"Kẻ hủy diệt" làm chính trị gia: thành công bất ngờ, thất bại đắng cay!

Thứ Hai, 20/07/2020, 09:11
Nhiều năm trước khi rapper Kanye West tuyên bố ứng cử làm Tổng thống, nước Mỹ đã có một ngôi sao giải trí khác lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh: Arnold Schwarzenegger. Từng giành chiến thắng vang dội trước những ứng viên khác, nhưng vấn đề trong công tác quản lý, điều hành chỉ bắt đầu lộ ra khi "Kẻ hủy diệt" dần lún sâu vào chính trường.


"Thống đốc hủy diệt"

Tiêu đề đó được báo chí Mỹ đồng loạt giật lên khi Arnold Schwarzenegger nói ông muốn tranh cử vào vị trí Thống đốc bang California. Hẳn khi diễn viên này thốt ra những lời đó, ngay cả ông cũng ít nhiều nghi ngờ vào sự thành công của bản thân. Nếu nhìn vào lý lịch của Schwarzenegger, chẳng mấy ai nghĩ sẽ có ngày ông trở thành một chính trị gia.

Vốn sinh ra ở Áo, Schwarzenegger đến Mỹ lập nghiệp vào cuối thập niên 60 với danh tiếng là một vận động viên cử tạ kiêm thể hình. Thân hình đẹp giúp ông nuôi mộng lấn sân sang lĩnh vực điện ảnh, nhưng mọi chuyện không dễ dàng trong những ngày đầu tiên. Là một tay mơ, Schwarzenegger phải chấp nhận thể hiện mình như một diễn viên phụ, và ông thậm chí còn đóng cả phim cấp ba để gây chú ý.

Thành công chỉ đến với Schwarzenegger khi ông bước sang tuổi 40. Vai diễn "Kẻ hủy diệt" trong bộ phim cùng tên giúp ông thu về khoản tiền cát sê kếch xù cùng danh tiếng vang dội trên toàn thế giới. Tên tuổi Schwarzenegger gắn liền với bộ phim ấy, và ông còn thủ vai "Kẻ hủy diệt" cho đến tận tháng 6-2003. Đó là thời điểm phần 3 của loạt phim này ra mắt. Hai tháng sau, Schwarzenegger bất ngờ tuyên bố muốn làm chính trị gia.

Arnold Schwarzenegger dễ dàng đắc cử ghế Thống đốc nhờ sự nổi tiếng của mình.

Cách "Kẻ hủy diệt" bước lên vũ đài chính trị cũng chẳng theo một khuôn mẫu nào. Ngày 6-8-2003, ông tham gia một chương trình truyền hình thực tế và khiến mọi khán giả sửng sốt với lời nói của mình. "Tôi sẽ thay thế Thống đốc đương nhiệm Gray Davis bằng việc ghi tên mình vào danh sách tranh cử, và tôi sẽ chiến thắng. Phương châm của tôi là làm tốt việc của mình, nếu không chắc chắn sẽ bị thải loại. Đó là lúc kẻ khác nhìn vào và nói “Tạm biệt nhóc con”.

Những ai đã xem phần ba "Kẻ hủy diệt" đều không thể quên "Tạm biệt nhóc con", câu cửa miệng được Schwarzenegger thường xuyên nói mỗi lần ông hạ gục đối thủ. Vì thế, từ chỗ ngạc nhiên không nói nên lời, toàn bộ khán phòng lập tức vỗ tay nhiệt liệt ủng hộ ông làm Thống đốc bang. Họ chưa nghĩ nhiều đến chuyện ngôi sao màn bạc này sẽ làm được gì trên cương vị mới, mà chỉ tưởng tượng viễn cảnh ông ngồi ghế Thống đốc sẽ rất thú vị.

Một chiến dịch tẩy chay quyết định điên rồ của Schwarzenegger lập tức được các đối thủ chính trị khác nhắm vào ông. Tuy nhiên, "Kẻ hủy diệt" đã lường trước việc đó. "Chắc chắn họ sẽ làm vậy để hạ thấp uy tín của tôi", ông chia sẻ. "Thực tế họ chỉ ghen tị thôi. Tôi nổi tiếng, đẹp trai, được phụ nữ yêu mến, thế nên họ phải tìm đủ mọi cách dìm tôi xuống bằng việc nói tôi không có kinh nghiệm làm chính trị. Đương nhiên là tôi không thể nào giỏi bày thủ đoạn như họ".

Sau 2 tháng từ lúc tuyên bố tranh cử đến ngày bỏ phiếu, Schwarzenegger gần như không tham dự một buổi tranh luận công khai nào như những chính trị gia khác vẫn làm. Nếu như những người bình thường phải liên tục ra sức vận động để công chúng biết đến họ và bỏ phiếu, "Kẻ hủy diệt" không cần đến điều đó. Danh tiếng của một ngôi sao màn bạc với hàng chục phim truyền hình ăn khách đủ để tất cả mọi người đều biết đến ông. Tháng 10/2003, Schwarzenegger giành chiến thắng trong cuộc bầu cử có một không hai của bang California.

Lời hứa không thành hiện thực

Trong chiến dịch tranh cử làm Thống đốc California, dĩ nhiên Schwarzenegger không thể tuyên bố ông sẽ biến bang có số dân đông nhất nước Mỹ trở thành Hollywood mở rộng. Với đội ngũ hùng hậu gồm các cố vấn, chuyên gia của đảng Cộng hòa, "Kẻ hủy diệt" cam kết tái thiết bộ máy hành chính, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân, nâng cao dịch vụ y tế công, đồng thời cải thiện chất lượng môi trường. Từ một người không có kinh nghiệm làm chính trị, Schwarzenegger ngày càng giống chính trị gia nhiều hơn trong thời gian đương nhiệm, và điều đó khiến ông dần tự hủy hoại hình ảnh của mình.

