Lão thợ may tiết kiệm tiền để xây cầu bê tông cho dân đi

Thứ Sáu, 26/06/2015, 10:00
Trong nhiều năm, với số tiền may vá dành dụm hằng ngày của mình, cộng với số tiền dư trong đồng lương ít ỏi của vợ cũng như thi thoảng được con gái gửi cho, lão thợ may Vũ Văn Ái, ở thôn Ninh Duy (xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) đã dành dụm được cho mình gần 400 triệu đồng để xây cầu cho dân đi.

Một cây cầu bê tông dài 27m bắc qua một con kênh, giúp cho người dân của ba xã có đường đi lối lại thuận tiện ra đường lên thị trấn cũng như giao thương dễ dàng với các xã lân cận và nhiều nơi khác. Chính vì vậy, cây cầu đã giúp thay đổi diện mạo của một vùng quê nghèo. Điều đáng nói, cây cầu lại do chính tay lão thợ may Vũ Văn Ái, ở thôn Ninh Duy (xã Khởi Nghĩa, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng) tự bỏ số tiền gần 400 triệu đồng ra xây. Để có số tiền này, ông đã lam lũ dành dụm tích cóp cả đời mới có được.

Cuộc đời khó nhọc

Lão thợ may Vũ Văn Ái năm nay đã 75 tuổi, dáng người gầy nhỏ, ấy vậy mà công lao ông đóng góp cho thôn xóm lại không hề nhỏ. Sinh ra và lớn lên tại thôn Ninh Duy, một thôn nhỏ còn nhiều khó khăn, nên cậu Ái khi ấy đã quyết tâm đeo đuổi con đường học tập của mình cho đến nơi đến chốn để thoát khỏi cảnh “chân lấm tay bùn”. 

Nhưng ước mơ theo đuổi con đường học hành đến cùng của cậu Ái đã bị phá vỡ chỉ vì kinh tế gia đình quá khó khăn. Để đỡ đần cho gia đình, cậu Ái đã xin thôi học khi đang học cấp 3 để đi làm công nhân cho Công ty Bông-Vải-Sợi Hải Phòng khi ấy. Cũng từ đây, cậu Ái đâm ra đam mê cái nghề may vá và quyết định “dính” đến suốt cuộc đời.

Cứ thế, tay nghề của người thợ may trẻ tuổi được nâng cao và được nhiều người biết đến. Sau một một thời gian cống hiến không biết mệt mỏi cho công ty, cậu Ái xin nghỉ để được ra mở tiệm may riêng cho mình. Ra ngoài làm không lâu, cậu Ái quen và kết tóc xe duyên với người con gái học sư phạm. 

Với sự chăm chỉ và cần cù, người thợ may có tiếng trong huyện, được nhiều xí nghiệp đặt hàng cũng như được bà con trong vùng đến may vá. Tuy nhiên, để có tiền lo cho 5 người con ăn học đến nơi đến chốn, vợ chồng ông Ái đã phải lam lũ cực nhọc. Ngoài công việc chính là may vá, vợ chồng ông Ái còn trồng thêm rau màu, nuôi thêm con lợn, con gà để trang trải thêm cho gia đình.

Sau khi con cái yên bề gia thất, ông Ái bắt đầu nghĩ lại ước mơ của mình từ nhiều năm trước, khi chứng kiến cảnh bà con thôn xóm đi lại trên cây cầu gỗ mục nát, xập xệ đã khiến ông mủi lòng, và có những lúc ông phải khóc khi thấy những cụ già phải đi chổm, hoặc bò trên cầu, còn những em bé, có đứa lọt xuống sông. 

Trước khi con cái còn học, chưa tự lo được cho mình, làm được bao nhiêu, vợ chồng ông Ái đều dành dụm gửi cho con, có những lúc thiếu thốn phải đi vay của anh em, bà con lối xóm. Nhưng khi các con đã yên bề gia thất, vợ chồng ông làm dư được đồng nào lại tiết kiệm để làm việc đại sự. 

Thế là trong nhiều năm, với số tiền may vá dành dụm hằng ngày của mình, cộng với số tiền dư trong đồng lương ít ỏi của vợ cũng như thi thoảng được con gái gửi cho, ông Ái đã dành dụm được cho mình gần 400 triệu đồng để sau này xây cầu cho dân đi. Để làm được điều này, tuy tuổi đã cao, nhưng ông vẫn không ngừng nỗ lực làm việc.

Giấc mơ cây cầu thành hiện thực

Sau khi dành dụm được một số tiền nhất định, ông Ái bàn với vợ về việc xây cầu. Nhưng khi ý định chọn ngày bàn với bà thôn xóm chưa thành hiện thực thì vợ ông qua đời do bị tai nạn giao thông. Để cho vợ được an ủi nơi chín suối và thực hiện được ước mơ sớm nhất, ông Ái đã đem chuyện này bàn với 5 người con và đều được các con tán thành. Sau đó ông bắt tay vào việc thực hiện ước mơ của mình sau khi vợ mất không lâu. 

Với ông, ước mơ xây dựng cây cầu bê tông là điều cần thiết để khắc phục khó khăn không những cho khoảng 100 nhân khẩu sống rải rác men trục kênh thủy nông của huyện thuộc thôn Ninh Duy, xã Khởi Nghĩa mà còn cho 2 xã Quyết Tiến và Tiên Tiến phía sau thôn được đi lại thuận lợi ra đường cái lên thị trấn Tiên Lãng cũng như sang các vùng phụ cận. Cây cầu sẽ là cầu nối cho những xã ở đối diện dễ dàng sang bên này kênh.

