Người thợ sửa xe đam mê sáng chế

Thứ Hai, 27/06/2016, 20:10
Gọi ông Vũ Văn Dung là thợ sửa xe máy hay ông nông dân yêu sáng chế đều đúng. Từ những phế liệu của chiếc xe máy, ông đã chế tạo thành công nhiều máy móc như: Máy đa năng bơm nước và tời lúa, máy cày, máy thái chuối, băm bèo, máy băm đất và mới đây nhất là máy cấy không động cơ áp dụng cho ngành Nông nghiệp thật hiệu quả, giúp bà con nông dân giảm bớt chi phí, công sức và tăng năng suất lao động.


Với những thành tích trên, ông Vũ Văn Dung đã vinh dự nhận được hai giải khuyến khích cho sáng chế máy cày đa năng và máy cấy không động cơ tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Ninh Bình lần thứ VIII (năm 2014-2015).

Đến xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình hỏi nhà ông Vũ Văn Dung, một lão nông chỉ đường: "Cứ đến cửa hàng sửa chữa xe máy Dung Ngân là gặp chú Dung.

Từ những phế liệu của chiếc xe máy, ông Vũ Văn Dung đã chế tạo thành công nhiều máy móc ứng dụng hiệu quả trong ngành nông nghiệp.

Chú coi vậy mà giỏi, mới học hết cấp II mà đã mày mò, sáng tạo ra nhiều loại máy móc áp dụng trong nông nghiệp tốt lắm nhé". Tại cửa hàng sửa chữa xe máy Dung Ngân, tiếp tôi là một người đàn ông khỏe khoắn, nước da ngăm đen, người nhễ nhại mồ hôi.

Đó là ông Dung. Hỏi ra mới biết ông đang tất bật sản xuất các loại máy theo đơn đặt hàng để giao cho khách. Ông cho biết: "Đang có nhiều đơn đặt hàng từ bà con nông dân trong tỉnh và cả những tỉnh bạn như Hà Nam, Thanh Hóa… nên mình đang lăn lưng ra để làm cả ngày lẫn đêm cho kịp vụ cấy Hè - Thu này".

Sinh năm 1963 và lớn lên trên vùng đất thuần nông, thấu hiểu nỗi vất vả nhọc nhằn của người nông dân, đặc biệt là người vợ một nách ba con với bề bộn công việc quanh năm ngày tháng luôn chân, luôn tay nên ông Dung luôn ấp ủ sáng chế được một số loại máy móc giúp giảm sự vất vả của người nông dân trên đồng ruộng.

Tất cả những sáng chế được nảy sinh ý tưởng từ thực tế như máy băm bèo, băm đất… Nhìn bà con nông dân "bơi mình" dưới vùng ruộng trũng mà máy gặt không thể xuống được, gặt tay rồi bó thành từng bó lội vác lên bờ ông cảm thấy xót xa. Qua nhiều đêm mất ngủ ông nghĩ: "Tại sao mình không sáng chế ra cái máy tời lúa nhỉ". Ý tưởng bật ra khỏi đầu trong đêm khuya, ông vùng dậy cầm bút vẽ "nguệch ngoạc" trên tờ giấy học sinh.

Và sau hơn 2 tháng, máy tời lúa ra đời mang lại niềm vui lớn cho không chỉ riêng ông mà còn cho cả bà con nông dân trong xã. Ba sào lúa chỉ dùng một tời kéo là xong. Từ máy tờ lúa ông, thiết kế thêm một cái ống vòi, chỉ việc lắp vào là máy có thêm một chức năng nữa là bơm nước.

Nhà có 5 sào lúa, vì làm nghề sửa chữa xe máy chiếm nhiều thời gian nên ông không giúp được vợ trong công việc đồng áng. Thấy vợ quanh năm vất vả, chân lấm tay bùn, nhất là vào mỗi vụ cấy nên ông nung nấu ý tưởng chế tạo chiếc máy cấy lúa để giúp bà đỡ cực nhọc.

Ba năm trước, ông Dung bắt tay vào thực hiện ý tưởng. "Ai cũng cho rằng tôi không bình thường vì họ nghĩ, chỉ có những nhà khoa học mới sáng chế được máy móc hiện đại. Hơn nữa, chiếc máy cấy nào cũng cần đến động cơ, còn tôi thì đi theo hướng khác", bỏ qua nhiều lời gièm pha ông vẫn quyết tâm thực hiện ý tưởng bằng được.

Nghiên cứu cả năm trời, ông Dung cũng chưa cho ra được chiếc máy như mong muốn. Vẽ mô hình xong lại xóa bỏ vì không đúng với ý tưởng. Cả cuốn vở học sinh ông vẽ nguệch ngoạc những mô hình, bộ phận của chiếc máy cấy. Ông mày mò, nghiên cứu các tài liệu trên mạng đến cả quên ăn.

Ông Dung đã vinh dự nhận được nhiều giải từ các cuộc thi dành cho những nhà sáng chế.

Nhiều đêm đang ngủ mà suy nghĩ được ý tưởng nào tâm đắc ông lại bật dậy ghi chép, vẽ lại. Đầu năm 2015, sau khi đã hoàn thành chi tiết bản vẽ, ông Dung tận dụng vật liệu từ những chiếc xe máy cũ, hỏng và bắt tay vào gia công, lắp ráp chiếc máy cấy.

Tuy nhiên, suy nghĩ ra bản vẽ sáng chế máy cấy đã khó, đến khi bắt tay vào thực hiện mới thấy khó khăn hơn nhiều. Để hoàn thiện chiếc máy cấy, ông Dung phải làm đi làm lại nhiều lần. Cứ mỗi lần hoàn thành chiếc máy đưa vào sử dụng thử thấy chưa phù hợp, ông lại tháo ra nghiên cứu và làm lại.

