Người góp phần hồi sinh nhiều cuộc đời lầm lỗi

Thứ Năm, 17/05/2018, 14:17
Khi đang giữ chức Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Văn Miếu, bà Nguyễn Thị Cỏn, 78 tuổi (phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội) phải chứng kiến nhiều hội viên của mình sống trong cảnh “mẹ mất con, vợ mất chồng, bà mất cháu” vì cơn lốc ma túy. 

Thế nên, khi biết Nhà nước có chủ trương thành lập Câu lạc bộ (CLB) B93, tức là CLB sau cai, vận động cho những người đi cai về chống tái nghiện thì bà Cỏn đã chủ động đề xuất với UBND phường Văn Miếu xung phong làm Chủ nhiệm CLB B93. Gần 20 năm qua, bà đã giúp nhiều người đoạn tuyệt với ma túy để làm lại cuộc đời.

Xót xa khi chứng kiến nhiều hội viên quá khổ sở

Chúng tôi rất bất ngờ khi biết rằng, chỉ 2 năm nữa là bà Cỏn tròn 80 tuổi. Quả thực, bà quá trẻ so với tuổi thật của mình. Trò chuyện với chúng tôi, bà hài hước bảo: “Chắc do mải đi làm công tác xã hội nên quên cả tuổi tác với ốm đau, bệnh tật đấy. Các cháu mà đến muộn hơn chút nữa là không gặp được bà đâu vì bà đang chuẩn bị đi lên Ủy ban phường Văn Miếu đề xuất mấy nguyện vọng cho hội viên CLB B93”. 

Bà Cỏn hào hứng kể về những hội viên đã đoạn tuyệt với ma túy, làm lại cuộc đời.

Bà Cỏn chia sẻ rằng, nhờ làm công tác phụ nữ nên bà thấu hiểu những khổ sở, bất hạnh mà nhiều hội viên của mình đang phải chịu. Cách đây khoảng 20 năm, phường Văn Miếu được xem như một địa bàn vô cùng phức tạp bởi nó ở ngay cạnh ga Trần Quý Cáp. Hễ bước chân xuống đường là gặp con nghiện. Nhiều gia đình tan nát, mất của, mất cả người cũng vì sự tàn phá kinh hoàng của cơn lốc ma túy. 

Thế nên vào năm 2001, khi biết Nhà nước có chủ trương thành lập CLB B93, bà Cỏn đã xung phong làm chủ nhiệm với mong muốn sẽ giúp được gì đó thiết thực cho nhiều hội viên của mình. Bà Cỏn không phải là người Hà Nội gốc, cả hai vợ chồng bà đều quê ở Thái Bình. Bà vốn là cô giáo còn ông là cán bộ đường sắt. 

Vì công việc nên ông phải lên Hà Nội công tác và sinh sống còn bà vẫn ở quê. Phải đến khi nghỉ hưu, bà Cỏn mới chính thức lên Hà Nội ở cùng chồng và cũng là để gần các con. Nhưng bà giáo già ấy đã không chịu ngồi yên hưởng an nhàn mà tham gia vào công tác phụ nữ của phường Văn Miếu rồi tiếp tục được bầu làm Chủ tịch Hội Phụ nữ của phường này. Năm 2001, bà lại kiêm thêm chức mới là Chủ nhiệm CLB B93. 

Mặc dù biết mình sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn nhưng bà thực sự rất muốn làm được việc gì đó để giúp đỡ các hội viên trong Hội Phụ nữ, nơi mà mình là người đứng đầu. Khi CLB B93 chính thức được thành lập, bà Cỏn đã cùng Ban chủ nhiệm đi đến những gia đình có người nghiện để vận động. 

Nếu đối tượng vẫn đang nghiện thì vận động đi cai, nếu đối tượng cai rồi thì vận động chống tái. “Khi họ đã chịu vào CLB thì Ban chủ nhiệm phải nghĩ cách để giữ họ ở lại. Mà cách tốt nhất để họ ở lại với CLB là phải tạo cho họ cảm thấy vui vẻ, đầm ấm và thiết thực. Thời điểm cao nhất CLB có tới 32 hội viên tham gia” – bà Cỏn chia sẻ.

