Người đàn bà tự chặt tứ chi vươn lên thành tỉ phú

Thứ Ba, 13/01/2015, 09:00
Bà đã từng nhiều lần cắn răng cầm dao chặt đứt từng ngón tay, ngón chân của mình chỉ vì nó bị hoại tử mà bà lại không có tiền thuốc thang. Chính vì các ngón tay, ngón chân cứ dần dần biến mất nên người ta đã nhầm tưởng bà mắc bệnh hủi và tìm mọi cách xa lánh, xua đuổi mẹ con bà. Nhiều lúc bà muốn mình chết đi, nhưng cứ nghĩ đến đứa con tội nghiệp, bà lại cố mà sống. Người đàn bà với trăm nghìn bất hạnh ấy đã không chịu đầu hàng số phận. Trải qua trăm thứ nghề để kiếm sống, giờ bà đã có một gia sản kếch sù với ngôi biệt thự hoành tráng. Bà là Trần Thị Hằng, trú tại phường Hoàng Diệu, TP Thái Bình.

Người phụ nữ hình hài bé nhỏ với đôi bàn tay, bàn chân không còn ngón nào ngồi kể cho chúng tôi nghe về cuộc đời nghiệt ngã của mình. Nghe mà cứ ngỡ những gì bà trải qua chỉ có trong những thước phim tưởng tượng mà thôi. Bao nhiêu năm bà mang tiếng Hằng "hủi" và bị người đời xa lánh, khinh rẻ, chỉ bởi cùng với thời gian, từng đốt ngón tay, ngón chân của bà cứ rụng dần. Không ai biết được lý do vì sao bà bị thế, hay nói khác không ai cho bà cái cơ hội gần gũi để mà giải thích. Nỗi đau này chỉ mình bà biết và cam chịu.

Chiến tranh đã cướp mất đứa con trai đầu lòng của bà Hằng khi đó mới hai tuổi. Chiến tranh cũng làm đôi bàn tay, bàn chân bà dập nát. Nỗi đau tột cùng chưa nguôi ngoai thì bà bị chồng cùng cả gia đình chồng đuổi ra khỏi nhà với đứa con thứ hai chưa tròn 6 tháng tuổi. Lý do cũng chỉ vì chồng bà không chấp nhận một người vợ tàn phế, vô tích sự.

Bỗng chốc trở thành kẻ vô gia cư, nơi quê chồng bà Hằng đã không còn ai để bấu víu nên bà tìm về quê mẹ. Nhưng khi về đây, đã cay đắng lại càng cay đắng hơn khi gần 10 năm trời mẹ con bà không được nhập hộ khẩu và không được chia ruộng đất. Bà Hằng nhớ lại: "Tôi ôm con về Thái Bình sống nhờ nhà mẹ. Nhưng mẹ tôi khi đó đang sống cùng người chị gái nên tôi không thể ở cùng được. Bà cắt cho tôi một khoảnh đất cuối vườn cho hai mẹ con làm nơi đi về.

Hồi đó, tôi phải đóng bẹ chuối làm giường, căng áo tơi làm mái nhà. Trời nắng còn đỡ, chứ gặp phải trời mưa hai mẹ con ướt như chuột lột. Nhiều lúc tủi thân chỉ muốn chết quách đi cho hết cái nợ đời". Hỏi bà lý do gì mà những hôm mưa bão không chạy vào nhà người chị gái để tá túc cho khỏi ướt thì bà Hằng buồn bã kể rằng: "Hồi đó dân làng đồn tôi là con hủi nên không một ai dám bén mảng đến gần. Chị gái tôi dù biết rõ lý do vì sao tôi như thế nhưng vì sợ bị dân làng xa lánh nên cũng tìm cách tránh mẹ con tôi".
Bà Hằng đã khóc rất nhiều khi kể về cuộc đời mình.

Đôi bàn tay bà ngày một đau đớn và nhiễm trùng nặng hơn. Bởi lẽ, dù bị dập nát nhưng hằng ngày bà vẫn phải mò ra mương máng bắt con cua, con cá về làm thức ăn cho con. Không có một đồng để mua thuốc kháng sinh nên đôi bàn tay của bà cứ lở loét rồi hoại tử dần. "Nếu cứ để nguyên thì nó đau đớn khủng khiếp lắm, mà tôi thì sẽ chẳng làm gì được nữa. Không làm thì sao có gì cho con ăn. Thế nên tôi nghĩ ra một cách là nung đỏ con dao rồi đặt tay lên miếng gỗ chặt từng đốt bị hoại tử. Mỗi lần như thế đau đến lịm người đi".

