Người viết nên những "Bài ca hy vọng"

Thứ Hai, 02/11/2020, 13:50
Nhạc sĩ Văn Ký thuộc thế hệ nhạc sĩ gạo cội và là một tên tuổi lớn của nền âm nhạc cách mạng, từng đi qua hai cuộc kháng chiến chống Mỹ và chống Pháp, đến thời bình ông vẫn sáng tác không ngừng nghỉ. Ông đã ra đi, nhưng "Bài ca hy vọng" và những ca khúc của ông sẽ còn mãi với thời gian.


1.Còn nhớ, trong những ngày cả nước đang gồng mình chống dịch COVID-19, nhạc sĩ Văn Ký cho ra đời một sáng tác mới: "COVID phải lùi xa", phổ thơ của nhà thơ Lê Chín. Ông chia sẻ: "Tôi vẫn yêu cuộc sống, vẫn muốn mọi người hát lên những âm điệu tươi trẻ". Bài hát có giai điệu vui tươi, tràn đầy tinh thần lạc quan và niềm tin dập tắt đại dịch, được phát trên sóng truyền hình và phát thanh. Một thời gian sau, ông nhập viện vì căn bệnh hiểm nghèo. Và ngay trong những tháng ngày chống chọi với tuổi già, bệnh tật ấy, ông vẫn tếu táo: "Tôi còn phải sống hơn 20 năm nữa". Nhưng âu cũng là quy luật của cuộc sống. Ông đã sống một cuộc đời sôi nổi, nhiệt thành và cống hiến đến những giây phút cuối đời. Có lẽ, đó cũng chính là những giá trị sống của một thế hệ của những người nghệ sĩ đã từng đi qua chiến tranh, dấn thân và cống hiến cho đất nước.

Nhạc sĩ Văn Ký.

Nhạc sĩ Văn Ký sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở làng Hào Kiệt (xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định). Bố ông là thầy đồ dạy học, mẹ làm nghề nông. Gia đình nghèo nên từ rất sớm, bà nội đã đón Văn Ký vào sống với ông bà tại Hà Trung (Thanh Hóa).

Lớn hơn một chút, ông về ở với chú ruột tại Nông Cống (Thanh Hóa). Chính nơi đây, ông được giác ngộ cách mạng, bí mật tham gia phong trào Việt Minh, bị Pháp bắt giam ở nhà lao Thanh Hóa lúc mới 15 tuổi. 18 tuổi, Văn Ký được kết nạp Đảng, rồi làm Huyện đội trưởng Nông Cống (Thanh Hóa) lúc mới 20 tuổi...

Ông đam mê âm nhạc và tự mày mò học nhạc lý. 18 tuổi, Văn Ký đã có sáng tác đầu tiên mang tên "Trăng non", về một mối tình lãng mạn. Sau một thời gian, ông được cử đi học lớp bồi dưỡng văn hóa văn nghệ ở liên khu, bộ môn âm nhạc. Và nền âm nhạc Việt Nam có thêm một nhạc sĩ tài năng và chuyên nghiệp. Ông sở hữu một gia tài đồ sộ hơn 400 tác phẩm ở cả thanh nhạc, khí nhạc, vũ nhạc và ca kịch, trong đó có nhiều tác phẩm nổi tiếng và được các ca sĩ qua nhiều thế hệ hát trong những ngày trọng đại của đất nước.

Nhạc sĩ Văn Ký nổi tiếng với "Bài ca hy vọng". Ông viết ca khúc này năm ông 30 tuổi. Ông kể: "Mùa xuân năm 1958, từng ca từ của "Bài ca hy vọng'' được bật lên trong tôi một cách tự nhiên. Tình hình đất nước khi đó nhiều khó khăn. Dù vậy, tôi vẫn như nhiều người thời đó có một niềm tin mãnh liệt, chắc chắn vào một ngày mai tốt đẹp, tương lai đón chờ. Thậm chí, tôi muốn bay lên cùng đàn chim đi về tương lai, nên tôi viết: "Về tương lai, ngày quê hương màu xanh áo mới, chứa chan niềm tin/Đường ta đi xanh thắm mộng đời/Về tương lai, đàn chim ơi, cùng ta cất cánh".

