Người góp phần giúp thay đổi tương lai cho 2.500 trẻ khuyết tật

Thứ Năm, 09/06/2016, 14:29
15 năm là cả một quãng thời gian dài đủ để cánh lái xe trên quốc lộ 1A nhớ mặt, nhớ tên ông. Mỗi lần thấy ông lão đạp xe lọc cọc trên đường, họ lại gọi với theo hỏi xem "bố già" đi đâu, rồi cho lên xe đi nhờ không lấy tiền...


Mặc dù đã 86 tuổi - tuổi đáng được an nhàn hưởng sự chăm sóc của con cháu, nhưng ông Hà Xuân Định (SN 1930, ở thôn Thượng, xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, TP.Hà Nội) vẫn cả ngày rong ruổi trên chiếc xe đạp cà tàng, đi khắp các tỉnh thành miền Bắc để tìm những đứa trẻ tật nguyền đưa về trung tâm dạy nghề của địa phương. 

Nhiều người ở địa phương lúc đầu nghĩ ông "điên khùng", thích "vác tù và hàng tổng" hay muốn nổi tiếng, nhưng cho đến khi nghe những lời chia sẻ thân tình của ông, họ mới thấu hiểu được nỗi lòng và những nghĩa cử cao đẹp ấy...

Trong căn phòng lụp xụp của mình, ông Định kể lại quãng thời gian thơ ấu chịu đầy cực khổ với những năm tháng bôn ba vất vả. Ông cho biết: "Quê gốc của tôi không phải ở đây mà ở tận Vĩnh Phú. Ông cụ thân sinh mất từ khi tôi mới 13 tuổi, tôi lại hay đau ốm nên ngày bé cuộc sống rất khó khăn, vất vả.

Gia đình cũng nghèo khó, mấy mẹ con rau cháo nuôi nhau sống qua ngày. Tôi phải làm đủ các thứ việc phụ mẹ, thậm chí có những lúc nghèo quá tôi phải đi ở đợ để kiếm cái ăn và sau này may mắn được đi học...".

Ông Hà Xuân Định kể về con đường gian nan của mình.

Năm 2001, một tổ chức phi chính phủ của nước ngoài về địa phương, làm việc với xã và cho biết muốn tìm kiếm giúp đỡ những đứa trẻ khuyết tật để đưa đi dạy nghề, muốn nhờ sự giúp đỡ của chính quyền và bà con ở địa phương.

Hôm đó, ông Định cũng tham gia buổi họp và khi nghe về cuộc sống của các cháu bé tàn tật, ông lại nhớ đến những năm tháng cực khổ của mình ngày còn bé. Khi buổi gặp mặt gần kết thúc, ông Định đứng dậy và tình nguyện nhận công việc này. Ban đầu, những người thuộc tổ chức kia không đồng ý vì lo cho sức khỏe của ông, khi đó ông Định đã 70 tuổi với dáng vẻ hom hem, mệt mỏi.

Sau một hồi thuyết phục, ông cho họ thấy mình còn khỏe, còn sức đi được vài trăm cây số để đi tìm các cháu khuyết tật và nhất là không nhận một đồng thù lao nào. Thấy được sự chân thành của ông lão, những người có mặt ai cũng thống nhất đồng ý để ông làm công việc này.

Và rồi từ khi nhận công việc không có lương bổng thù lao, trong suốt 15 năm qua ông Định rong ruổi trên chiếc xe đạp đi khắp làng xóm không chỉ gần địa phương mà còn đi suốt vào tận Nghệ An hay lên tận Cao Bằng để tìm các cháu khuyết tật đưa về HTX Sơn khảm Ngọ Hạ tại xã để học nghề.

Ông kể: "Ban đầu tôi dùng chiếc xe đạp cũ của nhà để đi lại, sau này tổ chức họ mua cho tôi một chiếc xe khác mới hơn để đi lại được dễ dàng hơn. Mỗi chuyến đi gần thì vài chục xa thì hàng trăm cây số, hành trang chỉ có ít tiền con cháu cho với vài bộ quần áo...".

