Người hắt hơi ra chèo

Thứ Bảy, 21/02/2015, 07:00
Nói đến tài năng một cây bút người ta thường nói đến yếu tố bẩm sinh tức là năng khiếu và cội nguồn gia truyền, cùng với sự tự rèn luyện, học hỏi, bồi dưỡng kiến thức. Cái may ở Trần Đình Ngôn là ông hội tụ đủ những yếu tố này.

Làng Chèm tôi hồi những năm cuối thập niên 50, đầu 60 của thế kỉ trước có đội cải lương làng có thể dựng cả những kịch bản dài như “Tần Hương Liên”, ”Lý Công”… Có nhẽ cũng là do dân Chèm là dân ngoại thành bán nông bán thương. Ấy vậy nhưng tháng 5 hội làng mở là nhất quyết phải mời cho được một gánh chèo về diễn sân đình trong ba ngày hội. Tôi mê chèo từ bé. Vào đại học lại nghe có ông Béc tôn Bret tận bên Đức xa xôi cũng viết kịch bằng phương pháp gián cách như chèo, khiến tình yêu chèo của tôi gắn thêm sự tò mò học thuật.

Năm ngoái kịch bản “Thầy Chu” của tôi được Nhà hát Chèo Quân đội dựng dưới bàn tay tài hoa của NSND Doãn Hoàng Giang ăn cái giải vàng. Nghe Tự Long đóng Chu Văn An hát trổ xa mạc “nỗi nhớ xa xăm” tuy mình viết ra mà cũng thấy gai hết cả người. Thế nên tôi mới tìm đến đàm đạo với người được anh em trong làng sân khấu Việt Nam gọi một cách rất hề chèo mà tôi nhại là “người hắt hơi cũng ra chèo”    

Đó là Tiến sĩ, tác giả Trần Đình Ngôn. Tôi nghe danh ông đã lâu, nhưng mãi đến năm 2009 – năm đánh dấu tôi thực sự trở lại với làng kịch - mới được trực tiếp gặp. Đó là một người đàn ông nhỏ nhắn, sắp bước vào tuổi thất thập, nhưng dáng vẻ còn nhanh nhẹn. Cặp mắt lanh lợi và khẩu ngữ của ông lộ ra sự hóm hỉnh dân dã của người từng trải. Qua thái độ và trò chuyện của anh em trong trại sáng tác tôi biết thêm về ông - một tác giả tài năng nhất nhì của sân khấu chèo Việt nam- Có lẽ về chèo chỉ sau Tào Mạt – tác giả lừng danh của bộ ba kịch bản “Bài ca giữ nước”.

Hiện nay Trần Đình Ngôn đang là cái bóng lớn phủ lên chiếu chèo Việt Nam bởi ông đang giữ những kỉ lục khó vượt của một tác giả sân khấu nói chung và một tác giả viết chèo nói riêng của nước ta. Tính tới nay ông đã viết 109 kịch bản dài cho sân khấu, trong đó tròn 100 kịch bản chèo của ông được dựng và xuất bản. Đặc biệt trong các hội diễn (HD) sân khấu chuyên nghiệp hơn 40 năm nay thì tên tác giả Trần Đình Ngôn dường như đã chiếm lĩnh và ngự trị với số lượng vở diễn và những giải thưởng được trao.

HD chuyên nghiệp miền Bắc đầu tiên năm 1970, không có huy chương vàng (HCV) thì hai vở chèo “Tấm vóc Đại Hồng” và “Người Dao xuống núi” cùng đoạt huy chương bạc (HCB). Hội diễn 1980 vở “Chiếc nón bài thơ” do Đoàn chèo Hải Phòng dựng đoạt HCV, Trần Đình Ngôn với vai trò đạo diễn vở được tặng giải thưởng đạo diễn xuất sắc. HD 1985 vở “Ngôi sao Hạ Long” của ông do Đoàn chèo Quảng Ninh dựng đoạt HCB. Và bắt đầu từ HD 1995 tiếp theo là sự nở rộ mỗi HD hàng loạt kịch mục dự thi mang tên tác giả kịch bản Trần Đình Ngôn.

