Kẻ mộng du với gốm

Thứ Sáu, 26/06/2015, 10:30
Đất và lửa là hồn vía của nghệ nhân Lê Đức Hạ. Nói thế bởi lẽ từ khi còn nhỏ, cậu bé Hạ thường tha thẩn bên con sông Thu Bồn nghịch đất, nặn các con trâu, bò, gà, lợn và trò chuyện với chúng. Những câu chuyện vui nhộn, rồi cười lăn trên cát. Khi lớn lên theo bố học nghề anh lại càng yêu đất và những ngọn lửa tạo nên sắc màu. Rồi biết bao bươn chải, lăn lộn với mọi buồn vui của cuộc sống, cuối cùng anh lại trở về với đất bên sông quê cùng với những ký ức tuổi thơ...

Tình cờ bên sông Hương

Tôi gặp Nghệ nhân ưu tú Lê Đức Hạ với những niềm vui không ngờ vì trong nhà tôi đã từng bày đồ của anh từ lâu. Tôi thầm cảm phục một ngôn ngữ gốm mới mang dáng dấp nửa Bầu Trúc và nửa là đất đỏ xứ Quảng. Đó là màu của đất đã làm nên một quần thể tháp Mỹ Sơn kỳ ảo. Và đó chính là nét độc đáo của gốm Lê Đức Hạ, ở làng Đông Khương, Điện Bàn, Quảng Nam. 

Tôi đã sưu tầm được hai bình rượu của anh làm cách đây dăm năm. Sự độc đáo do nét cách điệu bởi tay cầm là thân của vũ nữ Chăm, cùng với chiếc vòi là hình mỏ chim đại bàng. Vậy mà giờ đây khi đến quán hàng của anh trên sông Hương, trong Lễ hội Festival làng nghề (tháng 5/2015), tôi bắt gặp lại nó, những bình rượu với cách thể hiện khác lạ. Bố cục độc đáo hơn với cảm xúc say đắm hơn. Đó là bầu vú của người Chăm. Nõn nà và rạo rực sức sống tạo nên một bình rượu làm say mê lòng du khách. Tôi ngớ người ngắm nhìn bình rượu, bồi hồi trong cảm xúc rất lạ và thấy rất gần gũi. 

Anh bất ngờ trò chuyện với tôi nhiệt thành, cởi mở dường như đã quen nhau từ lâu. Kéo tôi ra bờ sông Hương, anh hồ hởi kể những chặng đường của mình lận đận, lao đao với đất và lửa ra sao. Hóa ra để đến với gốm và tạo được thương hiệu cho riêng mình, tạo nên một thị trường gốm mang tên Lê Đức Hạ đã 20 năm nay không hề dễ dàng gì.

Anh hồn nhiên đến lạ kỳ, mê đất và say mê với những khám phá về ngọn lửa như bị mụ mị đầu óc. Ngay cả lúc cuộc sống khó khăn phải mưu sinh bằng nghề khác, sau khi đi nghĩa vụ quân sự về năm 1982, anh cũng chỉ nghĩ đến đất sông quê. 

Có lần lên Đà Nẵng làm nghề chụp hình, đã không ít lần anh đem theo cả đất sét dẻo vào phòng làm ảnh (Theo công nghệ cũ). Trong khi chờ đợi thể nào cũng lại một con giống ra đời. Nó cười ngộ nghĩnh với anh và trò chuyện về cây đa đầu làng. Thậm chí đến cả khi trông nom vợ ốm ở bệnh viện anh cũng mang theo bị đất. Khi vợ ngủ là anh tranh thủ nặn bình lọ mang hình suối tóc của cô gái, hay hình con lợn, con mèo. Có cái lạ anh rất thích làm các con giống nhỏ. 

Anh tuổi lợn,  sinh đầu năm 1960, nhưng lại chăm chỉ và cần mẫn của người tuổi trâu vậy. Ngoài làm ảnh Lê Đức Hạ còn say mê cả văn chương, nhưng có cái lạ đi đâu anh cũng không rời bị đất làng mình. Cứ đêm đến là anh nhào đất và nghĩ ra đủ các thứ hình để nặn. Sau đó lăn ra ngủ mơ với câu chuyện của mình dự tính trong đầu. Đó là những đêm mộng du với đất. Mơ về những hình gốm đỏ bên sông Thu Bồn.

