Nghệ sĩ đàn dân tộc Võ Vân Ánh: “Âm nhạc là cách hòa trộn hai thế giới”

Thứ Hai, 17/06/2019, 09:08
Được biết đến như một “sứ giả” âm nhạc, bắc một chiếc cầu nối văn hóa Việt Nam với thế giới, Võ Vân Ánh (Vanessa Vo) đã có những tháng ngày hạnh phúc cùng với những cây đàn dân tộc. Chị nói, âm nhạc truyền thống Việt Nam hoàn toàn đối thoại một cách sòng phẳng được với bên ngoài.


- Được biết đến là một nghệ sĩ đàn dân tộc xuất sắc, chị đã bắt đầu những nốt nhạc đầu tiên như thế nào?

+ Tôi sinh ra vào thời điểm đất nước vừa thống nhất. Dù gia đình tôi không phải giàu có gì nhưng tôi đã có một tuổi thơ rất hạnh phúc. Ba tôi - vốn là một văn công thời chiến, sau này công tác tại Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, chính là người đã dạy tôi những nốt nhạc đầu tiên vào năm 4 tuổi. Ông được Nhà nước phân cho một căn nhà tại khu tập thể cơ quan nên ngay từ bé, tôi đã được sống trong không khí âm nhạc và nghệ thuật. Mỗi buổi sáng của tôi đều được “kích hoạt” bằng tất cả các âm thanh xung quanh: cải lương phía trước, nhạc opera phía sau, bên trái nhạc rock của Mỹ… Tôi nghĩ, âm nhạc đã len lỏi vào trí óc của tôi từ ngày đó.  

Không chỉ chơi đàn tranh, Võ Vân Ánh còn có khả năng chơi đàn tam thập lục, đàn bầu.

 Một ngày nọ, tôi nhìn thấy cô Hồng Nhật ngồi chơi đàn tranh rất đẹp, uyển chuyển, vậy là tôi thích và đòi ba theo học. Cô là giáo viên đầu tiên hướng dẫn tôi đến với đàn tranh. Sau này, khi vào Trường nghệ thuật Hà Nội, rồi Nhạc viện Hà Nội, tôi được nhiều thầy cô khác chỉ dạy. Tôi cũng dành nhiều thời gian theo các nghệ nhân để tìm hiểu kỹ hơn về chèo, cải lương, ca trù… và học nhiều nhạc cụ dân tộc khác. Tôi đã gắn bó với đàn tranh gần 40 năm qua mà không thấy chán.

- Yêu đàn dân tộc nhưng lại qua Mỹ, nghe cứ... sai sai.

+ Tôi đến Mỹ lần đầu tiên nhân chuyến lưu diễn vào năm 1995, ngay sau khi hai nước thiết lập lại mối quan hệ ngoại giao. Trong suốt thời gian 1 tháng biểu diễn ở vịnh San Francisco, duyên số thế nào, tôi gặp người chồng tương lai của tôi ở đây. Sau 5 năm, chúng tôi kết hôn và tôi sang Mỹ vào năm 2001.

Đúng là mới nghe thì có vẻ sai sai nhưng ở Mỹ, tôi đã tìm ra cách để tôi tạo ra một thứ âm nhạc riêng, mang màu sắc của chính mình bằng cách đưa nhịp đập của thế kỷ 21 vào âm nhạc của tôi. Tôi đã nghe nhạc jazz và tôi thấy rằng, nó với thang âm ngũ cung của âm nhạc truyền thống Việt Nam có một sợi dây liên kết. Tôi đã đi từ đó.

- Nhưng ở phương Tây, không phải ai cũng tiếp cận được âm nhạc truyền thống của Việt Nam?

+ Với tôi, nhạc cụ truyền thống Việt Nam chỉ là một ngôn ngữ âm nhạc khác và khán giả vẫn có thể cảm nhận được những trạng thái cảm xúc như buồn bã, niềm vui hay nỗi tuyệt vọng… ở trong đó. Khi cầm cây đàn dân tộc của ta chơi trên đất Mỹ, tôi quan tâm cách sử dụng âm thanh để thể hiện cảm xúc của con người trước hết.

- Thông qua âm nhạc, Võ Vân Ánh đã chia sẻ câu chuyện Việt Nam như thế nào?

+ Bất kỳ thứ âm nhạc truyền thống nào trên thế giới cũng phản ánh văn hóa của quốc gia mẹ mà nó thuộc về. Mỗi bài hát dân gian sẽ kể cho bạn một câu chuyện, một phong tục, một truyền thống ở Việt Nam. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều về việc có thể giúp thế hệ trẻ biết thêm về cội nguồn của mình, và cả cách tôi có thể  góp phần giữ cho âm nhạc truyền thống tồn tại. Cuối cùng, cách duy nhất mà tôi nhận ra tôi có thể làm là chơi nhạc truyền thống  nhưng với nhịp đập của thế kỷ này, của thế hệ tôi.

Võ Vân Ánh biểu diễn đàn bầu.

Tôi tin rằng âm nhạc có một sức mạnh tái hợp bởi nó là một ngôn ngữ đặc biệt, mang tính quốc tế. Với tư cách một nghệ sĩ, tôi luôn cố gắng mang những nốt nhạc để hòa trộn hai thế giới, để sau này nhìn lại, tôi có thể tự hào mà nói rằng: “Vâng, tôi đã làm một điều gì đó cho những người xung quanh tôi”.

