Người có nhiều tượng đài cách mạng

Thứ Bảy, 04/04/2015, 08:30
Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo gắn liền với những hình tượng người lính ở nhiều góc độ khác nhau, phong phú và giàu cảm xúc, qua những bố cục hoành tráng và đầy sức thu hút. Đầu năm 2015, ông được trao giải thưởng 5 năm Bộ Quốc phòng (2009-2014) về Văn học Nghệ thuật, với bức tượng đồng “Đảo Hoàng Sa - Chủ quyền Hải phận Việt Nam”.

Trọn đời ông cống hiến cho sự nghiệp sáng tạo hình tượng người chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Cho dù hiện đã bị yếu một tay do căn bệnh tai biến, nhưng ông vẫn đang được thực hiện những tác phẩm về đề tài người lính với cảm xúc dồi dào hơn bao giờ hết.

Những kỷ lục về tượng đài chiến tranh

Có thể nói, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo là người đầu tiên dựng tượng về đề tài chiến sĩ bảo vệ hải đảo ở nước ta. Đó chính là bức “Đảo tiền tiêu” của ông vào năm 1980. Đây là tác phẩm để đời của người họa sĩ - chiến sĩ Tạ Quang Bạo cách đây 35 năm. Hình tượng này được ông ấp ủ sau những năm tháng tham gia cuộc chiến tranh chống Mỹ xâm lược. 

Đó là 5 năm ở Trường Sơn (1971-1975), nhà điêu khắc trẻ Tạ Quang Bạo ngày ấy đã phải lấy đất tổ mối để nặn tượng về đồng đội trong cuộc chiến đầy cam go và thử thách. Đó là những trải nghiệm đầy khốc liệt để tích tụ những cảm xúc về hình tượng hào hùng và dũng cảm hy sinh của người chiến sĩ trong cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc và thống nhất đất nước. 

Bức tượng “Đảo tiền tiêu” được hình thành trên những cảm xúc sâu sắc đó. Đây là một tác phẩm đòi hỏi nhiều công sức của Tạ Quang Bạo nhất, kéo dài trong vòng 8 năm trời. Ít có ai dành công sức cho một tác phẩm điêu khắc đến như ông vậy. 

Sau hơn 35 năm, hình tượng “Đảo tiền tiêu” vẫn còn được tiếp diễn trong quá trình sáng tạo của ông, với nhiều tác phẩm về người lính khác và cuối cùng là bức tượng về người chiến sĩ bảo vệ “Đảo Hoàng Sa - Chủ quyền Hải phận Việt Nam” của ông mới được trao giải thưởng 5 năm Bộ Quốc phòng, đầu năm 2015. Đó là cái hai cái mốc khá độc đáo và thành công lớn đối với một nhà điêu khắc như ông.

Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo bên tượng Đảo Hoàng Sa - Chủ quyền Hải phận Việt Nam

Tạ Quang Bạo còn có những cụm tượng đài và phù điêu bằng đá đạt kỷ lục dài nhất, cao nhất và nặng nhất ở Điện Biên. Trước hết nói đến cụm tượng đài “Kéo pháo” (đá xanh), được dựng trên sườn núi Nà Nhạn, chính là nơi đã diễn ra cuộc kéo pháo nổi tiếng trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. 

Tác phẩm thể hiện 29 nhân vật kéo khẩu pháo 105 ly, trên một trục nghiêng; thể hiện độ dốc chênh vênh nguy hiểm, khắc họa ý chí là lòng quyết tâm của các chiến sĩ pháo binh. Quần thể điêu khắc này ghép lại từ hơn 100 khối đá xanh lớn nặng 1.200 tấn, với độ cao 10,5m và dài 21 mét.

Nhưng chưa hết, ông còn dựng bức phù điêu khổng lồ khác ngay tại chân đồi D1 mô tả đại cảnh “Chiến dịch Điên Biên Phủ” với chiều dài kỷ lục 58m với chiều cao 7m với 113m khối đá và được coi là bức phù điêu ngoại cảnh lớn nhất nước và cả khu vực Đông Nam Á hiện nay. Hình tượng được khắc họa khá toàn bích trong đại cảnh này là hình tượng nghệ thuật đẹp và hoành tráng ghi lại mốc son hào hùng của bản hùng ca Điện Biên chấn động địa cầu.

Cùng với đó, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo còn có hàng chục tượng đài lớn được dựng ở nhiều tỉnh, thành trên khắp đất nước. Đáng kể như các tác phẩm: “Vào hội”-1977; Tượng đài Chiến thắng sông Lô-1982; hoặc các tượng đài “Chiến thắng Nha Trang”, “Đường 9 Nam Lào”, “Tượng đài chiến tích Hải Vân”... 

