Người Giáp Thân “bắn thủng nhiều trái tim”

Thứ Năm, 04/02/2016, 10:50
Người Giáp Thân “bắn thủng nhiều trái tim” là lời khen nữ thi sĩ nổi tiếng và có cảm tình đặc biệt với Việt Nam, Blaga Dimitrova (1922 - 2003) về ông, người đàn ông Giáp Thân, sinh ngày 22-2-1944, cũng là người rất gần gũi với nhà thơ Phạm Tiến Duật.

Ông gặp nhà thơ Phạm Tiến Duật tại trận địa pháo phòng không ở Quảng Bình và chính Phạm Tiến Duật động viên ông làm thơ, giới thiệu bài thơ đầu tiên của ông ở Báo Quân đội nhân dân năm 1973, bài thơ "Cánh võng". Người đàn ông "ngon giai" cao to, lông mày rậm, mắt sáng, đẹp như tây lai, đến nỗi nữ thi sĩ nổi tiếng Bulgary phải thốt lời khen, ấy là nhà thơ Trương Trung Phát.

Nhà thơ Trương Trung Phát kể lại, bố mẹ ông đều là nông dân ở Vạn Điểm, Thường Tín, Hà Nội (gọi vui là Hà Nhì) nhưng ông có dáng tây lai là do “giống tốt”. Nghĩa là, ông bảo “cha tôi cũng giống cụ Tổ tôi, người nào cũng cao to, lông mày rậm, mắt sáng…”. Cụ Tổ mà ông khoe với niềm tự hào là cụ trước ông 11 đời, cụ Trương Tín Đạt (còn gọi Trương Chí Tín). 

Cụ Đạt vì có công giúp nhà Lê nên được nhận làm anh em kết nghĩa với hoàng tộc, được vua Lê Hy Tông phong “Hoàng nghĩa Trương Tín Đạt phù quốc an dân thượng trụ huyền diệu võ vương vi tiến” (Văn tế tại đình Vạn Điểm, Ý Yên, Nam Định). Được liệt vào bậc “Hoàng nghĩa” đâu phải chuyện vừa, gia thế họ Trương chắc hẳn cũng được liệt vào hàng quý tộc thời đó.

Trương Trung Phát bây giờ thì không làm quan to, cũng không phát về đường học vấn. Ông chỉ được học hết lớp 7 và nhập ngũ năm 1964. Sau xuất ngũ, ông chỉ làm đến Chủ nhiệm HTX Thủ công - mỹ nghệ xuất khẩu ở Thường Tín. Tôi đùa, có lẽ các cụ chỉ cho phát bậc trung, như cái tên Trung Phát của bác thôi. Nhưng Trung Phát cũng có thể coi như phát bên trong, phát đời sống nội tâm, tâm hồn, vì thế mới làm thơ. Đặc biệt, bác được thứ duyên khác mà nhiều người thèm cũng không có được, cái thứ mà nữ thi sĩ Bulgary đã tiên đoán về thước ngắm cao xạ của bác. Ông chỉ cười hiền.

Nhà thơ Trương Trung Phát thời trẻ và bây giờ.

Chàng lính đẹp trai ngày đó vào Trung đoàn 220 Sông Đuống (Sư 361), Trung đoàn pháo cao xạ bảo vệ bầu trời Hà Nội từ 1964 đến 1971. Nghĩa là từ đầu cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ ở miền Bắc tới đầu cuộc chiến tranh phá hoại lần hai. 

Năm 1971, Quân chủng Phòng không - Không quân thành lập Bộ tư lệnh tiền phương, Trung đoàn cao xạ của Trương Trung Phát được điều vào Nghệ An, Hà Tĩnh để bảo vệ các trận địa tên lửa, lúc miền Trung bị ném bom, B52 rải thảm vô cùng ác liệt. Chính thời gian ở Nghệ An là lúc kiểm nghiệm tài “bắn thủng nhiều trái tim” của chàng sỹ quan trẻ, Thiếu úy - Đại đội trưởng “ngon giai” Trương Trung Phát.