Nói thêm về việc tại sao phải làm cây cầu này, ông Ái còn cho biết, không những cây cầu như một điểm nối liền những khoảng cách đất liền, mà nó còn là điểm nối tình cảm cho những người dân ở các xã sống ven kênh thủy nông. 

Ngoài ra, lão thợ may còn có một lý giải nữa cho riêng mình khi quyết định thực hiện xây cây cầu này: “Gia đình tôi vốn gốc gác ở đây, tôi lớn lên chứng kiến cảnh nghèo khổ trên quê hương mình từ khi còn tấm bé, đến con đường, cây cầu cũng khó đi, nói gì đến những việc khác. Không những thế, do cây cầu gỗ làm bao đời nay, trải qua mưa nắng mục nát, xập xệ đã khiến không ít người suýt mất mạng vì nó, đó là những em nhỏ đi học lỡ chân rơi xuống nước, đó là những lần các cụ già chân yếu tay mềm bước nhầm vào bậc gẫy, hay những người chạy xe đạp, xe máy do cầu trơn bị ngã nhào. Và nhất là những lần có người ốm đau, di chuyển qua cây cầu cũ vô cùng khó khăn, vất vả làm chậm trễ đến việc cứu người. Thấy những cảnh như vậy, tôi không sao cầm lòng được”.

Sau khi bàn bạc với với bà con trong thôn, ông Ái đã đưa ý kiến của mình lên xã, huyện. Không lâu sau đó, ngày 6/1/2012, cây cầu chính thức được khởi công trong niềm hạnh phúc khôn tả của người dân. Ngoài sự góp sức của bà con trong xã Khởi Nghĩa, còn có sự hỗ trợ của người dân xã Quyết Tiến, Tiên Tiến. Thế là việc xây cầu đã được mọi người đồng ý, ông lão thì bỏ tiền, còn người dân thì bỏ sức. 

Nhưng ai sẽ là người thiết kế đây? Với số tiền hạn hẹp, ông Ái đã lên tận thành phố Hải Phòng gặp người bạn thân là kĩ sư cầu đường tại Sở Xây dựng nhờ thiết kế bản vẽ miễn phí. Có trong tay bản vẽ, ông Ái đã nhanh chóng huy động người dân bắt đầu làm cầu. 

Những ngày xây dựng cầu không khác gì những ngày hội. Bà con nô nức reo hò, mỗi người làm mỗi việc, người khuân vác đá, người trộn bê tông, cắt sắt… cứ như mọi việc đã được lập trình sẵn, không ai bảo ai. Để cho cây cầu sớm được hoàn thành, người dân đã thắp điện làm đêm, nên chỉ trong vòng một thời gian ngắn, đến ngày 30/4/2012, cây cầu đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Cây cầu dài 27m, 5 trụ, 3 dầm, có độ cao cách mặt kênh 1m.

Từ ngày có cây cầu, người dân đi lại dễ dàng hơn, không còn lo cảnh mưa trơn, ván mục, trẻ em đi thì ngã, còn cụ già phải bò qua cầu nữa, mà thay vào đó là một cây cầu bê tông vững chắc, chịu được trọng tải trên 5 tấn. 

Ông Phạm Văn Định (Chủ tịch UBND xã Khởi Nghĩa) vui mừng cho biết, mặc dù cuộc sống của người dân trong xã còn gặp nhiều khó khăn, nhưng tinh thần thi đua xây dựng nông thôn mới trong 3 năm qua luôn được duy trì với việc toàn dân trong xã quyên góp được gần 600 triệu đồng cũng như nhiều ngày công và hiến gần 1.000m² đất thổ cư để mở rộng đường thôn, cũng như có trên 10.000m² đất canh tác để mở rộng đường nội đồng. Đáng chú ý hơn, cá nhân ông Vũ Văn Ái đã tự bỏ gần 400 triệu đồng cùng sự đóng góp công sức của người dân đã xây dựng được cây cầu bê tông đầy ý nghĩa.

Trước sự đổi thay và ý nghĩa mà cây cầu mang lại cho thôn xóm, ông Nguyễn Văn Tuyến (50 tuổi, xóm Trại), không giấu nổi xúc động, cho biết: “Trước đây, bà con qua lại với nhau, hay ra đường lên thị trấn rất khó khăn, nhất là những hôm trời mưa bởi cây cầu ván ải mục mà người dân trong xã làm từ lâu. Thấy được điều đó, ông Ái đã làm được một việc ý nghĩa đó là tự bỏ gần 400 triệu ra để làm cầu cho dân đi, chúng tôi không biết nói gì hơn ngoài lời cảm ơn vô bờ bến đến lão thợ may”. 

Cũng tâm trạng như ông Tuyến, chị Phạm Thị Huyến (26 tuổi, xóm Trại) cho biết: “Giờ chúng tôi đã hết cảnh phải chen chúc nhau trên cây cầu ván xập xệ. Cây cầu ông Ái xây cho dân đi là một cây cầu đẹp, vững chắc”. Với sự đóng góp của mình, ông Ái đã được Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua dân vận khéo 5 năm 2009-2013 cũng như hỗ trợ thêm cho ông 50 triệu đồng.

Gia phú
.
.
.