Ông mang tác phẩm đến Đài Tiếng nói Việt Nam. Giám đốc đài lúc ấy là ông Trần Lâm đã giao cho nhạc sĩ Phạm Tuyên, Trưởng ban Âm nhạc, bố trí để nhạc sĩ Văn Ký trực tiếp dàn dựng. "Đó là thời kỳ đất nước bị chia cắt, nhưng chân lý "Việt Nam nhất định thắng" và niềm tin sắt đá của những người chiến sĩ cộng sản, của chính bản thân khi nghĩ về hiện tình đất nước, đã khiến cho "Bài ca hy vọng" có sức lan tỏa mạnh mẽ" - tác giả "Bài ca hy vọng" kể. Những năm tháng ấy, qua sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam cũng như qua truyền miệng, học lẫn nhau, "Bài ca hy vọng" đã vượt qua Vĩ tuyến 17, có mặt ở rất nhiều nơi.

2.Không chỉ "Bài ca hy vọng" mà các sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Văn Ký tràn ngập cảm hứng lãng mạn, tươi mới, chất chứa hy vọng về tương lai tươi sáng. Nhà thơ Lê Chín nhận xét rằng ca từ của Văn Ký đầy chất thơ, sâu lắng, dễ đi vào lòng người. Sinh thời ông rất thích hai câu thơ trong bài "Tiếng hát con tàu" của Chế Lan Viên: "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn". Vì thế, ông luôn dành tình cảm trìu mến khi viết về các tỉnh, thành như các ca khúc: "Trời Hà Nội xanh", "Nha Trang mùa thu lại về", "Nam Định yêu thương", "Vũng Tàu bến vui", "Nhớ Đồng Nai", "Tôi yêu Ban Mê"…. "Nhạc của nhạc sĩ Văn Ký luôn mang bản sắc riêng, có hơi thở của đất trời nơi anh từng sống hay đi qua", nhà thơ Lê Chín chia sẻ.

Ca sĩ Đinh Trang, khi làm album để đời của mình đã chọn ca khúc "Bài ca hy vọng" để làm MV. Là một nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc thính phòng, Đinh Trang rất yêu các ca khúc cách mạng của nhạc sĩ Văn Tý. "Tôi rất yêu những ca khúc tràn đầy niềm tin và lạc quan nhưng cũng rất trữ tình, lãng mạn của nhạc sĩ Văn Ký. Và tôi luôn muốn hát để gìn giữ và lan tỏa những ca khúc đó đến giới trẻ".

Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long nhận xét, sáng tác của ông không nặng tính giáo điều, tình yêu đôi lứa gắn với tình yêu quê hương đất nước một cách tự nhiên, mượt mà - thể hiện rõ trong tác phẩm để đời "Bài ca hy vọng". Khi viết ca khúc này, ông mới 30 tuổi, trái tim trong sáng, giàu nhiệt huyết.

Nhạc sĩ Văn Ký thời trẻ.

