"Huê tình" trên xứ mù sương

Chủ Nhật, 06/03/2016, 11:05
Tôi có cái may là được lên Sa Pa để làm một bộ phim tài liệu về ông. Đâu như dịp đó là vào cuối tháng 3 dương lịch. Trời đã đôi lúc quang sương, rét đã bớt lạnh, thi thoảng lại ửng lên chút nắng nhẹ nhưng cũng đủ nhuộm thứ màu vàng nhàn nhạt những thửa ruộng bậc thang vừa mới làm đất xong nằm phơi mình chờ tới mùa đổ nước.

Ám ảnh bởi những chiếc váy... Mông

Hồi còn đi học phổ thông tôi cũng ham hố cắp giá vẽ bên sườn, mỗi khi nghe ai nói đến bộ tứ của thời kỳ đầu nền hội họa Việt Nam "Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn" y như là tôi mê đi thán phục, mê đi ngồi hóng hớt. Vậy nên khi biết họa sĩ Tô Ngọc Thành là con trai thứ ba của họa sĩ Tô Ngọc Vân, người đứng thứ hai trong bộ tứ ấy, tôi đã không khỏi "tròn mắt" kinh ngạc. 

Cứ đứng ngây ra ngắm nhìn ông và rồi không chút ngại ngần tôi nhảy lên xe ôtô, theo ông tút xứ Sa Pa vào đúng một ngày sương mù giăng kín lối. Chuyến lên Sa Pa của tôi sau đúng hai mươi năm kể cũng "khéo duyên", kể cũng gợi tình cho những kẻ ham vui như tôi chẳng hạn.

Họa sĩ Tô Ngọc Vân có năm người con cả thảy nhưng chỉ có mỗi Tô Ngọc Thành là theo nghề hội họa. Âu cũng còn là may cho dòng họ Tô danh tiếng. Và nói như người đời vẫn nói, còn có người nối nghiệp.

Dáng người thâm thấp. Nét mặt bình thường ẩn dưới vành chiếc mũ len lưỡi trai màu nâu. Nhất là cung cách "cẩn thận" như "đàn bà" khi thấy tôi dừng chân bên đường hỏi mua thứ gì đó của Tô Ngọc Thành khiến tôi càng thấy bất ngờ khi được nghe những câu chuyện về ông. Có người bảo "lão này mê váy Mông đến rồ dại". Hỏi ông về câu nói đó, ông cười ngượng nghịu. Nói nhận thì không. Bảo chối cũng không nốt. Cứ tưởng Tô Ngọc Thành hiền nên chọn cách im lặng nhưng hóa ra đúng vậy.

Vẽ ký họa một em bé người dân tộc Mông.

Đúng là họa sĩ Tô Ngọc Thành "rồ dại" thật, đã hơn mười năm nay (có người bảo hơn mười lăm năm thì có), họa sĩ Tô Ngọc Thành gắn bó với mảnh đất Sa Pa. Một năm có mười hai tháng thì đến quá nửa số tháng trong năm ông sống, vẽ và… bán tranh ở đất này. 

Sống một mình và dĩ nhiên mọi thứ đều một mình. Một mình ông ngày ngày tha thẩn khắp nơi cùng chốn trong huyện Sa Pa. Ông đi để ngắm cảnh, để nhìn người và để vẽ. Thảo nào người ta bảo ông "mê váy Mông" là phải, đa phần các bức tranh của Tô Ngọc Thành là vẽ về miền núi nói chung, vẽ về đất và người Sa Pa nói riêng. 

Và cũng đa phần những bức tranh có nhân vật là phụ nữ của ông đều có bóng dáng những chiếc váy Mông. Váy Mông trên nương, váy Mông ngoài chợ, váy Mông phơi căng nở muôn hoa bướm trên bờ rào, váy Mông đùa chơi trẻ nhỏ và váy Mông e ấp bên tiếng sáo, tiếng khèn. Mọi chỗ đều thấp thoáng hình ảnh những chiếc váy Mông.

Họa sĩ Tô Ngọc Thành kể rằng, thuở thiếu thời ông sống cùng gia đình khi thì Tuyên Quang, lúc thì Lào Cai, Yên Bái. Thời đó là thời kháng chiến chống Pháp, họa sĩ Tô Ngọc Vân đưa vợ con tản cư lên chiến khu Việt Bắc. Những ngày tháng sống và lớn lên với núi, với rừng và với những con người dân tộc chân chất thật thà đã gieo vào tâm trí ông những ấn tượng tươi đẹp. 

