Món nợ lớn nhất mang tên “Thời gian”

Chủ Nhật, 07/02/2016, 14:00
Lịch sử giao thông nước nhà như một cuốn phim quay đều, rành rọt qua lời kể của Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, nguyên Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ -  Đường sắt (Bộ Công an). 

Thỉnh thoảng, trong lúc kể, giọng ông nặng hơn hoặc rất chậm khi nhắc về một dữ kiện cụ thể hoặc tuyến đường, cây cầu “biết nói” nào đó. Có lúc ông nhắc về những người đồng đội, người anh em cấp dưới của mình bằng sự thấu hiểu và thương mến thật sự. Ông bảo, ông nợ họ. Một món nợ mang tên “thời gian”.

Trước thềm năm mới, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, nguyên Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (Bộ Công an) có dịp hồi tưởng lại một thời “chinh chiến” của mình. Đi nhiều, nước ngoài nước trong đủ cả, từng giữ những vị trí quan trọng của ngành nên không có điểm nóng nào về trật tự an toàn giao thông mà ông không biết.

Với những đóng góp cho ngành Giao thông, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên đã được nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp GTVT” vào năm 2014.

Trên biểu đồ về số lượng người bị tai nạn giao thông qua các năm, khoảng thời gian nào tăng đột biến, nguyên nhân bắt nguồn từ đâu, ông nhớ một cách chính xác và không bỏ qua bất cứ một chi tiết nào.

Thời còn làm ở Cục Cảnh sát đường thủy, suốt ngày bôn ba, ông và đồng đội của mình lênh đênh sóng nước, đối mặt với nạn buôn lậu (xăng dầu, hàng hóa…), vận chuyển quá tải và “cát tặc” rải dọc các tuyến sông. Ở địa vực sông nước này, chế tài quản lý nhà nước vẫn còn lỏng lẻo, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe nên tội phạm “nhờn” luật và hoạt động công nhiên quanh năm.

Trong khi đó, những vụ tai nạn đường thủy ít khi xảy ra so với đường bộ; tuy nhiên, khi xảy ra, hậu quả vô cùng khôn lường, ví dụ như đắm thuyền, đắm đò..., số người chết đuối nhiều. Lực lượng lại mỏng, phân tán, không tập trung, gặp không ít khó khăn trong quá trình tác nghiệp.

Ông kể, so với ngày xưa, bây giờ làm việc có nhiều thuận lợi hơn, cả về cơ sở vật chất cũng như về mặt tổ chức. Nhớ lại những năm 80 của thế kỷ trước, lúc đó, bộ máy tổ chức chưa được kiện toàn và nâng cấp như bây giờ. Ngay cả cái tên Cục CSGT Đường bộ - Đường thủy (C67) đầy đủ hình hài ngày hôm nay cũng phải trải qua mấy lần thay tên đổi họ mới thành. Sau khi trực thuộc Bộ Công an, những hoạt động của Cục được chỉ đạo sát sao, nhanh chóng, cụ thể hơn.

Chưa kể, về phía Chính phủ cũng có những thay đổi liên quan đến Ủy ban An toàn giao thông quốc gia. Trước đây Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải là Chủ tịch của Ủy ban này thì giờ đây là Phó Thủ tướng Chính phủ. Sự thay đổi này củng cố một bước tổ chức, đồng thời chỉ đạo Cục sát sao và “uy lực” hơn trong mọi công việc.

Đồng thời với đó, luật giao thông, các thông tư, nghị định dần được hoàn chỉnh nên người thực thi nhiệm vụ có cơ sở pháp lý để thực hiện dễ dàng hơn. Đội ngũ CSGT, Thanh tra giao thông cũng được trang bị và đầu tư tốt. Những thay đổi ấy chính là “xương sống” đảm bảo an toàn giao thông quốc gia xuyên suốt - Tướng Tuyên nhớ lại. Ông mừng và cảm thấy nhẹ nhõm vì điều đó.

Là một người có hơn 40 năm gắn bó với trật tự an toàn giao thông, bản thân Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên cũng “sợ” giao thông của nước mình. Sợ nhất là thứ giao thông hỗn hợp; ôtô, xe máy, xe đạp cùng lưu thông trên một con đường. Tai nạn xảy ra là điều khó tránh khỏi.

Cao tốc được đưa vào hoạt động thực sự “chia lửa” cho các tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ khác trong việc giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông. Nói đến đây ông lại dẫn ra một ví dụ, đó là từ khi có cao tốc đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình, cả năm có khi chỉ xảy ra 1-2 vụ tai nạn.

Cùng với ý thức người dân ngày một tăng cao qua từng năm, cộng với sự quyết liệt trong chỉ đạo công tác đảm bảo, giữ gìn an toàn, trật tự giao thông quốc gia, so với ngưỡng trên dưới 13.000 người chết vì tai nạn giao thông trong những năm 2009 đến năm 2011 thì giờ con số đó đã được kéo xuống còn gần 8.000 người. Ông bảo, giảm một mạng người đã là rất quý rồi. Giảm 4.000 – 5.000 người là một con số tuyệt vời.

