Người thổi sáo xuyên thế kỷ

Thứ Năm, 27/10/2016, 08:41
Dòng nhạc dân tộc vốn đã ngấm sâu vào máu thịt người nghệ sĩ nên mỗi khi tiếng sáo hay tiếng đàn bầu cất lên, sự rung cảm về một tình yêu, sự xúc động về một thứ âm thanh trầm bổng, sâu lắng da diết luôn cuốn mọi người về một hướng. Tiền thù lao chẳng đáng là bao nhưng lại thấy vui, thấy hạnh phúc và yêu nghề thật nhiều.


Tiếng sáo át tiếng bom

Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Đỗ Lộc sinh ra trong một gia đình "ngoại đạo" với  nghệ thuật. Cha ông là thợ chạm bạc ở làng Hồng Xâm thuộc huyện Kiến Xương (Thái Bình). Ba tuổi, cậu bé Đỗ Lộc đã biết lấy vỏ cơi trầu của mẹ gảy vào ống điếu của cha để làm đàn kìm.

Tuổi ấu thơ, những chiều hoàng hôn trên triền đê, Đỗ Lộc đã say mê với tiếng sáo diều vi vút trên bầu trời xanh thẳm. 9 tuổi, cậu biết thổi sáo thuần thục. Vốn đam mê từ dạo ấy, niềm yêu thích được nuôi dưỡng lớn dần lên trong tâm hồn thơ mộng, nhiều ao ước của chàng trai quê lúa. Năm 14 tuổi, Đỗ Lộc xuất sắc vượt qua kì thi và trúng tuyển vào Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Nhạc viện Quốc gia Việt Nam). Thỏa chí đam mê, Đỗ Lộc càng hăng say với tiếng sáo, tiếng đàn truyền thống của dân tộc.

Những năm đất nước chìm trong khói lửa chiến tranh, Đỗ Lộc cùng một số anh em hăm hở vào Trường Sơn hát cho bộ đội nghe. Được đi chiến trường là niềm mong mỏi của thế hệ thanh niên lúc bấy giờ. Trên mặt trận văn hóa nghệ thuật, Đỗ Lộc hòa cùng niềm vui, sẻ chia khó khăn, gian khổ với người lính.

Niềm đam mê với sáo dường như không bao giờ cạn với NSND Đỗ Lộc.

Năm 1971, theo chỉ thị của cấp trên, Đoàn Văn công của miền Nam do đồng chí Xuân Hồng làm trưởng đoàn vào mặt trận Trường Sơn mà trọng tâm là chiến trường Quảng Bình - Quảng Trị. Đoàn đi đến đâu, tiếng sáo trong veo, cao vút của người nghệ sĩ bay lên mây ngàn rồi lại trùng xuống len sâu vào tận hầm tối của bộ đội. Hát giữa chiến trường, đâu phải đến đơn vị nào cũng thoải mái căng áo mưa dù lên để diễn.

Tiếng B52 gầm rú inh ỏi trên bầu trời, trực thăng rẽ phạt ngọn cây tìm bóng người ẩn náu. Bom bi rơi vãi như gieo mạ với độ sát thương khủng khiếp. Một lần, đoàn đến trạm cứu thương biểu diễn, tiếp sức tinh thần cho bộ đội và thương binh thì trên bầu trời, từng đợt pháo kích của máy bay rồi những trận giội bom liên hoàn oanh tạc dữ dội.

Tất cả được lệnh sơ tán xuống hầm. Trời vừa êm cũng là lúc tiếng rên la đau đớn của những anh lính vừa bị thương do trúng bom bi vang lên não nề, đau nhói. Không khí nặng nề, căng thẳng hằn rõ trên khuôn mặt của các y, bác sĩ. Từ những hình ảnh đau thương tận mắt chứng kiến, người lính nghệ sĩ chết lặng. Thương đồng đội, căm thù giặc, Đỗ Lộc truyền hết tinh thần vào tiếng sáo. Không gian nặng mùi thuốc súng chợt lắng lại, tiếng rên la đau đớn bỗng im bặt để nghe âm thanh tha thiết của sáo.

Với cây sáo thô sơ, Đỗ Lộc vào từng hầm có thương binh thổi cho họ nghe. Tiếng sáo lúc trầm lúc bổng cứ réo rắt, âm vang ngưng đọng được đầy đủ tình người. Dù mỏi mệt, dù đau đớn nhưng mỗi khi nghe tiếng sáo của Đỗ Lộc, trong ánh mắt của những anh lính tuổi đôi mươi lại ánh lên niềm vui, sự thanh thản. Thế nên, dù có vất vả, khổ cực bao nhiêu, có nguy hiểm nhường nào thì người nghệ sĩ thổi sáo cũng ráng hết sức mình, đó chính là nhiệm vụ thiêng liêng giữa thời chiến.

Dọc dài cung đường Trường Sơn, nghệ sĩ Đỗ Lộc luôn dắt bên mình cuốn nhật ký. Đến đâu, ông đều đưa ra để các anh lính chép cảm nghĩ của mình. Từng dòng chữ, từng nét bút đã phai mờ, ố vàng trên tấm giấy cũ nát, rách mục, nhưng đều là hình bóng những con người thân thương nhất của thời đạn bom. Trải qua nhiều lần luân chuyển, vận hành qua nhiều cung đường gập ghềnh, hiểm nguy, qua dòng thời gian, cuốn nhật ký văn công chiến trường được NSND Đỗ Lộc quý trọng nâng niu như bảo bối của riêng mình.

NSND Đỗ Lộc biểu diễn đàn đá.