Đặc biệt vào năm 2001, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I cho các tác phẩm tượng đài lớn như “Tình hữu nghị Việt Lào” cao 3m, năm 1980; Tượng đài “Nghĩa trang Ban Mê Thuột” cao 7m-1997. Riêng tượng đài “Chiến thắng Xuân Trạch Vĩnh Phúc” cao 16m -1996...

Khi nhận định về tác phẩm tượng đài của Tạ Quang Bạo, ngoài bố cục hoành tráng và đầy sức biểu cảm ra, có nhiều đồng nghiệp đánh giá tượng của ông còn đậm tính triết lý nhân sinh sâu sắc. Chính vì thế mà tượng của ông có tiếng nói riêng mà không tĩnh lặng. Đây đó là sự khắc khoải của “Mẹ Trường Sơn”, thì bên cạnh là nỗi niềm chia sẻ nặng tình qua “Hòn vọng phu”, và còn đó là sự cuộn trào nồng nhiệt của “Dòng sông Mê Kông”... 

Vậy đó, có người nói ông đã biết gọt từng thớ đá để lấy ra khối hình ngọc ngà thánh thiện nằm sẵn trong khối đá tảng xù xì và đầy cạnh sắc. Tượng ông là những nỗi niềm và tâm hồn ông cũng ẩn chứa những trăn trở vì cuộc sống của những người chiến sĩ. Chính vì thế mà cuộc đời ông trải nhiều đoạn nỗi của những ân oán tình người.

Những chuyện đời bên những tượng đài

Gần đây tôi có dịp gặp lại nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo tại khu Vân Hồ, trên đường Hoa Lư và được chiêm ngưỡng gần hai trăm tác phẩm của ông. Cả ba tầng nhà tràn ngập tượng lớn, nhỏ mà ông đã sáng tác và chọn lọc để trưng bày. Quả đây là một bảo tàng mỹ thuật điêu khắc tư nhân đầu tiên ở Hà Nội. Với một quy mô có dụng ý mỹ cảm thú vị với người xem. 

Ông kể có lần không giữ gìn và bảo quản tác phẩm cẩn thận nên đã bị kẻ trộm đột kích cách đây mấy năm. Hỏi ra mới hay lần đó, khi ngôi nhà chưa được xây dựng khang trang, kẻ gian đã cuỗm đi mất gần hai mươi bức tượng. 

Ông cười kể cũng lạ tên trộm này cũng biết chọn đồ ăn cắp. Nó lấy đúng mấy tác phẩm được giải thưởng của ông; đó là “Thiếu nữ dâng hoa”, “Đồng quê”. Rồi nữa cả “Phố cổ” và “Chim”... Toàn bán được tiền cả. Ông bảo ít nhất đều có giá từ vài triệu cho đến hàng chục triệu đồng. Riêng một phiên bản “Thiếu nữ dâng hoa” của ông còn bán được 15 triệu cơ mà. Nói rồi ông cười, chính vì chuyện mất trộm tượng đã thúc ông vận động con cháu cùng xây nhà, để bày tượng và giữ tượng cho đến nay.

Nói đến chuyện mưu sinh, có người nói bảo ông sống được bằng nghề bán tượng, thì ông cười giải thích cũng túc tắc thôi. Chứ không như người ta đồn ông giao giá tượng cao lắm, từ 20 ngàn đến 30 ngàn đô. Thực ra ông lại giao dịch trên những mối quan hệ khách hàng biết quý trọng tác phẩm và am hiểu nghệ thuật, nên có khi chỉ vài ngàn cũng sẵn sàng sang nhượng. 

Ông cho biết thường khi hay nhận làm tượng theo hợp đồng kiếm ăn, có thể không đứng tên mà để công ty trúng thầu chịu trách nhiệm. Vừa qua, ông còn làm tượng cho nhà Quốc hội, nhưng chỉ lấy công làm lãi là chính, chứ không màng danh lợi gì ở đây. Ông tặc lưỡi, lấy cần cù bù danh lợi, kiếm ăn thôi mà. Tôi sực nhớ ông hay dùng chữ cần cù để minh chứng cho khối lượng tượng khổng lồ của mình trên khắp đất nước. 

Lại nghe nói có người từng xếp ông vào loại hàng đầu về tài năng trong làng điêu khắc Việt Nam, ông cười và hóm hỉnh tự nhận: “Tôi đứng ở vị trí thứ 10. Tôi tài không bao nhiêu. Chủ yếu là cần cù bù... thông minh”. Sự lao động cật lực, có thời thâu đêm suốt sáng, ông mải miết nặn đất và đục đá là vì thế. Cuộc đời ông chứng minh một điều: tài năng chẳng là gì nếu không say mê lao động. Sự cần cù là vậy và sự khiêm tốn của ông đúng với nghĩa một phẩm chất nghệ sĩ chân chính và một tài năng đích thực.

