Nguồn sáng

Thứ Ba, 22/09/2020, 11:25
Niên khóa 2020-2024 của Đại học Fulbright Việt Nam có một sinh viên đặc biệt đến từ vùng quê nghèo Hà Tĩnh. Đặc biệt hơn, khi Trần Việt Hoàng bị khiếm thị nhưng em luôn nuôi dưỡng ước mơ đi về phía ánh sáng. Em đã chinh phục học bổng toàn phần của trường đại học danh giá Fulbright.


1. Trong lời phát biểu của mình vào ngày nhập trường, em nói: “Nếu có những lúc trở ngại, hãy tin vào chính bản thân mình, các bạn nhé. Đừng mong trời yên biển lặng, hãy trở thành người chân cứng đá mềm.” 

Năm Hoàng lên năm tuổi, hai mắt em bắt đầu mờ dần. Dù mẹ Hoàng đã làm lụng vất vả, chạy vạy vay mượn để chữa trị mắt cho em, sau hàng chục lần thăm khám tại nhiều bệnh viện khác nhau và 4 lần phẫu thuật tại BV Mắt Trung ương Hà Nội không thành công, Hoàng đã hoàn toàn mất đi thị lực.

 Với cậu học trò trong gia đình nghèo chỉ có người mẹ một mình tần tảo nuôi hai con khôn lớn, cuộc sống tưởng như chìm vào bóng tối. Thế nhưng Hoàng đã không để bản thân bị nhấn chìm bởi khổ đau và tuyệt vọng. Em đã chọn cách vượt qua nghịch cảnh. Nghị lực phi thường và những phẩm chất của cậu học trò đặc biệt đã thuyết phục Hội đồng Tuyển sinh của Fulbright. Hoàng được nhận vào trường với hỗ trợ tài chính toàn phần kèm điều kiện tự học một năm để nâng cao trình độ tiếng Anh.

Trần Việt Hoàng thể hiện tài năng thổi sáo.

Khi Hoàng bước lên và kể câu chuyện cuộc đời em bằng vốn tiếng Anh còn đôi chỗ ngập ngừng nhưng đầy cảm xúc, đó là khoảnh khắc lặng đi của cả khán phòng. Đã có những giọt nước mắt rơi xuống. Có thể đây sẽ là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong những lễ khai giảng ở trường Fulbright. Nhưng thay vì kể về những thử thách, khó khăn khi là một người khiếm thị, Hoàng lại muốn nhắc đến những kỷ niệm ấu thơ bình dị, “những buổi chiều cùng bạn bè đá bóng, những buổi trưa trốn cha mẹ đi câu cá, thả những con diều tự làm trên cánh đồng bát ngát thơm mùi lúa”. “Vì mình tin là, ngay giữa những lúc khó khăn, ta vẫn có thể tận hưởng những điều tốt đẹp”, Hoàng chia sẻ.

2. Nhưng để có được thành công bước đầu đó là cả một hành trình nỗ lực phấn đấu của hai mẹ con Trần Việt Hoàng. Hoàng sinh ra trong một gia đình nghèo ở Can Lộc, Hà Tĩnh, một gia đình thiếu vắng người bố. Từ nhỏ Hoàng đã sớm có ý thức ngoan ngoãn và chăm lo việc học hành. Thế nhưng, càng lớn, đôi mắt Hoàng cứ mờ dần đi. 

Thương xót con, mẹ Hoàng cầm cố nhà cửa vay ngân hàng để tìm mọi cách cứu đôi mắt cho con. