Gia đình nạn nhân hoàn toàn không tin tưởng về kết luận nói trên của cảnh sát, vì nơi Mitrice chết nằm ở hướng ngược lại với nhà cô và cách đồn cảnh sát tận 20 km. Xét về nặt lý thuyết, một người đang trong trạng thái phê ma tuý không thể nào tự đi bộ xa đến được như vậy. Sau khi gia đình tìm đến Trung tâm Thông tin nhận dạng người mất tích, Clea Koff đã tự mình dành nhiều thời gian kiểm tra từng Centimet hiện trường vụ án và phát hiện ra một số mẩu xương còn sót lại.

Chân dung Clea Koff.

Giám nghiệm tử thi cho thấy nạn nhân chết vì trụy tim chứ không phải do ngã xuống vực. Vị nữ chuyên gia đã đưa kết quả này đến toà án, và sau một cuộc điều tra cấp bang, Đồn trưởng Đồn cảnh sát Lost Hills buộc phải thú nhận rằng, vì thiếu chuyên môn cấp cứu nên đã để cho nạn nhân Mitrice chết trong phòng tạm giam vì nhồi máu cơ tim. Để che dấu tội lỗi của mình ông ta đã ném xác nạn nhân xuống dưới đáy vực. Vị đồn trưởng cùng những tên đồng phạm sau đó đều bị cách chức, trả lại công bằng lẫn sự yên lòng cho người nhà nạn nhân.

Clea Koff cũng là một tác giả được nhiều người biết đến. Cuốn sách đầu tiên của cô, "The Bone Woman: Among the dead in Rwanda" (tạm dịch: "Người phụ nữ của xương: Sống giữa người chết ở Rwanda"), là một quyển hồi ký tường thuật lại những gì đã xảy ra trong sứ mạng Liên hợp quốc của cô. Tác phẩm nhận được sự đón nhận  rất tích cực từ cả độc giả lẫn giới phê bình, trở thành một trong những cuốn sách dành cho bất kỳ ai quan tâm đến lịch sử quốc gia Rwanda.

Thay vì tiếp tục viết hồi ký, Clea lại chuyển sang lĩnh vực tiểu thuyết trinh thám. Series "Jayne & Steelie Mystery Series" của cô xuất bản quyển đầu vào năm 2011 và đã được dịch từ nguyên gốc tiếng Anh sang Pháp, Đức, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, và 5 ngôn ngữ khác. Tác phẩm gây được cảm tình nhờ vào các phương pháp khoa học được Clea rút ra từ chính sự nghiệp của mình, cộng với các hình mẫu nhân vật rất đời thường.

Hiện nay Clea đang trong quá trình hoàn thành phần tiếp theo trong series tiểu thuyết. Ngoài việc sáng tác, vị nữ chuyên gia giám định pháp y nổi tiếng ấy còn đảm nhận trọng trách cố vấn cho bộ phim truyền hình nhiều tập "Waking the Death" về một đội giám định pháp y. Đã sau một thời gian rất dài rồi thì truyền hình Mỹ mới lại có một series tập trung vào pháp y, và thành công của seriesđã mở đường cho một loạt các tác phẩm tương tự khác như "Bones", "Forensic Files"…

Trong một cuộc phỏng vấn, Clea Koff đã rất khiêm tốn khi trả lời rằng, chính sự lạc quan và tin tưởng vào công lý đã giúp cô vượt qua được những khó khăn trong công việc. Nhưng những đồng nghiệp của Clea lại cóý kiến khác. Theo họ thì Clea là con người bẩm sinh có đầu óc cởi mở, không hề có định kiến và luôn luôn tò mò. Cô không coi công việc của mình chỉ gói gọn trong giới hạn của phòng giám định, mà trái lại luôn quan sát cuộc sống thực tế để rút ra được những điều mới.

Đấy là cái cách để giúp cho Clea có thể tìm ra được những điều mà các giám định viên khác không nhận ra. Đơn cử như khi còn ở Rwanda, nhờ vào việc trò chuyện khai thác thông tin từ người dân mà Cleađã xác định được một số yếu tố có thể giúp xác định nhanh danh tính nạn nhân, ví dụ như dân thường người Tutsi thì gần như luôn luôn bị chặt đầu, còn người Hutu sẽ bị xử bắn...

Lê Công Hội (tổng hợp)
.
.
.