Ông có dẫn thêm một ví dụ về mức độ tai nạn giao thông của Nhật. Năm 1967 đến năm 1968 được xem là thời gian đáng buồn đối với nước Nhật khi có khoảng 16.000 người chết vì tai nạn giao thông. Năm 2011, con số trên giảm còn 4.800 người. Còn ở Việt Nam, năm 1950 có 13.000 người chết vì tai nạn giao thông thì 40 năm sau còn 4.500 người.

Ông bảo, kể ra không phải để “say sưa” hay “xuýt xoa” vì những điều đã làm được ấy mà để chúng ta thấy rằng vẫn phải cố gắng nhiều. So với các nước khác, giao thông của chúng ta vẫn còn nhiều bất cập. Mặc dù nhìn thấy được những lợi ích của đường cao tốc tuy nhiên đến nay cũng mới có gần 600km cao tốc trên cả nước. Vấn đề giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn.

Tuyến đường sắt trên cao được lập ra để giải quyết vấn đề ùn tắc nội ô thì đến nay đắp chiếu chưa có gì mới. Đường sắt Việt Nam năm 2015 không khác đường sắt những thập niên cũ là bao. Vẫn một đường ray đó, hệ thống toa xe, máy móc cũ kĩ, lạc hậu đó. Và khi ở nước ngoài, người ta tính khoảng cách bằng thời gian đi tàu điện ngầm thì ở Việt Nam chúng ta vẫn tính bằng kilomet.

Chưa kể chế tài xử phạt nhiều cái còn nhẹ, không đủ sức răn đe. Lái xe cố tình đâm chết CSGT hay có một số hành vi nguy hiểm trong quá trình điều khiển phương tiện, gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng không phải là câu chuyện hiếm.

Gần 40 năm công tác trong ngành, những hay – dở, thăng – trầm của đời sống, ông đều đã trải qua. Để rồi ngay cả khi chia tay cái công việc gắn bó gần như cả đời này, lòng ông vẫn còn nhiều bộn bề không yên. Từng đợt xao động không ngơi nghỉ ấy, có bao nhiêu ông thả hết vào tiếng thở dài.

Ông dành cái phần ưu tư nhất ấy cho đồng đội của mình. Chỉ vì một số ít “con sâu làm rầu nồi canh” mà không ít người quay lưng, lên án toàn bộ lực lượng CSGT. Cái sự mang tiếng ấy oan ức và thật không đúng, không công bằng chút nào. Những con người ấy hằng ngày vẫn miệt mài làm theo phận sự của mình. Mùa đông thì rét, mùa hè thì nóng.

Bệnh nghề nghiệp, nhất là bệnh phổi khá phổ biến. Chưa kể, thử hình dung nếu một ngã tư giờ cao điểm mà vắng bóng chiến sỹ CSGT hay có một vụ ẩu đả nào không có CSGT đến giải quyết thì khung cảnh sẽ hỗn loạn ra sao? Ai nghĩ ngợi và thông cảm cho họ bây giờ?

Mười mấy năm làm lãnh đạo, không có giao thừa nào ông có mặt ở nhà để đón Tết cùng gia đình. Khi giây phút năm mới đi qua, hai, ba giờ sáng mới lụi cụi về nhà. Người từng giữ vị trí đầu tàu của Cục C67 một thời cho đến khi về hưu vẫn bận lòng vì còn nhiều điều day dứt. 

Ông nói với tôi, không chỉ riêng ông mà lãnh đạo các phòng của ngành đều mắc nợ các chiến sỹ của mình. Nợ thời gian, nợ bao nhiêu thứ bảy, chủ nhật trong đời. Không có một quy định nào nói rằng cuối tuần phải đi làm, đi trực, nhưng vì trách nhiệm, họ vẫn phải có mặt đầy đủ. Món nợ ấy, cho đến tận lúc nghỉ hưu, ông vẫn không có khả năng để trả. Chưa kể, làm việc cùng nhau bao nhiêu năm tháng bao nhiêu ân tình theo đó mà dày lên. Trả sao đây? Và biết trả cái gì bây giờ? Có nói gì lúc này, cũng sẽ là không đủ.

Trước mặt tôi lúc này, không phải là một vị tướng của ngành Công an. Ông gần gũi, giản đơn và đầy nỗi niềm đời thường sau khi đã sống và cống hiến hết mình. Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp GTVT” được trao cho ông vào năm ngoái, có hay không, tôi nghĩ rồi cũng chẳng quan trọng lắm. Bởi lẽ, 40 năm gắn bó với ngành, được bạn bè anh em quý mến, không có một điều tiếng gì khiến mình hổ thẹn, với ông, đó là phần thưởng cao quý và sang trọng nhất rồi.

Đậu Dung
.
.
.