Nhạc sĩ Phó Đức Phương:

Khả năng sáng tạo của tôi chưa bao giờ vơi

Chủ Nhật, 20/11/2016, 13:15
Khó tính và khắt khe với cả chính mình nên ở tuổi ngoài 70, nhạc sĩ Phó Đức Phương mới có một liveshow riêng. Ông nói, ông vẫn đầy nhiệt huyết cho âm nhạc, và ông tin, khả năng sáng tạo chưa bao giờ vơi, dù 15 năm mải mê với công tác bản quyền, ông viết không nhiều.


- Vì sao đến tận bây giờ, khi đã ở bên kia dốc cuộc đời, ông mới nghĩ đến việc làm liveshow riêng, trong khi âm nhạc của ông có sự ảnh hưởng mạnh mẽ trong lòng công chúng?

+ Tôi là người khó tính và khắt khe với cả chính mình. Tôi không thể phó mặc tác phẩm của mình cho bất cứ ai, vì tôi sợ có những bài hết sức khác biệt và việc tập dàn dựng nó phải mất rất nhiều thời gian, không thể đưa vào một quy trình biểu diễn thông thường mà tôi biết họ thường chỉ làm trong một vài tháng.

Vậy tại sao bây giờ phải làm, vì nhiều bạn bè thúc giục phải làm, thời gian trôi đi không chờ mình và mình vẫn còn nhiệt tâm, lòng mong muốn, những tác phẩm một lần nữa có thể được hát lên một cách trọn vẹn nhất. Vì thế nên phải cố làm vậy.

- 15 năm theo đuổi tác quyền âm nhạc đã làm mất đi một Phó Đức Phương của sáng tạo. Giờ ngẫm lại ông có ân hận vì lựa chọn đó?

+ Cuộc sống của  tôi luôn có những bước ngoặt, khi đang là sinh viên Toán Lý - Đại học Sư phạm, năm thứ 2 tôi chợt nghĩ rằng, mình đến chết cũng phải theo con đường âm nhạc. Và tôi nộp đơn xin thôi học. Nhà trường thấy lạ, một sinh viên bình thường và ngoan sao lại xin thôi học. Đến tận giữa năm thứ 3, chỉ còn kỳ 2 đi thực tập nữa thôi, nhà trường mới gọi lên giải quyết tình hình.

Lúc bấy giờ Giáo sư Phạm Huy Thông làm Hiệu trưởng. Ngày đó không ai có quyền đang học trường này mà bỏ để sang trường khác, tôi phải lấy lý do vì hoàn cảnh khó khăn xin nghỉ học. Sau đó, tôi xin lên Nông trường Cửu Long lao động một năm rưỡi để tránh không liên quan đến sai phạm nhảy từ trường nọ sang trường kia.

Phải đi vòng một chút, nhưng việc đi vòng ấy rất tốt, mình được sống hồn nhiên với thiên nhiên và lao động, đánh xe bò, nấu cám lợn, như một người nông dân thực thụ, không chỉ rèn luyện thể lực mà có rèn luyện cả trạng thái sống với thiên nhiên, với cuộc đời, hồ hởi và hồn nhiên lắm. Sau một năm rưỡi, tôi thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam.

Và bước ngoặt thứ hai, chuyển sang làm Trung tâm Tác quyền âm nhạc, đúng thời kỳ đang ở đỉnh cao của sáng tạo. Với tôi, nó là sứ mệnh, là tử vi, nhiều người không hiểu tại sao và cứ tiếc cho tôi, vì họ cần tôi là một nhạc sĩ. Họ nghĩ tôi đang làm công việc vác tù và hàng tổng. Nhưng tôi không ân hận, cái gì đã xảy ra phải xảy ra.

- 15 năm qua, ông gần như không viết, mọi năng lượng của ông dành cho công việc bản quyền. Nhưng khán giả vẫn nhớ ông, nhớ những ca khúc mênh mang đầy ám ảnh của Phó Đức Phương. Không hiểu vì sao, đề tài sông và hồ chiếm một số lượng lớn trong sáng tác của ông đến thế?

+ Có lẽ vì tôi là người con của nền văn minh lúa nước, trong tế bào, trong căn cội của tổ tiên ông bà chúng ta đã có. Đi đâu nhìn thấy hồ hay sông là lòng tôi dịu lại, gợi một điều gì xa xôi, mênh mang lắm. Tôi là người con còn lưu lại tiềm thức, ký ức nhiều đời chăng. Vì tôi là mệnh thủy nữa.

