Khi “Người làm vườn” vui thú điền viên

Thứ Ba, 28/03/2017, 08:57
Một người đàn ông chững chạc, bình dị, cởi mở, sắc sảo và vui vẻ, với những cách nhìn rất riêng thu hút người nghe. Gặp ông, ai cũng bị cuốn hút và được ông lắng nghe.


Hóa ra ông là… Nguyễn Bá Thuyền, nguyên đại biểu Quốc hội chuyên trách, nguyên Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng. Một người nổi tiếng trên diễn đàn Quốc hội với những câu chất vấn thẳng thắn và sắc bén, làm không ít bộ trưởng đôi lúc bối rối…

Hết tuổi phục vụ, về với quê hương ở Đà Lạt, như một “tướng về hưu” vẫn nhanh nhẹn, chơi với đời, góp chuyện đời, vẫn giúp dân nói tiếng của dân.

Không ít lần, dân vẫn đến gặp, điện thoại, tha thiết “bác có uy tín,  nhờ bác giúp nói hộ chuyện này, bức xúc quá…”. Như một thói quen nghề nghiệp, ông vẫn nổi nghĩa hiệp, cất thân già vô tư đi “nhờ vả” giùm, hỏi hộ chuyện này, truyền đạt ý kia của dân lên các cơ quan, bạn bè quen vẫn đang đương chức…

Vô tư như đời ông vẫn vô tư, như người đứng ra chuyển tải ý dân lên, chở đạo trên xuống, giải thích cho dân hiểu. “Về rồi - ông bảo - nhưng mình còn đóng góp được gì cho dân cho nước thì vẫn làm thôi”. Và ông trong lòng dân quê nhà, vẫn là một “ông đại biểu”.

Quê hương thứ hai Đà Lạt, ông gắn bó từ thời trai trẻ. Đi bộ đội đặc công, vào giải phóng, rồi cùng ba anh em khác, yêu cảnh, mến người, giải phóng xong ở lại đóng góp xây dựng “chiến trường xưa”.

Cái chất quê Bắc Ninh nhiệt tình, chân thành được đem vào chiến đấu, nay lại dồn vào xây đắp vùng đất mới Đà Lạt thành nơi gắn bó máu thịt.

Từ miền quê đồng bằng đi chiến đấu, nay làm kinh tế ở vùng núi nhiều lạ lẫm và cũng lắm gian truân.

Làm kinh tế mới, như bao gia đình bắt tay làm cà phê. Cà phê là cái thứ gì, hồi trẻ ở quê chỉ biết chăn trâu, làm lúa. Không ít lần thất bại, cả do lơ ngơ nghề mới, cả do những cái gì đâu từ thị trường trong nước và thế giới trồi sụt. Thua lỗ, bán tháo, thời ấy nhiều gia đình những người lính mới lao đao…

Nhiều người ái ngại, nhưng ông chứng minh người lính từng lăn lộn, qua nhiều khó khăn gian khổ thì những thách thức mới, những lạ lẫm, bí ẩn của núi rừng cũng không thể làm nản chí.

Ba năm sau chiến tranh, năm 1978, ông được cử đi học ngành kiểm sát. Học xong, về lại Đà Lạt, lại từ người lính đi lên, rồi 12 năm làm viện phó, 7 năm làm viện trưởng đóng góp nhiều công sức cho Đà Lạt vào thời bắt đầu xây dựng xã hội mới còn nhiều khó khăn.

Nghề nào cũng vậy, cần gần dân, nghe ý kiến dân, nghe những nguồn tin từ dân - ông Thuyền nói. Ông cười vui bảo ngày xưa đi chiến đấu, toàn sống với dân, dân nuôi, nay muốn phục vụ dân càng phải gần dân, nghe dân. Rồi ông được bầu làm đại diện của dân, làm Phó đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng.

Ra Quốc hội, ông vẫn mang tính cách ấy, làm cầu nối giữa dân với các cơ quan liên quan. Ông bảo làm công việc ấy phải nói đúng tiếng nói của dân, “đến nơi đến chốn” về những vấn đề của dân, nên không ít cơ quan liên quan cũng ngại như… tiếp dân.

Ông nổi tiếng tại Quốc hội với những chất vấn rất… dân dã. Một lần, ông chất vấn bộ trưởng, “dí”, “quay” sát sạt các vấn đề. Ông bộ trưởng kia lúng túng, trả lời đại cứ như cho xong. Ông bèn chốt hạ một câu “xanh rờn”: Làm thế ai cũng có thể làm được.

