Nữ sinh Mai Ngân Hà:

"Mang chuông đi đấm xứ người…"

Thứ Hai, 28/03/2016, 11:38
Còn nhớ hôm tiễn Mai Ngân Hà (lớp Luật Quốc tế 40C, Học viện Ngoại giao) sang Hồng Kông tham dự cuộc thi quốc tế về Luật Nhân đạo, PGS.TS Trần Thị Băng Thanh đã tủm tỉm cười rồi bảo cháu nội: "Mang chuông đi đấm xứ người/Chẳng kêu cũng đấm ba hồi lấy danh".


Ai cũng nghĩ như bà, rằng thôi thì cứ đi để thử sức, lấy kinh nghiệm. Chứ còn trước nay, đã bao giờ đội tuyển Việt Nam mang chiến thắng về đâu. Được biết, "đấu trường" của các em là phiên tòa giả định được tổ chức thường niên, giữa các đội tuyển được lựa chọn từ các nước trong khu vực Châu Á- Thái Bình Dương.

Tại đây, họ đóng vai trò luật sư, sử dụng tiếng Anh để tranh cãi, biện bác, bảo vệ thân chủ của mình là những quốc gia, dân tộc đang xảy ra khủng hoảng nhân đạo. Điều "không tưởng" mà Hà cùng đội tuyển đã tạo ra, đó là xuất sắc vượt qua các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Pakistan, Singapore… để mang giải về cho Tổ quốc.

"Hạt giống" đỏ

Cách đây 3 năm, Mai Ngân Hà đã làm gia đình lo lắng, khi khước từ quyền được tuyển thẳng vào các trường đại học, theo quy chế dành cho học sinh giỏi đoạt giải quốc gia. Khi đó, em đã chọn Khoa luật Quốc tế của Học viện Ngoại giao - một khoa "xương xẩu" nhất bởi lấy điểm chuẩn đầu vào rất cao, để dự thi như mọi thí sinh tự do.

Mai Ngân Hà và Nguyễn Thế Hoàng giành giải thưởng trong cuộc thi Luật Nhân đạo quốc tế tổ chức tại Hồng Kông tháng 3/2016.

Lý giải chuyện này, em nói để kiểm tra năng lực của mình. Và rồi Hà đã đạt số điểm gần như tuyệt đối, giành ngôi vị "thủ khoa" đầu vào. Suốt 3 năm học tại lớp chất lượng cao, điểm số của cô học trò nhỏ nhắn này luôn "ngất ngưởng", đứng "top" đầu của khóa 40 và giành học bổng loại A, cùng danh hiệu "Sinh viên xuất sắc" của Học viện Ngoại giao. Hà trở thành niềm tin cậy và gửi gắm của các thầy cô giáo cùng bè bạn.

Tìm hiểu về Ngân Hà, tôi đọc được một bài báo cũ: "Bé Ngân Hà với bài thơ Thiên Trường vãn vọng" của nhà báo Mai Trang (tác giả bài thơ phổ nhạc nổi tiếng: "Người lái đò trên sông Pô Kô"). Té ra ngay từ hồi 3 tuổi, Ngân Hà đã được biết đến bởi khả năng thuộc thơ…

Nôm hay Đường luật. Bà nội của em là PGS, TS Trần Thị Băng Thanh (công tác tại Viện Văn học Việt Nam), đã dành tất cả tình thương yêu và kỳ vọng vào cô cháu nhỏ nhắn nhưng có sức đọc, sức nhớ đáng nể này. Bà nội em kể, rất muốn Hà trở thành "truyền nhân", tức là theo nghiệp văn chương như truyền thống của dòng họ. Nhưng khi lớn lên, cô bé lại thích lĩnh vực luật và nằng nặc đòi thi vào Khoa luật Quốc tế của Học viện Ngoại giao.

"Nó bảo vấn đề biển Đông đang "nóng" từng ngày. Nước mình rồi sẽ rất cần những luật sư giỏi về Công pháp quốc tế để tranh biện nhằm bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia. Đó là động lực khiến nó quyết đi theo ngành luật và bỏ ngoài tai mọi tư vấn, định hướng của gia đình" - bà Băng Thanh nói vui về cô cháu gái yêu của mình như vậy.

Lý giải cho sức học vượt trội của con gái, anh Mai Thanh Hà Huế (Giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội) chia sẻ: "Gia đình tôi đã nhiều đời theo nghề dạy học. Cụ nội tôi là học sỹ Mai Khắc Đôn - (thầy dạy vua Duy Tân tại Huế). Ông bà nội cháu Hà cũng đều là các học giả có tiếng đương đại. Vợ tôi cũng thuộc dòng dõi nhà văn, là cháu nội của cụ Đào Phương Bình - (nhà Hán học uyên thâm, thành viên sáng lập Viện Hán Nôm Việt Nam).

