Người cựu chiến binh 'nặng lòng' với những xác chết

Thứ Tư, 24/06/2015, 15:00
Trong gần ba năm tham gia chiến dịch giải phóng Nam Lào, ông Nhâm Văn Ý vừa là chiến sĩ anh dũng vừa chuyên thêm công tác khâm liệm, chôn cất đồng đội trên đất bạn. Trở về từ chiến trường, ông tiếp tục làm công việc nhặt xác, khâm liệm nhập quan và đôi khi là an táng cho những nạn nhân bị tai nạn giao thông.

Gần mười năm khâm liệm cho đồng đội trong nước mắt

Sinh ra trong gia đình nghèo, lại sớm mồ côi cha mẹ nên ông Nhâm Văn Ý (phố 3, phường Trung Sơn, thành phố Tam Điệp, Ninh Bình) phải lang thang khắp chốn mưu sinh, khi thì cắt cỏ thuê cho gia đình khá giả, khi thì làm bốc vác ở khắp các chợ. Bước sang tuổi mười tám, chàng trai Ý xin nhập ngũ rồi lên đường vào chiến trường. 

Năm 1967, tiểu đội gồm một trăm năm mươi người của ông được điều động vào “chảo lửa” Quảng Trị để chuẩn bị tiếp viện cho quân kháng chiến. Trong suốt hành trình, giặc Mỹ liên tiếp dùng máy bay ném bom càn quét khiến nhiều đồng đội hi sinh ngay trên đường hành quân. Bởi vậy, ngoài nhiệm vụ đánh giặc, ông đảm nhiệm thêm công tác khâm liệm, an táng cho những đồng đội hi sinh trên chiến trường. 

“Giai đoạn 1970 – 1975, giặc Mỹ rải bom như trút nước xuống chiến trường Quảng Trị khiến cho tất cả khu vực xung quanh đều bị san phẳng. Những tuyến đường chính trên trục đường Bắc – Nam đều bị giặc ném bom tàn phá, dùng tăng đánh chặn khiến số đồng đội hy sinh khoảng một phần ba trước khi cả tiểu đội đến được với Quảng Trị. Những năm tháng ấy, tôi vừa khâm liệm vừa chứng kiến cảnh những anh em của họ đưa tiễn người thân trong nước mắt” – ông Ý bồi hồi nhớ lại.

Thời gian đó, gần như ngày nào ông cũng phải khâm liệm cho đồng đội. Có những hôm, đồng đội của các tiểu đội khác hy sinh nhưng chưa được chôn cất nên ông cũng không ngần ngại làm công tác khâm liệm để anh em được siêu thoát. Trên đường hành quân, số đồng đội hi sinh không đếm xuể, mọi người phải cử ra một đội chuyên làm công tác chôn cất.

 Ông Nhâm Văn Ý .

Trên chiến trường sống chết là gang tấc nên mỗi người đều để một mảnh giấy nhỏ ghi rõ họ tên, quê quán trong túi áo phòng khi nằm xuống, người khâm liệm biết quê quán mà gửi hài cốt về. Bởi vậy, những người hi sinh sau khi được chôn chất đều được ghi vào sổ để báo cho người thân, gia đình. 

“Có người còn chẳng có giấy mà ghi, ghi tên và địa chỉ vào tay. Có hôm, một đồng đội hy sinh, trong túi vẫn còn bức thư tình viết cho cô người yêu mười sáu tuổi. Đồng chí ấy ra đi mà tay vẫn nắm chặt bức thư, nhưng tiếc là anh bạn không ghi địa chỉ để cô gái ấy có cơ hội nhận lại” – ông nói. 

Chỉ nguyên trên đường hành quân vào Quảng Trị, số đồng đội do ông tự tay khâm liệm đem chôn cất trong thời gian đó phải đến gần năm mươi người. Vì phải kiêm thêm công tác an táng để anh em an nghỉ sớm nên ông luôn phải bám theo sau tiểu đoàn.

Vào đến “chảo lửa” thành cổ Quảng Trị, ông tiếp tục công việc vừa đánh giặc vừa làm công tác khâm liệm. Ban đêm, cả tiểu đội tích cực đánh du kích vào cơ sở đồn trú của giặc. Khoảng 6h sáng, ông tận dụng dáng người nhỏ gọn, nhanh chóng thu gom thi thể của anh em, khâm liệm để đồng đội hy sinh được an nghỉ. 

“Những năm 1973 – 1975, số đồng đội ngã xuống gần tương đương với lượng đạn địch trút xuống chiến trường. Đồng đội ngã xuống đếm không xuể, mỗi ngày là gần chục người ngã xuống nên bộ phận nhận nhiệm vụ khâm liệm làm không xuể, tôi cùng một số anh em giúp họ khâm liệm thi thể đồng đội trong chiến trường. Đội khâm liệm vừa làm vừa khóc, nước mắt chảy ròng cũng không dám kêu lên thành tiếng vì sợ địch phát hiện ” – ông tâm sự.

