Hoàng Quỳnh Mai - Đạo diễn mơ mộng

Thứ Bảy, 01/08/2015, 09:05
Chị là một đạo diễn lãng mạn và mơ mộng. Cái chất lãng mạn, tràn đầy niềm tin yêu cuộc sống ấy được truyền đến từng hơi thở trong những vở cải lương của chị. Ngay cả khi chị làm về đề tài Công an - một đề tài tưởng như khuôn cứng, thì nó vẫn mang đậm tinh thần lãng mạn, nhân văn.
1.Khán giả gần như kín rạp khi xem "Nguồn sáng phía chân trời" - vở Cải lương tham gia Liên hoan nghệ thuật sân khấu về "Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân" lần thứ III - 2015 của đạo diễn trẻ Hoàng Quỳnh Mai. Nhiều người lén lau nước mắt. Chị đã chạm tới trái tim người xem, khi lần đầu tiên đưa hình tượng người chiến sĩ Công an lên sân khấu cải lương. Với một người luôn ưa sự mới lạ, tìm tòi, thì đề tài Công an vừa hấp dẫn, vừa là một thách thức với chị. Nhưng Hoàng Quỳnh Mai đã chọn cho mình một lối đi riêng.
Đạo diễn Hoàng Quỳnh Mai.

Chị không đi vào vụ án, không đi vào những cuộc truy bắt tội phạm vốn hấp dẫn sân khấu. Chị đi vào một thế giới khác, dưới góc nhìn lãng mạn, nhân văn, đó là những người chiến sĩ - nghệ sĩ. Trước khi họ là những chiến sĩ Công an thì họ là những nghệ sĩ của tâm hồn, yêu cuộc sống, tha thiết với cái đẹp. Đó là Văn- một quản giáo trại giam đam mê nghề tạc tượng.

Điều đau đáu suốt cuộc đời Văn là không tạc được niềm vui trong mắt người đàn bà anh yêu. Văn đã mang nghề tạc tượng vào trong trại giam, hướng dẫn các phạm nhân làm. Anh cảm hóa phạm nhân bằng chính công việc của mình, biết cảm nhận và yêu cái đẹp.

Dưới góc nhìn của Hoàng Quỳnh Mai, người chiến sĩ Công an trở nên gần gụi, đời thường. Và trong họ luôn ẩn chứa một tâm hồn đẹp, cao thượng. Chị đã nhìn cuộc sống bằng niềm tin, phía chân trời luôn có nguồn sáng, thứ ánh sáng có thể cứu rỗi tâm hồn con người khỏi sự đen tối, bội bạc. 

Chị nói: "Tôi dựng kịch bản này bởi rất lâu rồi, tôi được nghe một người bạn kể về sự hy sinh của một nữ quản giáo để cứu một tội phạm đang mang thai. Sau này, trên ngôi mộ của người chiến sĩ ấy mọc lên một bông hoa trắng". 

Đó là vẻ đẹp nhân văn khuất lấp sau sự nghiêm ngắn của các chiến sĩ Công an. Cái kết của vở cải lương, khi cơn lũ tràn đến và sự hy sinh dũng cảm của Văn để cứu người phụ nữ mình yêu, cứu cả chồng của cô là một hình tượng đẹp. Đó là những cơn lũ của cuộc đời, mà hơn ai hết, chính những người chiến sĩ Công an đã hy sinh thầm lặng để cứu người dân. Những cơn lũ của lòng tham, của tội ác, của danh vọng…

Và chị, lần đầu tiên trên sân khấu cải lương đã chạm tay tới vẻ đẹp đó, bằng chính giấc mơ lãng mạn của mình. Tôi nghĩ, chị đã thành công.

2.Quỳnh Mai say sưa nói về những giấc mơ của chị, về một tình yêu như là định mệnh với cuộc đời mình - cải lương. Chị sinh ra ở một vùng quê nắng cháy. Ký ức của chị là những mùa gió Lào bỏng rát, là cái nắng thiêu đốt, là những năm tháng chật vật, khốn khó. Ký ức của chị còn là những câu hò, điệu ví, là cả một thế giới ngập tràn sách chị được thừa hưởng từ gia đình. Chị lớn lên, ra Bắc lập nghiệp mang theo "vốn liếng" giàu có ấy. Hơn hết là khí chất quyết liệt của người miền Trung luôn có trong chị, để rồi, rời xa mảnh đất ấy, lập nghiệp bằng một nghề ngẫu nhiên như cải lương, rồi yêu nó đắm đuối,  chị thành công, chạm tới đỉnh cao.

Cách đây 7 năm, cái tên Hoàng Quỳnh Mai đã là một sự định danh trong làng cải lương khi chị liên tục đạt được những thành công: Huy chương vàng liên hoan sân khấu tài năng trẻ toàn quốc, Giải thưởng Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội cho sân khấu (duy nhất từ trước đến nay) vở "Cung phi Điểm Bích", giải đạo diễn xuất sắc nhất. 10 năm với hơn 30 vở diễn, vở nào cũng đình đám, nhưng "Cung phi Điểm Bích" vẫn là một dấu ấn lớn trong cuộc đời chị.

Cảnh trong vở “Nguồn sáng phía chân trời”.

Với Hoàng Quỳnh Mai, sống và làm việc là một hành trình khám phá chính bản thân mình... Chị sinh ra ở dải đất miền Trung, nhà chẳng có ai làm nghệ thuật, thậm chí chưa biết hát, thế mà quyết là đi, mặc mọi người ngăn cản. Chỉ một năm sau, Hoàng Quỳnh Mai đã trở thành đào chính của Nhà hát Cải lương Hà Nội. Thế nhưng, Hoàng Quỳnh Mai luôn xác định, diễn không phải là nghiệp của đời mình. Trong tâm hồn chị vẫn luôn ám ảnh giấc mơ viết lách. Chị đi học đạo diễn.