Với nhiệt huyết và tình cảm chân thành của mình, bà không những cảm hóa mà còn giúp cho rất nhiều những con người một thời lầm lỗi có cơ hội làm lại cuộc đời. Bà bảo: “Nhiều khi hội viên đưa ra nguyện vọng mà mình không đáp ứng được tôi thấy áy náy lắm. Cứ nghĩ rằng mình đã động viên họ vào đây thì phải giúp gì cho họ, chứ chỉ hô hào, khẩu hiệu thì sẽ chẳng ai ở lại với mình nữa. Thế nên nghĩ cách này không được, tôi lại xoay sang nghĩ cách khác. Nghĩ cho đến khi nào có giải pháp tốt nhất thì mới thôi”.

Cứu vớt những cuộc đời… "bỏ đi"

Năm 2008, nghe tin anh Trần Văn Tuấn (42 tuổi) mới đi cai nghiện về, bà Cỏn đã đến nhà động viên anh tham gia vào Câu lạc bộ B93. “Khi tôi đến chứng kiến cảnh người mẹ mắc chứng thần kinh đang nằm ở cái chiếu giữa nhà, gọi là nhà cho oai chứ kỳ thực nhà của Tuấn chỉ có 8 mét vuông thôi. 

Dù mất rất nhiều thời gian cho công tác xã hội nhưng bà Cỏn luôn được chồng ủng hộ.

Nói chuyện với tôi, Tuấn bảo cháu đồng ý tham gia vào CLB và Tuấn cũng bày tỏ nguyện vọng muốn có một công việc để làm. Lúc đó tôi hứa là sẽ cố gắng tìm việc cho Tuấn trong thời gian sớm nhất, nhưng kỳ thực trong lòng cũng chưa có dự định nào cụ thể. Vậy mà run rủi thế nào lúc từ nhà Tuấn về tôi lại nhìn thấy tấm bảng treo trước cổng Công ty màn tuyn 10-10 có ghi là “tuyển nhân viên”.

Tôi mừng như bắt được vàng nên đã vào ngay đó gặp Ban Giám đốc để trình bày nguyện vọng, không ngờ họ đồng ý luôn. Nhưng lúc đó tôi cũng chưa dám nói thật là Tuấn từng bị nghiện. Sau này tôi phải nhờ anh Long, Phó Chủ tịch phường Văn Miếu cùng đến để bảo lãnh. Cuối cùng thì Tuấn cũng được nhận vào làm việc” – bà Cỏn nhớ lại.

Không thể tả hết được niềm vui khi đó của anh Tuấn. Đang là kẻ “bỏ đi”, ai nhìn thấy cũng đều ái ngại thì bây giờ anh đã có được một công việc để làm. Có được cơ hội ấy, anh Tuấn đã cố gắng làm việc hết sức để chứng minh cho mọi người thấy mình thực sự muốn được hoàn lương. Cũng chính tại nơi này, anh Tuấn đã gặp và yêu người phụ nữ là vợ của anh bây giờ. “Có một hôm Tuấn đến gặp tôi và cứ gãi đầu gãi tai. 

Tôi hỏi có chuyện gì mà khó nói thế thì Tuấn nói: “Cháu muốn cưới vợ mà không có tiền làm đám cưới”. Nghe vậy tôi bảo thế để cô và mọi người tổ chức đám cưới cho cháu nhé. Ngay buổi chiều hôm đó, tôi lên phường Văn Miếu trình bày với lãnh đạo và ngỏ ý muốn mọi người giúp Tuấn làm đám cưới. Không ngờ các đồng chí lãnh đạo vui vẻ đồng ý ngay. Đám cưới của Tuấn sau đó được tổ chức ngay tại phường Văn Miếu với sự tham gia của đầy đủ các lãnh đạo và tất cả các thành viên của CLB B93. Đến bây giờ vợ chồng Tuấn sống với nhau hạnh phúc và đã có 2 cô con gái rất xinh xắn” – bà Cỏn vui vẻ kể lại chuyện đã giúp anh Tuấn.

Khi được hỏi về vị ân nhân của đời mình, anh Tuấn chia sẻ rằng: “Nếu không có bà Cỏn thì không biết đời tôi giờ sẽ thế nào. Cũng rất có thể tôi vẫn là một con nghiện hoặc biết đâu lại “xanh cỏ” rồi cũng nên. Lần đầu đến nhà thấy hai mẹ con tôi khổ quá, bà Cỏn đã về vận động mọi người ở phường được một ít tiền rồi đưa cho người hàng xóm nhà tôi, nhờ cô ấy mua gạo và thức ăn cho mẹ con tôi, rồi giúp tôi có công việc, có gia đình nữa”.