Và không chỉ sông, hồ, đối với tôi rộng hơn là tình yêu thiên nhiên hoa lá. Những thứ nguy nga của những công trình hiện đại làm mình khâm phục chứ không rung động được như khi tôi đứng trước thiên nhiên.

- Một điều đặc biệt là ông đều tự viết lời cho những ca khúc của mình. Và tôi biết rằng, hình như đều là những ca khúc đặt hàng. Vì sao đặt hàng mà hay đến vậy?

+ Tôi yêu văn học, trước khi sáng tác, tôi đã tập làm thơ, tôi luôn có ý thức tu dưỡng ngôn ngữ, đọc nhiều, cảm nhiều lắm theo con đường của văn chương. Trong kho tàng hàng trăm tác phẩm của tôi, chỉ có 2 bài hát tôi không viết theo đơn đặt hàng đó là "Khúc hát phiêu ly" và bài "Về nhà" thôi.

Vấn đề là làm sao viết theo đơn đặt hàng mà bài hát vẫn tràn đầy cảm xúc và có đời sống riêng, độc lập. Nếu một nhạc sĩ mà bản sắc, bản lĩnh, bản thể của anh ta thực sự đậm đặc thì việc đáp ứng với những đơn đặt hàng của cuộc đời là một may mắn cho người nhạc sĩ đó.

Vậy để có kết quả cho một quy trình sản xuất theo yêu cầu bên ngoài, mà tôi vẫn gọi là "yêu cầu của cuộc đời" thì đầu tiên người nhạc sĩ phải có cái riêng của bản sắc, của ngôn ngữ cá thể và một điều quan trọng nữa là phải có khả năng nhập cuộc - nhập đồng mạnh mẽ rất sâu vào đời sống. Và đơn đặt hàng trở thành cái cớ để người nghệ sĩ đó thỏa sức sáng tạo.

- Âm nhạc của ông chứa đựng nhiều vỉa tầng, sâu thẳm, càng nghe càng thấy sâu sắc và rõ ràng, nhạc Phó Đức Phương không dành cho số đông, cho đại chúng?

+ Đúng những gì tôi gửi gắm trong tác phẩm rất đa tầng đa nghĩa, ngay cả bài hát mới nhất, bài "Về nhà" tôi viết cho tất cả bạn bè trong lúc uống rượu, vui, rộn ràng, không khí rượu trong bài hát đã chuyển tải được hết ý nghĩa đó.

Thế nhưng, nếu những người có một sự trải nghiệm về tâm tưởng, sẽ hiểu phía sau niềm vui, sự tưng bừng, nhộn nhạo ấy là một thông điệp rất sâu về cuộc sống này, nó tiệm cận được với thái độ Thiền trong đời sống. Một bài tưng bừng và ồn ã như vậy lại chứa đựng một tâm tưởng rất sâu.

"Thôi trút đi gánh nặng đường xa/ nay ta về nhà ta/ đường trần quá hẹp, lắm vực nhiều khe, nhà ta mênh mông trang trải bốn bề. Dòng đời chất chồng hết lầm rồi mê"…

Đây là ngôi nhà của bản thể, con người bây giờ cứ bị lạc ra khỏi bản thể của chính mình, hoang mang, khốn khổ vì những quan niệm đúng sai, phải trái, sang hèn, giàu nghèo.

Nếu ta buông bỏ được, sống một cách thảnh thơi, trở về với ngôi nhà bản thể của mình, thì biệt thự, cung điện cũng không mênh mông bằng ngôi nhà trong tâm hồn mỗi con người. Nhà tôi chỉ 50m2  trong một xóm nghèo thành thị ở ngõ Văn Chương.

Vậy mà tôi dám nói nhà tôi mênh mông, đó là ngôi nhà của bản thể. Rồi bài "Chảy đi sông ơi", có lẽ ít người hiểu được rằng, đó là bài hát thất tình, đau đớn vì tình đến mức muốn tự vẫn. Bài này tôi viết theo đơn đặt hàng của vở bi kịch "Thuyền lá" của đạo diễn Trọng Khôi.

- Và vì thế, không phải ca sĩ nào cũng có thể hát thành công tác phẩm của ông. Sau thế hệ của Mỹ Linh, Thanh Lam, Tùng Dương, âm nhạc của Phó Đức Phương gần như đang thiếu sự tiếp nối?

+ Để có thể chuyển tải được những thông điệp trong tác phẩm của tôi, ca sĩ phải có kỹ năng thanh nhạc tốt, kỹ năng hát nhạc nhẹ năng động, uyển chuyển và phải rất trải nghiệm, hiểu biết về những kỹ năng thanh nhạc của âm nhạc dân gian.