Từ khi ông nhận "nhiệm vụ" này, nhiều người vẫn xì xào bàn tán và cho rằng ông là "khùng" bởi chẳng ai lại đi đánh đổi sức khỏe, thời gian của mình để làm việc không công. Họ cho rằng, lẽ ra ở cái tuổi của mình, ông Định nên ở nhà lo cơm nước cho con cháu, thời gian rảnh thì nghỉ ngơi, yên hưởng tuổi già. Thời gian đầu, có những người còn mang định kiến rằng ông được lợi từ việc này nên mới làm, để xem ông có thể làm được bao lâu.

Thế rồi 15 năm trôi qua, họ thấy được quyết tâm của ông trong suốt thời gian đó, thấy được rằng công việc này thực sự chỉ là một việc thiện không được trả công, thấy được hơn 2.500 cháu bé khuyết tật được học nghề, có việc làm, có thu nhập. Lúc ấy, người ta mới hiểu ra được sự hy sinh, tấm lòng thiện của ông lão "khùng" ngày nào.

Ông Định bên chiếc xe đạp “trên từng cây số”.

Còn về phần gia đình mình, ông Định kể: "Quyết định của tôi khiến các con cũng ngỡ ngàng vô cùng. Ai đời có tuổi rồi còn nhận công việc nặng nhọc như thế thành ra chẳng ai ủng hộ cả.Tôi mặc kệ mọi người nói cứ nói, việc mình đã nhận thì cứ làm. Thời gian đầu tôi đi gần thì không sao, những năm tôi đi xa các con các cháu ai cũng lo lắng nhưng mình quyết tâm vì cái tâm của mình nên may mắn 15 năm qua ông trời thương nên cho sức khỏe".

Dường như đã trở thành duyên nợ, số phận của ông Định được gắn với những đứa trẻ khuyết tật mà cuộc đời bất hạnh như ông từng trải qua. Trên chiếc xe đạp của mình, ông bắt đầu cuộc tìm kiếm ở các xã gần địa phương rồi đi khắp các huyện thuộc tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc thành phố Hà Nội).

Xong đâu đó, ông bắt đầu đạp xe đi các tỉnh lân cận như Tuyên Quang, Bắc Giang, Phú Thọ, Cao Bằng, Nghệ An... để tìm kiếm. Mệt đâu ông lại nghỉ đó rồi khi nào xa quá ông lại đi nhờ xe hoặc đi xe khách. Trên những con đường làm việc thiện, ông cũng được sự giúp đỡ rất nhiều từ những người ở địa phương ông tới, người thì cái bánh, người thì cốc nước.

15 năm là cả một quãng thời gian dài đủ để cánh lái xe trên quốc lộ 1A nhớ mặt, nhớ tên ông. Mỗi lần thấy ông lão đạp xe lọc cọc trên đường, họ lại gọi với theo hỏi xem "bố già" đi đâu, rồi cho lên xe đi nhờ không lấy tiền.

"Không chỉ trên tuyến quốc lộ 1A mà còn nhiều tuyến đường khác tôi đi, các anh lái xe cũng không lấy tiền. Lần đầu tôi đi Cao Bằng, vì xa quá nên sau khi mệt ông quyết định lên xe khách. Phụ xe thấy ông già cả, quần áo luộm thuộm nên mới gặng hỏi xem ông đi đâu.

Ông Định thật thà kể về mục đích chuyến đi của mình. Thấy vậy, lái xe lẫn phụ xe đều thống nhất không lấy tiền của ông mà còn giới thiệu cho địa chỉ của một số cháu bé ở địa phương hay họ hàng có con em là người khuyết tật.

"Quả thật, khi mình làm việc thiện lại gặp được những người hiểu cho mình thì cảm giác rất ấm áp, giống như lòng tốt được sẻ chia. Tôi chỉ mong rằng, sự cố gắng của mình sẽ lay động được nhiều người khác để giúp đỡ, giới thiệu những đứa trẻ tật nguyền được đến học nghề. Khi làm việc này, tôi cũng không mong những đứa trẻ ấy nhớ đến, biết ơn mình mà chỉ cần chúng có việc làm, tự mình kiếm sống.Như vậy là tôi vui, hạnh phúc lắm rồi", ông Định cười hiền rồi cho biết.

