Người họa sĩ cả đời vẽ chân dung Bác

Thứ Ba, 19/05/2015, 14:00
50 năm, đó là quãng thời gian mà họa sĩ Lê Nguyên Thái (nghệ danh Lê Thái) dành để vẽ những bức tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Chưa một lần được gặp Người, cũng không hề được đào tạo bài bản về mỹ thuật ngoài những giờ sinh hoạt tại nhà văn hóa thành phố, ấy vậy mà vào thời điểm đó, nhắc đến người vẽ chân dung Bác ở thành phố Cảng, người trong nghề lại nhớ tới cái tên Lê Thái…

Cái duyên với nghề vẽ

Sinh năm 1938, cuộc đời của họa sỹ Lê Thái đầy những nỗi gian truân khi mất cả cha lẫn mẹ từ khi còn rất bé. Cậu bé mồ côi chỉ biết lang thang khắp nơi, có những lúc tưởng chừng gục ngã trước những cơn đói, cho đến khi người cô ruột từ xa trở về Hải Phòng đã đón ông về nuôi.

Họa sĩ Lê Thái kể lại, từ khi còn nhỏ ông đã rất đam mê hội họa, có thể ngồi vẽ bất kể lúc nào, chỗ nào. Nơi ông sống lại sát ngay Nhà Văn hóa thành phố, hằng đêm cậu bé nhỏ thó lại trèo lên cửa sổ xem đám trẻ cùng trang lứa đánh đàn, nhảy múa và đặc biệt là lớp vẽ dành cho trẻ em ở cuối nhà văn hóa.

Có lẽ, cơ duyên với nghề vẽ bắt đầu từ đó, trong một buổi tối xem các bạn tập vẽ thì thầy giáo bước tới, dẫn ông vào lớp học. "Sau khi cho tôi vẽ xong bức tranh đầu tiên, thầy giáo cho cả lớp xem và bảo tôi có năng khiếu hội họa. Từ đó tôi theo thầy giáo để học vẽ…", ông Thái kể lại.

Cho đến năm 15 tuổi, những bức tranh do ông vẽ đã mang đường nét của một họa sĩ chuyên nghiệp, nhờ đó ông được chuyển hẳn vào nhà văn hóa thành phố và phụ trách vẽ tranh cổ động cho thành phố Hải Phòng. Ngoài những kỉ niệm đó, năm 1957 cũng là một dấu mốc mà ông ghi nhớ, đó là năm mà cuộc đời ông có một bước ngoặt lớn.

"Nhân kỷ niệm 2 năm ngày giải phóng Hải Phòng, nhạc sĩ Trần Hoàn lúc đó làm Giám đốc nhà văn hóa thành phố có ý muốn làm một việc gì đó có ý nghĩa cho xứng tầm một thành phố lớn của miền Bắc sau những năm giải phóng. Mọi người đồng ý và thống nhất ý kiến vẽ một bức chân dung Bác Hồ treo trước cửa Nhà hát Lớn. Nhưng ai sẽ là người được giao trách nhiệm cao cả ấy? Có rất nhiều người đã vẽ chân dung Bác nhưng với bức chân dung có kích cỡ cao tới 5m thì thật là khó khăn. Sau khi bàn bạc, được sự tin tưởng của mọi người, nhiệm vụ được trao cho tôi, một họa sĩ trẻ khi đó mới tròn 19 tuổi. Vừa vinh dự nhưng thấy trọng trách quá lớn nên tôi thực sự hồi hộp vì chỉ sợ mình vẽ Bác không giống", ông bồi hồi kể lại.

Họa sĩ Lê Thái cùng bức vẽ chân dung Bác cao 9m.

Để hoàn thành trọng trách được giao, ông đã tìm tòi những tư liệu, bức ảnh của Bác và đọc những câu chuyện về Người để nắm được những yếu tố cốt lõi đưa vào bức hình. Ngày ấy, vẽ một bức tranh khổ lớn rất khó khăn vì không có giàn giáo như bây giờ, nên chỉ có thể sử dụng bàn to, bàn nhỏ kê chồng lên nhau để đứng. Dù rất nguy hiểm nhưng người họa sĩ trẻ vẫn cố gắng hoàn thành bức vẽ bằng tất cả khả năng của mình.

Sau một tuần lao động miệt mài, ông đã hoàn thành bức chân dung khổ lớn về Bác và được dựng trước quảng trường Nhà hát. Ông kể lại: "Trong đêm văn nghệ chào mừng ngày giải phóng thành phố, tôi đứng dưới bức chân dung của Bác mà lòng đầy tự hào và kiêu hãnh, không ngờ mình đã hoàn thành được một trọng trách lớn lao như vậy". 

Sau khi hoàn thành bức chân dung lớn về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều người đã rất tin tưởng vào khả năng của họa sĩ trẻ này. Cũng từ đó, mỗi khi nhắc đến những bức tranh chân dung Bác, người ta lại nhắc đến Lê Thái.

Những dấu ấn cuộc đời

Ngày đó, tranh cổ động có sức lan tỏa rất lớn, nhất là những bức tranh về Bác. Với lòng thành kính với Người, họa sĩ Lê Thái luôn suy nghĩ, tìm tòi để cho ra đời được một tác phẩm tốt nhất, động lòng người nhất. Nhưng vào thời điểm đó, để hoàn thành một bức vẽ phải trải qua biết bao nhiêu khó khăn.

