Lấy lòng thương người làm của cải

Thứ Sáu, 14/08/2015, 09:00
“Lương y phải như từ mẫu”, đó là lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh dành cho ngành Y mà y tá Nguyễn Thị Xuân đã khắc cốt ghi tâm từ ngày trẻ. Đằng đẵng gần ba mươi năm qua bà luôn tâm niệm những lời của Bác như lẽ sống, vịn vào đó để cùng những bệnh nhân phong vượt qua mọi cơ cực, nghiệt ngã của số phận.

Giờ đây, khi đã ở tuổi xế chiều, được nghỉ hưu, song bà vẫn tự nguyện ở lại Bệnh viện Phong và Da liễu tỉnh Bắc Ninh (trước đây là Trại phong Quả Cảm) để được “hạnh phúc bên những người bệnh của mình”.

Từ nỗi thương vay…

Một ngày cuối năm, khi ấy cô giáo Nguyễn Thị Xuân còn trẻ lắm. Trên đường từ trường mầm non xã Đại Xuân (Quế Võ, Bắc Ninh) trở về nhà, cô gặp một đám tang. Đám ma ai mà lại không kèn, không trống, không cả tiếng hờ khóc của người thân? Cô giáo Xuân tự đặt câu hỏi trong đầu, rồi dừng lại quan sát. Đưa đám chỉ thấy mấy người đồng bệnh, chân tay co quắp, lầm lũi dưới cơn mưa chiều mau hạt. Cô giáo Xuân níu tay một bà cụ gầy guộc. Cô chợt giật mình bởi cả hai bài tay của cụ đã không còn ngón đốt, đang rỉ máu:

- Ai mất vậy cụ, sao chỉ có mấy người già ốm đi đưa?

- Chúng tôi ở Trại phong Quả Cảm. Cụ ông mới mất kia đến đây đã nhiều năm mà nào thấy có ai thăm nom đâu.

- Ai chăm sóc cụ ở đây?

- Chỉ có vài ba bác sĩ lo thuốc men thôi. Tôi một mình lên đây, nào dám cho ai biết, sợ liên lụy đến con cháu.

Trên đường về, cô giáo Xuân lặng lẽ khóc, thầm nhủ, nhất định sẽ quay lại đây thăm các cụ.

Y tá Nguyễn Thị Xuân.

“Vậy mà lấn lúi công việc, một tuần sau tôi trở lại thì cụ bà ấy đã mất rồi. Tôi quẳng xe đạp vệ đường, chạy bộ lên mé đồi, cứ thế nức nở bên mộ cụ” - giọng bà mỗi khi nhớ lại ký ức buồn thương ấy lại nặng trĩu như người có lỗi.

Sau đận ấy, cô giáo Xuân thường xuyên lui tới Trại phong Quả Cảm ở xã Hòa Long (Yên Phong, Bắc Ninh), không ngần ngại xắn tay tắm rửa, bôi thuốc, xoa bóp cho những người bị phong. Biết chuyện, những người thân trong gia đình cô đã kịch liệt phản đối, thậm chí không ít lời nhiếc móc cho rằng cô là người dại dột, hành động mù quáng, không nghĩ đến tương lai của mình. Ở thời điểm đó, bệnh phong, bệnh hủi còn bị người ta kỳ thị, xa lánh, không mấy ai dám đến gần bệnh nhân phong vì sợ bị lây. Người khác đã là khó chấp nhận, huống hồ đây lại là một cô giáo trẻ, đang có công ăn việc làm ổn định, phần nào được cho là nhàn hạ.

Tình cờ một lần cô giáo Xuân đọc được cuốn sách “Lạc quan trên miền thượng”. Cuốn sách kể về cuộc sống của những bệnh nhân phong ở một trại phong tại Lâm Đồng, và về câu chuyện tình thương của một bác sỹ người nước ngoài, đã tình nguyện lên đây để chăm sóc các bệnh nhân phong. Những câu chuyện xúc động về tình người trong cuốn sách đã thôi thúc cô lên đường chỉ với mong ước: “Học cách chữa bệnh phong cho những người ở đây bớt khổ!”.

