Nghệ sĩ piano Trang Trịnh: Âm nhạc khơi mở không gian

Thứ Sáu, 03/07/2020, 15:41
Bộ Sách giáo khoa Âm nhạc lớp 1 do nghệ sĩ piano Trang Trịnh và cộng sự biên soạn đã chính thức được đưa vào giảng dạy. Đó là những tâm huyết của chị với con đường giáo dục âm nhạc cho trẻ nhỏ, bởi chị luôn “ước ao các em nhỏ sẽ tìm được cho tâm hồn mình một chốn an toàn và yên vui, lại vô cùng sống động và hân hoan trong âm nhạc”.


 - Bộ sách giáo khoa Âm nhạc do chị tham gia biên soạn đã chuẩn bị được sử dụng rộng rãi trong nhà trường, chị có thể chia sẻ về những điểm khác biệt trong bộ sách này?

+ Lần đầu tiên chúng ta có Sách giáo khoa Âm nhạc lớp 1, với 5 phân môn Hát, Nghe nhạc, Đọc nhạc, Nhạc cụ, Thường thức âm nhạc. Bộ sách này được viết với rất nhiều tâm huyết của nhóm tác giả chúng tôi. Điểm khác biệt của bộ sách nằm ở triết lý: vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. Nghe thì có vẻ “to tát” như vậy, nhưng điều đó thực sự ảnh hưởng tới những chi tiết nhỏ nhất, từ cách chọn chất liệu bản nhạc, cách minh hoạ, các câu hỏi…

Tất cả đều hướng tới việc đảm bảo rằng tất cả các em học sinh, không phân biệt vùng miền, điều kiện học tập… đều có thể học nhạc. Và hơn thế nữa, là học nhạc theo cách phù hợp nhất với khả năng của mình. Mỗi em với trí thông minh khác nhau về vận động, toán học, ngôn ngữ, mỹ thuật… đều có thể tham gia những hoạt động mà chúng tôi đã thiết kế và gợi ý cho giáo viên tổ chức, cùng hàng trăm tư liệu âm thanh và hình ảnh, video sống động đi kèm.

Nghệ sĩ Trang Trịnh.

- Điều chị tâm đắc nhất trong Bộ sách giáo khoa mới này là gì?

+ Với bản thân tôi, điều tôi tâm đắc nhất là cách mà cuốn sách này không chỉ dạy trẻ học về âm nhạc. Âm nhạc là một môn học sống động đặc biệt, chạm tới cảm xúc, tâm hồn và trí tưởng tượng của học sinh. Khi biên soạn, tôi đã suy nghĩ để làm sao các em còn được Học trong âm nhạc, để biết rung động với những vẻ đẹp của cuộc sống, từ đó xây dựng nên một nhân cách tốt. Và học cùng âm nhạc, để âm nhạc trở thành một người bạn, các tiết học nhạc là những giờ phút vui vẻ, tràn ngập niềm vui. Tôi vẫn nhớ câu mà giáo sư dạy piano của tôi đã nói khi tôi trải qua một số biến cố lớn của trong cuộc sống: “Âm nhạc là người bạn trọn đời của em”. Tôi ước ao các em nhỏ sẽ tìm được cho tâm hồn mình một chốn an toàn và yên vui, lại vô cùng sống động và hân hoan trong âm nhạc.

- Với những đổi mới trong cách tiếp cận âm nhạc trong giáo dục trẻ nhỏ, theo tôi, cốt lõi là sự nhìn nhận lại vai trò của âm nhạc đối với trẻ và cách thức tiếp cận. Theo chị, liệu giáo viên hiện nay có nắm được tinh thần này?

