Người quyết sống để kể về “cõi chết” trong phòng biệt giam

Thứ Ba, 27/01/2015, 16:30
Không có gì là chính xác tuyệt đối, kể cả với những thứ máy móc hiện đại, vì thế cho dù là thời đại nào thì con người vẫn luôn có những sự nhầm lẫn. Án mạng thời nào cũng có, ở đâu cũng có, nhưng ở cái thời khoa học công nghệ chưa phát triển, khi mà cán cân công lý đều chỉ dựa vào những con người cầm cân nảy mực, dựa vào những con mắt của một vài người thì việc sai sót, nhầm lẫn rất khó tránh khỏi. Và điều đó đã làm hại không biết bao nhiêu cuộc đời, làm tổn hại thanh danh của bao nhiêu gia đình, dòng họ, mà rất ít có thể cứu vớt được tính mạng cũng như xóa được vết nhơ muôn đời.

Bản án tử hình

Ngày 30/12/1948, một vụ án mạng kinh hoàng đã xảy ra với đôi vợ chồng vị linh mục đáng kính ở tỉnh Kumamoto. Tên trộm trong lúc đang tìm những đồ đạc quý giá để lấy đã bị phát hiện nên ra tay giết chết hai vợ chồng vị linh mục và làm bị thương hai cô con gái của họ.

Vụ án thu hút sự quan tâm của rất nhiều người dân và dấy lên sự hoang mang lo lắng về tình hình an ninh khi đó. Người thân, bạn bè và những người quen biết đã vô cùng phẫn nộ với kẻ giết người và yêu cầu cảnh sát nhanh chóng tìm ra thủ phạm để trừng trị.

Một danh sách những tên trộm và những tên có tiền án, tiền sự của địa phương được cảnh sát triệu tập. Một số đang thụ án, một số không có mặt tại địa phương thời gian xảy ra vụ án và số còn lại có bằng chứng ngoại phạm tốt. Cảnh sát chỉ còn biết chờ đợi nạn nhân còn sống sót của vụ án tỉnh lại trong bệnh viện để có thể cung cấp manh mối của vụ án.

Vài ngày sau đó, một thanh niên 23 tuổi bị bắt tới đồn cảnh sát vì bị tình nghi ăn trộm gạo ở một cửa hàng tạp hóa. Sakae Menda đã bị đưa tới đồn cảnh sát và bị tra khảo về việc ăn trộm gạo, nhưng chỉ hai ngày sau khi bị bắt, cảnh sát thông báo rằng, Sakae Menda có thể chính là thủ phạm của vụ án giết vợ chồng ngài linh mục. Một thông tin gây sốc cho tất cả mọi người.

Sakae Menda sau đó đã bị giam giữ ba tuần để cảnh sát thẩm tra mà không có bất kỳ một luật sư đại diện nào. Trong suốt ba tuần đó, cảnh sát đã dùng tới những nhục hình để Sakae ký vào biên bản nhận tội.

Mặc dù vậy, Sakae Menda vẫn luôn kêu rằng mình vô tội, thậm chí cậu nói rằng, mình không hề biết nhà của vị linh mục và chỉ biết đến vụ án qua đài phát thanh. Sakae Menda đã bị bỏ đói suốt nhiều ngày và còn bị treo ngược lên trần nhà trong khi bị đánh bằng gậy tre.

Sakae Menda vẫn nghẹn ngào mỗi khi nhắc lại những ngày tháng sống trong tù.

Sau nhiều ngày không có nước uống, thực phẩm và bị tra tấn, Sakae Menda đã không còn đủ sức lực để phản kháng. Cuối cùng, Sakae Menda đã được cảnh sát cầm tay đánh dấu vào biên bản nhận tội. Vậy là vụ án đã được giải quyết. Cảnh sát đã có thể làm dịu dư luận.

Hai người con gái của vị linh mục đã hồi phục sức khỏe và vô cùng đau buồn về cái chết của cha mẹ, cả hai ban đầu nói không nhớ gì về đêm xảy ra vụ án, sau đó nói rằng, tên trộm bịt kín mặt nên không nhận ra. Nhưng sau cùng, khi cảnh sát cho họ nhìn thấy Sakae Menda, một trong hai cô gái đã khẳng định đó chính là thủ phạm đã giết cha mẹ mình.

Đúng ngày Giáng sinh của hai năm sau đó, Sakae Menda bị Tòa án tỉnh Kumamoto kết tội giết người cấp độ một và phải nhận mức án tử hình. Một ngày trước phiên tòa xét xử, một người đàn ông được cử đến gặp Sakae Menda với tư cách là một luật sư, nhưng thay vì nói chuyện để giúp Sakae Menda bào chữa thì ông ta lại khuyên cậu nên nhận tội và chấp nhận số phận.

Cuộc chiến sinh tử

ãNhững ngày tháng trong phòng biệt giam dành cho tử tù là những ngày tháng đau đớn cùng cực của chàng thanh niên 23 tuổi bởi cả gia đình cậu cũng đã quay lưng khi không hề tin tưởng Sakae Menda. Sakae Menda kể lại: “Họ chỉ đến một lần trước ngày kết án. Ngay cả khi tôi nộp đơn kháng cáo và viết thư thì họ cũng không tin rằng tôi vô tội”.

Sau này, thông qua một người bạn kêu gọi, cha mẹ của Sakae Menda đã đến trại thăm cậu một lần nữa nhưng là để nói với cậu rằng họ không có đứa con tội lỗi như cậu và đó là lần cuối cùng cậu gặp họ. Sakae Menda nói: “Tôi cảm thấy như mình thật sự đã chết”.