Không chỉ có anh Tuấn mới có may mắn ấy mà còn rất nhiều người khác nữa cũng đổi đời nhờ sự giúp đỡ tận tình của bà Cỏn. Trong số ấy phải kể đến anh Lưu Hải Đăng (49 tuổi). Lúc bà Cỏn biết đến anh Đăng cũng chính là lúc anh đang trong hoàn cảnh vô cùng bi đát. Vợ vì chán nản nên bỏ đi, không những thế ngay cả mẹ của anh cũng vì nợ nần nhiều không có khả năng trả nợ nên đã bỏ trốn vào Sài Gòn.

Khi đồng ý tham gia CLB, anh Đăng đã nói với bà Cỏn rằng anh thực sự rất muốn có một chiếc xe máy để đi chở hàng thuê. Trước nguyện vọng chính đáng ấy, bà Cỏn đã đứng ra vay 6 triệu đồng để anh Đăng có thể mua một chiếc xe máy cũ. Có xe, anh Đăng xin đi chở tranh thuê cho một cửa hàng tranh lớn trên đường Nguyễn Thái Học. Đến nay, không những đã có thu nhập ổn định mà anh Đăng còn chuẩn bị cưới vợ. 

“Cách đây mấy hôm tôi gặp Đăng, Đăng còn bảo tôi là nếu bà cần vay tiền cho hội viên nào thì bảo con nhé. Nhiều thì con không có đâu chứ tầm như số tiền mà ngày xưa bà vay cho con thì con có đấy. Nghe nó nói vậy mà tôi mừng quá. Cũng chẳng ai ngờ được là Đăng lại có ngày hôm nay”.

Không chỉ những hội viên được bà Cỏn giúp đỡ mới cảm thấy biết ơn bà mà ngay cả những người thân của họ cũng coi bà như ân nhân. Bà kể: “Có lần tôi đang đi trên đường thì gặp mẹ của Tuấn Anh cũng là một người nghiện lâu năm. Nhìn thấy tôi mẹ Tuấn Anh cười từ xa, tôi mới hỏi là có chuyện gì mà vui thế thì bà ấy bảo: “Hôm qua thằng Tuấn Anh nó về nhà đưa cho em tất tiền lương tháng đầu tiên chị ạ. Thực sự em mừng rơi nước mắt, trước giờ nó chỉ lấy tiền đi, làm gia đình sống không bằng chết mà bây giờ nó tỉnh ngộ, em hy vọng lắm”. Nhìn bà ấy vui mà tôi cũng rưng rưng như thể con trai mình vậy” – bà Cỏn vui mừng kể lại.

Giấy khen của UBND phường Văn Miếu trao tặng bà.

Lần khác, chị Nguyễn Thị Thanh - một thành viên trong CLB B93 ngỏ ý muốn CLB tạo điều kiện cho chị vay vốn để mở một quán cháo lòng. Khi nghe mong muốn của chị Thanh bà Cỏn đã rất băn khoăn. Nhưng rồi bà nghĩ, giờ họ thực sự muốn hoàn lương mà mình lại ngoảnh mặt đi thì mình có tội. Cuối cùng bà quyết định vay tín chấp rồi đầu tư tiền cho chị Thanh làm ăn lương thiện. Bà Cỏn hào hứng khoe: “Nó bán hàng có lộc lắm, cháo bán một nhoáng là hết veo. Giờ nợ cũng trả gần hết rồi. Cũng may, có công ăn việc làm rồi kiếm được ra tiền nên không còn nghĩ đến thuốc nữa”.   

Công việc mà bà Cỏn đã và đang làm thực sự không dễ dàng. Phải tiếp xúc với những con người đã từng là thành phần bất hảo, nếu không phải là tình yêu thương, lòng chân thành thì thật khó có thể cảm hóa họ. Với những đóng góp không hề nhỏ của mình cho công tác xã hội, bà đã nhiều lần được UBND quận Đống Đa khen thưởng. Và CLB B93 phường Văn Miếu cũng là một trong số những địa chỉ hoạt động hiệu quả của thành phố Hà Nội.

Phong Anh
.
.
.