Cả 2 vợ chồng tôi hiện cũng đang công tác trong ngành giáo dục. Truyền thống gia đình đã tác động lớn đến các cháu. Ngay từ nhỏ, cháu Hà đã rất hiếu học. Những năm học phổ thông, cháu đều đạt học sinh giỏi và có giải trong các kỳ thi quốc gia. Năm học lớp 12, cháu Hà đã thi IELTS (tiếng Anh) đạt điểm 8.0. Đây thực sự là một điểm số mơ ước của nhiều người, vì rất khó đạt được. Trở thành sinh viên đại học, cháu vẫn giữ được phong độ và gặt hái được nhiều thành tích trong học tập.

Sinh viên Mai Ngân Hà hùng biện tại cuộc thi.

Ngoài giờ học, cháu còn đi làm gia sư môn tiếng Anh để đỡ đần bố mẹ, đồng thời trau dồi thêm khả năng thuyết trình và phản xạ ngôn ngữ. Cháu Hà là cộng tác viên "ruột" của kênh VTV2, trong việc dịch thuật các bộ phim tài liệu".

"Đấu trường" trí tuệ

Phiên tòa giả định về Luật Nhân đạo quốc tế là một trong những cuộc thi uy tín và lâu đời nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, được Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) tổ chức thường niên, nhằm giúp các sinh viên đam mê luật pháp quốc tế có cơ hội nghiên cứu và tìm hiểu về Luật Nhân đạo quốc tế, cũng như cách áp dụng trong thực tiễn, đồng thời rèn luyện các kỹ năng hành nghề cần thiết của một luật sư.

Được biết, để chuẩn bị cho "trận đấu" trí tuệ này, vòng thi Quốc gia của Việt Nam đã được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 11-2015, thu hút 9 đội thi đến từ 6 cơ sở đào tạo luật nổi tiếng cả nước, gồm Đại học Luật TP Hồ Chí Minh, Đại học Cần Thơ, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Ngoại giao…

TS. Phạm Lan Dung (Trưởng khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao) cho biết, luật Quốc tế là một ngành khó, mang tính kĩ thuật, liên quan đến chính trị quốc tế, quan hệ quốc tế, và đây là một cuộc thi mang tính trí tuệ, đòi hỏi kiến thức chuyên sâu trong một mảng hẹp của Luật Quốc tế, và tương tự các cuộc thi khác, cũng đòi hỏi những người có đam mê và năng khiếu.

Với thành tích cao trong học tập, Mai Ngân Hà và Nguyễn Thế Hoàng (lớp Luật Quốc tế 40C) đã được Học viện Ngoại giao lựa chọn để tham dự cuộc thi. Kết thúc "trận đấu", họ đã xuất sắc đoạt giải vô địch. Đây cũng là lần đầu tiên sinh viên Học viện Ngoại giao giữ ngôi vị "quán quân" trong khuôn khổ vòng thi quốc gia này. Theo quy chế cuộc thi Luật Nhân đạo quốc tế, đội tuyển này chính thức đại diện cho Việt Nam để tham gia đấu trường khu vực.

Từ ngày 9-3 đến 11-3-2016, cuộc thi "Phiên tòa giả định về Luật Nhân đạo quốc tế" lần thứ 14 được ICRC phối hợp với Đại học Hồng Kông (HKU) và Khoa luật Đại học Trung văn Hương Cảng (CUHK) tổ chức tại Hồng Kông, Trung Quốc. Ths. Ngô Thị Trang (Giảng viên Khoa Luật quốc tế, đồng thời là huấn luyện viên) đã dẫn Hà, Hoàng và Trần Thị Tâm Thanh (sinh viên lớp Luật Quốc tế 40A, làm nhiệm vụ hỗ trợ đội tuyển) bay sang Hồng Kông, trong niềm hy vọng "le lói" của người "ở nhà".

Đội tuyển Việt Nam nhận chứng nhận giải tại cuộc thi Luật Nhân đạo quốc tế.

Năm nay, cuộc thi được tổ chức với 24 đội đến từ những nước phát triển, có thế mạnh về đào tạo luật trên thế giới, như Úc, New Zealand, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Paskistan… Sau khi kết thúc hai lượt thi đấu vòng Loại, chỉ có 8/24 đội bước tiếp vào vòng Tứ kết loại trực tiếp, để chọn ra 4 đội vào vòng Bán kết và cuối cùng là 2 đội xuất sắc nhất gặp nhau tại vòng Chung kết. Ngoài giải thưởng chính, còn có các giải phụ cho các cuộc thi bên lề.