Ông dẫn chúng tôi đi xem những sáng tác mới nhất về đề tài phụ nữ, với khám phá sáng tạo hiện đại và đầy trừu tượng. Đó là một nụ hôn, hay đó là thân phận của mảnh đời cô đơn, và kia có thể là sự đắm say của tình yêu... Với những bố cục độc đáo, khi thuận, khi ngược, lúc là khổ ngang, hay chiều dọc bay lượn, chờn vờn trong mái tóc đã ngả màu thời gian. Thương cho những nỗi niềm nhân thế, dần dà tâm sự những nỗi niềm trong sự trống vắng của trái tim nghệ sĩ trong ông trào dâng. 

Hiện ông sống một mình, chậm rãi và thâm trầm trong nỗi cô đơn của sáng tạo và cuộc đời. Nói đến những cuộc tình, ông ngậm ngùi kể, những người tình lần lượt bỏ ta đi, để lại mọi sầu muộn và sự khắc khoải đường đời. Ông dồn hết tâm trạng cho những thể hiện hình tượng về thân phận của một nửa đã mất trong cuộc đời mình. 

Hình tượng về tình yêu và thế giới đàn bà giờ lại dâng đầy trong tâm hồn ông. Tấm áo cần cù đã khoác lên đời mình, ông thầm lặng đóng cửa suy tư và trao gửi cho đất và đá tạo hình. Ông chỉ vào hàng chục tượng mới, đó chính là thành quả của những đêm cô đơn và đắm chìm trong sáng tạo như một thời trai trẻ.

Ngẫu hứng

Với một giải thưởng cho tượng đài đầu năm Ất Mùi cho tác phẩm “Đảo Hoàng Sa-Chủ quyền Hải phận Việt Nam”, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo có thể coi đó là một sự tổng kết cho một chặng đường, trong nửa thế kỷ hoạt động và sáng tạo vì sự nghiệp nghệ thuật cách mạng của mình. 

Cùng ông ngắm hình tượng người chiến sĩ hải quân với lồng ngực phơi phới thanh xuân, đầy sức mạnh, trong tấm áo biểu tượng là lá cờ Tổ quốc, tôi như được truyền thêm sức mạnh và tình yêu đất nước và biển đảo quê hương. Một hình tượng đẹp hào hùng trẻ trung được tạo dựng trong những ngày tháng nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo bị tai biến. Làm tượng bằng một tay quả là một hiện tượng lạ và khó hình dung nổi. 

Người ta thường nói “Tàn mà không phế” để ca ngợi những thương binh vẫn còn hăng say lao động góp ích cho đời. Còn ông lại lạc quan tự trào “Bạo mà không tàn” một cách hài hước, với ý nghĩa, cho dù chỉ một cánh tay vẫn tạc tượng được như thường. Tạ Quang Bạo này không tàn phế mà vẫn miệt mài làm việc. Bởi chính ông đã từng là người chiến sĩ và là một họa sĩ trọn đời cống hiến và sáng tạo những hình tượng anh hùng, với số lượng tượng đài cách mạng nhiều nhất hiện nay.

“Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, sinh năm 1941, tại Thanh Hóa. Tốt nghiệp Trung cấp khoá I (1959- 1963) và Đại học Mĩ thuật Công nghiệp Hà Nội khóa II (1967 - 1971); hội viên ngành Điêu khắc Hội Mĩ thuật Việt Nam năm 1977.

Ông từng làm Phó giám đốc Xưởng Mĩ thuật Quân đội (1980- 1985); Hoạ sĩ trưởng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (1985- 1992); Ủy viên Ban chấp hành, Ủy viên Hội đồng nghệ thuật khoá II (1983- 1989), Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật chuyên ngành điêu khắc Hội Mĩ thuật Việt Nam khoá V (1999- 2004) và khoá VI (2004- 2009). 

Giải thưởng Triển lãm Mĩ thuật Toàn quốc: Giải A năm 1980 và Giải B năm 1976; Giải Nhất Triển lãm 10 năm Điêu khắc toàn quốc năm 1983; Giải A Triển lãm Mĩ thuật về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng năm 1984. Năm 2001, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt I”.

Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo bên tượng Đảo Hoàng Sa - Chủ quyền Hải phận Việt Nam
Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo bên tượng Đảo Hoàng Sa - Chủ quyền Hải phận Việt Nam
Chung Tử
.
.
.