Người tù hoàn lương chấp nhận cô đơn nuôi con gái khôn lớn

Thứ Ba, 27/01/2015, 14:00
Từng là một cán bộ văn hóa huyện nhưng do một lỗi lầm không đáng có từ thời trai trẻ mà ông đã phải ở tù suốt một thời gian dài. Ra trại, ông lập gia đình với một phụ nữ địa phương và quyết định sinh sống tại mảnh đất đã khiến mình trở thành người lương thiện. Thế nhưng cuộc sống hạnh phúc chẳng tày gang, vợ ông qua đời trong một tai nạn giao thông đáng tiếc, từ đó ông ở vậy nuôi người con gái ăn học nên người…

Tuổi trẻ lầm lỡ

Câu chuyện trên là của ông Phan Văn Bé Em (SN 1959, quê Đồng Tháp, hiện ngụ xã Đăk Taley, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai). Sinh ra trong thời loạn lạc nhưng ông Bé Em cũng được gia đình cố gắng cho ăn học đến hết phổ thông.

Khi hòa bình lập lại, với kiến thức của mình, ông được phân công dạy bổ túc văn hóa cho bà con và một số cán bộ xã trong huyện. Vì còn trẻ, lại có chút kiến thức nên ông Bé Em lúc ấy cũng có phần kiêu căng, ngang tàng.

Năm 1979, chiến tranh biên giới Tây Nam khiến người dân luôn cảnh giác với tập đoàn diệt chủng Pôn Pốt từ Campuchia xâm lấn. Năm đó ông Bé Em được phân công giữ chức Trưởng ban văn hóa huyện. Nhận nhiệm vụ mới, ông cũng rất hăng hái làm việc và hoàn thành những gì cấp trên giao phó. Thế nhưng một sự việc đáng tiếc đã xảy ra trong một lần họp tổng kết các cán bộ văn hóa xã trên địa bàn huyện.

Ông Bé Em nhớ như in đó là vào một ngày cuối tháng 3 năm 1980, ngày họp tổng kết quý I của năm. Sau khi họp, mặc dù rất nhiều cán bộ văn hóa xã mời ông đi ăn uống nhưng ông đã từ chối và ở lại hội trường để ghi báo cáo tổng kết.

Đang miệt mài ghi chép thì một nhóm cán bộ văn hóa xã vừa đi nhậu chạy huỳnh huỵch vào phòng rồi tìm chỗ ẩn nấp. Số là những người này trong lúc nhậu nhẹt có gây hấn với một số dân quân cũng đang ngồi uống rượu. Lời qua tiếng lại kèm theo sự thách thức, nhóm cán bộ văn hóa bị 5 dân quân vác súng đuổi đánh.

Họ chạy mãi mới đến trụ sở vừa họp để trốn nhóm dân quân đang hăng tiết kia. Thế nhưng vừa chạy vào phòng chốt cửa thì cũng là lúc họ đuổi đến bên ngoài. Do không mở cửa vào được, nhóm dân quân đã dùng súng bắn từ ngoài vào trong phòng khiến 2 chấn song cửa sổ bị gãy và một số đồ đạc trong phòng bị trúng đạn nát bươm bay tung tóe.

Ông Bé Em lúc đó nghe tiếng súng sợ quá nằm rạp xuống đất, tưởng là có địch mà cụ thể là bọn diệt chủng Pôn Pốt qua đến nơi, ông chạy đến chỗ khẩu súng AK đang treo trên tường. Lấy được súng, ông chạy đến khe cửa, nhìn ra thấy mấy người đang mặc quần áo dân quân, tưởng địch đóng giả, ông đứng dậy xả một tràng đạn về phía họ. Kết quả là 2 người chết, 2 người bị tàn phế và 1 người bị thương nằm lăn lóc ở đó.

Ông Phan Văn Bé Em kể chuyện đời mình.

Chuyện tưởng như sẽ dừng lại ở những hiểu nhầm đáng tiếc và ông Bé Em cũng sẽ chỉ phải chịu một hình phạt cho lỗi nóng giận nhất thời của mình. Thế nhưng ông lại khiến mình bị tăng khung hình phạt ngay sau đó vì khi ra kiểm tra những người bị thương đang nằm thoi thóp.

Qua những tiếng kêu cứu và một số người dân giải thích, ông biết được họ không phải là quân Pôn Pốt từ Campuchia, tuy nhiên ông vẫn định kết liễu họ. May mắn là có nhiều người dân can ngăn nên 3 người bị thương vẫn sống sót. TAND tỉnh Đồng Tháp năm đó đã xử ông Bé Em 20 năm tù giam về tội “Giết người”.

Con đường hướng thiện

Vụ án do ông Bé Em gây ra đã làm dư luận địa phương chấn động suốt một thời gian dài. Hành vi của ông có người lên án, có người nói lỗi hoàn toàn không phải do ông. Thế nhưng, điều khiến ông lĩnh 20 năm tù giam đó là thái độ nóng giận, xốc nổi đòi kết liễu những người ông đã biết rõ không phải là quân địch.

Ông chấp nhận mức án đó mà sống ăn năn suốt một thời gian dài trong trại giam. Sau khi tòa phán xử, ông Bé Em được chuyển ngay lên Trại giam Gia Trung (đóng tại xã Đăk Taley, huyện Mang Yang). Ngã rẽ cuộc đời của người đàn ông từng mang lỗi lầm cũng bắt đầu từ mảnh đất này.