Sau chiến tranh, từ năm 1975 đến năm 1995, không có mối quan hệ chính thức nào giữa Mỹ và Việt Nam. Nhưng khi quan hệ được nối lại vào năm 1995, phái đoàn đầu tiên mà Việt Nam cử đi chính là đoàn nghệ sĩ, trong đó có tôi. Điều đó có nghĩa rằng, đất nước chúng ta đang gửi cho phía Mỹ một thông điệp về hòa bình. Và tôi biết rằng, Việt Nam có chính sách tương tự đối với bất cứ quốc gia nào khi muốn thiết lập một mối quan hệ mới.

- Chị từng ngồi ghế giám khảo của giải thưởng âm nhạc danh giá Grammy lần thứ 57, hạng mục World Music. World Music có phải là xu hướng hiện nay không?

+ Thực ra tôi không quan tâm tới câu chuyện nó có phải là xu hướng hay không xu hướng, vì tôi đã chọn con đường này từ lâu lắm rồi. Con đường tôi đi là con đường chia sẻ những nét đẹp của văn hóa Việt, lấy nó làm gốc rễ, để từ đó trồng nên một cái cây mới, nở hoa và kết trái, kết hợp với nhịp đập, hơi thở của thế giới, của giới trẻ. Khi tiếng nhạc của tôi vang lên, tôi chỉ mong người nghe cảm thấy đó là nhạc dân tộc của tôi và tôi là người Việt Nam.

- Không ít các bạn trẻ Việt Nam nhìn đàn tranh, đàn bầu, đàn tam thập lục… và chê bai đó là những nhạc cụ “cổ lổ sĩ”...

+ Rồi sẽ đến một lúc, khi các bạn đi xa và có cơ hội mở mang tầm mắt, các bạn sẽ không nói thế nữa. Cái gốc rễ là cái mà sớm muộn gì ta cũng phải trở về, không bằng cách này thì cách khác. Khi có dịp hiểu âm nhạc dân tộc chi tiết, thú vị, tôi nghĩ không ai có thể từ chối được.

- Với chị, cảm giác khi những nhạc cụ Việt Nam được vang lên ở một nơi ngoài biên giới quốc gia, trên một sân chơi toàn cầu hóa như thế nào?

+ Hết sức thú vị. Chúng cho mình cảm giác được bước chân vào một cuộc du ngoạn mới, mà bước ngoặt tiếp theo mình không biết sẽ đi đến đâu. Tôi không nghĩ nhạc Việt Nam là thứ âm nhạc đứng nguyên một chỗ, mà nó vẫn đang trên con đường vận động và phát triển.

Võ Vân Ánh cùng các nghệ sỹ biểu diễn nhạc cụ dân tộc.

- Hoạt động âm nhạc của chị ở Mỹ ra sao?

Tôi đã làm rất nhiều việc khác nhau trong âm nhạc, nhưng yêu thích nhất vẫn là biểu diễn, sáng tác và giảng dạy. Lý do là bởi biểu diễn giúp tôi giới thiệu con người và văn hóa Việt Nam ra thế giới, sáng tác giúp tôi chuyển tải suy nghĩ tình cảm của chính mình còn giảng dạy chính là để gìn giữ văn hóa dân tộc, tạo nên những thế hệ kế tiếp duy trì và phát triển âm nhạc nước nhà. Tôi muốn bắc một cây cầu để giúp các bạn trẻ đi qua con sông, để sang bên kia tìm hiểu những nét đẹp của dân tộc mình, và ngược lại.

- Đó có phải là lí do mà khi có lời mời về nước biểu diễn, chị đều sẵn sàng?

+ Mỗi năm tôi đều cố gắng trở về Việt Nam nhiều lần nhất có thể. Một phần vì lời mời biểu diễn; một phần về lại có thêm một cơ hội để học hỏi thêm từ những nghệ nhân chơi đàn dân tộc của mình. Với tôi, sự học là vô tận, mà những nghệ nhân giống như một kho lưu trữ âm nhạc và văn hóa, tôi học cũng sẽ không hết được. Nhưng nhiều người trong số họ già đi, có nhiều người đã mất. Đó cũng là lí do mà tôi luôn tự nhắc mình về cái gốc rễ của mình, làm cho nó mạnh mẽ hơn, sau đó là hiện đại và cởi mở để hội nhập với âm nhạc thế giới.

- Cảm ơn nghệ sĩ Võ Vân Ánh!

Võ Vân Ánh từng là một nghệ sĩ đàn tranh tài năng của Nhạc viện Hà Nội (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam hiện nay) và đã đoạt giải Nhất cuộc thi Tài năng trẻ đàn tranh toàn quốc năm 1995. Không chỉ chơi đàn tranh, Võ Vân Ánh còn có khả năng chơi đàn tam thập lục, đàn bầu, T’rưng, Klông pút và trống dân tộc… Năm 2001, khi chị theo chồng sang Mỹ định cư và chính những năm tháng nơi xứ người đã giúp chị có nhiều cơ hội hơn để quảng bá âm nhạc Việt Nam cũng như đưa tiếng đàn tranh của mình đi xa hơn ra thế giới.

Võ Vân Ánh tham gia viết nhạc phim cho bộ phim tài liệu “Daughter From Danang” từng được đề cử giải Oscar năm 2003; đoạt giải Emmy với nhạc phim “Bolinao 52” năm 2009. CD "Three Moutain Pass" của chị đoạt Top 10 những CD hay nhất thể loại world music tại Mỹ và Top 50 những CD hay nhất của tất cả các thể loại âm nhạc tại Mỹ năm 2013. Chị là giám khảo của Giải thưởng âm nhạc Grammy năm 2014, 2016 và 2018.

Tháng Sáu (thực hiện)
.
.
.