Người bác sỹ quản giáo nặng lòng với nghề

Thứ Tư, 24/06/2015, 14:00
Được ví là “cái rốn” của bệnh tật, song ở nơi đó vẫn có những con người ngày đêm say mê với nghề, đảm bảo sức khỏe cho những kẻ từng gieo giắc nỗi kinh hoàng cho xã hội. Gắn bó với nghề bác sỹ tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hòa Bình 10 năm nay, Thượng úy, bác sỹ Kiều Văn Hưng cho rằng, mình may mắn được theo đuổi ước mơ từ thuở bé. Vừa được làm chiến sỹ Công an để bảo vệ cuộc sống cho nhân dân, vừa được làm nghề yêu thích. Thế nhưng, có mục sở thị mới hiểu hết được khó khăn, gian khổ của nghề bác sỹ trại tạm giam. Cái nghề mà không phải ai, dù gan dạ đến mấy cũng dám làm.

Kiều Văn Hưng sinh ra và lớn lên ở xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai (Hà Nội) trong gia đình thuần nông. Cha mẹ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, lao động khổ cực cũng chỉ đủ nuôi 3 anh em ăn học. Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn giúp Hưng có đức tính cần cù, chịu khó. Thương cha mẹ vất vả sớm tối, ngay từ khi còn nhỏ, anh thường phụ giúp cha mẹ làm việc nhà, đồng áng, trông coi các em. 

Tuổi thơ của anh gắn bó với làng quê, được theo đám trẻ chăn trâu chơi đánh trận, hòa vào dòng nước mát sông quê. Hình ảnh giếng nước, đình làng, những cánh đồng lúa trải rộng là những kỷ niệm không thể nào quên, là điểm tựa để chàng thanh niên trẻ tuổi Kiều Văn Hưng vững bước trên con đường đã chọn.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Kiều Văn Hưng được cử đi học lớp đào tạo ngắn hạn về y tế, sau đó, anh được tuyển dụng làm y sỹ tại Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, Công an tỉnh Hòa Bình. Ngày đầu bước chân vào lực lượng Công an, anh không khỏi ngỡ ngàng. Anh dần thay đổi để thích nghi với môi trường quân ngũ, chấp hành tốt kỷ luật, kỷ cương của đơn vị. 

Vốn có đức tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, Kiều Văn Hưng nhanh chóng khẳng định bản thân, tích lũy kinh nghiệm và luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Là người sống nội tâm, kín tiếng, anh lo cho sức khỏe của đồng đội như chính mình. Mỗi khi có ai đau ốm, bị chấn thương khi làm nhiệm vụ, anh luôn cố gắng để tư vấn, chữa trị một cách tốt nhất, giúp đồng đội có sức khỏe để công tác, chiến đấu.

Thượng úy, bác sỹ Kiều Văn Hưng hỏi thăm sức khỏe phạm nhân.

Một năm sau, anh được tăng cường cho Bệnh xá Trại tạm giam Công an tỉnh. Mặc dù được nghe nhiều câu chuyện phức tạp, nguy hiểm của trại tạm giam, song anh cũng không nghĩ rằng thực tế lại khác xa những gì anh tưởng tượng. Trong thâm tâm, anh không nghĩ rằng, công việc lại gian nan, vất vả đến vậy. 

Khu giam giữ là thế giới hoàn toàn khác xa bên ngoài, nơi chất chứa nhiều thành phần trong xã hội, từ những người nông dân hiền lành phạm tội, đến những người có địa vị cao trong xã hội, giàu có, đối tượng lưu manh, côn đồ, mại dâm, cờ bạc… Nguy hiểm hơn, số đối tượng mắc các căn bệnh truyền nhiễm, thậm chí mắc căn bệnh HIV/AIDS không phải hiếm. Là bác sỹ, anh là người đầu tiên tiếp xúc trực tiếp với can phạm nhân. Do vậy, nguy cơ lây nhiễm rất cao. 

