Naruhito: Tân Thiên hoàng Nhật Bản

Thứ Năm, 09/05/2019, 16:39
Hoàng đế mới của Nhật kế vị cha mình, ông Akihito, người trở thành hoàng đế đầu tiên thoái vị kể từ năm 1817. Hiện tại, cựu Hoàng Akihito giữ tước hiệu Joko, và đã nghỉ hưu cùng với vợ, giờ được gọi là bà Jokogo Michiko.

Nhân từ và đức độ

Nhật hoàng mới, Naruhito, sinh ngày 23-2-1960, con trai đầu lòng của Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko. Từ khi chào đời đến năm 28 tuổi của Thái tử Naruhito là thời kỳ do ông nội, Thiên hoàng Chiêu Hòa Hirohito trị vì. Tên của Nhật hoàng Naruhito gồm các từ mang ý nghĩa “nhân từ” và “đức độ” trong tiếng Nhật ghép lại.

Nhật hoàng Naruhito đã dự một buổi lễ bàn giao từ người cha để nhận một viên ngọc và một thanh kiếm, hai trong số “Ba báu vật thiêng liêng” của Nhật Bản được truyền trong Hoàng gia qua nhiều thế hệ. Ông cũng có bài phát biểu đầu tiên của mình với tư cách là Thiên hoàng trước các nhà lãnh đạo của các cơ quan hành pháp, lập pháp và tư pháp Nhật Bản.

Thái tử Naruhito lên ngôi , trở thành Nhật hoàng thứ 126 của đảo quốc mặt trời mọc.

Tên của triều đại mới “Reiwa” được lấy từ Manyoshu, tuyển tập thơ ca lâu đời nhất của Nhật Bản, mô tả hoa mận vào mùa xuân: “Vào một đêm đầu xuân, không khí trong lành và những làn gió bình yên… hoa mận đang nở đẹp như người phụ nữ đang trang điểm trước gương, mùi của hoa thoang thoảng như chiếc áo được xông hương”. Tên của triều đại mới biểu thị nền văn hóa mới khi mọi người gắn kết trái tim của mình với cộng đồng, Thủ tướng Shinzo Abe nói về triều đại mới của Nhật.

Sau khi đăng quang, Thái tử Naruhito trở thành Hoàng đế thứ 126 của chế độ quân chủ lâu đời nhất thế giới. Ông cũng trở thành Hoàng đế đầu tiên của Nhật Bản sinh ra sau Thế chiến II.

Nhờ tư tưởng hiện đại của cha mẹ, vị tân Nhật hoàng Naruhito trải qua thời thơ ấu hạnh phúc và bình dị như bao đứa trẻ khác. Theo truyền thống Hoàng gia Nhật, con cháu trong hoàng tộc sẽ được gửi tới cho bảo mẫu chăm sóc tại nhà trẻ hoàng gia. Tuy nhiên, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko quyết định phá vỡ truyền thống ấy, tự tay nuôi dưỡng và chung sống cùng các con dưới một mái nhà.

Về phương diện học vấn, Thái tử Naruhito nối tiếp truyền thống Hoàng gia khi theo học Trường Gakushuin - ngôi trường dành cho giới quý tộc bao gồm các cấp học từ tiểu học đến đại học. Theo cuốn sách có tựa đề "Naruchan Kenpo" (Hiến pháp bé Naru) nói về phương pháp nuôi dạy con của Hoàng hậu Michiko, bà luôn cố gắng để con được lớn lên và phát triển một cách bình thường nhất có thể. 

Sau khi đăng ký cho Thái tử Naruhito vào trường tiểu học, bà đã rất hoảng hốt khi con thiếu trải nghiệm so với những đứa trẻ đồng trang lứa. Vì vậy, bà đã mời tất cả các bạn cùng lớp của con tới cung điện theo từng nhóm 3-4 người trong suốt 1 năm học để Thái tử Naruhito có thể hiểu được tầm quan trọng của tình bạn.

Kiyokazu Kanze, bạn học cũ của Thái tử tại Trường Gakushuin từ thời tiểu học đến trung học kể lại kỷ niệm thời thơ ấu với ông. Trong một chuyến đi thực tế với nhóm bạn cùng lớp, một người bạn đã không đến điểm hẹn đúng giờ khiến Thái tử và những người khác phải chờ. 

Sau 15 phút, một người đề nghị cả nhóm khởi hành tới điểm đến tiếp theo nhưng Thái tử vẫn kiên nhẫn, nói rằng hãy đợi cậu bạn kia thêm 5 phút nữa. Khi cậu bé kia cuối cùng cũng xuất hiện, Thái tử không hề tỏ ra tức giận mà chỉ nở nụ cười chào đón người bạn tới trễ. 

"Là một người bạn thời thơ ấu của Thái tử, tôi tin rằng ông ấy sẽ bình tĩnh kế vị và vẫn giữ những đức tính vốn có của mình - kiên nhẫn và cảm thông cho mọi người", ông Kanze nói.

Nhật hoàng thời đại mới

Năm 1983, ở tuổi 23, Thái tử Naruhito bắt đầu chương trình 2 năm tại Đại học Oxford (Anh), nơi ông có khoảng thời gian hiếm hoi tách khỏi cuộc sống hoàng gia khép kín, ngột ngạt. Trong cuốn sách xuất bản năm 1993 của mình, ông đã mô tả khoảng thời gian này là thời gian hạnh phúc nhất cuộc đời mình. Tại Oxford, Thái tử nghiên cứu chuyên sâu hệ thống giao thông thế kỷ 18 trên sông Thames ở London, công bố những phát hiện của mình hoàn toàn bằng tiếng Anh trong tài liệu năm 1989 có tên "The Thames as Highway".