Được các quản giáo động viên, giúp đỡ, chàng trai trẻ đất Đồng Tháp này mặc dù trước đó chưa bao giờ làm công việc nặng nhọc nhưng ông không nản trước bất kỳ công việc nào.

Vốn là người có ý thức tự giác cao, có trách nhiệm với công việc nên chỉ một thời gian ngắn ở trong trại, ông đã được cán bộ trại giam cho ra lao động tự giác. Đó là điều hiếm thấy ở các phạm nhân bình thường. Và qua đó cũng đủ để nói lên nỗ lực hướng thiện và mong muốn làm lại cuộc đời của ông Bé Em.

Mặc dù bản án ông phải chịu là 20 năm tù nhưng nhờ nỗ lực cải tạo mà chỉ trong vòng 14 năm, ông Bé Em đã được đặc xá giảm án. Trước khi ra trại 1 năm, trong quá trình lao động tự giác ở ngoài trại, ông đã quen một cô thôn nữ từ huyện Hải Hậu, Nam Định vào đây làm ăn kinh tế mới.

Cảm thương anh chàng miền quê Nam Bộ thật thà chất phác, chị đã đem lòng yêu mến. Với ông Bé Em, đây cũng là lần đầu yêu thương một người con gái mặc dù đã ngoài 30 tuổi. Sợ người mình yêu khổ vì lúc đó ông chưa biết chắc lúc nào mình ra nên chỉ dám nói: “Nếu nhận thương thì đợi anh ra trại, anh về quê rồi quay trở ra hỏi cưới…”.

Chỉ một câu nói ấy mà chị đã chờ ông cả năm trời. Cũng may, chỉ năm sau ông Bé Em được đặc xá ra tù trước thời hạn.

Năm 1995, một đám cưới nho nhỏ được tổ chức và cũng trong năm đó một bé gái chào đời. Thời gian mới cưới, ông Bé Em đưa vợ về quê sinh sống. Thế nhưng với 2 bàn tay trắng mà cuộc sống lúc ấy vô cùng khó khăn.

 Hai vợ chồng ông nhiều đêm trăn trở nghĩ cuộc sống hiện tại không có đất, không có nghề nghiệp để làm ăn thì sẽ không thể có tương lai được. Rồi họ nghĩ đến vùng đất bạt ngàn chưa được khai hoang ở nơi ông Bé Em bị giam trước đây mà bàn tính, “hay là mình quay lại Đăk Taley khai đất làm ăn. Khi nào có chút vốn rồi về đây sinh sống, chứ cứ như thế này thì khổ quá…”.

Nói là làm, ông Bé Em liền đưa vợ con trở lại mảnh đất từng giáo dưỡng mình, ở đây, ông chỉ tập trung vào làm việc để lo cho vợ con. Nhưng sau khi đã có khoảng 2ha rẫy khai hoang, nhà cửa cũng đã ổn định thì một tai họa bất ngờ ập đến.

Vợ của ông Bé Em trong một lần đi làm từ rẫy về đã bị một chiếc xe ôtô đâm phải. Vì vết thương quá nặng nên chị đã tử vong sau đó. Ngày đám tang, nhìn cảnh người chồng khóc vợ, đứa con gái mới lên 6 đã mồ côi mẹ, ai cũng đau lòng.

Nhiều người nghĩ rằng ông Bé Em sẽ về quê hoặc lấy vợ mới để cuộc sống gia đình ổn định, cũng là để có người chăm sóc con cái. Thế nhưng họ hoàn toàn bất ngờ khi ông Bé Em ở vậy từ đó cho đến nay.

13 năm sau ngày vợ mất, ông chỉ tập trung vào làm ăn và nuôi dạy đứa con gái thành người. Hiện tại cô bé đã 19 tuổi và đang theo học tại 1 trường cao đẳng ở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Khách hỏi tại sao ông không đi bước nữa, ông Bé Em thật thà: “Tại mình sợ con riêng con tư, rồi nghe nhiều chuyện dì ghẻ không thương con chồng. Thôi thì ráng ở vậy vừa làm cha, vừa làm mẹ cho con bé đỡ khổ”. Vừa dứt câu chân tình thì ông lại bồi thêm ngay: “Đợi con nhỏ ra trường rồi mình đi thêm 1, 2 bước nữa cũng không muộn. Chỉ sợ lúc đấy chả có bà nào ưng nổi mình thôi”, nói xong ông cười sảng khoái.

Nhiều người hàng xóm cho biết, họ rất quý mến cái đức hy sinh của ông Bé Em. Từ ngày vợ chết, lời hứa gom vốn cùng nhau về quê làm ăn ông cũng không thực hiện nữa. 2ha đất ông bán dần đi để chi phí tiền cho con gái ăn học. Hiện tại ông chỉ làm khoảng 7, 8 sào. Làm hết rẫy của mình ông đi làm thuê để kiếm sống.

Nghĩ đến đứa con gái đang học xa nhà, ông lại tâm sự: “Số rẫy còn lại tôi để dành đến lúc con gái ra trường rồi bán đi để lo cho nó công việc, cuộc sống gia đình ổn định. Lúc ấy tôi sẽ về quê để yên tâm mà nhắm mắt xuôi tay…”.

Phạm Văn – Uyên Thu
.
.
.