Những ngày tháng sống với thiên nhiên đã gieo vào lòng ông những cảm tình về đất và người miền núi. Có lẽ là vậy nên hình ảnh những chiếc váy của các thiếu nữ người dân tộc thiểu số Việt Bắc rồi Tây Bắc, trong đó ấn tượng sâu sắc nhất là váy Mông, cứ ám ảnh trong nhận thức của ông, cứ mải mê theo hút tâm hồn của ông. Người đời hay nói, cứ nghĩ về một thứ quá nhiều sẽ bị thứ đó vận vào người kể cũng không sai. Họa sĩ Tô Ngọc Thành đã bị… những chiếc váy Mông vận vào mình từ khi nào chẳng rõ. Nhưng quả tình váy Mông cực đẹp. Đẹp thế không cất lời khen cũng tiếc, đẹp thế không vẽ vào tranh lại càng dở. 

Con ma xó đất Sa Pa

Xế chiều. Từ trung tâm thị trấn Sa Pa, chúng tôi xuôi dốc phố Cầu Mây, con phố nhộn nhịp bậc nhất Sa Pa. Họa sĩ Tô Ngọc Thành đi trước dẫn đường, bước chân của ông nhanh như bước chân của những người xứ này thực sự. Ông đi thoăn thoắt vậy mà không quên quay đầu ngoái hỏi ai đó, không quên dừng chân ghé mắt xem ai đó và ông cũng không quên vừa đi vừa theo thẻo cái miệng để trả lời câu hỏi của ai đó nghe vụt qua tai giữa phố chợ ồn ào. Đoạn đường dẫn về căn nhà nhỏ mãi cuối chân dốc. Căn nhà mà họa sĩ Tô Ngọc Thành đã thuê bao năm nay.

Họa sĩ Tô Ngọc Thành. 

Tôi hỏi: Ai bác cũng quen à?

Họa sĩ Tô Ngọc Thành đáp: Ừ. Toàn người quen cả.

Tôi lại hỏi: Sao vừa rồi bác cản không cho em mua chiếc vòng bạc?

Họa sĩ Tô Ngọc Thành nói luôn: Giả ấy mà.

Tôi hỏi thêm: Sao bác nói thế?

Họa sĩ Tô Ngọc Thành chẳng ngần ngại: Ở đây lâu nên biết thôi.

Tôi chợt nhớ lúc sáng dừng bên bậc đá trước nhà thờ đá. Họa sĩ Tô Ngọc Thành để mặc cho chúng tôi "tự do sáng tác", nghĩa là chúng tôi cứ ghi hình những gì chúng tôi muốn, còn ông thì sà vào hàng một bà ngồi nướng khoai khói mù sặc sụa. Ông không ăn khoai nướng nhưng xem ra câu chuyện của ông với bà nướng khoai chắc còn lâu mới dứt. Họ như đôi bạn thân tình vậy. Cô bạn cùng đi cười nói ngay "em nghe bảo bác Thành là con ma xó Sa Pa mà".

Ma xó. Thảo nào chuyện gì ở Sa Pa ông cũng biết. Nào là giá một cân cá hồi trong nhà hàng bao nhiêu thì đúng giá hiện nay. Cứ để đấy cho ông kêu thanh toán. Nào là giá thuê phòng chỗ nào rẻ hơn. Hoặc bảo sáng nay đi thăm bản Cát Cát thì ông lắc đầu kêu "Đường đang sửa khó đi lắm". Bảo hay là đi chơi bãi đá cổ dưới thung lũng suối Mường Hoa thì ông bĩu môi: "Họ đang làm thủy điện Sử Pán 1 ngay đấy, nhìn thấy san ủi đất ầm ầm nẫu ruột lắm. Thủy điện Sử Pán 1 đang đe dọa vẻ đẹp tự nhiên của Sa Pa".

Ma xó. Thảo nào ông rủ sáng mai ta hẵng đi Tả Phìn. Hỏi sao thì ông cười. "Mai là chủ nhật đàn bà con gái ra ngồi thêu mới đông. Đi Tả Phìn kiểu gì cũng phải tắm nước lá người Dao, tắm xong khỏe lắm". Thảo nào ông đi cứ thoăn thoắt. Ông nói thêm: "Đi Tả Phìn làm ít địa lan về chơi cuối vụ. Rẻ như cho ấy".

Ma xó. Ừ nhỉ. Cái ông họa sĩ ai cũng quen này cái gì cũng biết. Cứ nghĩ ông chỉ biết sơn với toan. Cứ nghĩ ông chỉ biết váy Mông với khăn Dao. Cứ nghĩ ông chỉ biết...? Vậy mà... 