Toàn bộ chi phí nghiên cứu, sản xuất ra đời chiếc máy cấy đều do ông Dung tự bỏ ra với hàng chục triệu đồng. Nhưng dường như khó khăn không làm ông nản chí, mà càng thôi thúc ông say mê hoàn thành bằng được.

Tháng 10/2015, chiếc máy cấy không động cơ hoàn thiện và đưa vào sử dụng thành công. Máy cấy không động cơ có cấu tạo 3 phần gồm khay để mạ, tay kéo và khung gắp mạ. Khay mạ được làm bằng tôn chống gỉ, khung bằng thép U loại nhỏ, thiết kế nghiêng 45 độ để mạ có thể tự động chảy trượt xuống khung gắp mạ.

Khi mạ trượt xuống đến đâu, tay kéo hoạt động gắp mạ đến đó. Cứ lần lượt 4 cây mạ một gắp sẽ được đưa vào đúng vị trí và khung dập sẽ làm nhiệm vụ cắm mạ xuống đất.

Không tốn nhiên liệu đó là ưu điểm của máy cấy không động cơ, mạ cấy thẳng hàng, khoảng cách giữa các gốc mạ được cố định là 18cm. Máy chỉ nặng 25 - 30kg nên dễ vận chuyển, sửa chữa, sử dụng được trên nhiều loại đồng đất với năng suất cấy một sào cho mỗi giờ làm việc.

Tất cả các bộ phận đều làm rất đơn giản, dễ tháo lắp, dễ sửa chữa và thay thế. Bà con nông dân ai cũng có thể sử dụng được chiếc máy này. Sử dụng máy cấy không động cơ, với diện tích 5 sào lúa chỉ cần 1 người cấy và với thời gian 1 ngày là xong.

Với tính năng ưu việt, bà con quanh vùng đến xem và nhiều người đã đặt ông Dung chế tạo máy cấy. Qua bà con giới thiệu, sản phẩm máy cấy không động cơ của ông Dung được bán ra nhiều tỉnh, thành khác như Hà Nam, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), Thanh Hóa, Nam Định… Đến nay, ông Dung đã sản xuất và tiêu thụ được hơn 100 máy cấy cho thị trường.

Ông Dung giới thiệu máy cấy không động cơ có cấu tạo 3 phần gồm khay để mạ, tay kéo và khung gắp mạ.

Ông chia sẻ: "Hiện tại đơn đặt hàng các loại máy như: Máy băm đất, máy tời - bơm nước và đặc biệt là chuẩn bị vụ cấy Hè - Thu  nên khách đặt máy cấy nhiều lắm vì thế tôi phải tạm nghỉ việc sửa xe máy để chuyên tâm vào sản xuất". Ông cho tôi xem quyển vở học sinh ghi chi chít các địa chỉ, số điện thoại, số tiền đặt cọc của khách hàng.

Hỏi về những dự định trong tương lai, ông Dung thật thà: "Tôi cũng có í định, mở rộng cơ sở, thu nạp nhân tài, những người cùng chí hướng để thành lập tổ hợp, hợp tác xã chuyên sản xuất các thiết bị, máy móc phục vụ cho bà con nông dân và cho nghề nông. Nhưng chưa biết làm thế nào, nghe nói còn phải xin giấy phép… nhiều thứ lắm. Thôi, cứ từ từ rồi tính tiếp".

Tại huyện Yên Mô, nhiều công ty may, da giày đóng trên địa bàn đã thu hút nhiều lao động là những phụ nữ vào làm việc, đã khiến nguồn nhân lực lao động hiếm, đặc biệt là đến vụ cấy, việc thuê người cấy cũng rất khó khăn. Do vậy chiếc máy cấy của ông Dung đã giải quyết được vấn đề này.

Máy tời lúa một sáng chế rất tiện ích cho thửa ruộng vùng chiêm trũng.

Bà Ngân, vợ ông Dung hài hước nói về chồng: "Lọ mọ lắm chú à, suốt ngày, suốt đêm, ngày đầu ông lo nghĩ nhiều về sáng chế, thiết kế mất ăn, mất ngủ, tôi cứ tưởng ông ấy bị hâm. Việc cấy hái hầu như là của đàn bà, nhưng bây giờ có cái máy cấy này thì đàn ông cũng cấy được chú à.

Nhờ có máy móc mà công việc đồng áng của bà con cũng đỡ vất vả hơn". Được biết bà Ngân ngoài công việc gia đình, đồng ruộng, bà còn tham gia rất nhiệt tình việc xã hội. Hiện bà là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xã Yên Mạc.

Chia tay vợ chồng ông Dung, chúng tôi rất ngưỡng mộ những gì ông nghĩ, ông làm và những thành quả ông đã đạt được để giúp cho người nông dân đỡ vất vả, bớt đi cảnh "Những trưa tháng sáu/ Nước như ai nấu/ Chết cả cá cờ/ Cua ngoi lên bờ/ Mẹ em xuống cấy" (thơ Trần Đăng Khoa). Xin chúc ông sức khỏe và có nhiều sáng chế hơn nữa cho bà con nông dân.

Ông Vũ Văn Thể, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Mạc cho biết: "Hiện nay, máy cấy của anh Dung đã được nhiều bà con nông dân áp dụng, để cải tạo sức lao động thì mỗi máy cấy không động cơ làm năng suất trên 10 người. Với địa phương thì chúng tôi coi những sáng chế là hết sức quan trọng, nhằm giải phóng sức lao động và tăng thu nhập cho bà con nhân dân".

Tuấn Trình
.
.
.