Dù đi đâu, làm gì, ở nơi nào thì ông vẫn luôn ý thức được một điều là gìn giữ kỷ vật của các anh bộ đội. Đó không chỉ là tình cảm giữa con người với con người mà còn là dấu tích cuối cùng của một số anh em đã nằm lại trong đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Trong số đó, có những cô gái thanh niên xung phong tuổi đời còn non trẻ. Họ gặp đoàn văn công đi biểu diễn, như bản năng vốn có, họ nắm thật chặt tay người nghệ sĩ không nỡ rời. Sau này ông nhận ra, đó là sự khao khát tình cảm đến cháy bỏng của những người con gái chưa một lần yêu.

Trọn đời với âm thanh dân tộc

Sau giải phóng, NSND Đỗ Lộc chuyển hẳn vào TP Hồ Chí Minh làm việc, ông là một trong những người đầu tiên sáng lập ra đoàn ca múa nhạc dân tộc Bông Sen. Thời hoàng kim của tiếng sáo cũng bắt đầu trỗi dậy mạnh mẽ, hầu như nghệ sĩ Đỗ Lộc không có thời gian cho việc nghỉ ngơi, giải trí.

Nghệ sĩ Đỗ Lộc chia sẻ: "Ngày đó, vì đam mê cống hiến nên chúng tôi không bao giờ nghĩ đến điều gì khác là diễn phục vụ đồng bào hết mình. Dòng nhạc dân tộc vốn là tình yêu máu thịt nên mỗi khi tiếng sáo hay tiếng đàn bầu cất lên, sự rung cảm về một tình yêu đất nước, sự xúc động về một thứ âm thanh trầm bổng, sâu lắng và da diết luôn cuốn cả người nghệ sĩ và khán giả về một hướng. Tiền thù lao chẳng đáng là bao nhưng lại thấy vui, thấy hạnh phúc và yêu nghề biết bao nhiêu".

Nghệ sĩ Đỗ Lộc là đại biểu ưu tú được Bộ Văn hóa cử đi ra nước ngoài biểu diễn. Trong những lần "mang chuông đi đánh xứ người", ông nhớ nhất vẫn là buổi biểu diễn nhân Ngày Văn hóa Việt Nam ở Liên Xô vào năm 1985.

Trước ngày biểu diễn, một đồng chí Bí thư Trung ương bảo rằng, ngày mai, văn hóa nghệ thuật của Việt Nam sẽ lên màn hình của thế giới. Nhận thức được tầm quan trọng, nghệ sĩ Đỗ Lộc đã dồn hết năng lượng cùng đam mê cháy bỏng vào mỗi nốt nhạc, mỗi phím đàn.

Không ngờ, khi diễn xong, một rừng khán giả đồng loạt đứng lên vỗ tay và yêu cầu diễn lại. Mọi người đổ ào về phía ông, tặng hoa, ôm hôn thắm thiết. Có nghệ sĩ đi theo đoàn nắm tay ông thống thiết: "Tôi đi bê đàn suốt đời cho ông cũng được".

Những trang nhật ký văn công vẫn được người nghệ sĩ trân trọng giữ gìn.

Những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, NSND Đỗ Lộc còn nghiên cứu, chế tác đột phá về đàn T'rưng phát ra bốn âm thanh khác nhau (trước đây chỉ phát ra hai âm thanh). Và phương pháp biểu diễn sáng tạo các loại âm thanh phong phú, đa dạng của đàn K'rưng (tức đàn đá ngày nay).

Ông là nghệ sĩ đầu tiên biểu diễn thanh âm đàn đá kể từ khi dụng cụ này được tìm thấy ở Việt Nam. Từ những phiến đá vô tri, những vật dụng quá đỗi bình dị trong đời sống con người đã được NSND Đỗ Lộc truyền lửa, thổi hồn vào khiến nó mang sức sống diệu kì, lung linh sắc màu thiên nhiên.

Hơn nửa thế kỷ gắn đời mình cho nghệ thuật dân tộc, NSND Đỗ Lộc đã phần nào mãn nguyện vì những thành tích mà mình có được. Chỉ có điều, thời hoàng kim của  sáo đã lùi xa. Trầm ngâm, suy tư, NSND Đỗ Lộc tâm sự: "Cái gì cũng có từng thời của nó, xã hội ngày nay tiên tiến rồi, người ta chạy theo xu thế này xu thế nọ. Cho dù tiếng sáo không còn vang lừng như ngày xưa thì nó vẫn không bao giờ chết. Bởi nó là linh hồn và bản sắc của một dân tộc. Bây giờ, mỗi dịp đi biểu diễn, khi tôi cất tiếng sáo lên vẫn là sự sâu lắng, ngọt ngào tràn đầy cảm xúc".

Năm nào cũng vậy, NSND Đỗ Lộc lại cùng anh em nghệ sĩ về lại Quảng Trị, đến nghĩa trang, việc đầu tiên ông thực hiện là thổi một điệu sáo tặng những người lính dưới nấm mộ xanh. Tiếng sáo của ông vẫn da diết, dìu dặt lan sang đôi bờ sông Thạch Hãn, thấm quyện vào hồn người.

NSND Đỗ Lộc tên thật là Đỗ Trọng Lộc, sinh năm 1948. Trong suốt chặng đường âm nhạc của mình, ông đã gặt hái được nhiều thành công. Năm 1981, ông được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho công trình cải tiến và sáng tạo đàn T'rưng, Giải thưởng sáng tạo Thanh niên xã hội chủ nghĩa Moskva năm 1983 về sáo tiêu và nhiều huy chương Vàng, Bạc trong các hội diễn chuyên nghiệp trong nước và quốc tế. Ông được phong danh hiệu NSND năm 1993, khi mới 45 tuổi.
Ngọc Thiện
.
.
.