Cảm kích trước tấm lòng nhân hậu của cô gái trẻ, chứng kiến sự ân cần với người bệnh của Xuân, ông bác sĩ già, Trưởng trại phong khi ấy, động viên: “Cô muốn ở đây thì hãy đi học làm y tá. Chăm sóc người bệnh nào thì cũng phải có chuyên môn mới được”.

Hình ảnh những người bị bệnh phong cứ ngày đêm day dứt tâm can cô giáo Xuân. Ở trại phong vốn đã ít bác sĩ, ít y tá nhưng càng ngày bệnh nhân hủi tìm về một đông. Mà những người đã tìm đến trại tức là bệnh đã rất nặng. Có người bị gia đình xa lánh, có người lại muốn trốn đi để “đỡ mang tiếng cho họ hàng, bà con chòm xóm”. Không thể cầm lòng trước những số phận éo le, cô giáo Xuân quyết định xin nghỉ dạy học, rồi một mình khăn gói vào tận trại phong Quy Hòa (Quy Nhơn, Bình Định) để học cách chăm sóc người bị phong.

Suốt thời gian học tập ở Trại phong Quy Hòa, tận mắt thấy việc làm của các bác sĩ, y tá, và trực tiếp chăm sóc bệnh nhân – bà càng thấu hiểu hơn nỗi khổ ải của những người nghèo cùi cụt. Cũng đã không ít lần bà nản chí. “Những lúc ấy, các thầy ở đây lại lấy lời dạy của Bác Hồ - “Lương y phải như từ mẫu” để động viên, tiếp thêm sức mạnh cho tôi” - bà nhớ lại, và thủ thỉ kể tiếp cho chúng tôi nghe rất nhiều câu chuyện cám cảnh của người bị phong.

Hạnh phúc khi ở bên người bệnh

Học xong lớp y tá, cô trở về Trại phong Quả Cảm. Lúc này nữ y tá Nguyễn Thị Xuân mới ngoài ba mươi tuổi, nhưng cô quyết sẽ ở vậy gắn bó với những người phong. “Rất khó để có người chia sẻ công việc này với mình, kể cả những người ruột thịt khi ấy đã không hiểu, cho rằng tôi thân làm tội đời. Nhưng không. Tôi trả lời mọi người là tôi hạnh phúc khi được làm y tá. Tôi đã học có chuyên môn và những người bị phong đang cần tôi”, kể đến đây, bà bụm miệng cười: “Cũng không ít lời bảo tôi là hâm đấy!”.

Trại phong Quả Cảm trước kia bây giờ là Bệnh viện Phong và Da liễu tỉnh Bắc Ninh, cô y tá Xuân trẻ trung thuở nào giờ đã là bà Xuân. Bệnh viện hiện đang điều trị cho hơn chín mươi người bệnh đến từ khắp nơi, già có trẻ có, có người mới đến, lại có người xin nương tựa vào trại đến hết cuộc đời. Cùng với các bác sĩ, đồng nghiệp, y tá Nguyễn Thị Xuân không chỉ lo lắng thuốc men, ăn ngủ cho các bệnh nhân mà luôn lắng nghe, chia sẻ những tâm sự, những vui buồn với họ. Hơn thế, cả khi họ qua đời, bà lại là người đứng ra lo tang lễ chu đáo như với người ruột thịt. Phải chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ từ tấm bé, bà càng cảm thương hơn nỗi khổ của những người mắc phong bị gia đình xa lánh.

