Lão giang hồ vặt thành tỷ phú chăn trâu

Thứ Hai, 20/07/2015, 10:30
Đến chân cầu Vĩnh Tuy hỏi "Tiến chăn trâu" thì không ai không biết. Ngày trước, người ta biết đến lão vì lão ngồi tù nhưng bây giờ lại vì lão là chủ của một đàn trâu lên tới hơn trăm con và một khoảng đất rộng sinh tiền mỗi ngày. Hôm tôi đến, 1 con trâu bị chết do giẫm phải dây điện, cả nhà lão lo đi chia thịt phát cho anh em, bạn bè mỗi người một cân. Chưa kể đàn gà, ngan, ngỗng, lợn… đủ cả, kêu éo éo, quang quác ngoài sân. Vợ lão lúi húi nấu cám lợn trong bếp.

Nhắc về một thời ngang dọc của mình, lão bảo rằng mọi thứ cứ như giấc mộng đã qua. Lúc còn ngồi trong căn phòng tối ấy, lão luôn tự hỏi vì sao ngoài kia, người ta sống tốt được mà một người sức vóc như lão lại không thể. Lão cũng chán cảnh sống nay đây mai đó, sống bờ sống bụi, trong lòng lúc nào cũng mang vác sự bất an như một đeo bám mệt nhoài. Lão nghĩ đã đến lúc mình phải thay đổi.

Năm 1991, lão ra tù và quay về đời sống thường nhật, ánh mắt nghi kị của người đời vẫn chưa buông tha lão. Lão nhớ một lần trong nhà hết sạch gạo, lão đạp xe đi mua 1 yến. Bà vợ đồng ý bán và lão đưa tiền thanh toán thì ông chồng lại không bán. Thời đó, định kiến xã hội vẫn còn nặng nề. Lão bảo, họ không muốn bán cho một người từng đi tù. Lão cứ bị ám ảnh về câu nói đó. Lão chất vất bản thân. Lão nghĩ mình phải bắt đầu lại cuộc đời của mình. Phải sống làm sao để người ta tôn trọng mình.

“Tỷ phú” chăn trâu Nguyễn Văn Tiến.

Rồi lão bắt đầu đi buôn rau, hết cải bẹ rồi cà chua từ Nghệ An, Hà Tĩnh… vào Quảng Trị. Những chuyến xe tải từ Bắc vào Trung cứ thế kéo dài từ ngày này sang tháng khác. Song vất vả, mệt nhoài, cũng chẳng khá khẩm gì hơn. Lão quay về - Hà Nội những ngày đó chẳng khác gì một cái làng. Rồi có người rủ lão đi buôn pháo. Thời ấy, Nhà nước chưa ra lệnh cấm đốt pháo. Lão không đi. Lão gom hết tiền bạc mua 1 con trâu để bắt đầu lại cuộc đời. Khi chúng tôi hỏi, vì sao lại là trâu, lại ở cái đất Hà Nội này? Lão cười, cũng chỉ tại ông cha ta nói "con trâu là đầu cơ nghiệp". Lão tò mò muốn biết nó có phải là đầu cơ nghiệp không. Rồi thế là lão thành kẻ chăn trâu.

Từ 1 con trâu ấy, đến nay đàn trâu của gia đình lão lên tới 171 con (vừa chết 1 con). Một con trâu hiện tại có giá vài chục triệu đồng. Nhẩm tính sơ sơ, người ta gọi lão là tỷ phú chăn trâu cũng phải. Vì số lượng trâu lớn quá, hai vợ chồng trông không xuể nên có thời điểm lão phải thuê thêm 2 -3 người trông và trả lương cho họ 3-4 triệu đồng/ tháng. Cuối buổi chiều, hai vợ chồng thay nhau kiểm trâu. Ngoài tài sản là 170 con trâu, gia đình lão còn trồng hàng trăm gốc bưởi Diễn, gốc nhãn, nuôi hàng trăm con ngan, ngỗng, vịt, lợn, chưa kể một đàn gà chọi vài trăm con và rất nhiều cây cảnh.

Cả gia đình lão đang ở trên một bãi đất rộng chừng 4 hecta cây cối tốt tươi dưới chân cầu Vĩnh Tuy. Nhưng ít ai biết ngày xưa, nơi này là một bãi lau sậy rậm rạp, chẳng khác gì rừng. Chẳng ma nào bén mảng đến, nói gì người. Ấy vậy mà hai vợ chồng lão quyết định khai hoang lập địa cho vùng này.