HTX nơi ông Định đưa các cháu khuyết tật về học nghề.

Ngoài sự giúp đỡ, sự thấu hiểu ấy cũng không thể tránh được có những người nghi ngờ hành động của ông Định. Có những nơi mà không ai chịu tiếp chuyện ông bởi thấy cái dáng vẻ hom hem, xác xơ không có gì giống với một người hay đi làm từ thiện, họ còn nghĩ ông là kẻ lừa đảo.

Ông kể: "Có lần, tôi đạp xe lên Tuyên Quang để tìm các cháu, đi mất hơn 200 cây số. Vào tới một xã nghèo, sau khi liên lạc qua chính quyền địa phương, tôi cũng đến từng nhà các cháu để vận động như mọi khi.Thế nhưng đến nhà nào họ cũng đuổi đi, qua 18 thôn mà không thuyết phục được gia đình nào cho các cháu đi học nghề. Đến chiều muộn vừa mệt vừa đói, xin ngủ nhờ không được nên tôi đành dắt xe ra ven đường ngồi nghỉ. Cả một tháng trời ăn ngủ vệ đường như vậy, họ mới hiểu được sự chân thành của mình rồi đồng ý cho các cháu đi học nghề".

Với khoảng 2.500 em nhỏ được ông Định giới thiệu đưa về HTX học nghề, mỗi cháu đều có số phận, hoàn cảnh riêng.Ông Định vẫn còn nhớ trường hợp mình gặp cháu Phan Thế Út, quê ở Thanh Oai (Hà Nội).

Thời điểm đó vào khoảng hè năm 2004, trong cái nắng chói chang, như thường lệ ông vẫn đạp xe đi các nơi để tìm các cháu tàn tật. Lúc dừng chân tại một quán nhỏ ven đường uống nước, chưa kịp ngồi, ông nghe thấy tiếng cô bé đang ngồi trong cửa hàng bên cạnh nói với sang: "Ông ơi, mời ông vào nhà cháu uống nước".

Thấy cô bé mời nhiệt tình, ông cũng vào nhà xin cốc nước và sau đó ông Định phát hiện cô bé chỉ ngồi một chỗ không thể đi lại. Khi ông kể lại câu chuyện về con đường hành thiện của mình, cô bé òa khóc rồi xin ông cho đi theo. "Cô bé bảo muốn học một nghề để sau này nuôi sống bản thân, nhà có điều kiện nhưng không thể để mọi người nuôi cô mãi, không muốn làm gánh nặng của gia đình nữa.

Nghe cô nói vậy, tôi cũng đồng ý hẹn bố mẹ cô bé để xin cho cháu vào học nghề tại HTX. Là một người thông minh, chỉ sau một năm học nghề, Út đã trở về và mở xưởng riêng của mình, vừa sản xuất vừa dạy nghề cho những người khuyết tật khác", ông Định vui vẻ kể lại.

Cho tôi xem cuốn sổ ghi chép của mình, ông Định cho biết đây là danh sách những cháu bé khuyết tật ở nhiều địa phương mà ông đã đi qua. Khi đó các cháu còn nhỏ, chưa đủ tuổi để học nghề, lao động. Giờ đây hơn chục năm đã qua đi, các cháu đã lớn nên sau khi chương trình của tổ chức kia đi vào giai đoạn hai, ông Định sẽ tiếp tục lọc cọc trên chiếc xe đạp cũ của mình qua hàng trăm cây số, đón các cháu về học nghề để sau này có thể tự nuôi bản thân.

Ông chia sẻ: "Tôi sẽ còn tiếp tục đi, cho đến khi không còn đi được nữa. Để các cháu bé khuyết tật được học nghề tử tế, không còn mặc cảm và dễ dàng hòa nhập với xã hội sau này...".

Lê Phong
.
.
.