Lăn lộn mưu sinh mãi, tình cờ một lần gặp được nhà thơ Ngân Vịnh ở Đà Nẵng, Lê Đức Hạ mới ngộ ra nhiều điều. Khi xem bàn tay của Lê Đức Hạ, nhà thơ Ngân Vịnh kiêm thầy số xem vận mệnh cho người đã phán, anh phải trở về lập nghiệp tại quê hương. Nhà thơ còn chỉ ra vạch ngang khắc sâu trong lòng bàn tay Lê Đức Hạ mà nói rằng, vinh quang và tiền bạc là ở đây. Đó là những cơn mộng du với đất của anh. 

Nhưng giấc mơ đổi đời của Lê Đức Hạ chỉ thành hiện thực trên bến sông Thu Bồn. Nhà thơ còn phán quê của Lê Đức Hạ ở giữa hai trung tâm Mỹ Sơn và Hội An, bên cạnh làng gốm Thanh Hà, vậy nghiệp đó chứ ở đâu. Đã yêu đất và mê gốm thì hãy về đó mà dựng nghiệp. Bàn tay này sẽ làm nên tất cả. Mỗi lời mỗi sáng. Mỗi lời mỗi vui. Thế là Lê Đức Hạ trở về quê làm lán bên sông cùng với vợ dựng lò gốm đầu tiên tại nhà vào cuối năm 90.

Nhờ cơm vợ để khởi nghiệp

Đúng là khi trở về quê với hai bàn tay trắng, sau những năm bôn ba khắp nơi mưu sinh, Lê Đức Hạ về “ăn cơm vợ” như lời anh nói. Bởi bắt đầu làm gốm đâu có dễ. Nhất là trước khi lên Đà Nẵng kiếm ăn, anh cũng đã từng với vợ dựng lò tại nhà với bao vốn liếng tích cóp nhưng lò bị sập tất cả trở thành tro bụi, vào năm 1985. Sau đó hạ quyết tâm làm lại từ đầu, mẻ hàng đầu tiên thành công nhưng hàng bán cũng không được, cho dù ai cũng khen đẹp khen hay. 

Thị trường thời bao cấp đầy khốn khó. Ngỡ là bỏ nghề từ đó. Vợ đi buôn bán gà ở chợ, còn anh lên Đà Nẵng tìm kiếm vận may. Vậy theo như nhà thơ Ngân Vịnh nói bắt đầu dựng nghiệp từ đâu, có nên bắt đầu trở lại nghề gốm? Đúng là không đơn giản. Chim đã dính tên sợ cả cành cong. Một lần dựng lò đã thất bại làm Lê Đức Hạ phân vân. Thế là anh đập lò xây chuồng nuôi lợn. Còn vợ vẫn đi buôn gà.

Nhưng thế rồi những cơn mộng du lại ám ảnh người nghệ sĩ như anh. Lại những đêm con giống và những mặt người hiện lên. Lê Đức Hạ nặn và nô đùa với chúng như ngày nào bên sông Thu Bồn. Nhiều đêm lợn kêu ầm lên vì đói anh mới thoát khỏi cơn mê muội với gốm của mình. 

Tình yêu ấy không thể cầm lòng, lúc rảnh rỗi anh lại nặn đất và làm một chiếc lò nhỏ để nung các con giống và những bình lọ cách điệu nhỏ xinh. Thế rồi mẻ hàng làm chơi đầu tiên ra đời. Đỏ au đất sông quê và ngộ nghĩnh làm sao. Bày chúng rồi ngắm chơi bên máng lợn. Anh vui và tìm lại được tình yêu với đất của mình.

Và, không ngờ mẻ hàng ấy đã được vợ anh mang đi chào bán trên Đà Nẵng, tại những cửa hàng non bộ. Họ mua hết ngay lập tức và còn đặt hàng làm tiếp họ sẽ bao tiêu toàn bộ. Vậy là từ đó lợn cũng dẹp, gà cũng thôi, nhất là sau khi vợ anh bị tai nạn không đi buôn được nữa, nên ở nhà cùng anh dựng lò làm gốm, từ năm 1994. 

Đơn đặt hàng liên tục gọi việc. Vợ chồng anh bắt đầu phải thuê thợ rồi hướng dẫn cho họ cùng làm. Công việc trở nên phát triển, xưởng gốm ra đời và lò gốm luôn luôn rực lửa suốt ngày đêm. Vận may đã đến đúng như lời nhà thơ Ngân Vịnh đã nói, anh đã bắt đầu lớn lên từ đất với cái tên Lê Đức Hạ, như một con hổ đã về rừng vậy.

