Martin Luther King (1929-1968) - nhà hoạt động nhân quyền vĩ đại của nước Mỹ: Mãi mãi một giấc mơ…

Thứ Tư, 11/02/2015, 14:56
Từ năm 1983, Tổng Thống Ronald Reagan ký một luật ấn định ngày thứ Hai thứ ba trong tháng 1 hằng năm là ngày quốc lễ - Ngày Martin Luther King. Đây là sự tôn kính mà nước Mỹ dành tưởng nhớ nhà hoạt động nhân quyền vĩ đại vì những cống hiến lớn lao trong hoạt động chống phân biệt chủng tộc trong những năm 50 và 60 của thế kỷ XX.

Luther King xứng đáng với giải Nobel Hòa bình vì đã nỗ lực đấu tranh không mệt mỏi để giành quyền bình đẳng cho người da màu tại Mỹ. Và “Tôi có một ước mơ” do Martin Luther King soạn thảo được coi là một trong những bài diễn văn nổi tiếng nhất trong lịch sử, phản ánh cái nhìn đầy sức thuyết phục và khơi nguồn cảm hứng cho những thay đổi quan trọng sau đó. Chính bài diễn văn này đã gửi gắm khao khát cháy bỏng về một thế giới tự do, bình đẳng, bác ái. Và cho đến nay, ước mơ ấy vẫn còn vẹn nguyên những giá trị nhân văn cao đẹp.

Khao khát một thế giới bình đẳng

Năm 1963, tại cuộc tuần hành chống phân biệt chủng tộc được coi là lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, Martin Luther King đã đọc bài diễn văn Tôi có một ước mơ với tất cả sự say mê và nhiệt huyết. Ông truyền cảm hứng cho không chỉ 250 nghìn người có mặt tại Đài tưởng niệm Lincoln ở Washington mà cả hàng triệu người trên toàn thế giới đã và đang đấu tranh cho nhân quyền. Hai vấn đề chính mà bài diễn văn đề cập là quyền được làm việc và quyền tự do - bình đẳng của con người, đặc biệt là người da màu - tầng lớp bị phân biệt đối xử và chịu đựng nhiều bất công.

Martin Luther King đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, hiệu triệu và cổ vũ nhân loại đứng lên chống lại việc đối xử tàn nhẫn đối với một lớp người. Ông muốn thay đổi những quan niệm và giá trị vốn đã bám rễ trong lòng xã hội Mỹ, tưởng chừng như bất biến. Ước mơ của King xuất phát từ thực trạng đen tối của hàng chục triệu người Mỹ gốc Phi.

Vào thời điểm đó, rất nhiều người da màu không có quyền bỏ phiếu, không được sử dụng chung nhà tắm, khách sạn, nhà hàng hay trường học và bệnh viện cùng với người da trắng. Tệ hại hơn, cuộc sống khó khăn của họ càng bi thảm vì những kỳ thị trong các hoạt động kinh tế - xã hội.

Diễn văn gây chấn động dư luận của King ngay lập tức phát huy tác dụng. Chưa đầy một năm sau, ngày 2/7/1964, Tổng thống Mỹ Johnson ký ban hành Luật Nhân quyền, chính thức công nhận tự do - bình đẳng của con người là những quyền cơ bản được pháp luật bảo vệ.

Martin Luther King - nhà hoạt động nhân quyền vĩ đại của nước Mỹ - nổi tiếng với bài diễn văn đầy cảm hứng về tự do và bình đẳng “Tôi có một ước mơ”.

Theo đó, người da màu được quyền đi bỏ phiếu mà không phải đóng thuế và qua sát hạch. Những biểu hiện kỳ thị vì lý do chủng tộc đều bị loại bỏ. Từ sau thời điểm này, người da màu đã dần xuất hiện trên vũ đài chính trị, thể hiện tài năng trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thậm chí nhiều người còn nắm giữ những vị trí then chốt.

Có thể coi đó là những thành tựu bước đầu của những năm đấu tranh bền bỉ với không ít mất mát và đau thương. Tuy nhiên, ước mơ về một nước Mỹ bình đẳng giữa các màu da của Martin Luther King vẫn chưa thể trở thành hiện thực. Xã hội Mỹ thế kỷ XXI vẫn là một bức tranh với hai màu sáng tối rõ rệt.