Cuộc sống trong căn phòng biệt giam chỉ năm mét vuông là đáng sợ hơn cả cái chết, bởi hằng ngày nó mang đến cho các tù nhân biết bao nhiêu cung bậc cảm xúc như một cách tra tấn tinh thần kinh khủng nhất.

Sakae Menda kể: “Hằng ngày, chúng tôi ăn sáng vào khoảng 8h đến 8h30’, sau đó đội thi hành án sẽ đến và đưa bất kỳ ai trong chúng tôi đi ra pháp trường. Lính gác sẽ mở cửa sắt, trái tim bạn sẽ loạn nhịp vì lo sợ, nhưng rồi người bị đưa đi không phải là bạn. Bạn sẽ lại cảm thấy vui mừng vì mình vẫn còn được sống thêm một ngày nữa. Đó là một thứ cảm giác kinh hoàng lặp lại hàng ngày cho đến khi thật sự đến lượt bạn”.

Trong suốt quãng thời gian chờ đợi cái chết đến với mình, Sakae Menda đã năm lần viết đơn khiếu nại lên các cấp phúc thẩm nhưng đều bị từ chối. Và chỉ đến năm 1979, lá đơn lần thứ sáu được gửi đi thì một luật sư cấp quận mới được cử đến để nói chuyện với Sakae Menda khi đó 54 tuổi. Trong những lần trò chuyện cùng Sakae Menda, vị luật sư này có linh cảm tốt về người đàn ông này.

Bắt tay vào điều tra, vị luật sư nhận thấy, một chứng cớ ngoại phạm rất tốt mà Sakae Menda đưa ra đã không hề được nhắc đến trong hồ sơ vụ án đó là vào đêm xảy ra án mạng, Sakae Menda cùng bạn bè trong khu ổ chuột tổ chức sinh nhật cho một người bạn và họ đã uống cả đêm. Đi gặp những người bạn này, họ cho biết những lời Sakae Menda nói là sự thật và họ sẵn sàng làm chứng trước tòa.

Trong hồ sơ vụ án còn có lời khai của một trong hai cô con gái của nạn nhân khẳng định Sakae Menda là thủ phạm của vụ án. Vị luật sư đã tìm đến người này và có một cuộc nói chuyện thấu tình đạt lý. Người phụ nữ lúc này đã bật khóc và kể lại việc sau khi tỉnh lại, biết tin mất cha mẹ, bà đã vô cùng đau đớn và khi cảnh sát nói rằng đã tìm ra thủ phạm, bà vô cùng căm giận.

Khi gặp Sakae Menda, bà thực sự không thấy giống với hình dáng tên trộm bịt mặt trong nhà mình, nhưng vì đang lúc đau buồn, lại được sự mớm lời của cảnh sát, bà đã đứng ra làm chứng để ít nhất cũng có kẻ chịu trách nhiệm với cái chết của cha mẹ mình. Người phụ nữ cho biết, nhiều năm sau đó, khi mọi chuyện qua đi, có đôi khi bà nghĩ tới người đàn ông mà mình đã làm chứng chống lại và có một cảm giác tội lỗi dâng lên.

Với những chứng cớ mới thu thập được, luật sư của Sakae Menda đã làm đơn đệ trình lên Tòa án tối cao quận Fukuoka đề nghị xét xử lại vụ án. Sau nhiều ngày tháng đấu tranh cho thân chủ, ngày 15/7/1983, một phiên tòa phúc thẩm xét xử lại vụ án năm 1948 đã diễn ra với hai nhân chứng là những người bạn của Sakae Menda và người con gái của vị linh mục thì cảnh sát Fukuoka. Những người tham gia điều tra năm đó đã thừa nhận họ đã che giấu bằng chứng ngoại phạm và mớm cung cho con gái vị linh mục.

Trước những chứng cứ thuyết phục, Sakae Menda được tuyên bố vô tội và được thả tự do ngay sau phiên tòa trong niềm hạnh phúc vỡ òa. Sakae Menda là tù nhân đầu tiên của Nhật Bản bị kết án tử hình và được minh oan.

 Dù được minh oan và trả tự do, nhưng Sakae Menda vẫn luôn ám ảnh với những ngày tháng chờ đợi cái chết và ám ảnh những câu chuyện của những người bạn tù, rất nhiều người trong số họ vô tội giống như ông, hoặc chí ít họ tin rằng mình không đáng tội chết.

Sau khi ra tù, Sakae Menda đã dành phần lớn số tiền được bồi thường để mở một chiến dịch kêu gọi chính phủ xóa bỏ án tử hình và vận động cả các tổ chức quốc tế ủng hộ.

Sakae Menda cho biết, ông từng nghe thấy một vị thẩm phán nói rằng: “Đôi khi cần phải hy sinh một hai công dân vì sự bình ổn cuộc sống của nhiều người và sự tin tưởng của nhân dân vào pháp luật”. Ông cho rằng, điều đó có thể là cần thiết nhưng không có nghĩa là chúng ta cần một bản án tử hình.

 Đã hơn hai thập kỷ trôi qua kể từ khi được tự do, nhưng với Sakae Menda, ông chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi oán hận một hệ thống tư pháp làm việc vô trách nhiệm đã khiến nửa đời người của ông phải sống trong địa ngục.

Nhật Linh
.
.
.