Năm 2007, ông được bổ nhiệm chức chủ tịch danh dự của Ban cố vấn cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về nước và vệ sinh. Kể từ đó, ông thường xuyên có những bài phát biểu quan trọng về quản lý nước tại các diễn đàn toàn cầu. 

"Tôi nhận ra rằng ngày nay, trong các thảm họa thiên nhiên trên thế giới, thiên tai liên quan đến nước chiếm tỷ lệ cực kỳ cao", ông nói trong cuộc họp báo một năm sau trận động đất và sóng thần ngoài khơi bờ biển phía đông Nhật Bản. 

"Tôi muốn nghiên cứu kỹ lưỡng về những trận động đất và sóng thần trong quá khứ, qua đó nói lên tầm quan trọng của việc chuẩn bị cho mọi thảm họa có thể xảy ra, không chỉ với người dân Nhật Bản mà còn với cả thế giới", ông nói.

Không chỉ là một chuyên gia về nước nổi tiếng, Thái tử Naruhito còn là một nhà leo núi giàu kinh nghiệm và là một nghệ sỹ violon xuất sắc.

Nhật hoàng Naruhito và Hoàng hậu Masako.

Giống như cha mình, Naruhito được kỳ vọng sẽ là hiện thân của lương tâm Nhật Bản và lưu giữ ký ức về Thế chiến II. Akihito không bao giờ chính thức xin lỗi về các hoạt động của Nhật Bản trong chiến tranh, bởi vì luật pháp đế quốc cấm các hoàng đế đưa ra các tuyên bố chính trị. Tuy nhiên, Akihito đã cầu nguyện cho các nạn nhân chiến tranh và bày tỏ "sự hối tiếc và đau đớn sâu sắc".

Khi còn là thái tử, Naruhito đã chỉ trích thái độ của Nhật Bản về quá khứ thời chiến của đất nước. Theo Sven Saaler, nhà sử học tại Đại học Sophia ở Tokyo, vị hoàng đế mới có thể bày tỏ quan điểm của mình về Thế chiến II, có lẽ là vào ngày kỷ niệm kết thúc chiến tranh vào 15-8.

Tuy nhiên, Naruhito sẽ cần thiết lập giọng điệu của riêng mình với tư cách là hoàng đế, và ông nói năm ngoái rằng gia đình hoàng gia sẽ cần phải thích nghi với sự thay đổi của thời gian và kỳ vọng xã hội. "Tôi muốn thành thật trong việc giải quyết những nhiệm vụ mới cần thiết đối với tôi", Naruhito nói, thêm vào đó sẽ bao gồm việc đối phó với nghèo đói, trẻ em và người già. Ernst Lokowandt, một chuyên gia người Đức về các hoàng đế Nhật Bản, cho biết Naruhito có thể sẽ đảm nhận các vấn đề môi trường sau khi ông đăng quang.

Hoàng hậu Masako

Giống như cha mình - Nhật hoàng Akihito, Thái tử Naruhito cũng phá vỡ quy tắc hoàng gia, dành trọn trái tim mình cho một người con gái xinh đẹp, học vấn xuất chúng, dù xuất thân danh giá nhưng vẫn là thường dân. Đó là Masako Owada - một nhà ngoại giao tốt nghiệp hạng ưu Đại học Harvard, có thể nói 6 ngôn ngữ: Anh, Nga, Pháp, Nhật Bản, Tây Ban Nha và Đức.

Thái tử Naruhito được công chúng Nhật Bản nhớ đến với tình yêu mãnh liệt dành cho Công nương Masako - người từng 2 lần từ chối lời cầu hôn của Thái tử và chỉ gật đầu nhận lời cầu hôn thứ ba với lời hứa "anh sẽ bảo vệ em suốt đời bằng tất cả khả năng của mình". Đám cưới cổ tích của cặp đôi hoàng gia diễn ra vào năm 1993, sau đó, họ sinh hạ Công chúa Aiko vào năm 2001.

Hoàng hậu Masako rất quan trọng đối với tương lai triều đại của Naruhito. Masako rất khác với người tiền nhiệm của bà, Michiko, người thể hiện một hình ảnh truyền thống hơn của một phụ nữ Nhật Bản. Trong ánh đèn ngoại giao với tư cách là hoàng hậu, vai trò của bà sẽ được theo dõi chặt chẽ. Tuy nhiên, sức khỏe không tốt của Masako có thể đè nặng lên gia đình hoàng gia. Có những báo cáo bà phát triển một chứng rối loạn "liên quan đến stress" do áp lực từ gia đình hoàng gia về việc sinh ra một người thừa kế nam. Và theo Naruhito, tình trạng thể chất của bà vẫn dao động.

Do đó, không rõ tần suất Masako sẽ xuất hiện cùng hoàng đế ở nơi công cộng. Theo nhà sử học Saaler, điều này sẽ rất quan trọng nếu Naruhito tiếp tục hình ảnh công khai gần gũi với người dân Nhật Bản. Dưới triều đại của Nhật hoàng Akihito, nhiều người gán sự thành công các chiến dịch vì dân của ông cho Hoàng hậu Michiko.

Quí Hải
.
.
.