Ngày đó, đoàn đi diễn tận Hòa Bình. Chị đang tham gia khóa học đạo diễn ở Hà Nội. Đêm diễn đến 11-12h, sáng chị dậy từ 5h, nhờ bạn chở xe máy cặm cụi trong sương mù để về Hà Nội kịp giờ học của NSND Lê Hùng. Xong, lại chui vào cánh gà tranh thủ ngủ 15 phút để lấy sức học tiếp.

Cứ cặm cụi, nhẫn nại như thế, Hoàng Quỳnh Mai đã chinh phục được thánh đường sân khấu khi hàng loạt vở cải lương của chị lên sàn diễn và được đánh giá cao. Không thành công nào không đẫm những giọt mồ hôi và nước mắt, sự dấn thân. Nhưng cũng bởi trong chị luôn có khí chất chịu khó và sự quyết liệt của người miền Trung. Cái tinh thần, văn hóa miền trung thẩm thấu sâu trong tâm hồn cô bé mộng mơ như chị, đã dẫn dụ chị đến với những điệu cải lương lãng mạn, bay bổng, để rồi yêu và gắn bó như máu thịt. Chị đến với cải lương cũng từ tâm hồn lãng mạn đó. Nhưng để bền sâu trong nghề, chị đã tự học, tự đọc, tạo cho mình một nền tảng tri thức, cái nền văn hóa của mọi sự sáng tạo. Điều đó vô cùng quan trọng đối với một nghệ sĩ.

Hoàng Quỳnh Mai nói, đến bây giờ, hơn 10 năm làm đạo diễn, bao nhiêu va đập và thành công, nhưng chị vẫn có cảm giác run run, mỗi lần làm vở như một lần chị trả bài thầy, những người thầy lớn trong làng sân khấu như NSND Đình Quang, NSND Xuân Huyền, NSND Lê Hùng, NSND Doãn Hoàng Giang... Cảm giác đó nên có đối với những đạo diễn trẻ.

Chị ngồi với tôi, dịu dàng, trìu mến và rất đỗi đàn bà. Nhưng khi chị lăn lộn trên sân khấu, với quần đùi, áo may ô, tóc buộc ngược lên, thì đích thị chị là một "gã đàn ông". Làm việc quên ngày tháng, đắm đuối, sống với từng vở diễn đến mức, ngay cả trong giấc mơ chị cũng bị ám ảnh. Chị quần thảo với nhân vật, kỹ lưỡng từng chi tiết trên sân khấu. Mỗi lần dựng vở, chị rút hết cả tâm can mình. Và sau những lần như thế, chị gần như kiệt sức. Những vở diễn luôn mang đậm dấu ấn Hoàng Quỳnh Mai. Đó là chị, một góc nhìn nữ tính, mềm yếu nhưng rất đỗi nhân văn trong từng nhân vật, trong cách xử lý tình huống.

Nhiều chi tiết của vở diễn gây xúc động cho khán giả.

Tôi hỏi chị, có bao giờ mỏi mệt khi sân khấu truyền thống đang gần như ngủ yên. Những buổi biểu diễn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều vở của chị làm xong, nhận được bao nhiêu lời ca tụng, nhưng cuối cùng không có rạp biểu diễn, phải chạy khắp nơi tìm khán giả. 

"Nhưng điều tôi thực sự muốn, không phải làm chỉ để thỏa mãn cái tôi sáng tạo của mình, mà muốn đưa sân khấu đến với khán giả, sống trong lòng khán giả", chị nói. Thế nên, chị vẫn thường lặng lẽ  ngồi cuối rạp xem lại vở diễn của mình, hay các vở diễn của đồng nghiệp. Chị muốn đứng từ góc khán giả, để lắng nghe họ, cảm nhận họ.

Có những lúc mỏi mệt, bước chân người nghệ sĩ trong chị chùng xuống. Chị nghĩ rằng làm xong vở này thôi, chị sẽ dừng lại. Nhưng rồi, đã trót yêu và đam mê, thứ tình yêu dẫn dụ và mê hoặc ấy lại mang chị đến với những vở diễn mới. Và chị lại bắt đầu hành trình sáng tạo không mệt mỏi của mình cho sân khấu cải lương.

"Tôi và các bạn đồng nghiệp đang phải gồng mình lên để giữ lại chút nghề, và đưa khán giả trở lại với sân khấu truyền thống. Nhiều lúc mệt mỏi, tôi muốn buông tay, nhưng trót yêu và trót dấn thân rồi. Với những nghệ sĩ như tôi, sống cho sân khấu và chết cũng cho sân khấu", chị tâm sự.

Tôi ngồi với chị ở phố Ngô Quyền. Chiều muộn, đã thấy một người đứng đợi chị ở dưới. Chồng chị - xe ôm tự nguyện. Hoàng Quỳnh Mai không biết đi xe máy, mọi di chuyển của chị đều trên chiếc xe hai bánh của chồng. Chị hạnh phúc vì có một gia đình bình yên, có một người chồng thấu hiểu và sẻ chia cùng vợ. Có lẽ, ít người đàn ông nào sẻ chia với công việc của một nữ đạo diễn như chồng chị. Nhưng chị là người may mắn, giữ bình yên để cho những sáng tạo mới vẫn đầy ắp trong giấc mơ lãng mạn của chị.

Việt Hà
.
.
.