Họa sĩ Trần Thế Vĩnh: Vẽ chân dung thầy Park bằng tất cả sự ngưỡng mộ

Thứ Bảy, 29/12/2018, 10:39
Chiều 30-12, một sự kiện đáng được quan tâm tại Hà Nội, Nhà đấu giá nghệ thuật Chọn sẽ tổ chức phiên đấu giá bức tranh "Người thầy của tôi" của họa sĩ Trần Thế Vĩnh. Bức tranh vẽ chân dung huấn luyện viên Park Hang-seo, người đã cùng với đội tuyển bóng đá nam Việt Nam vừa giành ngôi vị vô địch AFF Cup nức lòng người hâm mộ.


Trong một thời gian ngắn, bức tranh "Người thầy của tôi" đã tạo nên một cơn sốt trên mạng xã hội. Đại diện Nhà đấu giá Chọn cho hay, để lan tỏa tinh thần nhân văn, toàn bộ số tiền đấu giá bức tranh sẽ được sử dụng vào mục đích từ thiện, trong đó một phần dùng để hỗ trợ, phát triển các họa sĩ trẻ tài năng. Được biết, tác phẩm "Người thầy của tôi" được họa sĩ Trần Thế Vĩnh sáng tác trên chất liệu sơn dầu, kích thước 73cm x 92cm. Giá khởi điểm của bức tranh là 117 triệu đồng.

Bức tranh chân dung ông Park Hang-seo sẽ được bán đấu giá tại Nhà đấu giá Chọn vào 30-12 tới đây.

- Xin chào họa sĩ Trần Thế Vinh, chúng ta đều thấy, những ngày qua, thành tích của đội tuyển bóng đá quốc gia đã làm nức lòng người hâm mộ cả nước. Vị huấn luyện viên người Hàn Quốc Park Hang-seo được khán giả yêu mến cuồng nhiệt. Xin hỏi, anh đã vẽ bức chân dung "Người thầy của tôi" trong tình cảm như thế nào?

+ Bức chân dung "Người thầy của tôi" được tôi vẽ trong tình cảm yêu mến kính trọng và hân hoan  dành cho người "thuyền trưởng" của đội tuyển bóng đá Việt Nam. Tôi rất kính phục tài năng cũng như nhân cách của huấn luyện viên Park Hang-seo. Ông là một người gần gũi, sống nhân văn, tinh thần làm việc đầy trách nhiệm và luôn luôn với tinh thần cống hiến. Tất cả điều đó tạo cho tôi một sự thôi thúc và tôi đã vẽ chân dung ông bằng tình cảm chân thực nhất.

- Bức tranh sắp tới đây được bán đấu giá tại nhà đấu giá Chọn, anh có điều gì muốn chia sẻ với người sẽ sở hữu bức tranh về người thầy đặc biệt này?

+ Thực sự công việc của tôi đã xong. Tôi vẽ nên bức tranh bằng cả tình yêu của mình đối với một con người đã làm nên kỳ tích cho bóng đá Việt Nam, còn việc tiếp theo là của nhà đấu giá. Thiết nghĩ ai thắng đấu giá bức tranh này cũng là những người yêu bóng đá và có tình cảm đặc biệt sâu sắc với thầy Park nên tôi chẳng biết nói gì ngoài sự vui vẻ và đồng cảm

- Đối với anh, khi vẽ chân dung huấn luyện viên Park, điều gì là khó nhất?

+ Vẽ tranh là nghề, là nghiệp của tôi, nên tôi chẳng thấy có khó khăn gì. Khi vẽ bất cứ ai, bất cứ điều gì, tôi phải cảm thấy yêu, thấy thích thì mới vẽ, chứ tuyệt nhiên không cố gắng bắt buộc mình. Tôi nghĩ, khi mình làm một công việc say mê, yêu thích, mọi thứ sẽ luôn dễ dàng.

- Được biết đến là họa sĩ vẽ thành công nhiều chân dung văn nghệ sĩ, xin hỏi, điều gì ở họ làm anh say mê đến vậy?

+ Giai đoạn gần đây tôi hay vẽ chân dung các văn nghệ sĩ, học giả, triết gia. Đây là một dự án cá nhân của tôi. Tôi đã vẽ trên 50 bức tranh chân dung những nhân vật tiêu biểu trong giới nghệ sĩ, học giả triết gia của Việt Nam. Vốn ham thích đọc sách, nghe nhạc từ nhỏ, nên tôi rất yêu mến, kính trọng tài năng của những người tài đó.

Họa sĩ Trần Thế Vĩnh.

Tôi tìm đọc tác phẩm cũng như tìm hiểu về cuộc đời họ, sau đó truyền tải những gì tôi cảm nhận được từ cuộc đời, số phận của họ lên những bức tranh sao cho đúng nhất bản chất, thần thái chân thực của họ. Công việc này đối với tôi như một sự tri ân của một kẻ hậu bối trước những tiền bối tài năng, những người đã để lại nhiều giá trị tốt đẹp cho cuộc đời.

- Một mảng khác, đó là chân dung tự họa. Anh cũng nổi tiếng là một người "ham" vẽ chính mình, từng có một triển lãm rất ấn tượng mang tên "Bắt đầu từ đâu" gồm những bức tự họa. Vậy khi một người họa sĩ tự vấn mình, câu hỏi lớn nhất mà anh ta gặp phải sẽ là gì?

