Người nặng lòng với cuộc tiễu phỉ

Thứ Sáu, 14/10/2016, 14:50
Người lính già ấy cầm trên tay cuốn sách “Tổng kết công tác tiễu phỉ trên địa bàn tỉnh Hà Giang” mà vẫn chưa hết xúc động. Để có được cuốn sách vô giá này, ông chẳng thể nhớ đã “gom góp” bao nhiêu tư liệu, đầu sách. Rồi cả những tháng ngày dài đằng đẵng đi khắp nơi tìm gặp nhân chứng sống.


Ông Phạm Xuân Thủy – nguyên là cán bộ Ban Khoa học lịch sử, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang, người được bạn bè đồng đội nhất mực quý trọng bởi sự đam mê trong nghiệp viết sách của mình.

Tôi còn viết khi còn sức

Trong một chuyến tìm hiểu về cuộc chiến chống phỉ của quân và dân Hà Giang, chúng tôi được rất nhiều người mách tìm gặp ông Phạm Xuân Thủy, người có thể ngồi nói về cuộc chiến ấy cả 1 tuần không hết chuyện. Ông Thủy có thể kể cặn kẽ từng ngày, từng giờ, từng địa điểm xảy ra cuộc chiến.

Ông có thể kể ra hàng loạt những nhân chứng còn sống trong những tháng ngày ác liệt ấy. Quả thực gặp ông, nghe ông tâm sự mới thấy ở cái tuổi “thất thập” của mình thật hiếm có ai yêu sách, yêu viết đến như thế.

Ông Phạm Xuân Thủy kể lại hành trình gian nan viết sách của mình.

Dù sống ở đất Hà Giang, coi nơi đây là quê hương nhưng ông Thủy lại sinh ra tại quê lúa Thái Bình. Cũng như bao thanh niên khác, ông tình nguyện viết đơn xin nhập ngũ. Ông góp mặt trong chiến dịch giải phóng Thủ đô Phnôm Pênh ngày 7-1-1979.

Trong giai đoạn chiến tranh biên giới ở huyện Xí Mần, ông Thủy được điều lên phía Bắc làm cán bộ chỉ huy sau khóa đào tạo sĩ quan đặc công. Yêu cảnh vật, con người Hà Giang ông quyết định sống và coi nơi đây như quê hương thứ hai của mình. Ông Thủy được biết đến là người lính hay chữ, giỏi thơ ca.

Mắt ông như rực lên niềm tự hào khi nói về điều này: “Tôi cũng được anh em nói là hay chữ. Có lẽ cũng được thừa hưởng từ người cha. Ông già tôi trước làm cán bộ xã. Ông có biệt tài làm thơ, chỉ ngồi 15 phút là cho ra một bài thơ, nhiều đám cưới trong làng trước khi đi dự lễ ông thường làm bài thơ sau đó lên đọc góp vui với hai họ”.

Là cán bộ trong ngành Quân đội, tốt nghiệp khóa đào tạo đặc công nhưng ông Thủy dành mọi tâm huyết cho công cuộc viết sách lịch sử. Đưa chúng tôi qua phòng đọc sách, ông giới thiệu bộ sách ông viết suốt trong 27 năm.

Trong số 31 cuốn sách đã xuất bản, ông là tác giả chính của 21 cuốn. Ông Thủy từng được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng 4 bằng khen cho sự nghiệp viết sách của mình.

Ông là người viết khỏe nhất, sở hữu số lượng đầu sách nhiều nhất tỉnh Hà Giang. Ông Bảo: “Cái tuổi của tôi bây giờ là tuổi sang dốc bên kia của cuộc đời rồi. Giờ về hưu vẫn thấy máu viết trong người còn sôi sùng sục. Không thể ngồi yên được. Mỗi năm tôi vẫn đều đặn cho ra 2 cuốn sách đó.

Tôi sẽ viết đến khi nào còn sức. Cho đến hôm nay với mấy chục đầu sách của mình, tôi tâm đắc nhất là 2 cuốn: “Hà Giang lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954 (xuất bản năm 1994) và cuốn “Tổng kết công tác tiễu phỉ trên địa bàn tỉnh Hà Giang 1947-1962” (xuất bản năm 2001).

Ông Lê Hồng Nam là một trong những nhân chứng sống trong cuộc tiễu phỉ ở Hà Giang.

Lý do ông tâm đắc bởi một cuốn là cuốn đầu tay trong sự nghiệp viết sách, và ông đã mất 6 năm để hoàn thành. Còn cuốn thứ 2, ông Thủy mất 4 năm để viết (từ năm 1997 đến 2001), nhưng đó lại là đề tài chưa ai viết và cũng là cuốn sách mang lại tên tuổi cho ông.

Ông Thủy cười hiền hậu nói về quá trình viết sách đầy gian nan của mình: “Tôi như người nghiện viết sách vậy, ngày nào không cầm đến cái bút là ngày đó chưa thể yên. Mặc dù để cho ra một cuốn sách không phải dễ dàng gì. Có lẽ nghề này đã chọn tôi, bởi tôi không phải là người thông minh, giỏi giang, thậm chí còn có tật nói lắp.

Chính vì ăn nói không hoạt bát ấy mà con đường quan chức không phải của tôi, không dành cho tôi. An phận với một chiến sĩ của Đảng, theo đuổi niềm đam mê viết sách, dành hết tâm huyết, tình cảm cho nó. Cho đến bây giờ, tôi đã không ân hận khi lựa chọn nghề này cho mình”.