+ Vâng, sẽ có rất nhiều buổi tập huấn và tôi nghĩ rằng sẽ chúng ta sẽ cần thời gian để tất cả các giáo viên âm nhạc nắm chắc được những thay đổi mang tính cốt lõi ấy. Có rất nhiều điều còn khó khăn với các giáo viên âm nhạc, từ cơ sở vật chất tới những áp lực tinh thần do sự coi nhẹ của phụ huynh, nhà trường và xã hội đối với môn âm nhạc. Tuy vậy tôi đã gặp rất nhiều giáo viên âm nhạc tuyệt vời và tôi tin rằng chỉ có họ mới thực sự đem tới sự thay đổi, đem niềm vui và cảm hứng tới cho các lớp học âm nhạc. Cũng chính vì thế, đi kèm với Sách giáo khoa là một cuốn Sách giáo viên được biên soạn rất kỹ càng cùng với các tài liệu tập huấn sinh động. Đặc biệt là nhóm tác giả cũng xây dựng các kênh liên lạc trực tiếp với giáo viên qua email và mạng xã hội.

Nghệ sĩ piano Trang Trịnh trên sân khấu.

-Nhiều năm qua, giáo dục âm nhạc trong nhà trường luôn bị coi là môn phụ, không cần thiết. Trong khi ai cũng hiểu, âm nhạc là món ăn tinh thần cho sự lớn lên của một đứa trẻ khỏe mạnh, giàu có về tâm hồn và thiện lành. Theo chị, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại vai trò của giáo dục âm nhạc trong nhà trường như  thế nào?

+ Sự ra đời của Sách giáo khoa lớp 1 có lẽ là một phần của sự thay đổi tích cực đang diễn ra trong xã hội về cách chúng ta nhìn nhận vai trò của giáo dục âm nhạc trong nhà trường. Đã có thêm rất nhiều cha mẹ quan tâm tới sự phát triển hài hoà cả về trí tuệ, tâm hồn, thể chất và nhân cách của con mình. Nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta vẫn còn một quãng đường rất dài để đi. Âm nhạc vẫn bị coi là một môn phụ và là thứ đầu tiên bị cắt để các môn chính ôn luyện.

Vấn đề ở đây, theo ý kiến của cá nhân tôi, không phải là môn Toán quan trọng hơn hay Âm nhạc quan trọng hơn, mà chúng ta cần phải giảm bớt cách suy nghĩ phân chia môn trong giáo dục nhà trường. Tôi vẫn muốn gọi những gì mà tôi viết ra là Giáo dục tiểu học thông qua âm nhạc. Toán, tiếng Việt, ngoại ngữ, âm nhạc… đều chỉ là những con đường để khơi mở không gian cho một con người bé nhỏ phát triển.

Những cô bé, cậu bé 6 tuổi ấy không phải là một nửa của cậu bé lớp 6, hay ¼ của một người trưởng thành. Chúng là những con người quý giá và độc đáo, duy nhất và đầy sự sống động ngay tại thời điểm này. Vì thế nên điều tôi đang làm là mở ra những cánh cửa cho sự phát triển tự nhiên của chúng bằng âm nhạc. Cái khó của giáo dục là làm sao giúp trẻ phát triển thành phiên bản tốt nhất của chúng, mà không phải là cầm tay chúng kéo xềnh xệch từ điểm A đến điểm B. Thành thật mà nói, chúng ta thực sự không biết rằng điểm B đó liệu có phải là điểm tốt nhất cho chúng hay không. Âm nhạc vun đắp khả năng lắng nghe và tính sáng tạo, 2 năng lực mà cá nhân tôi cho rằng rất quan trọng trong thế giới đang chờ đón những đứa trẻ quý giá của chúng ta.

- Chị chia sẻ rằng, tôi muốn nhìn thấy những rung động mang tính khai mở, biến đổi trong tâm hồn con người. Chị có nghĩ là mình mơ mộng? Và liệu Âm nhạc, phải như thế nào mới làm được điều đó trong đời sống quá vội hôm nay?

+ Chắn chắn mong muốn đó của tôi là sự mơ mộng. Nhưng mơ mộng là nghĩa vụ của con người. Tôi vẫn hay hỏi học trò của mình rằng em hãy chỉ ra bất kỳ thứ gì trong căn phòng này mà không bắt đầu từ một con người mơ mộng. Ai đó đã mơ mộng rằng sẽ có một cây đàn piano, để rồi sáng tạo ra nó. Ai đó đã mơ mộng để tạo nên chiếc ghế ta đang ngồi, chiếc kính ra đang đeo để đọc báo, chiếc máy in, một mái nhà…

Bộ sách Giáo khoa âm nhạc lớp 1 do nghệ sĩ Trang Trịnh tham gia biên soạn.

