Người lính blouse trắng trên mặt trận B3

Thứ Năm, 05/02/2015, 20:00
Trong căn nhà thoáng rộng nằm cạnh tượng đài Chiến thắng Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) hình ảnh về Đại tá, bác sĩ quân y Nguyễn Văn Hòa được treo trang trọng trong phòng khách. Ông lưu giữ đầy đủ những ký ức chiến tranh, những tư liệu mà ông trực tiếp mổ thương cho các chiến sĩ ở mặt trận B3 (Quân đoàn 3 – Tây Nguyên) vào trong bộ đĩa. Bàn tay của vị bác sĩ được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp xuất hiện sát sườn trong mỗi trận đánh, luôn là niềm tin và động lực tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ xông pha lên tuyến đầu.

Trên trận tuyến B3

Những tấm ảnh màu trắng đen, nước hình bạc phếch, cũ mốc theo thời gian vẫn luôn được Đại tá, bác sĩ quân y Nguyễn Văn Hòa trân trọng và giữ gìn. Ông là một trong số ít nhân chứng của mặt trận B3 – Quân đoàn 3 Tây Nguyên trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước hiện đang sống tại Tây Nguyên.

Ông sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Thuở thiếu thời, Nguyễn Văn Hòa đã hăm hở tham gia trong các phong trào lớn nhỏ của học sinh, sinh viên miền Bắc. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y dược Hà Nội, ông được cử sang Đức, rồi Trung Quốc kiến tập.

Năm 1963, ông trở về nước và bắt đầu nghiệp cứu người tại Bệnh viện Việt - Đức. Ông may mắn được là học trò của thầy thuốc nổi tiếng, bác sĩ Tôn Thất Tùng. Chính sự dạy bảo, hướng dẫn tận tụy của người thầy đã tôi rèn cho ông bãn lĩnh nghề nghiệp và chuyên môn vững vàng.

Đất nước lâm nguy, cả một thế hệ trẻ như ông thời đó đều sẵn sàng xếp bút nghiên đi theo tiếng gọi của Tổ quốc. Người con trai của mảnh đất Thủ đô yêu dấu tình nguyện xin vào Nam chiến đấu. Lúc này, phía sau ông là người vợ và 3 đứa con thơ dại. Nặng tình với gia đình nhưng tiếng thúc giục của chiến trường với hàng trăm chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu không được chăm sóc về sức khỏe, ông đã hăm hở lên đường.

Một năm ở bên đất bạn Lào làm nhiệm vụ cứu thương, năm 1965, ông được lệnh chuyển lên vùng Tây Nguyên (Quân đoàn 3, mặt trận Tây Nguyên). Lúc này, Mỹ - ngụy đang ráo riết chuẩn bị cho những chiến dịch lớn trải rộng khắp miền Trung và Tây Nguyên. Cả êkíp cứu thương chỉ có mình ông là bác sĩ cùng một số y tá, y sỹ hỗ trợ. Các anh chiến đấu phía trước thì phía sau là trạm xá cứu chữa thương bệnh binh và trực tiếp xử lý những ca bị thương nặng.

Những người lính mặc blouse trắng tuy không trực tiếp cầm súng nhưng bom rơi đạn vãi ở ngay trên đầu, họ có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Nơi mổ xẻ, cứu chữa bộ đội bị thương có khi không kịp đào hầm hào mà phải làm ngay trên mặt đất. Sự sống chỉ được tính bằng giây bằng phút. Ngoài cứu thương, bác sĩ Hòa còn chịu trách nhiệm đào tạo, huấn luyện ngay tại mặt trận cho các y tá, y sĩ chuyên môn, nghiệp vụ.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hòa (bên phải) đang mổ cứu thương cho bộ đội.

Máu của bộ đội đã đổ trên mặt trận này, sự hy sinh của họ âm thầm, lặng lẽ dưới những tán rừng già. Các chiến dịch của bộ đội ta ở mặt trận B3 hầu như luôn có bàn chân của người bác sĩ quân y Nguyễn Văn Hòa. Ông không nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần suýt chết và bao nhiêu lần bị mảnh bom mìn văng trúng người. Vết thương tuy không lấy đi tính mạng của ông nhưng suốt cuộc đời, mỗi khi trái gió trở trời lại đau nhức nhối.

Bàn tay “vàng”

Trong một trận đánh năm 1965, chiến sĩ tên Dương quê ở Hà Nội bị miếng pháo bắn xuyên qua đùi đứt một tinh hoàn. Sau khi cầm máu cho anh Dương, những suy nghĩ trong đầu bác sĩ Hòa cứ đan chằng chịt vào nhau. Từ trước đến giờ, ông chưa gặp phải trường hợp như vậy bao giờ, hơn nữa học trong trường và học từ các chuyên gia nước ngoài chỉ là phương pháp chung, không cụ thể từng trường hợp nào.

Nhìn người lính bị thương nằm bất động, ánh mắt anh nhìn ông thật xót xa, cuối cùng ông quyết định phải hủy bỏ bộ phận sinh dục, đưa bàng quang ra ngoài để cứu mạng sống cho chiến sĩ Dương. Ca phẫu thuật thiếu thốn đủ thứ, từ dụng cụ y tế đến thuốc gây tê. Cuối cùng, sự sống đã hồi sinh ngay trên vùng đất “lửa”. Hiện nay, người lính ấy vẫn còn sống. Tuy anh đã mất đi thiên chức của người đàn ông nhưng anh thấy mình hạnh phúc. Bởi, đó là chiến tranh.