Nhưng rồi những cơn mộng du lại trở về với Lê Đức Hạ. Bởi lẽ ngày đêm anh phải tìm ra những mẫu mới, trong khi hàng của anh bán rất chạy tại hai trung tâm du lịch Thánh địa Mỹ Sơn và Hội An. Hơn hai chục cửa hàng đã bao tiêu hàng gốm mỹ nghệ của anh và đặc biệt là suốt thị trường miền Trung đều rải hàng gốm lưu niệm mang tên Lê Đức Hạ. 

Đã có hàng trăm mẫu mã ra đời nhưng sự khám phá mới lạ về hình tượng và màu sắc biến động của gốm đã làm anh say mê ngày đêm. Mẫu hàng mới đó là sự sống còn của một nghệ nhân làm gốm. Nhất là khi có thời gian chuyển sang làm tranh gốm phù điêu và tượng chân dung là cả một giai đoạn khám phá công nghệ làm gốm mới. 

Cũng là một chất liệu đất sét dẻo của con sông quê hương nhưng với lò dựng thế nào, điều tiết ngọn lửa ra sao, điều chỉnh mầu sắc theo ý muốn không dễ dàng gì, với công nghệ nung nhiệt thấp ở 600 hay 800 độ C. 

Riêng nung tượng chân dung càng khó hơn. Bắt đầu từ tượng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, bởi âm nhạc của ông đã an ủi và khích lệ anh những lúc cam go, sầu muộn. Cảm xúc với ca khúc “Tôi ơi đừng tuyệt vọng”, anh đã phải mất hằng tháng trời để nghiên cứu hình tượng và lửa nung sao cho toát lên cái thần thái của người nhạc sĩ và vẫn giữ được mầu sắc đỏ tươi của đất. Từ đó anh làm các tượng nhà thơ Bùi Giáng, hay các danh nhân của đất Quảng quê anh.

Tưởng làm để chơi nhưng rồi có những người đến đặt hàng làm tượng người thân trong gia đình. Đó là mặt hàng mới và cũng là một hành trình nghệ thuật gốm cởi mở hơn của Lê Đức Hạ. Nó được ra đời cùng với dòng hàng đèn gốm nổi tiếng của anh. 

Riêng với các mẫu đèn với anh là những cuộc mộng du bất tận. Đơn hàng làm đèn gốm của anh dường như liên tục theo tháng năm. Anh vẽ trong mơ, và thắp lên ngọn đèn ngũ sắc trong cuộc mộng du đó. Sáng ra cứ thế anh thực hiện theo ngọn suối cảm xúc tâm linh đem lại. Những mẫu đèn đã bổ sung cho thêm thương hiệu gốm của Hạ ngày thêm rực rỡ. Một thương hiệu gốm đã được khẳng định, rải khắp miền Trung cùng với trang Web datnungcuaha.com, và danh hiệu Nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng năm 2012.

Vẫn còn đó nồng nàn những giấc mơ

Không có ước mộng làm giàu. Có lẽ thế khi hỏi anh về chuyện hướng tới thị trường nước ngoài, anh lắc đầu. Nói khó cũng không hẳn, bởi hàng của anh hiện đã có ở một số cửa hàng quốc tế, nhưng anh lại nhiệt thành nói, thị trường nội địa còn là một tiềm năng. Anh còn thích giao du và mơ mộng.

Thật lạ cho anh một doanh nhân khi nói, thị trường nội địa thích lắm; có kẻ ra người vào; kẻ khen người chê, tìm cho được người chê mình, cuộc sống sinh động hẳn. Nó bắt mình phải thay đổi và bước tiếp trên con đường của mình. 

Anh lim dim đôi mắt bên sông Hương rồi quay về phía tôi nói, sự sáng tạo như những bước chân, không ai đếm được nó bao giờ. Cứ đi về phía trước, rồi một ngày dừng chân, ngoái lại ta có một quãng đường đời đầy ý nghĩa. Tôi bất ngờ nói đế thêm, và những ký ức mộng du nữa chứ. Vâng vẫn còn đó nồng nàn những giấc mơ. Lúc này tôi thấy anh là một thi sĩ đích thực. Một hồn thơ của Gốm Hạ, trên con sông Thu Bồn, với giọng hò xứ Quảng ngọt ngào và khao khát tình quê.

Vương Tâm
.
.
.