Kể về thử thách vừa trải qua, Mai Ngân Hà cho biết: "Chúng em bước vào vòng đấu loại rất quyết liệt. Dù được biết trước đề thi, song các đội chơi không thể lường trước tất cả tình huống, câu hỏi xảy ra trong các phiên tranh tụng giả định, và vì vậy phải luôn sẵn sàng phản ứng bằng việc áp dụng các án lệ, thực tiễn, quy định. "Đề bài" lần này là tại vùng giáp ranh biên giới 3 nước có một sắc tộc thiểu số cư trú. Khi một nước xảy ra nội chiến, các nước còn lại đóng cửa biên giới, dựng robot gắn súng để ngăn chặn dòng người nhập cư.

Kết quả là nhiều người dân đã bị robot tự động bắn chết khi cố tràn qua biên giới để lánh nạn. Chúng em phải lập luận và chứng minh nhiều vấn đề, chẳng hạn như trách nhiệm pháp lý của tổng thống nước sử dụng robot giết thường dân vô tội; xác định vụ việc này có thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa Hình sự quốc tế không…. Việc tranh luận, biện bác đều thực hiện bằng tiếng Anh, trên cơ sở Công pháp và Luật Nhân đạo quốc tế".

Được biết, kết thúc vòng loại, đội tuyển Việt Nam đã giành chiến thắng trước đội chủ nhà (Đại học Hồng Kông), trong vai trò Công tố viên (Prosecutor); và đội Đại học Quốc gia Mông Cổ, trong vai trò Bị đơn (Defendant). Với kết quả này, Mai Ngân Hà và Nguyễn Thế Hoàng đã đi tiếp vào vòng Tứ kết, với tổng số điểm đứng thứ 2/24 đội tham dự cuộc thi và lọt vào Top 8 đội thi có thành tích cao nhất trong vòng loại.

Nguyễn Thế Hoàng nhớ lại: "Tại vòng sau, chúng em đã phải đối mặt với đối thủ "nặng ký" nhất là đội tuyển đến từ Đại học Công nghệ Queensland (QUT). Đây cũng chính là đội về sau giữ ngôi vị "quán quân" trong cuộc thi lần này. Phải thừa nhận rằng họ thực sự rất giỏi, cả về khả năng hùng biện, nắm Luật Quốc tế rất chắc và có vốn kiến thức phong phú.

Mặc dù vậy, chúng em vẫn thi đấu hết sức và bình tĩnh tự tin, khiến  Ban giám khảo phải cân nhắc rất lâu trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Kết quả thi dù không vượt qua được họ, nhưng chúng em vẫn giành được giải Second Honorable Submissions (dành cho các bản đệ trình xuất sắc nhất); và giải Á quân của IHL Role Play Contest (cuộc thi đàm phán giả định) diễn ra bên lề cuộc thi chính.

Nhiều đoàn các nước ban đầu không để ý lắm đến đội tuyển Việt Nam, nhưng khi chứng kiến chúng em đấu tay đôi với đội giỏi nhất, họ đã thay đổi thái độ, đến bắt quen và khen ngợi đoàn Việt Nam rất nhiều. Điều đáng nói là các đội như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… đã bị "out" ngay từ vòng loại".

TS. Phạm Lan Dung nhận xét: "Trong bối cảnh Việt Nam bắt đầu tham gia vào các lực lượng gìn giữ hòa bình, cũng như tích cực tham gia các tổ chức của Liên hiệp quốc, việc sinh viên tham gia cuộc thi diễn án Luật Nhân đạo quốc tế liên quan đến lĩnh vực gìn giữ hòa bình có tính thực tiễn cao. Nếu Việt Nam tiếp tục duy trì tổ chức và tham gia các cuộc thi diễn án như vậy để nâng cao chất lượng sinh viên Luật Quốc tế, khả năng đào tạo ra một thế hệ các luật gia trẻ thực lực, có kinh nghiệm, có kĩ năng phản xạ, thuyết phục, đáp ứng nhu cầu xã hội… là điều đầy hứa hẹn".

Được biết, hiện Ngân Hà và Thế Hoàng lại tiếp tục và gấp rút chuẩn bị cho vòng Tranh tụng cuộc thi "Diễn án luật Philip C. Jessup 2016" tổ chức tại Washington, D.C, Mỹ vào cuối tháng 3 này. 

Nhật Nam - Tuấn Trình
.
.
.