+ Mảng chân dung tự họa tôi ham vẽ trong khoảng thời gian từ 2013 đến 2015, kết thúc bằng triển lãm cá nhân mang tên "Bắt đầu từ đâu?" vào năm 2016. Tôi quan niệm, khi người họa sĩ tự vẽ mình chính là lúc họ đang tự soi gương, từng giờ từng khắc. Sự soi lại mình đó là hành trình vừa tự đặt câu hỏi, cũng là tự trả lời cho chính mình, rằng tôi là ai, tôi đến từ đâu, tôi có thực sự là tôi không khi vạn vật vô thường, tâm ta cũng vô thường. Vậy nên mỗi bức chân dung tự họa của tôi là một câu hỏi và là một câu trả lời tạm thời cho từng thời khắc đó.

- Theo anh, trong cuộc sống bận rộn ngày hôm nay, con người có cần những phút tự nhìn lại mình, tự vấn mình như cách mà anh vừa nói?

+ Tôi nghĩ, trong dòng chảy của cuộc sống tốc độ hôm nay, con người càng cần phải có những phút giây chậm lại, nhìn lại và tự vấn chính mình. Nhưng điều này có vẻ như cũng thật khó khăn, vì con người đương đại đã bị cuốn quá sâu vào vòng quay cuộc sống. Đến mức họ đã quên mất mình là ai. Cuộc sống đang ngày càng trở nên hỗn loạn và mất đi trật tự cần thiết. Tôi cho rằng, nếu mỗi người đều tự nhìn lại tự vấn mình để biết rõ những gì mình đang nghĩ, đang làm có lẽ cuộc sống chúng ta sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều.

- Theo đuổi hội họa và chọn làm một họa sĩ tự do, việc vẽ với anh có ý nghĩa như thế nào?

+ Từ thuở nhỏ tôi luôn ước mơ sẽ trở thành họa sĩ và ước mơ đó giờ đây đã thành hiện thực. Lựa chọn của tôi không bao giờ thay đổi, đó là sống để vẽ, và chỉ vẽ mà thôi. Tôi coi hội họa như là nghiệp của mình, không thể thoát ra được. Tôi luôn ý thức về con đường mình đi và biết rằng, trên cuộc đời này, được sống với đam mê đó chính là hạnh phúc. Tôi vẽ là để thỏa mãn khát vọng và tư tưởng của chính mình, và nếu việc vẽ của mình đem lại niềm vui và thẩm mỹ cho người khác thì càng tuyệt vời hơn nữa.

Chân dung thi sĩ Bùi Giáng.
Chân dung thi sĩ Hữu Loan.

- Nhìn ra đời sống mỹ thuật, chúng ta thấy gần đây xuất hiện nhiều nhà đấu giá tranh. Theo anh, điều này có tác dụng như thế nào với thị trường mỹ thuật ở ta?

+ Phải nói rằng, việc xuất hiện các nhà đấu giá gần đây mang đến rất nhiều tín hiệu tốt lành cho thị trường mỹ thuật trong nước, chứng tỏ rằng thị trường đang có chiều hướng đi lên. Hoạt động sôi động của các nhà đấu giá sẽ làm nóng bầu không khí mỹ thuật vốn từ lâu rất ảm đạm, thiếu sinnh khí, kích thích nhu cầu của cả người sáng tác, người kinh doanh nghệ thuật và người thưởng thức. Điều này thực sự cần thiết để có một thị trường mỹ thuật lành mạnh như chúng ta hằng mong muốn.

Chân dung nhạc sĩ Phạm Đình Chương.

- Tranh giả là một câu chuyện khá nhức nhối trong đời sống hội họa những năm gần đây, với nhiều vụ việc làm phiền lòng công chúng. Mới đây, Cục Mỹ thuật Triển lãm và Nhiếp ảnh đã thành lập một trung tâm giám định mỹ thuật. Theo anh, công việc giám định, giám tuyển tranh ở ta đang có những vấn đề gì bất cập?

+ Tranh giả, tranh nhái từ lâu là hiện tượng đáng lo ngại cho mỹ thuật Việt, và nó có xu hướng xuất hiện ngày càng nhiều, tinh vi và khó kiểm soát. Việc các nhà chức năng thành lập Hội đồng giám định tranh chứng tỏ 1 điều rằng có sự quan tâm và trách nhiệm của nhà nước đối với mỹ thuật. Điều này rất đáng được giới hội họa ghi nhận.

Tuy nhiên, công cuộc thực hiện hiệu quả ra sao để giảm thiểu tình trạng này thì phải chờ thời gian trả lời. Riêng cảm nhận của tôi, một vài trung tâm giám định "mọc" lên cũng không dễ để xóa được nạn tranh giả, tranh nhái hiện đang nhức nhối trong mỹ thuật. Chúng ta còn phải làm nhiều hơn nữa, ở nhiều khâu, mới mong hạn chế được tình trạng này.

- Cảm ơn họa sĩ về cuộc trò chuyện.

Họa sĩ Trần Thế Vĩnh

Sinh năm 1986 tại Quảng Trị

Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Huế

Các triển lãm cá nhân: Mộng du (2009), Vô đề (2012), Bắt đầu từ đâu (2016)

Giải thưởng Dogma đặc biệt thể loại Chân dung tự họa 2013

Tham dự Trại sáng tác quốc tế tại Hàn Quốc 2016

Hiện sống và vẽ tự do tại TP Hồ Chí Minh

Bức tranh chân dung ông Park Hang-seo sẽ được bán đấu giá tại Nhà đấu giá Chọn vào 30-12 tới đây.

Chân dung thi sĩ Bùi Giáng.

Chân dung thi sĩ Hữu Loan.

Chân dung nhạc sĩ Phạm Đình Chương.

Quỳnh Trang (thực hiện)
.
.
.