Lặng lẽ nghề vẽ báo tường

Chủ Nhật, 03/07/2016, 06:39
Vốn xuất thân là một họa sĩ chiến trường, nổi tiếng với những ký họa chân dung hay những bức tranh cổ động tinh thần chiến đấu của bộ đội ta những năm chống Mỹ nhưng vẽ báo tường mới là nghề ông đam mê và gắn bó nhất. Ngoài 70 tuổi, người họa sĩ già ấy vẫn cặm cụi, tỉ mỉ thổi hồn vào những nét chữ bay bổng trên từng trang giấy trắng.

Chúng tôi thật bất ngờ khi đến thăm phòng tranh của họa sĩ Vũ Đức Quỳnh trong một con ngõ nhỏ của phố Hoàng Hoa Thám. Không màu mè, hoa mĩ, không cầu kì, phòng tranh của ông chỉ đơn giản với những bảng màu, những cây bút lông cùng những khổ giấy lớn nằm la liệt, ngổn ngang trên mặt bàn. Với họa sĩ Vũ Đức Quỳnh, căn phòng này có quá nhiều kỉ niệm, kể từ ngày nghỉ hưu, nó vừa là nơi để ông mưu sinh, vừa là nơi để ông thể hiện niềm đam mê vẽ báo tường của mình.

Vốn có gen nghệ sĩ từ ông cụ thân sinh là nghệ nhân “bàn tay vàng” nghề thêu Vũ Đức Trọng, nên ngay từ nhỏ, họa sĩ Vũ Đức Quỳnh đã mê mẩn với những sắc màu của hội họa. Trong khi nhiều họa sĩ chọn con đường chuyên nghiệp để tiến thân thì họa sĩ Vũ Đức Quỳnh lại lặng lẽ rẽ sang nghề vẽ báo tường bởi cái duyên bất ngờ và tấm lòng với đồng đội, với anh em những năm tháng chống Mỹ gian khổ.

Họa sĩ Vũ Đức Quỳnh luôn trăn trở nghề vẽ báo tường sẽ mất đi.

Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Mỹ thuật điện ảnh, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên trẻ Vũ Đức Quỳnh hăng hái lên đường nhập ngũ. Hành trang trên vai ngoài chiếc ba lô nặng trĩu đồ dùng sinh hoạt còn lỉnh kỉnh bút màu, giấy, giá vẽ. Phải gần 3 tháng, ông mới cùng đồng đội hành quân vào đến Trường Sơn và được biên chế vào Trung đoàn công binh 98, Đoàn 559. 

Những lúc rảnh rỗi, ông lại ngồi vẽ ký họa đời sống của anh em đồng đội. Những nét vẽ sống động mà gần gũi, tái hiện chân thực cuộc sống và chiến đấu của anh lính trẻ Vũ Đức Quỳnh đã để lại ấn tượng sâu sắc với anh em, đồng đội, nhờ đó, ông được giao một trọng trách hết sức quan trọng: Vẽ báo tường để cổ động cũng như làm đời sống anh em thêm phong phú. 

Những buổi giao lưu văn nghệ, những buổi họp bàn tác chiến, hay những lần hành quân xuyên rừng trong mưa bom, bão đạn của kẻ thù… hiện lên chân thực trên từng trang vẽ, từng trang báo tường của anh họa sĩ trẻ.

Những năm chiến tranh khốc liệt, chính những trang vẽ, những tờ báo tường ấy lại trở thành một báu vật, được anh em đồng đội nâng niu, gìn giữ bởi đó là nơi họ gửi gắm tâm tư, tình cảm với quê hương với người thân giữa chiến trường gian khổ. Có những lúc nhớ nhà, ông lại viết nhật ký bằng ký họa và dùng nét vẽ của mình để phác họa chân dung người thân, người yêu của các đồng đội, đồng chí qua lời kể của họ nhưng lại giống đến lạ kỳ. 

Có lần xuống đơn vị, được nghe một tiểu đội trưởng công binh giữa mịt mù bom nổ đã dũng cảm dùng thuốc nổ phá hủy chiếc xe bị cháy, thông đường cho đoàn xe vận tải quân ta tiến lên phía trước, ông cảm phục mà ký họa nên bức chân dung về người chiến sĩ ấy giữa khoảng lặng của hai trận đánh. Thế nhưng bức họa chưa ráo mực thì đơn vị của ông được lệnh phải chuyển đi nơi khác, nên ông chưa kịp tặng lại cho chủ nhân của nó. 

Có lần vì cảm phục người y tá cùng đơn vị mà ông đã phác họa nên bức chân dung của anh trong những lần nghỉ ngơi hiếm hoi giữa những trận đánh, nhưng cũng chưa kịp tặng thì nghe tin đại đội của người y tá đã hi sinh quá nửa, tin tức về anh y tá nhiệt tình, vui tính cũng bặt vô âm tín từ đó đến giờ.

Năm 1973, họa sĩ Vũ Đức Quỳnh bị sốt rét ác tính nên được đưa ra Bắc để điều trị. Ngày ấy đường hành quân đầy gian khổ và hiểm nguy, phải bỏ lại hầu hết mọi quân tư trang nhưng riêng những bức vẽ đều được ông gói ghém cẩn thận coi như vật báu để mang ra Bắc bằng được.

