"Người lính không quân hàm" và biệt tài vẽ chân dung qua lời kể

Thứ Bảy, 14/02/2015, 09:30
Tạo hóa cho ông đôi tay và khối óc khác người. Hơn 20 năm ông mải miết với cây bút chì, phác thảo chân dung nhân vật chỉ thông qua lời kể, có độ chính xác trên 90%. Với biệt tài vẽ chân dung tội phạm qua mô phỏng, ông đã cùng lực lượng Công an điều tra, triệt phá nhiều chuyên án lớn. Người ta vẫn nhắc về ông, như là khắc tinh của bọn tội phạm khét tiếng.

Cây bút chì tái hiện anh hùng

Ông vừa trở về từ chuyến đi Định Quán (Đồng Nai), dẫu mệt rã rời nhưng lòng thanh thản bởi bức vẽ anh hùng Điểu Cải vừa được nghiệm thu. Các lời nhận xét đều khẳng định, giống đến hơn 90%. Hành trình phục dựng lại bức chân dung anh hùng Điểu Cải đòi hỏi một sự liên tưởng hình dung xuyên suốt. Người thân và đồng đội của anh hùng Điểu Cải được triệu tập lại, ai nhớ được gì thì kể đó.

Suốt một tháng trời, họa sĩ Võ Tấn Thành (ngụ phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa, Đồng Nai) lặn lội khắp vùng Túc Trưng, quê hương và cũng là nơi anh hùng Điểu Cải hy sinh, tìm gặp những người còn nhớ rõ nhất về liệt sĩ Điểu Cải, nhưng không ai hình dung trọn vẹn khuôn mặt anh Điểu Cải 45 năm về trước.

Anh hùng Điểu Cải (1948 - 1969), là người con ưu tú của dân tộc Choro. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã bắn rơi máy bay Mỹ và dũng cảm hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Những năm tháng khói lửa đạn bom ấy, anh ngã xuống mà không có bất cứ một tấm hình nào để thờ tự. Họa sĩ Tấn Thành dựa vào những ký ức mờ ảo của đồng đội, và hình ảnh ông chú ruột 90 tuổi, để vẽ. Nhưng ông chú ruột thì lại không giống một chút nào anh hùng Điểu Cải.

Anh hùng Điểu Cải được phục dựng thông qua lời kể của đồng đội.

Điểm chung mà mọi người còn nhớ nhất là chiếc cằm dài và chẻ cong. Họa sĩ Tấn Thành mừng lắm, ông nhanh chóng nắm lấy điểm nhấn duy nhất là chiếc cằm chẻ. Đầu tiên, họa sĩ Tấn Thành vẽ phác thảo theo chiều dọc, vẽ một bên má để thấy rõ đường cong của chiếc cằm. Khi đã xác định chính xác, ông bắt đầu vẽ trực diện thông qua lời kể của người chú ruột.

Vốn nổi tiếng trong lĩnh vực vẽ chân dung liệt sĩ, mẹ Việt Nam Anh hùng và tội phạm, đã vẽ hàng trăm bức ký họa, nhưng lần nhận lời vẽ anh hùng Điểu Cải, họa sĩ Tấn Thành không thôi trăn trở. Phải làm sao để dựng lên bức chân dung vị anh hùng của dân tộc Choro với độ chính xác cao. Có những đêm, ông nằm mơ cũng thấy chân dung anh hùng Điểu Cải. Ông lý giải: "Bắt đầu vẽ, tôi luôn tập trung cao độ, dành hết tâm trí và tinh thần vào bức vẽ. Tâm huyết với nó, trăn trở với nó. Và phải suy nghĩ nhiều lắm mới nằm mơ thấy".

Vẽ bằng ngòi bút của một người có tài thôi chưa đủ, đòi hỏi người họa sĩ phải có tấm lòng và trái tim nữa. Điểu Cải là một vị anh hùng tiêu biểu của một dân tộc, vẽ về anh chính là niềm tự hào, hãnh diện của người họa sĩ. Khi bức vẽ hoàn thành, đồng đội và người thân của anh hùng Điểu Cải được mời đến đông đủ để nhận xét, đánh giá. Tất cả đều thảng thốt, ngỡ ngàng trước bức họa có độ giống trên 90%. Nhiều người ôm chầm lấy bức ảnh mà khóc. Hơn 40 năm rồi, họ mới thấy lại người đồng đội thân thương ngày nào.