Thượng úy Kiều Văn Hưng chia sẻ, đã có một số cán bộ quản giáo và y, bác sỹ bị phơi nhiễm do tiếp xúc trực tiếp với đối tượng nhiễm HIV. Chúng tôi khá hoang mang, lo lắng cho công việc của mình. Song được Ban Giám thị và đồng đội kịp thời động viên, đưa đi chữa trị kịp thời nên chúng tôi có thêm động lực để cống hiến. 

Can phạm nhân là những người vi phạm pháp luật, từng gieo giắc biết bao tai họa cho nhiều người, song với các bác sỹ Trại tạm giam, đó là người người bệnh. Thậm chí, cả tử tù, những người đếm ngược đến cái chết, chúng tôi vẫn quan tâm, tận tình cứu chữa. Nếu vượt quá khả năng của bệnh xá, chúng tôi kiến nghị Ban Giám thị đưa tử tù đi chữa trị ở các cơ sở y tế ngoài xã hội. 

“Mỗi con người dù xấu xa vẫn mang trong người tính bản thiện. Bên cạnh việc trị bệnh, chúng tôi gần gũi, động viên, giúp can phạm nhân có niềm tin vào cuộc sống, khơi gợi cái thiện trong con người họ, giúp họ nhận ra lỗi lầm và sửa chữa để trở thành người có ích cho xã hội” – Thượng úy Hưng chia sẻ.

Với những phạm nhân lĩnh án tử tù thì họ thường có tư tưởng tiêu cực, bất cần, chống đối, la hét. Đây là nhóm đối tượng mà các anh phải đặc biệt lưu tâm và đảm bảo sức khỏe cho tử tù cho đến khi thi hành án. Các anh phải hạn chế tối đa việc xảy ra tình trạng phạm nhân chết hoặc tự sát trong quá trình giam giữ. 

Nắm bắt được tâm lý các tử tù, Thượng úy Hưng và cán bộ quản giáo thường xuyên động viên, khuyên giải để tử tù chấp hành các quy định tại tạm giam, không có biểu hiện tiêu cực, bỏ bữa, giả bệnh để chống đối cán bộ quản giáo. Đối với những tử tù bị bệnh, các anh tổ chức thăm khám định kỳ, kịp thời phát hiện và trị bệnh cho họ, cấp thuốc cho họ uống. Tuy nhiên, không phải lúc nào công việc của các anh cũng thuận lợi. Nhiều tử tù biết trước cái chết sẵn sàng chống đối quyết liệt, khiến các anh đau đầu, mệt mỏi. 

Mỗi lần nhắc đến tử tù Tráng A Pha, 47 tuổi, trú tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, các anh thở dài. Đây là đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy trái phép nên hắn vô cùng lỳ lợm. Nhớ lại lần vây bắt tên Tráng A Pha, Đại úy Hoàng Anh Tuấn – cán bộ Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm vẫn chưa hết bàng hoàng bởi mức độ liều lĩnh, manh động của đối tượng. 

Quá trình lẩn trốn, tên Pha thường mang theo vũ khí nóng, dao nhọn để sẵn sàng chống trả. Mặc dù chuẩn bị sẵn phương án vây bắt, tuy nhiên khi bị dồn đường cùng, tên Pha điên cuồng chống trả. Hắn lao cả xe máy vào tổ công tác, rút súng ra bắn thì lập tức bị lực lượng vây bắt khống chế. Phải sau nửa giờ đồng hồ vật lộn, chân tay xước xát, rớm máu, các trinh sát mới bắt đối tượng về chịu tội. Sau khi tòa kết án tử hình, hắn càng tiêu cực, chống đối quyết liệt hơn.

Quá trình thụ lý án, hắn thường gào thét, giả câm, hỏi không nói, gọi không thưa, sử dụng tay ám chỉ, không hợp tác với cơ quan điều tra và cán bộ quản giáo. Lần đầu hắn giả bệnh, kêu đau đớn, yêu cầu được đưa lên tuyến trên điều trị. Sau khi trao đổi, thống nhất, các bác sỹ đồng ý theo yêu cầu đối tượng để hắn được toại nguyện. 