Sau khi xuất ngũ, vì quá đam mê với nghề hội họa, họa sĩ Vũ Đức Quỳnh trở lại học trường Trung cấp Mỹ thuật Điện ảnh, khoa Thiết kế. Ra trường lúc thời bao cấp còn muôn vàn khó khăn, đồng lương ba cọc ba đồng không đủ ăn nhưng ông vẫn tiếp tục bám trụ với nghề. 

Nhớ lại cái thời gian khó ấy, ông kể, có những hôm ông phải dựng bàn, mài mực, trộn màu trên đường phố vẽ thuê chân dung để kiếm thêm thu nhập và nuôi nghề. Nhiều nhà sưu tập biết ông có những bức ký họa chiến trường nên đến đặt mua làm tư liệu nhưng ông nhất quyết từ chối, dù lúc ấy kinh tế gia đình ông còn rất khó khăn. 

Ông bảo, ông muốn tặng những bức vẽ Trường Sơn cho các bảo tàng của quân đội, còn những bức ký họa chân dung thì sẽ tìm mọi cách để trao lại cho chủ nhân của nó. Cứ thế ông bươn chải bằng nghề vẽ của mình vừa để mưu sinh vừa để bám trụ với nghề.

Đến một ngày, khi các cháu ông nhờ vẽ báo tường cho lớp, cho trường và đạt giải cao, thì tiếng tăm của ông càng “nổi”. Vẽ báo tường một phần là ý tưởng của khách hàng, nhưng một phần là sự sáng tạo của người họa sĩ. Ai cũng nghĩ rằng báo tường sẽ theo một mô típ chung nhưng với họa sĩ Vũ Đức Quỳnh, ông lại có cách truyền tải thông điệp riêng cho mỗi tờ báo. Ngoài sự sáng tạo và cẩn thận, tỉ mỉ trong từng nét vẽ, điều quan trọng với ông là hiểu được ý tưởng của khách hàng, phải làm được nhiều hơn những gì họ muốn truyền tải trong tờ báo. 

“Nếu vẽ cho học sinh cấp 1, cấp 2 thì nét chữ phải bay bướm, hình ảnh phải nhí nhảnh. Vẽ cho quân đội thì nét chữ phải lột tả được cái hồn của người bộ đội. Vẽ cho sinh viên thì nét chữ phải hiện đại và mới mẻ. Mỗi trang báo tường luôn có một thông điệp riêng, một tâm hồn riêng. Mỗi con chữ luôn mang một thần thái, một khí phách riêng biệt” - họa sĩ Vũ Đức Quỳnh chia sẻ.

 Một góc phòng làm việc giản đơn của họa sĩ Vũ Đức Quỳnh.

Quả thật nhìn những nét vẽ của ông về thầy cô giáo cực kỳ sinh động, độc đáo, chân thực, khơi dậy cảm xúc “uống nước nhớ nguồn”, “tôn sư trọng đạo” biết ơn thầy cô của những thế hệ học sinh. Và những ai đã và đang làm thầy cô giáo khi nhìn vào mỗi tác phẩm đều càng cảm nhận được tình yêu thương, kính trọng của học trò dành cho mình để càng thấy yêu và tâm huyết với nghề hơn. Cứ thế lũ học trò truyền tay nhau những bức vẽ độc đáo của ông. Tiếng lành đồn xa, cứ mỗi dịp 20-11, phòng tranh của ông lại tấp nập người ra vào. Vậy là từ đó ông có thêm một nghề mới, nghề vẽ báo tường. 

Trước đây còn khỏe, ông còn nhận vẽ hàng trăm tờ báo tường theo ý tưởng của khách hàng và chỉ mất khoảng 1 ngày là hoàn thiện xong 1 bức. Bức nào phức tạp lắm thì 2-3 ngày. Nay tuổi già, sức yếu, ông chỉ nhận khoảng 20 – 30 bức và phải mất đến hơn 1 ngày để hoàn thành.

Nghề vẽ báo tường chẳng hề sung túc, dư dả, nhưng xuất phát từ niềm đam mê, từ sự kính trọng với nghề giáo nên họa sĩ Vũ Đức Quỳnh mới quyết gắn bó hơn 20 năm nay. Thế nhưng thời buổi công nghệ hiện đại, báo tường chủ yếu được thiết kế và in ra, vừa nhanh gọn, tiện lợi lại không sợ nhòe màu nên những đơn hàng báo tường truyền thống ngày một ít đi. Vì thế ở Hà Nội này những người họa sĩ theo nghề này như ông không nhiều. 

Thêm nữa, việc vẽ báo tường là hoạt động hoàn toàn thủ công, đòi hỏi người làm phải cần mẫn, tỉ mỉ thế nên thế hệ trẻ hôm nay có mấy ai theo được. Cũng có một vài người đến tìm ông học nghề nhưng một phần vì quỹ thời gian của ông ít ỏi, một phần vì ông đòi hỏi năng lực, tâm huyết khắt khe nên dần dần cũng không còn ai theo nổi. Bởi thế, niềm trăn trở lớn nhất của ông chính là sợ mất đi nghề vẽ báo tường truyền thống giữa cuộc sống hiện đại, xô bồ của ngày hôm nay.

Lê Phong – Ngọc Trâm
.
.
.