HD năm 1995, ông có 4 vở dự thi. Hai vở HCV, hai vở HCB. HD 2000 ông là tác giả của 7 vở mang về cho ông một HCV, hai HCB và một giải thưởng vở diễn xuất sắc dành cho vở diễn “Đêm trăng huyền thoại” viết về HCT của Đoàn chèo Thái Nguyên. HD năm 2005 ông là tác giả của 8 kịch bản tham gia. HD này không trao huy chương nhưng vở “Những vần thơ thép” của ông được nhận giải thưởng dành cho vở diễn xuất sắc nhất. HD 2009 ông có 5 kịch bản, trong đó vở diễn dựng theo kịch bản của ông đoạt giải nhì (không có giải nhất) cuộc thi kịch bản 1000 năm Thăng Long “Danh chiếm bảng vàng” do Đoàn chèo Bắc Giang dựng đoạt HCB, HD 2011 ông có 4 vở dự thi đoạt một HCV, một HCB.

HD 2013 trong đó có vở “Chuông ngân rừng trúc” đoạt HCV cùng với vở diễn “Chu văn An - người thầy của muôn đời” của Nhà hát Chèo Quân đội dựng theo kịch bản “Thầy Chu” của kẻ viết bài này. Đó là chưa kể hàng loạt vở diễn dựng theo kịch bản của Trần Đình Ngôn đoạt các giải HCV, HCB tại các liên hoan Truyền hình toàn quốc như “Của hồi môn”, “Phùng Khắc Khoan”, “Quả cau vàng”… (HCV); “Hoa tuyết trinh “Người  mài  ngọc… (HCB)…

Nhiều kịch bản cũng đoạt giải cao trong các cuộc thi kịch bản do Bộ Văn hoá và HNSSKVN tổ chức như kịch bản “Tiếng sáo quê hương” 1970, “Cô đào và cụ Tam Nguyên” và “Duyên nợ ba sinh (1994), “Đêm trăng huyền thoại”, “Mệnh lệnh thần kì”… Sức hấp dẫn của kịch bản chèo Trần Đình Ngôn còn được ghi nhận khi không ít kịch bản của ông được nhiều đoàn cùng một lúc dàn dựng trong đó tiêu biểu là vở “Chinh phục hai chồng” có tới 16 đoàn dàn dựng…

Nói đến tài năng một cây bút người ta thường nói đến yếu tố bẩm sinh tức là năng khiếu và cội nguồn gia truyền, cùng với sự tự rèn luyện, học hỏi, bồi dưỡng kiến thức. Cái may ở Trần Đình Ngôn là ông hội tụ đủ những yếu tố này.

Quê Trần Đình Ngôn là xã An Bình, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, trung tâm vùng đồng bằng Bắc Bộ. Cùng với Thái Bình là một trong những chiếc nôi của nghệ thuật chèo cổ Việt Nam - sản phẩm đặc trưng của nền văn minh lúa nước - Vì vậy không phải ngẫu nhiên thầy lang Trần Đình Việt, thân sinh ra Trần Đình Ngôn lại rất thuộc các làn điệu chèo. Chính vì nhiễm những làn điệu này từ bé nên ngay từ năm 15 tuổi khi mới là học sinh lớp 5 Trần Đình Ngôn đã viết ca cảnh chèo cho các bạn cùng lớp diễn trong lễ tổng kết niên học.

Năm 1962, sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông gia nhập Đoàn chèo Tả Ngạn (tiền thân Đoàn chèo Hải Phòng sau này) với chức danh “giáo viên bổ túc văn hoá”. Sinh ra từ đất chèo, nhiễm chèo từ nhỏ, lại được đắm mình trong không gian nghệ thuật của một đoàn chèo chuyên nghiệp nên chẳng bao lâu anh giáo viên bổ túc của Đoàn chèo Tả Ngạn đã trở thành một tác giả trụ cột của đoàn. Trần Đình Ngôn với năng khiếu bẩm sinh đã vừa học vừa sáng tác, cùng với sự kinh qua nhiều lớp, nhiều trại sáng tác tập huấn bồi dưỡng nghệ thuật viết kịch do Vụ Nghệ thuật, HNSSKVN tổ chức do các nhà lý luận, sáng tác gạo cội của sân khấu Việt Nam giảng dạy như Đình Quang, Nguyễn Đình Nghi…

Thêm vào đó còn có một yếu tố không thể thiếu để Trần Đình Ngôn trở thành một tác giả chèo vững vàng là sự ham đọc, ham tham khảo khi ông mày mò tìm đọc các công trình nghiên cứu về chèo của Giáo sư Trần Bảng, Hà Văn Cầu, Hoàng Kiều…

Nhưng nói đến Trần Đình Ngôn không chỉ nói đến lượng tác phẩm đồ sộ và khối lượng giải thưởng mà còn nói đến một tác giả luôn vươn mình trong sự học hỏi để vươn tới là một tác giả có trình độ học vấn hàng đầu của sân khấu Việt Nam.