"Kẻ hủy diệt" có thể dễ dàng thu hút và lấy lòng cử tri, nhưng lại không thể thuyết phục những người dưới quyền làm theo ý mình. Họ đưa ra vô vàn nguyên nhân để khiến Schwarzenegger nản lòng trên cương vị mới. Ông không phải một chính trị gia kiểu mẫu nên mọi đề xuất đều bị gạt bỏ trong chớp mắt. Có những kẻ không ưa ông ra mặt thậm chí còn nói Schwarzenegger nên trở lại đóng phim, bởi đó mới đúng là chuyên môn của ông. Một vài thành viên thủ cựu thuộc đảng Cộng hòa còn nói không làm theo Schwarzenegger bởi chính sách của ông giống đảng Dân chủ.

Năm 2006, Schwarzenegger tiếp tục ra tranh cử nhiệm kỳ thứ hai và lại giành chiến thắng. Ông vẫn được công chúng mến mộ và bỏ phiếu ủng hộ, nhưng mọi chuyện trong công tác quản lý lại diễn ra ngày càng khó khăn hơn sau cánh gà. Cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu bắt đầu diễn ra cuối năm 2007 khiến những lời hứa của Schwarzenegger với cử tri không bao giờ trở thành hiện thực. Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao khiến ông bị quy trách nhiệm buông lỏng quản lý và không làm đúng nhiệm vụ của mình.

Truyền thông Mỹ cũng có một phần nguyên nhân trong việc biến hình ảnh của chính trị gia Schwarzenegger trở nên xấu hơn. Năm 2010, ông bị đưa vào trong danh sách 10 Thống đốc tệ nhất nước Mỹ vì mọi cải cách đều thất bại. Việc tuyên bố từ chối nhận tiền lương (khoảng 175 ngàn USD mỗi năm) chẳng khiến "Kẻ hủy diệt" lấy lòng mọi người như trước. Ngày ông rời nhiệm sở vào đầu năm 2011, tỷ lệ cử tri ủng hộ ông tụt xuống chỉ còn 23%. Gần như không có Thống đốc nào có độ tín nhiệm sa sút thê thảm như thế.

Khi mới đắc cử, Schwarzenegger tự tin tuyên bố ông còn nuôi mộng làm Tổng thống, nhưng không thể vì Hiến pháp Mỹ không cho phép người sinh ra ngoài nước Mỹ được tranh cử. Tuy nhiên sau 8 năm ngồi ghế Thống đốc, hẳn là "Kẻ hủy diệt" cũng cảm thấy viễn cảnh đó chẳng khác nào một giấc mơ không bao giờ thành hiện thực. Ông trở lại đóng phim, tiếp tục xuất hiện trong một số phim hành động với hình ảnh của một người hùng cơ bắp giống như trước kia. Nhìn ông chẳng giống một cựu chính trị gia chút nào.

Bài học cho những người thích lấn sân

Câu chuyện về thất bại của Arnold Schwarzenegger sẽ khiến nhiều người nổi tiếng phải cân nhắc thêm trước khi quyết định có nên lấn sân sang chính trường hay không. Với những người như họ, việc thu hút lá phiếu của cử tri dễ dàng hơn rất nhiều so với một chính trị gia kiểu mẫu. Họ không cần tranh cử rầm rộ và công khai, bởi một bài đăng trên mạng xã hội có thể tạo hiệu ứng lớn hơn rất nhiều. Tuy nhiên vấn đề chỉ bắt đầu bộc lộ rõ khi họ bắt tay vào công việc.

Các chính trị gia thành công bởi họ có một đội ngũ hùng hậu gồm các cố vấn, chuyên gia, trợ lý làm việc cùng trong nhiều năm. Thành công họ có được là thành quả của một tập thể đã làm việc ăn ý với nhau từ trước. Họ hiểu rõ tính cách, con người nhau, từ đó giúp công việc diễn ra trôi chảy hơn. Điều đó không thể có với một người tay ngang như Schwarzenegger, bởi ông chỉ tập hợp những người này về dưới trướng mình sau khi đắc cử. Vì thế những ngôi sao như "Kẻ hủy diệt" có thể thắng những ứng viên khác, nhưng lại không thể làm tốt việc của mình.

Với một ê kíp như thế, không quá ngạc nhiên khi di sản Schwarzenegger để lại cho California là một đống ngổn ngang. Bang này chẳng có gì khá hơn sau 8 năm ông tiếp quản. Tầng lớp trung lưu và lao động nói đời sống của họ gần như không được cải thiện, thậm chí còn khó khăn hơn trước. Dân kinh doanh cũng ngại chuyển đến California làm ăn, bởi nơi đây tụt xuống gần cuối bảng trong danh sách các bang thuận tiện đầu tư. Các khoản thuế và phí phát sinh tràn lan cũng khiến "Kẻ hủy diệt" mang tiếng bất tài.

Schwarzenegger chưa bao giờ nói ông hối hận vì tranh cử làm Thống đốc bang California, nhưng chắc chắn các cử tri từng bỏ phiếu cho ông sẽ suy nghĩ lại nếu được quay ngược thời gian về tháng 8-2003. Rõ ràng viễn cảnh một ngôi sao màn bạc làm chính trị gia vô cùng thú vị, nhưng thực tại diễn ra lại khác xa những gì tất cả tưởng tượng. "Kẻ hủy diệt" cũng chỉ là một nạn nhân trong giấc mơ của chính ông.


Sơn Hải (tổng hợp)
.
.
.