Người “gác đền” của hơn nghìn xác chết

Hòa bình lập lại trên hai miền Tổ quốc, ông Ý trở lại quê hương Thái Bình để lập gia đình, quê hương chẳng còn ai thân thích nên một thời gian sau, ông cùng vợ về quê ngoại tại Tam Điệp (Ninh Bình) lập nghiệp. Sau khi cưới nhau, hai vợ chồng được bố mẹ vợ dựng cho túp lều sát đường tàu để mưu sinh qua ngày. Sống gần bệnh viện Tam Điệp, hằng ngày phải chứng kiến cảnh những thai nhi bị bỏ trên đường tàu khiến ông không khỏi thương xót. Vậy là mỗi ngày trên đường đi làm về, nếu thấy thi hài trẻ nhỏ nào bị bỏ rơi sau bệnh viện, trên đường tàu ông đều mang về, khâm liệm rồi chôn cất.

“Phần lớn những thi hài thai nhi được bỏ lại phía sau cổng Bệnh viện Tam Điệp là hậu quả của nhưng mối tình vụng trộm, tình yêu sinh viên dễ dãi hoặc những cặp đôi bị vỡ kế hoạch. Trước kia chiến tranh, một đứa trẻ được sinh ra là niềm hạnh phúc lắm, vậy mà nhiều người độc ác, họ cướp mất cơ hội sống của chính con mình, những đứa trẻ còn chưa được sinh ra…” - ông đau xót.

Sau một thời gian, khi những vụ tai nạn giao thông trên tuyến quốc lộ 1A ngày một nhiều hơn, ông lại đi thu gom những thi thể xấu số này an táng cho họ. Bởi vậy, người trong vùng gọi ông là “lão Ý gàn dở” hay “lão Ý nhặt xác chết”. Gần nửa đời người làm việc thiện, không mong được đền đáp nhưng chính điều ấy lại khiến nhiều người nghĩ ông quái dở. “Tôi làm công việc này bằng cái tâm, tôi mong muốn họ được thanh thản nằm xuống, dễ dàng được siêu thoát” - ông tâm sự.

Câu chuyện ông Ý tình nguyện nhặt xác chết, đem chôn cất, giúp những linh hồn được siêu thoát khiến nhiều người nghĩ ông không bình thường, gàn dở. Họ càng rợn người hơn khi biết đến ông với biệt danh ông Ý nhặt xác chết, thích ngủ cùng xác chết. Trên địa bàn thành phố Tam Điệp, hễ có người chết vì tai nạn giao thông là ông có mặt để thu gom xác chết, làm công tác khâm liệm giúp vong linh an nghỉ, đợi người nhà đến nhận xác. 

Ông kể: “Gần nửa đời người nhặt xác chết, ông đã quá quen với việc thu gom xác chết, ăn, ngủ cùng xác chết, đợi người nhà đến nhận thi hài nạn nhân”. Bởi lẽ, theo lời ông kể: “Nếu ông không làm thì ở đất Tam Điệp chẳng ai khùng đi làm chuyện này không công”. 

Những người tử nạn khi đi qua đoạn đường 1A trên địa bàn thành phố Tam Điệp thường là người ở tứ xứ nên mỗi khi có người chết ông phải bỏ tiền túi để mua quan tài để an táng họ rồi đưa về nhà. Thường là hai ngày sau người nhà mới đến nhận xác, họ gửi ông chi phí mua quan tài cùng khoản tiền nhỏ để tỏ lòng cảm ơn nhưng ông không nhận. Ngoài ra, số tiền, đồ đạc của người đã khuất, ông đều giữ gìn cẩn thận, trao lại cho người nhà sau khi đến nhận xác nạn nhân. 

“Họ mất đi người thân cũng như khi mình bị mất người thân trong gia đình. Chẳng nỗi đau nào có thể sánh với nỗi đau vợ mất chồng, mẹ mất con hay anh mất em… chuyện tôi làm chỉ là việc cỏn con giúp các gia đình nhận lại thi thể của người thân” - ông Ý bộc trực.

Cách đây gần một tháng, tại ngã ba Tam Điệp, một thanh niên điều khiển xe máy qua đường không quan sát nên bị xe container đi với tốc độ cao cán ngang khiến người chia thành hai phần, một số bộ phận không còn nguyên vẹn. Khi đó đã bốn giờ sáng, ông đến hiện trường nhặt từng bộ phận của nạn nhân lên rồi đắp chiếu lại, đợi đến sáng, sau khi cơ quan chức năng khám nghiệm, ông chạy đi mua cỗ quan tài để khâm liệm cho nạn nhân.