Chiến dịch Mậu Thân 1968, mặt trận Tây Nguyên diễn ra vô cùng ác liệt. Các cánh quân của ta được lệnh tổng công kích vào các trung tâm đầu não của chính quyền Mỹ -  ngụy. Theo đoàn quân ra trận, bệnh viện tiền tuyến có mặt bác sĩ Nguyễn Văn Hòa làm việc cả ngày lẫn đêm dưới ánh trăng giữa những cung đường lửa.

Họ chiến đấu bằng con dao cái kéo và bằng trái tim quả cảm hết lòng vì đồng đội. Trong trận đánh năm 1971, chiến sĩ Y Nhân bị mảnh bom văng trúng người làm gãy xương đùi, vỡ gan, rách bao tử. Máu từ người Y Nhân tuôn chảy xối xả, đồng đội khiêng anh về trạm xá tiền tuyến, ê kíp cứu thương của bác sĩ Nguyễn Văn Hòa tiếp nhận. Việc đầu tiên là nhanh chóng cầm máu cho Y Nhân. Với ca bị thương nặng như vậy, nếu không kịp thời xử lý thì tính mạng con người chỉ có thể tính bằng giây.

Trong cái khó bó cái khôn, bác sĩ Nguyễn Văn Hòa vận dụng bài học từ những người thầy bên Đức, bằng mọi giá giữ lấy mạng sống cho đồng đội. Xương đùi được bó lại bằng băng bông thô sơ, lấy cây nứa, lồ ô chẻ ra rồi nẹp vào đùi. Phần gan bị vỡ phải ghép lại, dạ dày rách được khâu trực tiếp. Thuốc gây mê không có nên phần lớn, các chiến sĩ phải cắn răng chịu đựng.

Đại tá, bác sĩ quân y Nguyễn Văn Hòa.

Dường như sự đau đớn đã biến thành bản năng sinh tồn trong họ. Bác sĩ Hòa cho biết: “Những ca như thế, bác sĩ chúng tôi chỉ cố gắng làm hết sức mình chứ không dám chắc sẽ cứu sống được họ. Y Nhân sống được cho đến tận ngày nay là một kỳ tích ở ngay con người anh. Tập thể bác sĩ chúng tôi chỉ đóng góp một phần nào đó thôi”.

Y Nhân hiện đang ở Tây Nguyên, thỉnh thoảng có dịp họp mặt đồng đội, Y Nhân lại lao đến vị bác sĩ năm xưa đã cứu sống ông, hai ánh mắt nhìn nhau, lại rưng rưng hồi tưởng về một thời gian khổ nhiều hy sinh mất mát.

Còn trường hợp của chiến sĩ Y Linh bị bom nổ dập nát bàn chân, các ngón chân mềm nhũn, rời rạc, hết sự sống. Bác sĩ Hòa nghiên cứu chớp nhoáng với cả ê kíp, là phải làm sao giữ lại được đôi chân cho anh. Nếu như cắt bỏ đi thì sẽ đơn giản nhưng rồi ông nghĩ đến đôi chân ấy đang là một mũi tiến công dồn sức mạnh cho cả một chiến thắng. Ông quyết định sẽ cứu sống bàn chân bằng mọi giá.

Ngoài kỹ thuật giải phẫu ông từng được học, ngay thời khắc đó phải vận dụng kinh nghiệm thực tế trong thực tiễn, cộng với trái tim quả cảm. Vị bác sĩ ngồi tỉ mẩn sắp xếp lại trật tự của từng ngón chân, chỗ nào dập nát, hư hỏng không thể hồi phục ông cắt đi. Điều may mắn là tất cả các ngón chân của Y Linh đều còn nguyên, bác sĩ Hòa rút ngắn bàn chân của Y Linh lại sau đó nối các khớp xương, gân và mạch máu.

Bàn chân Y Linh tuy không lành lặn nhưng vẫn có thể đi lại được mà không phải dùng đến nạng gỗ. Đó là sự kỳ diệu ngoài sức tưởng tượng của y học, nhờ bàn tay “vàng” của người bác sĩ.

Nhớ lại khoảng thời gian sống cùng bom đạn và những ca cứu thương khủng khiếp nhất trong đời làm bác sĩ của mình, bác sĩ Hòa vẫn thấy nó thật kỳ diệu. Hạnh phúc và may mắn đến với tất cả những người lính bị thương được cứu sống. Nhưng trong số đó có những ca chấn thương sọ não mà trong hoàn cảnh rừng thiêng nước độc như thế, các anh đã vĩnh viễn nằm lại với núi non, sông hồ. Là bác sĩ quân y có đôi lần phải đứng nhìn đồng đội mình nằm đó mà không thể cứu sống được, lòng ông đau quặn thắt.

Chiến tranh kết thúc, bác sĩ Nguyễn Văn Hòa chọn mảnh đất Tây Nguyên là quê hương thứ hai của mình và gắn trọn cuộc đời còn lại với nghề y. Gần 40 năm sau cuộc chiến, ông vẫn mải miết đi tìm đồng đội đang ở khắp mọi miền đất nước.

Với cương vị là Trưởng ban liên lạc mặt trận Tây Nguyên, ông là đầu tàu cùng đồng chí đồng đội tổ chức họp mặt truyền thống, thăm lại chiến trường xưa, thắp nén nhang lên nắm đất nơi các anh linh liệt sĩ đã nằm xuống.

Gần 80 tuổi đời, đôi chân ông vẫn không chịu dừng bước. Ông cần mẫn sưu tầm, ghi chép thành những đĩa phim tư liệu khái quát về lịch sử Việt Nam và những công việc thầm lặng của một người lính. Ông làm việc ấy, để lòng thanh thản trước anh linh các liệt sĩ, để truyền lửa cho thế hệ sau này bài học về đạo nghĩa “Uống nước nhớ nguồn”.

Ngọc Thiện
.
.
.