Bệnh nhân phong khi được phát hiện sớm, thuốc thang, chăm sóc chu đáo sẽ có nhiều cơ hội bình phục. Nhưng nếu gia đình, người thân thiếu quan tâm, thậm chí ruồng bỏ thì di chứng mà bệnh tật để lại rất nặng nề, nhiều khi dẫn đến tàn phế. Những người đã tìm đến Trại phong Quả Cảm thường đã rất nặng. Trăn trở làm sao để giúp bệnh nhân có thể đi lại, vận động khi tay chân chẳng còn vẹn nguyên – y tá Xuân mày mò ngày đêm sáng chế những chiếc dép, chiếc giầy dành riêng cho bệnh nhân phong. Đến nay bà đã làm được hàng ngàn chiếc dép không chỉ cho người phong ở trại Quả Cảm mà bà còn đi hướng dẫn cho nhiều trại phong khác làm theo.

Cụ Nguyễn Xuân Phước - năm nay 82 tuổi, bị cụt hai chân tới gần đầu gối, tâm sự: “Không chỉ dép, giầy đâu, cô Xuân còn làm được cả chân giả đấy. Cô ấy phải làm đi làm lại mới được đôi chân vừa vặn với tôi thế này. Thật may, nhờ có cô, tôi đã không phải dùng hai tay lết nữa, cực khổ lắm”. Nói xong, cụ Phước chỉ đôi chân giả, cười móm mém.

Ông Lương Trung Hậu, Giám đốc Bệnh viện Phong và Da liễu Bắc Ninh cũng nhận xét: “Chị Xuân đã hy sinh cả tuổi thanh xuân, cả cuộc đời mình để lo lắng, chăm sóc cho bệnh nhân phong, là một con người rất giàu lòng yêu thương, nhân ái. Từ những hi sinh thầm lặng đó, y tá Xuân đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng ba, và nhận được nhiều bằng khen, giấy khen khác”.

Bây giờ, nếu mỗi ai có dịp đến thăm Trại phong Quả Cảm sẽ thấy lòng ấm lại, khi bắt gặp hình ảnh một y tá già đang cặm cụi chăm sóc bệnh nhân. Còn những bệnh nhân, tuy chân tay co quắp cùi cụt, song đã xuất hiện trên gương mặt những nụ cười, họ trò chuyện với bà Xuân, họ chia sẻ với người đồng bệnh những câu chuyện cuộc sống. Thỉnh thoảng, bà trở về phòng lại thấy trên móc khóa cửa, khi thì treo vài tấm mía, lúc lại có cái bánh, mớ rau – đó là những món quà mà những bệnh nhân phong dành cho người y tá của mình với lòng biết ơn sâu sắc.

Không chỉ vậy, cũng nhờ có bà mà nhiều bệnh nhân phong đã tìm được hạnh phúc riêng của mình ngay chính nơi này. Hơn 20 cặp vợ chồng do bà mai mối nay đã có cuộc sống gia đình hạnh phúc. Nhìn những đứa trẻ chạy nhảy, nô đùa trong khu trại phong, hẳn những người đến thăm nơi đây sẽ thấy lòng ấm lại.

Một chiếc giường đơn, một căn phòng nhỏ - là nơi đã gắn bó với bà suốt gần ba mươi năm qua, giữa những bệnh nhân khốn khổ. Năm 2012, tuy đến tuổi hưu, bà Xuân vẫn làm đơn xin tình nguyện ở lại để được tiếp tục chăm sóc các bệnh nhân phong. Không chỉ có thế, bà còn dành dụm, chắt bóp đồng lương ít ỏi của mình để mua đồng quà tấm bánh tặng cho bệnh nhân. Nhiều lúc bà còn phải đứng ra lo chôn cất, tự tay xây mộ cho những người quá cố.

Khuôn mặt phúc hậu, giọng nói trầm ấm, khi được hỏi về nguyện vọng cuối đời, bà chỉ một điều: “Tôi đã sống và sẽ sống cùng những bệnh nhân ở đây. Sau này tuổi cao sức yếu tôi cũng chỉ mong được chết bên cạnh những người phong. Họ rất đáng thương, rất nghị lực và họ cũng có quyền được hạnh phúc. Đừng ai nỡ xa lánh, hắt hủi họ!”.

Lưu Kim
.
.
.