Từng đốt, từng đốt ngón tay cứ biến mất dần khỏi bàn tay của bà Hằng. Khi một bên bàn tay đã không còn ngón nào để cầm dao, bà Hằng buộc chặt con dao vào bên tay cụt ngón của mình để tiếp tục chặt nốt những đốt tay hoại tử bàn còn lại. Đôi bàn chân của bà cũng được bà làm với cách thức như vậy. Đến lúc này thì người dân trong làng càng tin chắc bà mắc bệnh phong. Đến người chị gái của bà Hằng vì sợ mang tiếng có đứa em mắc bệnh hủi nên đã tìm cách đuổi hai mẹ con bà ra khỏi mảnh đất hương hỏa. Hễ thấy bà Hằng lần mò ra ngoài đồng là người chị ở nhà lại mang rơm ra đốt lều của em. Lều vừa dựng xong lại bị đốt, bẹ chuối chặt ra chưa kịp đóng thành giường thì lại bị băm nát. Nhiều đêm mưa bão, bà Hằng chỉ dám ôm con đứng trú dưới mái hiên của nhà chị gái mà tuyệt không dám gõ cửa xin ngủ nhờ.

Muốn có một túp lều làm chỗ chui ra chui vào cũng khó. Muốn đi làm thuê cũng chả ai dám mướn. Hai mẹ con bà cứ sống lay lắt cho qua ngày đoạn tháng. Cả mẹ lẫn con chỉ có duy nhất bộ quần áo mặc trên người. Nhưng vì phải dầm mưa dãi nắng nhiều nên nó cứ bợt dần. Đêm nào sau khi làm xong xuôi mọi việc, bà Hằng lại lột quần áo của hai mẹ con ra giặt, sau đó lấy lá chuối quấn tạm vào người. Nếu trời nắng thì may ra quần áo khô, còn không trời mưa thì hôm sau mẹ con bà phải mặc nguyên quần áo ướt.

Bà Hằng bên ngôi nhà hai tầng xây dựng năm 1996.

Mọi cánh cửa đã đóng chặt trước mặt hai mẹ con bà Hằng. Khổ sở về vật chất bà còn cố chịu được, chứ khổ về tinh thần, bị mọi người coi khinh, xa lánh, không thừa nhận mẹ con bà như những con người khiến bà không sao chịu nổi. Một đêm trời mưa gió, bà đã viết một lá thư dài gửi người mẹ già với mong muốn nhờ bà chăm sóc cho đứa con của mình rồi sau đó ra dòng sông Thạch Hãn quyên sinh.

Số phận đã không cho bà Hằng được chết dễ dàng như vậy. Bởi khi bà gieo mình xuống dòng sông thì một ông lão thuyền chài đã nhìn thấy rồi vớt bà lên. Ông lão đó sau khi đưa bà lên bờ chỉ nói duy nhất một câu: "Chỉ có những người hèn nhát mới tìm đến cái chết". Bà Hằng đã khóc và kể cho ông lão thuyền chài nghe về cuộc đời bất hạnh của mình.

"Đến bây giờ tôi vẫn nghĩ rằng, ông lão đó như một ông tiên mà ông trời ban xuống để giúp đỡ tôi. Bởi vì, trong đêm đó, trước khi bỏ đi, ông ấy đã cho tôi 1.000 đồng và bảo tôi lấy đó làm kế sinh nhai. 1.000 đồng lúc đó to lắm, có thể đong được gần một tạ gạo cơ mà. Tiền với tôi lúc đó quan trọng lắm nhưng tôi nghĩ cái mà ông lão ấy cho tôi còn lớn lao hơn, đó chính là tình người. Hành động đó đã khiến tôi tin rằng trên đời này vẫn còn có người tốt" - bà Hằng chia sẻ.

Có tiền, bà Hằng bắt đầu nghĩ cách cho tiền sinh lời bằng việc trở thành người phe vé. Bà kể rằng, tối tối bà ra bến xe Thái Bình xếp hàng mua vé xe, sau đó tìm người có nhu cầu bán lại. Một ngày xếp càng được nhiều lượt càng tốt, thậm chí còn nhờ cả người quen mua hộ nên hầu như lúc nào trong túi bà cũng có vé để bán.