Tôi cũng nghĩ rằng âm nhạc tồn tại là để nhắc chúng ta nhớ rằng chúng ta có thể lựa chọn cuộc sống mơ mộng ấy. Mơ mộng và đắm đuối để quyết liệt và phấn đấu. Những người nghệ sĩ sẽ luôn đàn hát dù con tàu Titanic có đang chìm. Một trong những điều kỳ diệu nhất của âm nhạc là nó luôn hướng tới cái đẹp, sự hoàn hảo, hoặc một sự phản tỉnh, một rung động, một biến đổi nào đó. Cho tới khi nào còn có âm nhạc, con người sẽ vẫn còn mơ mộng và tôi tin rằng đó cũng chính là thứ khiến chúng ta thực sự cảm thấy mình đang sống.

- Theo chị, một đứa trẻ khi sinh ra và lớn lên, làm thế nào để nuôi dưỡng được tình yêu âm nhạc trong tâm hồn nó?

+ Không gì có thể thay thế sự kết nối của đứa trẻ với những người thân thuộc nhất. Ai là người ở gần trẻ nhất, được trẻ tin tưởng nhất, thì đó chính là người sẽ ảnh hưởng tới đứa trẻ đó ở một mức độ rất lớn. Điều đó cũng có nghĩa là thực sự rất dễ để cho trẻ tiếp cận với âm nhạc. Cha mẹ chỉ cần nghe nhạc, cùng còn hát, cùng con dừng lại các công việc để ngắm hoàng hôn, cùng con chọn bản nhạc yêu thích rồi nhảy với nhau… Khi cha mẹ thưởng ngoạn, những đứa trẻ ngay lập tức sẽ thưởng ngoạn cùng. Và ôi chúng thật là giỏi, chẳng mấy chốc chúng sẽ là người chỉ cho chúng ta biết một điệu nhảy cần phải nhảy thế nào thì vui nhất.

- Tôi tự hỏi, điều gì thôi thúc chị, một nghệ sĩ piano quan tâm sâu hơn đến vấn đề giáo dục âm nhạc cho trẻ nhỏ đến thế?

+ Có lẽ vì tôi không nghĩ mình chỉ là một nghệ sĩ piano. Piano là nhạc cụ của tôi, là giọng nói của tôi. Tôi yêu và sử dụng ngôn ngữ ấy để khám phá thế giới tuyệt diệu của âm nhạc. Còn giáo dục có lẽ chỉ đơn giản là khao khát để chia sẻ những gì đẹp đẽ mà tôi đã được trải nghiệm trong thế giới ấy.

- Và chị sẽ tiếp tục những giấc mơ của mình như thế nào để những mơ mộng đẹp đẽ đó được lan tỏa rộng hơn trong cộng đồng?

+ Tôi cố gắng giữ cho mình một tâm thế mở, để tiếp tục đi và tiếp tục học. Có thể những điều tôi làm sẽ lan toả, nếu nó xứng đáng và nếu thời điểm đã tới. Còn nếu không thì tôi sẽ vẫn chăm chỉ sống với những mơ mộng và quyết liệt của mình. Tôi vẫn luôn cảm tạ những cơ hội đã đến với mình, và cố gắng không để bị bó buộc bởi những danh xưng hay công việc hiện tại. Tôi là một công dân, với nghĩa vụ xây dựng cộng đồng của mình tốt đẹp hơn. Và dù tôi chơi piano, hay là làm mẹ, hay là viết sách giáo khoa, tất cả để hướng tới sự sung túc thực sự cho cộng đồng mà tôi thuộc về.

- Cảm ơn những chia sẻ ý nghĩa của chị.

V. Hà (thực hiện)
.
.
.