Người làm thay đổi lịch sử Hy Lạp

Thứ Ba, 17/03/2020, 14:06
Ngày 13/3, lần đầu tiên trong lịch sử Hy Lạp, bà Katerina Sakellaropoulou, 63 tuổi, một thẩm phán cấp cao, chính thức trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hy Lạp trong nhiệm kỳ 5 năm.


Vị Tổng thống đi vào lịch sử

Buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của bà Sakellaropoulou đã được tối giản quy mô, với sự tham dự của khoảng 150 khách mời, thay vì 1.000 khách mời như dự kiến.

Sau diễn văn cảm ơn ngắn ở Quốc hội, bà Sakellaropoulou đã đặt tay lên sách Phúc Âm để chính thức tuyên thệ nhậm chức.

Theo truyền thống, lời tuyên thệ của nguyên thủ quốc gia đã được Đức Tổng Giám mục Athens và toàn Hy Lạp làm chứng trước sự chứng kiến của các thành viên Thượng hội đồng.

Bà Sakellaropoulou tuyên bố nhân danh Chúa Ba Ngôi để bảo vệ Hiến pháp và pháp luật của đất nước, bảo vệ độc lập và chủ quyền của Hy Lạp, bảo vệ tự do và quyền của người dân Hy Lạp, cũng như phục vụ lợi ích của họ.

Theo quy định của Hiến pháp Hy Lạp, Tổng thống nước Cộng hòa Hy Lạp là người đứng đầu Nhà nước của Hy Lạp. Tổng thống được Quốc hội bầu chọn, và vai trò chủ yếu là mang tính nghi lễ kể từ khi cải cách Hiến pháp năm 1986.

Tổng thống là Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang trên danh nghĩa của Hy Lạp và giữ vị trí đầu tiên trong thứ tự ưu tiên của đất nước. Nhưng trên thực tế, Tổng thống chỉ giữ một vai trò chủ yếu là mang tính nghi lễ; Thủ tướng Hy Lạp là người điều hành hoạt động của Chính phủ Hy Lạp và là nhân vật chính trị hàng đầu của đất nước.

Vai trò của Tổng thống được chính thức đưa vào phù hợp với thực hành thực tế của việc sửa đổi Hiến pháp 1986, trong đó giảm quyền hạn chính thức của chức vụ này.

Quyền hạn của Tổng thống Hy Lạp bị hạn chế chủ yếu bởi chức năng đại diện, và không có quyền hành pháp. Tổng thống đại diện cho đất nước trên trường quốc tế, ký kết hiệp ước, bổ nhiệm Thủ tướng và tiếp các đại diện ngoại giao.

Tổng thống Hy Lạp có quyền hạn xác nhận tính hợp hiến của các chính phủ cũng như các đạo luật và về mặt kỹ thuật có quyền hạn tuyên bố chiến tranh, nhưng phải có sự đồng thuận từ phía chính phủ.

Bà Katerina Sakellaropoulou tại lễ nhậm chức Tổng thống.

Trước đó, vào tháng 1/2020, Quốc hội Hy Lạp đã bỏ phiếu với tỷ lệ 261/300 nghị sỹ chấp thuận, theo đó thông qua đề xuất của Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis để bà Sakellaropoulou lên làm Tổng thống. Đây cũng là một trong kết quả đa số lớn nhất trong lịch sử bỏ phiếu tại Quốc hội nước này.

Tại lễ tuyên thệ, bà Sakellaropoulou nhấn mạnh: "Khi một phụ nữ được bầu vào vị trí cao nhất đất nước sẽ giúp cải thiện đời sống những phụ nữ khác, thúc đẩy chị em phấn đấu khẳng định vị thế của mình trong gia đình và xã hội. Đây là lúc để phụ nữ nước này nhận ra rằng họ có thể đạt được những ước mơ bằng chính công việc của mình. Họ sẽ không còn phải đối mặt với những trở ngại nào chỉ vì họ sinh ra là phụ nữ".

Hy Lạp có nữ nghị sỹ đầu tiên vào năm 1953, nữ Bộ trưởng đầu tiên vào năm 1956 và nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên vào năm 2004. Vì vậy việc bà Katerina Sakellaropoulou trở thành tổng thống được coi là dấu ấn trong lịch sử ở "đất nước của các vị thần".

Bà Katerina Sakellaropoulou góp phần đem lại hình ảnh nữ tính hơn cho chính phủ hiện tại của Hy Lạp, đồng thời trung hòa bớt những xung đột chính trị diễn ra tại Hy Lạp. Việc lựa chọn này phá vỡ truyền thống không chỉ vì bà Sakellaropoulou là phụ nữ, mà còn bởi vì bà không phải là thành viên của một đảng chính trị.

Con nhà nòi

Bà Catherine Sakellaropoulou sinh ra ở Thessaloniki năm 1956 và là con gái của một thẩm phán Tòa án Tối cao Hy Lạp.

Năm 1978, bà tốt nghiệp Khoa Luật của Đại học Athens. Sau đó từ 1989 đến 1990, theo học cao học về luật hiến pháp và hành chính tại Đại học Sorbonne.

Năm 1982, bà được bổ nhiệm làm phát ngôn viên của tòa án hành chính tối cao Hy Lạp - Hội đồng Nhà nước, năm 1988, bà được thăng chức.

Năm 2000, bà trở thành cố vấn và năm 2015 - Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Vào tháng 10-2018, bà đã đảm nhận chức Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Bà Catherine Sakellaropoulou là Chủ tịch Hiệp hội Công nhân Tư pháp của Hội đồng Nhà nước (1993-1995 và 2000-2001), Tổng Thư ký (1985-1986) và Phó Chủ tịch Hiệp hội (2006-2008). Bà là thành viên của Ủy ban lập pháp Trung ương (1993-1995).

Năm 2014-2015, bà giảng dạy luật môi trường tại Trường Thẩm phán Quốc gia. Đảm nhiệm vai trò Chủ tịch của Hiệp hội khoa học "Tổ chức luật môi trường Hy Lạp" năm 2015-2019. Ngoài ra bà Catherine Sakellaropoulou cũng là tác giả của nhiều ấn phẩm khoa học về luật hiến pháp và môi trường.

Ông Alexis Tsipras, lãnh đạo của đảng Syriza, mô tả bà Sakellaropoulou là một chuyên gia về luật hiến pháp và môi trường, là vị "thẩm phán đặc biệt" và là người bảo vệ nhân quyền.

Bà Sakellaropoulou là một thẩm phán cấp cao và là một chuyên gia trong lĩnh vực luật môi trường và hiến pháp, quyền tự do dân sự, quyền của người tị nạn suốt gần 40 năm qua. Kể từ năm 2018 đến nay, bà phá vỡ mọi khuôn mẫu giới để trở thành lãnh đạo Tòa Hành chính tối cao của Hy Lạp, còn gọi là Hội đồng Nhà nước.

Bà đề ra những ưu tiên trong nhiệm kỳ Tổng thống của mình là tháo gỡ khủng hoảng kinh tế, vấn đề biến đổi khí hậu và di cư.

Ngọc Trang (tổng hợp)
.
.
.