Trong lúc làm công tác khâm liệm, ông thấy trong túi quần nạn nhân vẫn còn nguyên hai triệu đồng, hai chiếc vòng tay bằng vàng được gói ghém cẩn thận trong tờ giấy. Thấy vậy, ông đem vàng và tiền cất rồi báo cho Công an, sau khi người nhà đến trao lại cho họ.

Nhiều người ông chôn cất, người nào may mắn thì có người thân đến nhận về an táng tại quê nhà. Tuy nhiên, có những cái chết “bất đắc kỳ tử” chết đuối, tai nạn giao thông, đánh nhau… chẳng có người thân nào đến nhận. Với những người này ông mang thi hài họ đến an táng phía sau quả đồi gần nhà hoặc nghĩa trang của thành phố.

Cùng ông lên nhang khói cho những tử thi “vô danh” tại nghĩa trang chính của thành phố, chúng tôi không khỏi bàng hoàng nơi mà ông nói là “dành một góc” trong trong nghĩa trang lại lớn đến như vậy. Ông chỉ tay vào ngôi mộ vô danh ở phía gần nhất và nói: “Sau bốn mươi năm, những ngôi mộ vô danh đã lên đến con số hàng trăm ngôi mộ. Vì không biết tên, tuổi, quê quán nên tôi đã đánh số lên những ngôi mộ để dễ nhận biết. Còn tính cả những thi thể được người nhà mang về thì phải gấp ba lần như thế. Từ khi chôn cất cho các đồng đội, hài nhi trẻ em, nạn nhân xấu số chết vì những tai nạn bất ngờ chắc cũng phải cả nghìn người”. 

Thời gian đầu khi ông nhặt xác chết, ngủ cùng xác chết để bảo vệ thi thể xấu số đã tử nạn, không ít người nghĩ ông là khùng, điên, bị ma ám nhưng ông chẳng hề quan tâm mấy lời thiên hạ đồn thổi. Điều khiến ông day dứt là không làm thế nào để người trong gia đình hiểu cho những việc mình làm.

Ít năm trở lại đây, ông còn giúp người bị thương do tai nạn giao thông, đưa họ đưa họ đi khám, chăm sóc để cho đến khi họ hồi tỉnh. Hai vợ chồng mở quán nước trên vỉa hè nên mỗi khi có người bị thương do tai nạn giao thông, ông lại lịch kịch đưa họ đến bệnh viện để cấp cứu. Có những trường hợp do bị thương, ông đưa về nhà chăm sóc, dưỡng thương trong lúc chờ người nhà chưa đến. Không ít lần, nhiều người biếu ông tiền, mong muốn ông nhận tấm lòng thì ông chỉ cười đùa: “Vàng tôi còn chẳng lấy huống chi tiền của anh chị”.

Cứ như vậy, thấm thoát đã bốn mươi năm ông làm công việc mà bao người trầm trồ, chỉ trỏ, rồi không ít lần khiến chuyện vợ chồng rơi vào tình cảnh cơm không lành, canh cũng chẳng ngọt. Thời gian trước, có những lần, bà Ý đòi xách vali về nhà mẹ đẻ sống. Nhưng sau những lời dỗ dành, khuyên ngăn bà lại mềm lòng, không biết bà đã chấp nhận cái nghiệp nhặt xác của chồng mình từ bao giờ. 

Chỉ biết rằng, ngày hai bữa, bà chăm sóc con cái, cơm nước để ông an tâm đi làm. Với những gì đã làm được, ông Ý được UBND thành phố mời tham gia đội cờ đỏ, tổ trật tự an toàn giao thông. Ông nói: Dù làm trong đội cờ đỏ hay không thì ông vẫn tình nguyện làm công việc này khi những nạn nhân xấu số không may qua đời.

Vậy là sau bốn mươi năm trót “có duyên” với những xác chết, ông đã cứu giúp hơn năm nghìn nạn nhân được đưa về an nghỉ tại quê nhà, một công việc với nhiều chiều hướng dự luận. Người thì bảo ông là “dị nhân” vớt xác, người lại nói ông là người ngủ mê với những linh hồn, người bảo ông là “lão Ý tử thi”. Rất nhiều những biệt danh được mọi người đặt ra nhưng ông chẳng đoái hoài. 

Việc ông làm hơn mấy chục năm qua, không mong đền đáp công ơn chỉ đơn giản là muốn giúp những người đã khuất được an nghỉ. Tuy vậy, không ít người trong làng cảm kích trước việc làm này của ông. Dù đang sống trong căn nhà lụp xụp, gia cảnh túng thiếu nhưng ông chắt chiu từng đồng tiền để phòng, mua quan tài, an táng, giúp người vô danh tử nạn được an nghỉ.

Văn Hải
.
.
.