Buổi ấy, có truyền hình trực tiếp, dân hả dạ bàn thế thì cần gì đến bộ trưởng, ai làm chả được, không làm được để tôi…

Tư duy sắc, lại dùng cách truyền đạt dân dã, nhẹ nhàng, nên dù “chọc” trúng vào những huyệt, lời của ông vẫn lọt tai và hợp cách, phê bình làm rõ mà chẳng thể giận.

Một vấn đề cử tri hay bức xúc là chống tham nhũng, được ông truyền đạt tinh tế: Quét cầu thang phải quét từ trên xuống, có ai quét ngược được đâu.

Một đòi hỏi để chống tham nhũng hiệu quả, phải chống dột từ nóc. Để tạo những bước thang sạch cho phát triển, phải quét từ trên xuống, ý dân qua lời ông được hình tượng hóa, trúng ý, mạnh mẽ, đúng không thể cãi mà vẫn nhẹ như lông hồng, nào cần đao to búa lớn nặng nề…

Hay là chuyện ông đặt ngược vấn đề: Tại sao lại bỏ phiếu tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp? Chỉ có tín nhiệm hay không tín nhiệm thôi. Cũng giống một cặp vợ chồng xây dựng quy chế chung thủy, sao lại còn cao hay thấp. Ông đi léng phéng mà vẫn chung thủy, chỉ chung thủy hơi thấp tý thôi à? Thế là sao?

Vui vẻ, nhẹ nhàng mà vẫn “sáng”, ông kể một chuyện tiếu lâm. Một đoàn đủ thành phần tham quan, đến phần ghi lưu bút, ai cũng muốn để lại câu của ngành mình. Ông bộ đội ghi “vì nhân dân quên mình”, ông công an ghi “vì hạnh phúc nhân dân”, ông cán bộ ghi “vì nhân dân phục vụ”… đến ông dân thường, ghi “tôi đóng thuế, trả tiền cho tất cả”.

Tiếu lâm thôi, nhưng rõ câu chuyện nhắc nhở với riêng ông: sống do dân, làm phải vì dân, vì chuyện của dân.

Cũng có người bảo ông “thích chửi đổng”, nhưng chửi kiểu ấy, rất được, lọt tai nhiều người. Ông lại có cái lý khác: làm đại biểu của dân, phải nói và truyền đạt được ý dân.

Về vườn rồi, ông nhớ lại, ở Quốc hội cũng có những đại biểu không nói, có thể họ không biết vấn đề, cũng có người biết nhưng không nói gì cả nhiệm kỳ.

Sao lại thế? Vì đại biểu theo cơ cấu, không ít người vừa làm quan chức chính phủ, lại làm đại biểu Quốc hội nên không ai tự đẽo vào chân mình.

Cái khó trong công tác là nhiều việc, toàn việc to, làm cật lực cũng không xuể. Nghị sĩ Mỹ có đến 18 thư ký giúp việc, còn đại biểu ta làm gì có thế được…

Làm gì thì làm, đại biểu của dân phải gần dân, lắng nghe ý dân, trải nghiệm để kiểm nghiệm, tổng hợp để truyền đạt ý dân đóng góp xây dựng xã hội ngày càng dân chủ, văn minh.

Ông Thuyền cần mẫn làm thế, khiến có người ái ngại nói sao ông cứ phải “chui vào nhà dân”. Ông trả lời: tôi từng là bộ đội, từng được dân nuôi giấu, che chở để làm cách mạng, sống gắn với dân, giờ xa dân sao được.

Vẫn sống trong dân, vẫn “đi hỏi” giúp dân, vẫn “đề nghị” chính quyền giúp xử lý vài vụ việc của dân cho đúng. Cái vụ nâng cấp Quốc lộ 20 gần đây là một ví dụ về đóng góp của “đại biểu về hưu” này.

Vun đắp cho đời, chăm chút cho cuộc sống của dân vẫn đeo bám ông như một “thói quen nghề nghiệp” cả vào lúc vui thú điền viên này. Ông bảo ngày xưa đi chiến đấu để xóa cái cũ, xây cái mới, vẫn hằng ngày cần phải chăm sóc cho nó ngày càng tốt tươi…

Người làm vườn vẫn thế, trồng và chăm sóc suốt đời. 

Hồng Sơn
.
.
.