Quỹ thời gian của ông luôn bận rộn. Hoàn thành xong chân dung anh hùng Điểu Cải, ông lại bắt tay vào vẽ các mẹ Việt Nam Anh hùng khắp ba miền. Mẹ Ma Thị Tịnh (1897 - 1947), tại Bắc Kạn được người thân nhận dạng giống đến 97%. Để phục dựng lại bức chân dung mẹ Ma Thị Tịnh, trước tiên người thân mô tả qua điện thoại cho họa sĩ Tấn Thành hình dung trước. Sau khi phác thảo xong, ông gửi ra cho gia đình xem để góp ý, bổ sung. Lần ký họa đầu tiên chỉ qua mô tả, đã giống lắm rồi, người nhà thấy cần chỉnh lại phần mũi hay phần môi, họa sĩ sẽ điều chỉnh lại.

Họa sĩ Thành cho biết, cái khó nhất của việc ký họa chân dung các mẹ VNAH là thần thái và ánh mắt. Ở mỗi mẹ, đều có một vẻ riêng, nhưng ánh mắt luôn chứa đựng sự hồn hậu chất phác, cam chịu của người phụ nữ Việt Nam. Mẹ Tịnh là người dân tộc Tày, nên phải chỉn chu đến trang phục. Chỉ cần nhìn vào trang phục, cách búi tóc là biết mẹ ở vùng quê nào, dân tộc nào. Vẽ mẹ VNAH Phạm Thị Sâm, tại Bình Phước, thì khó nhất là khuôn mặt. Mỗi người kể một kiểu, mỗi người hình dung một khía cạnh nên họa sĩ không biết phải chọn lựa theo lời kể nào cho giống nhất. Họa sĩ Tấn Thành phải căng óc ra, tập trung hết mức vào từng chi tiết, đồng thời vận dụng kỹ thuật chuyên sâu của ngành giải phẫu mặt, tâm lý học và khoa học hình sự. Dựa vào cấu tạo xương sọ, xương mặt và hốc mắt để điểm xuyết từng li từng tí. Thông qua lời kể, người họa sĩ phải có trí tưởng tượng phong phú, óc quan sát và sự thẩm thấu, đôi khi người họa sĩ phải hóa thân vào bức vẽ. Sự kỳ diệu của cây cọ không nằm ở bàn tay mà nằm trong khối óc.

Họa sĩ Tấn Thành mô phỏng lại quá trình vẽ chân dung anh hùng Điểu Cải.

Mỗi tấm chân dung được hoàn thành, người ta trả ơn ông bằng những giọt nước mắt cảm phục. Họ còn cẩn thận ghi công nhận độ chính xác là bao nhiêu phần trăm và đóng dấu xác nhận của chính quyền địa phương rồi gửi lại cho ông. Ông cho biết, đó là sự chân thật và bằng chứng hùng hồn nhất trên mỗi bức vẽ. Ông lấy ra cho chúng tôi xem một xấp hồ sơ có đóng dấu giáp lai đỏ chót của chính quyền địa phương những nơi ông phục dựng lại chân dung. Ông bảo: "Làm như vậy vừa lưu giữ tư liệu, vừa thể hiện được đầy đủ nhất những việc mình đã làm".

Người lính không quân hàm

Trong nhiều năm qua, một số chuyên án lớn của lực lượng Công an luôn có "chiến sĩ không quân hàm" Võ Tấn Thành lặng lẽ ở phía sau, nhưng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Năm 1999, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và các tỉnh lân cận như TP HCM, Bình Dương, Bình Phước, bọn tội phạm nổi lên ngày một liều lĩnh và manh động. Lợi dụng lúc đêm khuya đột nhập vào nhà, quán ăn thậm chí cả cơ quan nhà nước để cướp, nếu gặp người chúng sẵn sàng kề dao vào cổ uy hiếp. Chúng ngang nhiên chặn xe ôtô đang chạy, đe dọa tài xế để trấn lột tài sản, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân. Chúng dùng nhiều thủ đoạn tinh vi để xóa dấu vết hiện trường sau khi gây án.

Một số Mẹ VNAH mà họa sĩ Tấn Thành vừa thực hiện xong.