Thực tế, hai cộng đồng da trắng và da màu vẫn sống trong hai thế giới, hai gam màu khác nhau và đối chọi sâu sắc. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều cuộc biểu tình lớn nhỏ đã diễn ra trên khắp lãnh thổ nước Mỹ, yêu cầu sự bình đẳng trong cơ hội kiếm sống và đối xử trước pháp luật - điều mà King đặc biệt nhấn mạnh trong bài diễn văn lịch sử.

“Tôi có một ước mơ, rằng tới một ngày, trên những ngọn đồi vùng Georgia, con cái của nô lệ và chủ nô cũ có thể ngồi với nhau như anh em… Hôm nay tôi có một ước mơ... Chúng ta tin tưởng vào một sự thật hiển nhiên, rằng tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng… Và nếu nước Mỹ thực sự là một đất nước vĩ đại, điều này phải thành sự thật”.

Cho tới bây giờ, ước mơ ngày nào của King vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục là thách thức không chỉ với riêng nước Mỹ mà còn với cả nhân loại.

Đọc điếu văn cho chính mình

Năm 1954, Martin Luther King trở thành mục sư của nhà thờ Tin lành Dexter Avenue ở Montgomery (Alabama). Vốn là người luôn đấu tranh vì nhân quyền, ông được giao vai trò lãnh đạo phong trào tẩy chay xe buýt của người da đen ở Montgomery vào năm 1955 khi luật cho rằng người da đen chỉ được ngồi ở cuối xe. Cuộc tẩy chay diễn ra sau khi Rosa Parks, một phụ nữ da đen không chịu nhường ghế cho một người đàn ông da trắng.

Trong suốt phong trào, King đã bị bắt, nhà bị đốt, ông còn bị nhiều người da trắng công kích. Cuối cùng cuộc tẩy chay kéo dài 382 ngày đã khiến Tòa án Tối cao Mỹ phải bãi bỏ sự phân biệt chủng tộc trên mạng lưới xe buýt.

Từ đây, King đã dẫn đầu một loạt cuộc biểu tình phi bạo lực trên toàn quốc chống lại tình trạng phân biệt chủng tộc. Năm 1957, ông được bầu làm chủ tịch Hội nghị Lãnh đạo Cơ đốc miền Nam, một tổ chức được thành lập nhằm liên kết các phong trào đấu tranh chống nạn kỳ thị.

Trong giai đoạn 12 năm (1957-1968), King đã đi nhiều nơi, thực hiện hơn 2.500 bài diễn thuyết để truyền cảm hứng và niềm tin cho cộng đồng. Ông xuất hiện ở bất cứ nơi nào có bất công, chống đối và bạo động. Song song đó, ông cũng viết 5 cuốn sách và vô số bài báo kêu gọi xóa bỏ nạn phân biệt chủng tộc.

Năm 1963, King bị bắt khi tham gia lãnh đạo phong trào chống phân biệt chủng tộc có quy mô lớn tại Birmingham. Sau khi ra tù, ông lại tiếp tục tham gia vào các cuộc diễu hành rầm rộ đòi nhân quyền tại nhiều nơi trên khắp nước Mỹ, và dẫn dắt những chiến dịch đòi quyền bầu cử cho người da màu. Một năm sau, Martin Luther King trở thành người trẻ nhất từng giành giải Nobel Hòa bình khi mới 35 tuổi.

Vị mục sư da màu đã xây dựng niềm tin và hi vọng cho hàng triệu người trên toàn thế giới đã và đang đấu tranh cho nhân quyền.

Bài phát biểu nhận giải của ông ở Na Uy đã gây chấn động với tuyên bố nổi tiếng: “Tôi tin rằng sự thật không cần vũ khí và tình yêu vô điều kiện sẽ có tác động cuối cùng lên thực tế. Đó là lý do vì sao lẽ phải tạm bị đánh bại lại mạnh hơn chiến thắng của điều ác”. King cũng quyên tặng số tiền 54.123 USD trong tiền thưởng cho các phong trào hoạt động vì quyền lợi dân sự. Có thể nói, ông không chỉ là nhà lãnh đạo biểu tượng của người Mỹ da màu mà còn là vĩ nhân của thế giới.

Đêm 3/4/1968, King đã tới Memphis để hỗ trợ phong trào đòi tiền bồi thường nhiều hơn cho các công nhân vệ sinh người da màu. Ông đã nói chuyện tại nhà thờ của Giám mục Charles Mason trước những người ủng hộ, dù biết rằng đã có những kẻ âm mưu sát hại mình. Ông chia sẻ với mọi người về việc mình từng sống sót qua một âm mưu ám sát hồi năm 1958 do một người phụ nữ loạn trí thực hiện.