"Để có được một khoảnh đất đẹp đẽ, trơn tru như ngày hôm nay, vợ chồng tôi đã đổ mồ hôi, nước mắt và cả máu. Bây giờ còn có trâu có nhà có cửa, có con có cái, ngày xưa tay không. Lau sậy cao hơn cả người, ngay một con chó cũng không lách vào được. Đường đi vào không có. Không một bóng người. Hai vợ chồng hai bóng cứ lầm lũi phát quang bụi rậm, đào xới và san bằng đất cả ngày. Làm đến đâu trồng ngô, đậu đến đó. Hôm nào cũng tới 8 giờ tối mới nghỉ. Thế mà 3h sáng đã lại phải dậy tiếp tục làm.

Ngày xưa làm lụng vất vả thế song không thấy hãi. Còn bây giờ nhớ lại thì không khỏi giật mình, không tin rằng mình đã đi qua những ngày dài như thế. Tôi cũng không biết nói sao cho đủ với những gì chúng tôi đã bỏ ra", bà Hải, vợ lão tâm sự.

Tôi hỏi, vì sao bà lại nhận lời lấy lão giữa một rừng dư luận dị nghị, xầm xì. Và khi mà những cô gái khác không dám ăn đời ở kiếp với một người dính tiền án tiền sự như lão, sao bà lại chấp nhận? Bà nói với tôi, con người đến với nhau là duyên phận. Lúc đó, bà cũng không nghĩ quá nhiều. Bà cũng biết hoàn cảnh lão éo le; ngay từ nhỏ, nhà 9 anh chị em nên lão cũng vất vả rồi. Sau này gặp chuyện như thế, càng thương hơn. Bà cũng chẳng thấy sợ gì cả. Rồi bà bước vào cuộc đời lão và thành một số phận hoàn chỉnh với thứ tài sản duy nhất là thước ruộng nhỏ mà chính quyền giao trong tay. Và từ khi lấy lão đến nay, chưa một lần bà hối hận. Suốt mấy chục năm sống với nhau, có 2 mặt con, chưa một lần lão đánh đập hay mắng chửi bà. 

Bà Hải đang kiểm trâu vào cuối buổi chiều.

Nói về những khó khăn đã qua, lão cười hềnh hệch: "Còn hơn suốt ngày bất an, lo lắng như trước cô ạ. Bây giờ khổ tí, mệt tí nhưng tâm nó thanh thản, an nhàn. Buổi tối ngủ cứ gọi là thẳng cẳng". Miệng thì nói, tay thì thoăn thoắt chuẩn bị thức ăn cho bầy chó. 7 giờ tối mà cả nhà lão cứ chạy qua chạy lại, làm việc này việc kia, chưa ăn cơm. Lão nói với tôi, lão đang "ủ mưu" nuôi trâu chọi. Loại đó đang có giá lắm.

Tôi hỏi, nghe mọi người gọi lão là tỷ phú; sao tỷ phú mà còn làm nhiều thế, tiền để đâu cho hết. Lão khiêm tốn: "Tiền đâu mà nhiều". Với lại, phải lo cho 2 đứa con trai nữa. Chừng nào chúng chưa ổn định gia đình thì vợ chồng vẫn còn lo lắng. Mà tỷ phú gì mà một miếng đất cũng không có. Chỗ này chỉ là mảnh đất lão "ở trọ" mà thôi, chẳng biết Nhà nước lấy đi lúc nào. Lão đấu thầu khu đất này 5 năm một lần. Tôi hỏi nếu nhỡ Nhà nước cần dùng khu đất này vào việc gì đó, công sức mấy chục năm qua của vợ chồng lão hóa ra công cốc à? Lão cười, nếu thế cũng đành chấp nhận chứ biết sao giờ. Với lại, cứ cho là thế đi, Nhà nước chắc cũng sẽ đền bù xứng đáng với công sức mà mình đã bỏ ra thôi.

Ngồi viết về một người đã đi qua bao nhiêu thăng trầm của đời sống này như lão, tôi cứ nhớ đến hình ảnh gã giang hồ vặt của nhà thơ Phạm Hữu Quang: "Giang hồ tay nải cầm chưa chắc/ Hình như ta mới khóc hôm qua/ Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt…". Lão, đích thị là một gã giang hồ vặt. Một gã giang hồ "hiểu mình tóc bạc", đã về làm bạn cùng thiên nhiên. Gã giang hồ chăn trâu ở một góc trời xanh tươi tốt giữa lòng Hà Nội.

Đậu Dung - Đinh Hiền - Số đặc biệt
.
.
.