Công an vào cuộc, nhưng để truy bắt bọn tội phạm này rất khó vì hầu hết đều không thể nhận dạng. Được sự chỉ đạo của Bộ Công an, Tổng cục Cảnh sát phía Nam, Phân viện khoa học hình sự, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai thời điểm này là Đại tá Nguyễn Phi Hùng - Phó Giám đốc Công an tỉnh (hiện nay là Thiếu tướng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an) đã có sáng kiến vận dụng giải pháp căn bản họa hình mô tả chân dung trong nghiệp vụ. Ban chuyên án mời họa sĩ Võ Tấn Thành tham gia.

Sau một loạt mô tả nhân dạng của các nạn nhân về hung thủ, bằng sự liên tưởng hình dung căn bản, họa sĩ Võ Tấn Thành đã phác thảo ra chân dung tên tội phạm mà khi xem xong các nạn nhân đều khẳng định giống đến 80%. Từ tấm hình phác thảo, Ban chuyên án đã tiến hành xác định đối tượng tình nghi số một là Phó Văn Chính (sinh năm 1963, ngụ tại Bà Rịa - Vũng Tàu) từng có tiền án, tiền sự về tội trộm cắp. Không lâu sau, Phó Văn Chính đã phải tra tay vào còng, hắn ngỡ ngàng không hiểu nổi vì sao lại có tấm hình giống hắn đến như vậy.

Năm 2009, tại tiệm vàng Lan Anh (thị xã Hà Tiên - Kiên Giang), xảy ra vụ cướp 100 lượng vàng. Bọn cướp có vũ khí nóng và sẵn sàng xả đạn nếu như gặp phải sự chống cự. Tiệm vàng Lan Anh có trang bị camera nhưng hình ảnh thu lại sau đó rất mờ, không thể nhận dạng mặc dù đã dùng đến kĩ thuật xử lý hình ảnh tiên tiến nhất. Họa sĩ Võ Tấn Thành là ứng cử viên duy nhất được Ban chuyên án đề cử thực hiện việc phác thảo hung thủ. Ông cùng người con trai (hiện đang học Đại học Cảnh sát nhân dân) theo chân các trinh sát lặn lội khắp các con đường của Hà Tiên lục tìm manh mối và gặp mặt nhân chứng.

Khi tổ chuyên án đang đau đầu tìm manh mối thì khoảng 2 tháng sau đó, tại huyện Tịnh Biên (An Giang) tiếp tục xảy ra vụ cướp tiệm vàng. Bọn cướp có 6 người đều bịt mặt mang theo súng và cướp đi 300 lượng vàng. Nhận định đây có thể là bọn tội phạm người nước ngoài, lực lượng Công an Việt Nam phối hợp với Cảnh sát hoàng gia Campuchia đã truy bắt được băng cướp này.

Nghi vấn đây chính là bọn đã từng thực hiện vụ cướp tiệm vàng Lan Anh trước đó nhưng chúng một mực không khai nhận. Sau khi cán bộ điều tra đưa ra tấm hình một trong các tên cướp do họa sĩ Võ Tấn Thành vẽ thì chúng mới hoảng hồn, cúi đầu nhận tội.

Họa sĩ Tấn Thành tâm sự, dù vẽ rất nhiều chân dung, nhưng điều làm ông hạnh phúc và tự hào nhất vẫn là được vẽ chân dung các anh hùng liệt sĩ và mẹ VNAH. Tuổi 65, ông luôn bận rộn với những chuyến đi dọc dài đất nước. Lắm khi phải lên rừng sâu, ra đảo nhỏ theo đoàn tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Lắm khi phải ngủ bờ bụi, lang thang, vạ vật lề đường cùng các trinh sát đi phá án… Khi cần là sẵn sàng, ông chưa bao giờ từ chối một lời đề nghị nào.

Họa sĩ Võ Tấn Thành sinh năm 1950 tại Đồng Nai. Ông là họa sĩ đã và đang tham gia nhiều chuyên án lớn cùng lực lượng Công an. Ông được Bộ Công an trao Kỉ niệm chương Bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tại hội thi "Sáng tạo công nghệ khoa học" toàn quốc lần thứ 9 (7/2008), công trình nghiên cứu: "Giải pháp căn bản họa hình mô tả chân dung" của ông đoạt giải 3. Ngoài ra, ông là họa sĩ đầu tiên vẽ chân dung Bác Hồ trên gương, họa sĩ vẽ chân dung Anh hùng liệt sĩ và mẹ VNAH nhiều nhất.
Hoa Nguyễn
.
.
.