Mỗi sáng tác của nhạc sĩ Văn Ký đều gắn với một câu chuyện. Như ca khúc "Tây Nguyên bất khuất" được sáng tác từ cảm hứng sau khi đọc xong tiểu thuyết "Đất nước đứng lên" của nhà văn Nguyên Ngọc vào năm 1960. Năm 1983, sau khi "Tây Nguyên bất khuất" ra đời được hơn 20 năm, tác giả mới có dịp vào thăm Tây Nguyên. Năm 1977, khi đến Khánh Hòa, bị quyến rũ bởi vẻ đẹp lộng lẫy nắng vàng của biển Nha Trang, ông vội ghi những cảm xúc dâng trào lên vỏ bao thuốc lá. Sau đó, ca khúc "Nha Trang mùa thu lại về" đã hoàn thiện và giành giải thưởng của tỉnh Khánh Hòa. Giai điệu của bài hát được chọn làm nhạc hiệu của chương trình phát thanh truyền hình tỉnh Khánh Hòa. Ca khúc "Bay lên Việt Nam" cũng là một sáng tác đặc biệt của nhạc sĩ Văn Ký, khiến ông rưng rưng mỗi khi nhắc lại. Ca khúc là cả một quá trình, cả một thời kỳ của cuộc đời sáng tạo của nhạc sĩ Văn Ký.

Sáng tác của nhạc sĩ Văn Ký có giai điệu đẹp, ca từ giàu chất thơ, gợi hình ảnh rõ nét và đậm chất nhân văn sâu sắc như "Tây Nguyên bất khuất", "Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi", "Nha Trang mùa thu lại về", "Trời Hà Nội xanh", "Hà Nội mùa xuân"... Ông còn được mệnh danh là nhạc sĩ của mùa thu. Ngoài ra, nhạc sĩ Văn Ký cũng đã xuất bản 3 đĩa nhạc "Gửi về đất mẹ", "Bầu trời tuổi thơ", "Tiếng đàn người thiếu phụ" gồm các ca khúc phổ thơ.

Những năm cuối đời nhạc sĩ Văn Ký vẫn có nhiều sáng tác mới.

3.Không chỉ nổi tiếng ở mảng ca khúc, trong lĩnh vực khí nhạc, ông còn viết nhiều thể loại như ca cảnh, nhạc múa, ca kịch "Nhật ký sông Thương" (1971), "Đảo xa" (1972), nhạc cho các bộ phim truyện "Cô gái công trường", "Trên vĩ tuyến 17", phim tài liệu "Bác Hồ muôn vàn tình yêu", Tổ khúc thiếu nhi cho piano, biến tấu trên chủ đề ''Xe chỉ luồn kim'' cho cello và piano. Đặc biệt tổ khúc vũ kịch "Kơ Nhí" gồm 7 chương viết cho dàn nhạc giao hưởng, đã được biểu diễn nhiều lần ở Liên Xô (cũ) và Đức, xuất bản ở Maxcơva năm 1989. Đã xuất bản Tập ca khúc Văn Ký và Băng nhạc Văn Ký, 1994.

Nhạc sĩ Văn Ký ra đi để lại một khoảng trống lớn cho âm nhạc Việt Nam. Thế hệ ông, những cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam đã đặt nền tảng cho một nền ca khúc cách mạng hào sảng, tràn đầy niềm tin yêu về đất nước và tương lai. Những bài hát ấy, dù đã đi qua năm tháng và thời gian, dù cuộc sống đã thay đổi nhưng vẫn sẽ đồng hành cùng đất nước và các thế hệ người Việt. Nó góp phần làm nên một phần hào khí của đất nước hôm nay.

Nhạc sĩ Văn Ký sinh năm 1928 tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Ông nổi tiếng với hơn 400 tác phẩm thanh nhạc trải dài cả khí nhạc, nhạc múa, ca kịch... Các sáng tác của ông đi cùng năm tháng, ghi lại dấu ấn những chặng đường lịch sử đấu tranh của dân tộc, trong đó phải kể đến "Bài ca hy vọng" được ông viết năm 1959. Sau một thời gian lâm bệnh, ông đã ra đi sáng ngày 26-10, hưởng thọ 92 tuổi.

Ghi nhận những đóng góp của nhạc sĩ Văn Ký với nền văn học nghệ thuật cách mạng, Đảng, Nhà nước đã tặng ông Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật (2001), Huân chương Độc lập hạng Ba (1961), Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, và nhiều huy chương khác.

Linh Nguyễn
.
.
.