Trong những trái tim yêu đó, có một người làm cho ông Phát “phải lòng mặt”, người để lại kỷ niệm sâu sắc nhất của ông thời chiến tranh là một nữ sinh lớp 9 (tương đương lớp 11 bây giờ). Cô nữ sinh xinh gái, nết ngoan, thông minh mà ông “xiêu lòng” trong một lần đi tuyển quân, ở trọ nhà cô. Ông gần gũi nàng bởi những ngày ở nhà nàng ông thường “phụ đạo” môn toán cho nàng. Lớp 7 mà phụ đạo lớp 9, lạ nhỉ? 

Ông bảo, là lính cao xạ nên lượng giác của ông khá, có thế mới phụ đạo ngược lớp trên được. Phải lòng vậy, nhưng chỉ liếc mắt đưa tình. Cô nữ sinh cũng đã trúng “mũi tên tình yêu” Trương Trung Phát nhưng cả hai không ai dám bày tỏ. Ông không dám bày tỏ bởi ông vừa cưới vợ năm trước. 

Thời đó đa số người lính cưới vợ “tranh thủ” trong vài ngày nghỉ phép trước khi ra trận, chuyện vợ chồng có khi do cha mẹ tự gán ghép, sắp đặt sẵn ở quê. Vì vậy, dù cô nữ xinh lớp 9 mà ông trót phải lòng mặt xinh xắn, trẻ trung hơn “bà xã” ở quê nhưng ông là người thương vợ, nhớ con nên cầm lòng vậy.

Khi chia tay nàng, chuyển quân vào Quảng Trị, chàng đến gặp nàng trong bối rối, ngổn ngang nỗi niềm chưa bao giờ thổ lộ. Cô nữ sinh tặng anh một chiếc vỏ gối thêu hai bông cúc xinh xinh và chữ “Kỷ niệm 1972”. Còn chàng Thiếu úy, hì hục trong một tuần cắt, rũa tỉ mỉ để có chiếc lược từ mảnh máy bay Mỹ, với hình khắc một khẩu pháo cao xạ và một máy bay đang rơi tặng nàng. Mốt kỷ vật chiến tranh chỉ giản dị và phổ biến thế thôi mà thấm đẫm tình cảm, tâm tư của những tình yêu thời chiến.

Bốn mươi năm sau, năm 2012, Trương Trung Phát trở lại Nghệ An và tìm đến hình bóng xưa, khi trong lòng đầy phấp phỏng và hồi hộp, không biết “người ấy” giờ thế nào nhỉ? May mắn thay ông gặp “nàng”, đã yên bề gia thất, gia đình khá giả, chồng nàng cũng là một cán bộ cao cấp trong lực lượng vũ trang. Bóng hình nàng bây giờ chỉ còn ghi khắc trong thơ ông như sương khói, dắt ông trở về ký ức xa xăm ấy. 

Tôi là người biên tập những tập thơ gần đây và trường ca ''Ánh sáng'' của ông, thấy rất nhiều địa danh Nghệ, hình bóng Nghệ, dòng sông Lam... chảy trong tâm thức ông, trong những sáng tác mới. Ông cũng có thơ thời trẻ gặp nàng, nhưng một phần sợ vợ... ghen, một phần do chiến tranh, sách vở thất lạc, không còn lưu giữ được. 

Trong thơ ông gần đây, tôi đã gặp ngày xưa của ông “luyến láy” trong Trăng Nghệ: “Ơi trăng Nghệ, ơi em trăng Nghệ/ Ta nhớ em như cá chậu nhớ sông/ Như chim lồng nhớ trời tự do xanh ngắt”. Hay cái giọng xuề xòa, thân thiết: “Bốn mươi năm gặp lại/ Mi vẫn phong độ hề/ Nào cụng ly mừng mi/ Người kinh kỳ mê Nghệ” (Ròn).

Không biết còn bao nhiêu trái tim bị bắn thủng nữa mà ông giấu không? Hỏi ông, ông chỉ cười cười… Vì vậy, chúng ta cùng trở lại ngữ cảnh ông gặp nữ thi sĩ Blaga Dimitrova khi nào, trong hoàn cảnh nào?