Và một điều nữa, rất quan trọng, người hát phải có những trải nghiệm buồn vui, khổ đau, hạnh phúc, mơ mộng trong cuộc đời.

Nếu không đủ những tố chất đó thì cứ hát thôi, nhưng không chạm tới âm nhạc của tôi. Đó cũng là điều tôi ngại ngần khi làm show vì không thể cứ để các ca sĩ cũ hát mãi được, phải có cái mới, có sự tiếp nối.

- Ông vừa nói về những trải nghiệm kỹ năng thanh nhạc của âm nhạc dân gian. Vì sao chất dân gian đậm đặc trong tác phẩm của ông đến thế, những tuồng, chèo, ca trù, quan họ. Một sự thẩm thấu của hòa quyện của tình yêu, rất tự nhiên chứ không phải vay mượn. Nó thấm vào ông từ bao giờ vậy?

+ Tôi yêu vô cùng những ngôn ngữ đó, yêu và đồng hóa được nó để rồi biến thành cái của tôi. Và khi nghe nhạc của tôi, người nghe có thể gặp đâu đó hình như là của tuồng, hình như là của chầu văn, của ca trù.

Đó là một hành trình không đơn giản. Để có thể yêu quan họ, tôi đã từng lăn lộn, nghiên cứu, tìm tòi về quan họ. Thế rồi, vì yêu ca trù nên khi làm chỉ đạo nghệ thuật của Đoàn Ca múa Hà Nội, tôi "ép" các ca sĩ đến nhà nghệ nhân Quách Thị Hồ học lấy vài làn điệu cơ bản, học cách luyến láy và cái hồn của ca trù. 

Cũng thời trẻ, tôi tìm đến nhà cụ Liễu, cụ Đội Tảo để tìm hiểu về tuồng. Bởi vì những làn điệu dân gian của mình nếu chỉ nghe thoáng qua không thể hiểu được đâu, phải đến tận nơi, nghe và cảm, nó vô cùng đặc sắc, đáng yêu và cao siêu, đáng để phải nhập hồn mình vào đó.

- Âm nhạc của Phó Đức Phương rất dữ dội và hình như trong tình yêu, ông cũng tràn đầy năng lượng như thế?

+ Tôi chưa có một mối tình nào dữ dội như trong tiểu thuyết, tôi không đầu tư vào tình yêu quá ghê gớm bởi bao nhiêu năng lượng tôi dành cho âm nhạc và sự sáng tạo. Tất cả đều ở trong tâm tưởng và hóa vào tác phẩm.

Thanh Lam và Tùng Dương hội ngộ trong đêm nhạc của nhạc sĩ Phó Đức Phương.

Đôi lúc tôi tự hỏi, tại sao mình không có một cuộc tình dữ dội, đắm đuối nhỉ, có lẽ tôi đã có chỗ thăng hoa rồi. Những người thỏa mãn hạnh phúc đời thường thì nghệ thuật của họ không còn chứa đựng nhiều sự trăn trở và chiều sâu nữa. Bởi họ không còn nhiều thứ để chuyển tải vào nghệ thuật.

Trong lịch sử nghệ thuật thế giới đã có nhiều thiên tài, không thể toại nguyện trong đời sống, tình yêu thì đó là những người sáng tạo vô biên, Beethoven, Trịnh Công Sơn… Tôi không được trời đất sắp đặt đến mức độ như vậy, nhưng tôi cũng thuộc tạng người đó.

- Ông có bao giờ tiếc vì mình không có một mối tình lớn trong đời?

+ Cuộc đời sinh ra tôi như thế rồi, không khác được. Thôi cứ thuận theo tự nhiên mà sống. Mình không thể đang như thế này lại muốn là thế kia được.

- Ở tuổi này, đáng lẽ tự do ngao du với đất trời, sao ông vẫn miệt mài ngồi trong phòng giấy với những công việc sự vụ như thế này?

+ Tôi mong muốn có thời gian để sáng tác, chứ không có nhu cầu rong chơi, thảnh thơi, các cuộc đi của tôi, khắp mọi miền đất nước hay đi nước ngoài đều là vì công việc, tôi không bỏ thời gian và tài chính ra chỉ để đi chơi.

Tôi tìm được niềm vui trong công việc. Đến bây giờ, tôi vẫn không thấy vơi đi cảm xúc, vẫn yêu đời, yêu cuộc sống này, yêu những người trẻ và yêu các cô gái. Và tôi vẫn thèm muốn sáng tác mà không quá lo khả năng sáng tạo của mình đã vơi đi.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của ông.

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.