Như đã kể trên, để vẽ một bức tranh cổ động khổ lớn không có giàn giáo như bây giờ mà chỉ có bàn to, bàn nhỏ chồng lên nhau cho họa sĩ đứng vẽ. Ngoài ra, nguyên liệu, chất liệu để vẽ cũng rất hiếm, đôi lúc phải lấy màu đen từ muội đèn để vẽ, lấy dép cao su để làm tẩy, dù được nhà văn hóa thành phố tạo điều kiện nhưng cũng không tránh được những sự cố không đáng có.

Họa sĩ Lê Thái bên cạnh danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.

Cũng vì những khó khăn đó mà có một kỉ niệm buồn trong cuộc đời vẽ chân dung Bác mà họa sĩ Lê Thái không thể nào quên, ông kể: "Đó là ngày Bác mất, cả nước khóc thương, người người như đang chìm trong đau khổ và tôi cũng không phải là ngoại lệ. Lúc đó tôi được giao nhiệm vụ vẽ hai bức chân dung của Bác để toàn thể nhân dân thành phố đến viếng. Ngồi vẽ mà nước mắt lưng tròng".

Khi đó, cả thành phố Cảng như xôn xao, người qua lại ngoài đường, tiếng khóc, tiếng xe hòa vào nhau thành một thứ âm thanh hỗn tạp khiến lòng ông rối như tơ vò. Nhưng nghĩ đến nhiệm vụ, phải hoàn thành gấp bức vẽ để sáng hôm sau nhân dân còn đến vĩnh biệt Bác lần cuối, ông gạt nước mắt, tập trung hết tâm trí cho bức vẽ.

Tập trung với màu và bút vẽ, cho tới 3 giờ sáng thì bức vẽ hoàn thành nhưng khi kiểm tra lại thì thấy một lớp bột màu do quá cũ nên bị bong ra, không kết dính được và thế là phải vẽ lại bức khác. Cần phải hoàn thành bức vẽ trước khi trời sáng, nghĩ là làm, ông tập trung toàn bộ sức lực, tâm huyết của mình vào lần vẽ lại này.

Như quên hết mệt mỏi, họa sĩ Lê Thái cặm cụi vẽ để hoàn thành bức chân dung cho kịp, mọi người đứng ngoài chờ bức vẽ hoàn thành cũng lo lắng không kém. Bằng sự cố gắng ấy của mình, bức vẽ cuối cùng cũng hoàn thành như một lời tạ ơn, lời biết ơn sâu sắc của ông tới Hồ Chủ tịch kính yêu. Sự cố lần đó cũng là một kỉ niệm, một sự cố không bao giờ ông có thể quên.

Những bức ảnh kỉ niệm mà ông còn lưu giữ.

Ngoài sự cố nói trên, trong sự nghiệp của mình với hàng trăm, hàng ngàn bức vẽ về Bác, chưa bao giờ ông để "lỡ hẹn". Chia sẻ về khả năng vẽ nhanh nhưng bức nào cũng rất có hồn, họa sĩ Lê Thái cho biết, mọi thứ đều xuất phát từ tình cảm và sự kính yêu với vị Cha già dân tộc.

Tuy chưa một lần được gặp Người, nhưng nhờ tìm hiểu từ nhiều loại tư liệu như ảnh, sách, báo, văn thơ của Bác, về Bác nên ông luôn mường tượng được sự vĩ đại của Người và thể hiện qua bức vẽ. Ngoài ra, chính ông cũng sáng tạo những bức chân dung của Bác với góc nhìn mới đầy tính nhân văn và sinh động như bức tranh "Bác Hồ đánh đàn guitar" thể hiện sự gần gũi của Bác với công nhân lao động Hải Phòng năm 1962.

Chia sẻ về những kỉ lục trong sự nghiệp của mình, ngoài hàng trăm, hàng ngàn bức chân dung Bác, ông còn từng thực hiện một bức chân dung của Người cao 9m, một bức tranh lớn kỉ lục vào thời điểm đó trong dòng tranh cổ động.

Họa sĩ Lê Thái chia sẻ: "Bức chân dung đó được yêu cầu gấp để hoàn thành kịp cho giải phóng Sài Gòn năm 1975. Khi nhận nhiệm vụ quả thực tôi cũng hơi lo vì độ cao đó không thể kê bàn ghế lên được. Tôi cũng là người mắc bệnh sợ độ cao nữa. Sau một hồi suy nghĩ, tôi quyết định cưa đôi bức tranh để vẽ, cắt từ khuy áo thứ 3 của Bác. Hai bức tranh lớn kê cạnh nhau được vẽ một cách gấp rút thế nhưng khi được dựng lên thì không ai biết được rằng nó được ghép từ hai bức tranh". Họa sĩ Lê Thái cũng cho biết, điểm khó nhất khi hoàn thành bức vẽ 9m đó chính là căn chỉnh độ chính xác tuyệt đối của những nét vẽ, đường nối của hai bức vẽ nhỏ hơn.

Nhờ những đóng góp của mình trong sự nghiệp hội họa, văn hóa của nước nhà, năm 2007, họa sĩ Lê Thái được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Ở cái tuổi 77 của mình, ông vẫn cặm cụi bên từng tác phẩm mới về Bác bên trong căn phòng nhỏ trên phố Cầu Đất. Đó cũng là nơi mà ông tìm được sự bình yên, tìm lại được những kỉ niệm một thời quá vãng. 

Lê Ngọc
.
.
.