Hành trình gian nan viết về cuộc tiễu phỉ

Để hoàn thành cuốn sách “Tổng kết công tác tiễu phỉ trên địa bàn tỉnh Hà Giang 1947-1962”, ông Thủy phải mất rất nhiều công sức. Từ sưu tầm vô số các tư liệu, rồi cả những chuyến đi thực tiễn không biết mệt mỏi. Khi hoàn thành, ngồi nhớ lại ông cũng không thể nhớ mình đã phải “gom” tư liệu ở bao nhiêu đầu sách.

Chỉ biết có những đợt ông “ăn nằm” cả tháng bên khoa lưu trữ của tỉnh và quân khu để thu thập những tư liệu gốc. Ông nhớ lại: “Có những đợt tôi ăn nằm ở thư viện cả tháng trời. Đến bữa thì đi ăn, xong lại vào đó tìm đọc, ghi chép. Nhiều lúc còn không nhớ ngày tháng, giờ giấc.

Có lần ra khỏi phòng gặp người quen lại hỏi hôm nay là thứ mấy, ngày bao nhiêu. Lúc đó họ lại vỗ vai cười đùa: “Ông nằm ở đó gần 1 tháng rồi”. Mà sao lúc đó tôi chẳng thấy gì là mệt, cứ miết đi”.

Những điều ấy còn chưa thấm vào đâu với hành trình tìm nhân chứng sống cho cuốn sách thêm sinh động. Nhiều đêm ông vắt tay lên trán mà nghĩ, phải có những nhân chứng sống, phải có những lời kể chân thật nhất thì cuốn sách đó mới có giá trị.

Những hình ảnh, hiện vật quý giá được ông Thủy sử dụng làm tư liệu cho cuốn sách của mình.

Năm 1989, ông quyết định vác ba lô lên đường và đi tìm kiếm những người từng kinh qua. Ông gặp những cán bộ cũ của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tham gia lãnh đạo chống phỉ thời đó.

Ông Thủy kể: “Để tìm được những nhân chứng sống không hề đơn giản. Người còn, người mất rồi họ chuyển nơi sống. Tính ra tôi phải gặp đến vài chục người. Thôi thì vất vả cũng phải cố, mình đầu tư cho nó thì đầu tư cả thể”.

Kể lại hành trình gian nan đi gặp các nhân chứng sống của lịch sử tham gia trực tiếp trong công cuộc tiễu phỉ, ông cho hay: “Ngày ấy kinh phí viết sách chẳng có. Từ năm 1988-1995, tôi tự bỏ tiền lương của mình ra viết sách. Cho đến năm 1995, có chút tiền trợ cấp, nhưng cũng chỉ được 100 nghìn đồng/tháng. Nhưng  tôi thích viết, một mình vác balo, đi rất xa để tìm kiếm những tư liệu “sống” còn sót lại”.

Ông bắt xe ca đi khắp nẻo đường, mang theo cả xoong nồi, gạo nước để nấu nướng dọc đường. Ông đi khắp Hà Giang, Tuyên Quang rồi lộn lên mãi Thái Nguyên, Việt Trì có khi còn xuống cả Hà Nội.

“Các đồng chí giờ có tuổi, người thì theo con đi ở nơi khác, có người già quá tai cũng nghễnh ngãng, người thì trí nhớ cũng không còn được minh mẫn nữa” – ông Thủy nhớ lại.

Những cái tên đến nay ông không thể quên, ấn tượng đến mức suốt trong cuộc trò chuyện với chúng tôi ông Thủy liên tục nhắc đến như: Ma Trung Lâm ở Đồng Hỷ, Thái Nguyên, tham gia giải phóng thị xã Hà Giang, sau làm Tỉnh đội trưởng (giờ đã mất); Vừ Mí Kẻ ở Đồng Văn, Hà Giang, trước làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh, từng là quân của Vương Chí Sình, sau khi được thuyết phục, làm cách mạng). Hành trình tìm nhân chứng sống khó khăn, vất vả đã có lúc tưởng chừng ông bỏ cuộc.

Một mình không phương tiện cá nhân, kinh phí eo hẹp, đường đi lại cách trở. Nhưng sự nhiệt tình của những nhân chứng sống chính là động lực lớn giúp ông tiếp tục với niềm đam mê.

Ông bảo: “Người dân ở nhiều nơi không biết đến phỉ, không nhớ đến phỉ. Nhiều người không biết về tội ác của chúng gây ra với dân tộc ta, đồng bào ta. Tôi muốn lưu lại tất cả, như một lời muốn nhắc nhở con cháu mình nhớ đến một thời oanh liệt, khắc ghi tội ác của chúng”.

Năm 2012, ông Phạm Xuân Thủy nghỉ hưu sau nhiều năm công tác tại Ban Khoa học lịch sử - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên bản tính không ưa sự nhàn nhã, ngày ngày ông vẫn tiếp tục theo đuổi đam mê viết sách của mình.

Chia tay người chiến sĩ già có trái tim nhiệt huyết chúng tôi chỉ mong ông có thật nhiều sức khỏe, còn thật nhiều lửa đam mê để viết tiếp những cuốn sách lưu lại cho mai sau.

Phong Anh
.
.
.