Từ khi có chút vốn làm ăn và có một công việc biết sinh lời, bà Hằng bắt đầu nuôi ý chí sẽ xây một căn nhà tử tế. Ngày nào cũng thế, từ bến xe trở về, bà Hằng lại tranh thủ vần đất lên bờ cho ải để ngày hôm sau sẽ có đất vác về. Đống đất ở cuối vườn cứ ngày một to ra và cao lên. Hôm nào trời mưa không đi phe vé được, bà lại ở nhà hì hục nhào đất đóng gạch. Nhiều năm miệt mài như vậy, số gạch mà bà Hằng đóng được không chỉ đủ xây một ngôi nhà, mà bà còn bán được tới 4 vạn viên.

Ít ai có thể tin rằng ngôi biệt thự này là của một người đàn bà không còn tứ chi.

Tiền kiếm được từ việc phe vé và bán gạch, bà Hằng đều mua vàng hết. Nhà chưa có, không có nơi để cất vàng nên bà phải đào một hố sâu giữa vườn để giấu.

Mọi việc làm ăn của bà Hằng đang diễn ra khá suôn sẻ thì mẹ con bà lại gặp phải "sự cố" khi mà Tú Anh - con trai bà đến tuổi đi học. Vì mang tiếng là con của người mẹ hủi nên Tú Anh bị bạn bè ghẻ lạnh. Ngày nào cũng thấy con khóc lóc khi về nhà, bà Hằng không đành lòng. Hai mẹ con bà lại khăn gói quả mướp sang Nam Định xin nhập học cho con. Mất công việc cũ, bà Hằng xoay ra bán hoa quả. Cứ buổi sáng khi Tú Anh đi học thì bà ra bến sông đón hoa quả người ta đi buôn chuyến về, sau đó đội vào chợ bán. Chiều về, bà Hằng "cắm" con ở các vựa hoa quả để lấy hàng. Vừa đỡ mất tiền đặt cọc, con lại có người khác trông hộ nên việc buôn bán của bà khá thuận buồm xuôi gió.

Vì là người có trình độ, đã từng tốt nghiệp Đại học Tài chính nên bà Hằng tính toán, sắp xếp công việc rất hiệu quả. Lần nào ra bến sông bán hoa quả, khi về bà đều xin người ta thúng cát hay thúng sỏi rồi đội về. Mấy năm miệt mài như vậy bà Hằng cũng xin đủ cát, sỏi để xây nhà.

Sau bảy năm trời vừa nuôi con vừa vật lộn mưu sinh bằng đủ các nghề, bà Hằng đã tích cóp được 25 cây vàng. Lúc này bà Hằng chính thức nghĩ đến việc quay về mảnh vườn của mình để lập nghiệp. Về Thái Bình, ban ngày bà bán hàng trên bến sông, chiều về lại xục xuống ao đắp đập, be bờ. Do có đầu óc tính toán nên bà Hằng đã biến khu vườn ngày nào thành một mô hình với đầy đủ ao để thả cá, vườn để trồng rau, chỗ nào không sâu, không cạn thì để cấy lúa. Năm 1996, khi gạch, đá, cát sỏi đã đủ để xây nhà, bà Hằng đã thuê người xây căn nhà hai tầng khang trang khiến khi đó ai cũng phải ngạc nhiên.

Xây xong nhà vẫn còn nhiều vốn, bà Hằng quyết định lập trang trại. Cùng thời điểm đó, bà xoay ra buôn bán bất động sản và vàng. Và đến năm 2000, bà lại quyết định xây một ngôi biệt thự bề thế nhất nhì thành phố Thái Bình khi ấy. Bà Hằng tâm sự: "Hồi đó, nếu thuê người thiết kế cũng phải mất tới năm chục triệu nên mẹ con tôi quyết định làm lấy. Nhưng bây giờ mọi người đến chơi vẫn nói nó không hề lạc hậu chút nào". Giờ con trai bà cũng đã là giám đốc của một công ty lớn ở Thái Bình.

Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, những gì mà bà Hằng đang có là niềm mơ ước của rất nhiều người. Ngay đến bản thân mình, nhiều lúc bà cũng không dám tin rằng sẽ có một ngày như ngày hôm nay. Giờ đây, khi không còn phải lo lắng về kinh tế nữa, bà Hằng lại tìm cách giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Lúc rảnh rỗi, bà làm thơ, viết tự sự về cuộc đời mình và vui vầy bên con cháu. Đó là một cái kết có hậu cho một con người biết vươn lên, nhất quyết không đầu hàng số phận.

Phong Anh
.
.
.