Nhiều người tin rằng, đêm hôm đó, King đã đọc điếu văn cho chính mình, với những câu chữ đầy ám ảnh: “Đêm nay, chúng ta - với tư cách con người - sẽ tới được “miền đất hứa”. Và vì thế tôi đã rất vui. Tôi chẳng lo lắng điều gì cả. Tôi chẳng sợ ai hết”.

Vào lúc 18h5 ngày 4/4/1968, nhà hoạt động nhân quyền Martin Luther King đã bị bắn khi đang đứng trên một ban công ở ngoài căn phòng nằm trên tầng hai khách sạn Lorraine. Ông qua đời một giờ sau đó.

Thông điệp còn mãi

Để tưởng nhớ vị mục sư và nhà hoạt động nhân quyền quá cố, Tổng Thống Ronald Reagan ký một luật ấn định ngày thứ Hai thứ ba trong tháng 1 hàng năm là Ngày Martin Luther King từ năm 1983.

Bắt đầu từ năm 1994, Quốc hội Mỹ chỉ định ngày tưởng niệm mục sư King là quốc lễ - một động thái để khuyến khích người dân Mỹ tham gia các dự án cộng đồng chống phân biệt chủng tộc. Tên của ông sau này đã được dùng để đặt cho hàng nghìn con đường trên khắp nước Mỹ, để các thế hệ sau mãi nhớ về hình ảnh một anh hùng trong lịch sử phát triển nhân loại.

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua từ sau sự ra đi vĩnh viễn của ông, thế giới chứng kiến những biến động lớn lao, nhưng thông điệp và niềm tin mà King để lại vẫn còn nguyên giá trị nhân văn cao đẹp.

Martin Luther King cảm thấy sự bình đẳng về chủng tộc có thể giúp mọi người khơi dậy được tiềm năng của họ, bởi vì giáo dục là nền móng của quyền dân chủ. Ước mơ của ông là bốn đứa con của mình một ngày nào đó cũng có thể được đánh giá không phải bởi màu da mà bởi những giá trị bên trong màu da đó của chính con người chúng. Những quan điểm này mang lại cho ông sự tín nhiệm cả ở bên ngoài phong trào nhân quyền.

Martin Luther King là một người đàn ông cực kỳ thông minh. Ông tốt nghiệp đại học trước khi ông tròn 20 tuổi và nhận được bằng tiến sĩ về triết học ở Đại học Boston khi mới ở tuổi 26. Ông cũng nhận ra rằng sự thay đổi là cần thiết cho thế giới và điều đó phải được thực hiện. Nhưng chỉ đến khi ông trở về từ Ấn Độ, lấy cảm hứng từ tin nhắn phản đối bạo động của Mahatma Gandhi, ông mới hiểu rõ về lời kêu gọi và những gì ông có thể làm để biến tiếng nói của mình trở nên có trọng lượng trong phong trào đòi nhân quyền.

Trên thực tế, Martin Luther King đã không có ý định trở thành một nhà lãnh đạo, mà những người cần ông khiến ông làm điều đó. Tình yêu và sự nối kết với những người ông phục vụ đóng vai trò như ngọn gió không bao giờ để ông ngừng chiến đấu cho đến khi đạt được mục tiêu.

Những hành động của Martin Luther King cho thấy tầm quan trọng của hai chữ: “niềm tin”. Là một triết gia chủ trương không bạo lực, ông kiên quyết và kiên định dù bị đe dọa ám sát, tấn công và hơn 20 lần bị bắt giữ. Ông kêu gọi mọi người ủng hộ ánh sáng của chủ nghĩa vị tha thay vì bóng tối của sự ích kỷ cá nhân.

Những lời nói của ông đã tiếp bước Tổng thống Kennedy: “Đừng hỏi tổ quốc có thể làm gì cho bạn, hãy hỏi bạn có thể làm gì cho tổ quốc”. Nếu như ngày ấy, mục sư King không lên tiếng kêu gọi người dân Mỹ đứng lên đòi nhân quyền thì nước Mỹ sẽ chẳng có ngày hôm nay. Ông đã khích lệ người dân da màu ngày ấy vượt qua nỗi sợ hãi, thậm chí đánh đổi cả sinh mạng như chính ông, để giành cho được sự công bằng cho thế hệ con cháu. Quan trọng hơn, ông đã tạo nên một giấc mơ trải dài theo thời gian và cả không gian - đó là khao khát mãnh liệt nhất không thể bị dập tắt bởi bất cứ điều gì…

Lê Nam – Anh Doãn
.
.
.