Dimitrova xung phong sang Việt Nam lần đầu, làm phóng viên “chiến trường” năm 1967 (sau 1967 bà có thêm 5 lần sang Việt Nam). Trong thời gian ở Việt Nam, bà xông xáo đi nhiều địa phương, trận địa phòng không để thực chứng, ghi chép cuộc chiến đấu ác liệt và đời sống lao động của nhân dân Việt Nam trong hoàn cảnh thời chiến vô cùng gian khổ.

Lúc đó, pháo thủ trẻ Trương Trung Phát đang ở trận địa pháo bảo vệ Hà Nội, ông mới được phong danh hiệu “Dũng sĩ bắn máy bay” với thành tích bắn rơi 6 máy bay Mỹ. Ông cũng được tham gia Đoàn đại biểu Hữu nghị Việt - Xô đi thăm Liên Xô do Phó chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Xô Nguyễn Xiển làm Trưởng đoàn. Trước ngày đi Liên Xô, Dimitrova gặp ông tại một khách sạn quốc tế gần vườn hoa Lê Thái Tổ.

Nữ thi sĩ Dimitrova đã nhắc về nhà thơ Trương Trung Phát trong cuốn sách Ngày phán xử cuối cùng.

Hôm đó, nhìn bà bước từ cầu thang xuống sảnh lễ tân, anh lính trẻ trố mắt vì vẻ đẹp của Dimitrova. Năm đó bà 45 tuổi. Người cán bộ Bộ Ngoại giao giới thiệu với bà về “Dũng sĩ bắn máy bay” Trương Trung Phát, người mà bà đang cần tìm hiểu. Dimitrova mỉm cười, bắt tay và hôn lên hai má ông, làm ông xúc động, đứng ngẩn. Bà hỏi tuổi, hỏi gia đình, và bảo “trông anh như lai Pháp?”. Chàng lính trẻ thưa: “Không, cha và mẹ tôi đều là nông dân. Cha tôi cao to giống cụ Tổ tôi. Tôi sinh ra trước khi người Pháp về đồn trú ở quê nhà”.

Tháng 11-1967 Dimitrova về Bulgary, mang theo một đứa con nuôi, cô bé Hoàng Thu Hà, 6 tuổi, con một gia đình công nhân nghèo khó ở Hải Phòng. Sự kiện này đã được nhiều tờ báo thời đó viết, như một tiêu điểm về tình hữu nghị đẹp Bul - Việt. Từ nguồn tài liệu phong phú thu được về cuộc chiến tranh Việt Nam, bà đã viết các cuốn sách: “Ngày phán xử cuối cùng”, “Bầu trời dưới mặt đất” và tập thơ “Vây giữa tình yêu”. Ở trang 221 cuốn “Ngày phán xử cuối cùng” bà viết: “Nguyễn giới thiệu cho tôi một pháo thủ rất trẻ và đẹp trai tên là Trương Trung Phát. Anh đã từng bắn rơi 6 máy bay Mỹ. Anh ta bắn rơi máy bay thì tôi không rõ nhưng anh ta có thể bắn thủng nhiều trái tim” (ý nói các cô gái).

Câu chuyện về cuộc gặp gỡ và viết về chàng pháo thủ đẹp trai Trương Trung Phát của nữ thi sĩ Blaga Dimitrova là như vậy. 49 năm, nửa thế kỷ trôi qua mà ký ức về bà trong ông còn tươi rói. Nhìn tấm ảnh của anh lính trẻ ngày đó với “chàng trai” Giáp Thân, mái tóc bạc trắng bây giờ, thật khó hình dung đấy là cùng một người. 

Thời gian thấm thoắt trôi nhanh trong cuộc đời mỗi con người, đôi khi làm ta giật mình, hoang rỗng và trống vắng. Những người bạn thân thiết Việt Nam của bà như các nhà thơ, nhà văn: Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên… cũng đã lần lượt đi xa. Chắc hẳn những ký ức về ngày gặp Dimitrova và những mối tình đẹp trong chiến tranh của Trương Trung Phát sẽ còn xao động trong mỗi trang viết và cả những gì đang còn ấp ủ trong ý tưởng. Chính những ký ức ấy làm nên sức sống và vẻ đẹp trong mỗi tâm hồn con người, nơi ông.

Hà Nội, 5-1-2016

Nhà thơ Trần Quang Quý
.
.
.