Đúng như họa sĩ Tô Ngọc Thành đã nói. Sáng chủ nhật khoảng sân trung tâm xã Tả Phìn đông như có hội. Mấy bà mấy cô người Dao áo khăn rực rỡ ngồi xúm lại mà thêu với khâu. Nhìn toàn cảnh giống y chang một bức tranh tự nhiên rất nhiều màu sắc. Cánh chúng tôi hí hửng chĩa máy ảnh, hí hửng chĩa máy quay phim vào nhưng hễ ống kính chỉ mới bén mảng tới là y như rằng mấy bà mấy cô quay phắt mặt đi. Họ giấu mặt thể như đang xấu hổ vậy. Nói thế nào cũng không quay lại. Gặng thế nào cũng nín thinh.

Phải đến khi họa sĩ Tô Ngọc Thành bước tới gần. Tiếng của người Dao không biết một câu vậy mà như một phép tiên. Mấy bà mấy cô cười rinh rích néo tay nhau quay mặt lại. Hỏi ông nói như thế nào mà mấy bà mấy cô nghe theo? ông chỉ cười. Thì ra họa sĩ Tô Ngọc Thành vốn là người quen lâu năm ở đấy. Thì ra cũng chính mấy bà mấy cô ngồi thêu khăn khâu áo ở đây người ít thì một lần, người nhiều thì đôi ba lần làm mẫu cho ông. Thảo nào những bức tranh ông vẽ thấy bức nào cũng… y như thật ấy. Đúng là ma xó.

Tầm trưa nắng lên, họa sĩ Tô Ngọc Thành rủ chúng tôi vào một ngôi nhà ngồi nghỉ. Chủ nhà là một người đàn ông chừng bốn mươi, anh ta đon đả mời nước nhưng chúng tôi chỉ chú ý đến bức tranh treo cao. Một bức tranh sơn dầu vẽ toàn thân một cô gái người Dao khá xinh. Cô bẽn lẽn giấu nụ cười sáng lóa. Họa sĩ Tô Ngọc Thành biết vậy nên tủm tỉm nói chen vào suy nghĩ của chúng tôi, cô ấy đấy.

Cô ấy đấy. Ông làm như chúng tôi cũng… ma xó như ông không bằng. Nhưng quả tình cô gái đẹp quá. Nét tự nhiên như núi như rừng lại đang tuổi rạo rực khiến cô gái trong tranh càng đẹp. Cô ấy đấy. Họa sĩ Tô Ngọc Thành nói luôn. Cái cô sáng qua anh em mình gặp ở sân vận động ấy. Ra vậy. Sáng qua chúng tôi thấy họa sĩ Tô Ngọc Thành nói chuyện lâu lắm với một cô gái chừng ngoài ba mươi. Cô đang bán thứ củ gì đó. Cứ tưởng ông họa sĩ này nói chuyện bâng quơ với người bán hàng nhung nhăng cho vui, nào ngờ.

Hỏi: Cô ấy chịu làm mẫu cho ông ư?

Trả lời: Chịu chứ. Làm mẫu nhiều lần lắm.

Hỏi: Có làm mẫu… không?

Trả lời: Hì. Mẫu thì làm hết chứ.

Hỏi: Chồng cô ấy… đồng ý.

Trả lời: Đồng ý.

Thảo nào. Người ta đồn rằng họa sĩ Tô Ngọc Thành rất huê tình. Ông có hàng chục. Thậm chí hàng mấy chục người mẫu là những người dân tộc nơi đây. Già có, trẻ có và bé em cũng có. "Ma xó" đất Sa Pa có khác.

Tranh vẽ ra chỉ bán cho… Tây

Mười lăm năm sống, vẽ và bán tranh ở Sa Pa. Chừng đó đủ nói lên là những bức tranh của họa sĩ Tô Ngọc Thành cứ đều đều ra mắt và cứ đều đều về tay chủ mới. Tức là về với khách mua tranh. Những người đến Sa Pa xem tranh và mua tranh của họa sĩ Tô Ngọc Thành đều rất đặc biệt. Họ đặc biệt ở chỗ: Cũng đều và chỉ là… khách Tây.

Công bằng mà nói tranh của họa sĩ Tô Ngọc Thành rất hợp với "gu" của khách Tây. Hợp với túi tiền của họ nữa. Người Việt Nam ít có sở thích sưu tầm tranh vẽ. Lại càng không có cái thú đi du lịch tới những vùng miền hay quốc gia nào đó là… xem tranh bản xứ và mua tranh bản xứ.

Thảo nào họa sĩ Tô Ngọc Thành gắn kết với xứ sở mù sương này. Ông đã tìm được cho mình… mảnh đất cho ông cảm hứng hội họa, cho ông nguồn lực tinh thần và cho ông nguồn thu vật chất thông qua việc… bán tranh.

Còn may. May là tranh của Tô Ngọc Thành nói riêng, tranh của người Việt Nam nói chung còn có những người yêu thích và trân trọng đón nhận.

Đạo diễn Nguyễn Trọng Văn
.
.
.