Quá trình áp giải đối tượng đến Bệnh viện tỉnh, các anh bố trí lực lượng bảo vệ đông đảo, không để đối tượng lợi dụng bỏ trốn. Những lần sau đó, tử tù Tráng A Pha tiếp tục giả bệnh, các anh có biện pháp cứng rắn, kiên quyết, vừa răn đe, giáo dục đối tượng, vừa động viên, khuyên giải để đối tượng chấp hành các nội quy của Trại. “Với những trường hợp như vậy khiến các anh khá vất vả, tốn nhiều công sức” – Thượng úy Hưng chia sẻ.

Có những tử tù dù biết trước cái chết nhưng họ xác định tư tưởng, tuyệt đối chấp hành các nội quy của Trại. Sống gần gũi, cởi mở với cán bộ quản giáo và các phạm nhân khác. Tử tù Dương Ngô Duy, SN 1973, ở thôn Đồng Gai, xã Ngọc Vân, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, là một trong số trường hợp như thế. 

Mặc dù từng là ông trùm ma túy khét tiếng vùng Kinh Bắc một thời, song khi bị tuyên án tử, hắn trở nên ngoan ngoãn, thuần tính hơn. Tử tù Dương Ngô Duy sống nặng tình, có trách nhiệm với gia đình. Anh thường hỏi han hắn về gia đình, người thân. Có lần, đến ngày giỗ bố mẹ, không về được, hắn buồn bã, chán nản, không thiết ăn uống. Lần đầu tiên, anh Hưng thấy hắn khóc, giọt nước mắt lăn dài trên gò má sạm đem. Tính bản thiện trong con người hắn thức tỉnh, dù muộn vẫn hơn không. 

Có lần, do cùm quá lâu, hắn bị tê cơ, đau khắp mình mẩy. Lúc đó là ban đêm, không chịu được, hắn la hét, gọi với cán bộ quản giáo. Ngay trong đêm, anh Hưng cùng cán bộ quản giáo có mặt, tiêm thuốc giảm đau, xoa bóp, tận tình chăm sóc, động viên, không lâu sau hắn khỏi bệnh. Những lần sau đó, anh thường có mặt để thăm khám, theo dõi bệnh tình để tư vấn, khuyên giải đối tượng. 

Không chỉ là cán bộ y tế có trách nhiệm, Thượng úy Hưng còn là cán bộ quản giáo đích thực. Anh thường xuyên gần gũi, động viên để hắn không được bỏ bữa để giữ gìn sức khỏe. Khi biết tin người con gái đầu đỗ đại học ở Hà Nội, Duy vui lắm. Gặp cán bộ quản giáo, hắn chuyện trò rôm rả, kể về con mà lòng tự hào, sung sướng. Người em trai của hắn làm nghề lái xe, 1 tháng đôi lần thăm gặp, hỏi han, động viên, thông báo tình hình, động viên để hắn yên tâm. 

“Điều khó nhất mà mỗi cán bộ quản giáo cần làm không phải trông coi thể xác của phạm nhân, mà chính là nắm được phần hồn của họ, làm sao “chạm” được vào góc tâm hồn mà họ đang cố giấu, có như vậy mới là thành công” – Thượng úy Hưng chia sẻ.

Công tác trong lĩnh vực đầy gian nan, vất vả, anh may mắn có người  vợ biết sẻ chia, là điểm tựa để anh yên tâm công tác. Anh tìm thấy niềm vui trong công việc, hạnh phúc khi thấy phạm nhân do mình trị bệnh mạnh khỏe, mai này trở thành người tốt cho xã hội. Mỗi dịp đặc xá tha tù, những phạm nhân sụt sùi, nắm chặt tay, chào từ biệt anh để về với gia đình, anh luôn dành cho họ những lời chúc tốt đẹp. Hạnh phúc chỉ đơn giản là vậy thôi!

Như Hùng
.
.
.