 Đầu tiên phải kể đến bước ngoặt lớn tác động đến con đường học vấn của Trần Đình Ngôn khi ông quyết định theo học tại chức khoa văn Trường Đại học Tổng hợp. Những năm tháng ông theo khoá học dưới sự giảng dạy của các nhà lý luận lớn như giáo sư Hoàng Xuân Nhị, Lê Đình Kị, Hà Minh Đức… đã trang bị cho ông một kiến thức văn học vững vàng. Đây chính là cái nền để khi ông tuy đã là một tác giả thành danh trên sân khấu ông vẫn bền bỉ nghiên cứu để thành Tiến sĩ văn học vào năm 1996 với luận văn mang đề tài “Yếu tố dân gian và yếu tố bác học trong kịch bản chèo”. Chính sự nghiên cứu thành công đề tài này đã giúp cho Trần Đình Ngôn đủ sức tung hoành và sung sức trong lĩnh vực sáng tác sau này.

Một khía cạnh khác có thể cắt nghĩa thêm sự thành công của Trần Đình Ngôn trong sân khấu chèo là con đường hoạn lộ của ông cũng gắn bó mật thiết với nghệ thuật chèo. Năm 1989 sau khi tốt nghiệp khoa văn Trường Đại học Tổng hợp, ông chuyển về công tác tại Tạp chí Sân khấu và Nhà Xuất bản Sân khấu. Trong 9 năm làm công tác biên tập viên, phóng viên chuyên ngành sân khấu thêm một lần mang lại những kiến thức, kinh nghiệm sân khấu, kinh nghiệm sáng tác kịch bản. Ba năm sau, năm 1996 khi thành công với đề tài tốt nghiệp Tiến sĩ về nghệ thuật chèo, ông trở thành giảng viên Trường Đại học Sân khấu Hà Nội cùng vai trò Viện trưởng Viện Sân khấu. Ở vị trí kinh viện này, Trần Đình Ngôn dường như có điều kiện chiêm nghiệm hơn nghệ thuật chèo từ góc độ khoa học.

Trò chuyện với ông, tôi càng hiểu trong con người ông sự hoà quyện đến nhuần nhuyễn một con người chèo dân gian với tất cả vốn liếng của cha ông, quê hương truyền qua với một vị tiến sĩ văn học, một nhà nghiên cứu nghệ thuật chèo. Trần Đình Ngôn là tác giả hiếm hoi có thể thuộc và hát  chuẩn 100 làn điệu trên tổng số hơn 150 làn điệu của nghệ thuật chèo truyền thống. Sự thuộc làn điệu đó đã tạo điều kiện cho ông có thể bộc lộ, mô tả phù hợp các loại tâm trạng của nhân vật, tình huống của câu chuyện trong kịch bản. Bên cạnh đó ông cũng là tác giả của những công trình nghiên cứu công phu về chèo (không ít công trình đã nhận giải thưởng cao) về “Tào Mạt và chèo”, về “Những nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật chèo truyền thống”, về “Nghệ thuật biểu diễn chèo truyền thống”….

Ngồi nói chuyện với ông, tôi tận hưởng đến cùng chất chèo cổ với những nhịp nội nhịp ngoại kì diệu cùng tiếng phách ròn tan mà chỉ có người am hiểu mới diễn đạt được. Cũng qua ông tôi càng hiểu thêm sự gián cách của chèo khác sự gián cách của Béc tôn Brét – tác giả kịch vĩ đại của Đức giữa thế kỉ 20- như thế nào. Hiểu thêm nhân vật hề và các nhân vật hài trong chèo giống và khác nhau ra sao.

Trần Đình Ngôn hấp háy đôi mắt đã chớm bạc màu nhưng vẫn lộ ra chất “quái” của người “hắt hơi cũng ra chèo” nói với tôi một câu ông cho rằng tâm đắc của một người trọn đời với nghệ thụật của cha ông…

…Lâu nay người ta thường đồng nhất sự tồn tại của chèo với đơn vị nghệ thuật mang tên đoàn chèo, nhà hát chèo. Thực ra để tồn tại thì đơn vị nghệ thuật đó phải dàn dựng cả những vở chưa hẳn là chèo và coi đó là giải pháp tình thế. Những tác phẩm này cho dù vẫn lành mạnh, có sức hấp dẫn với khán giả, có vở còn đạt doanh thu cao nhưng không nên ngộ nhận những vở diễn đó là cách đi của chèo, vì xét về mặt thể loại những tác phẩm đó không đạt tiêu chuẩn căn bản của chèo…

Quỳnh Mai 3/1/2015


Nguyễn Hiếu
.
.
.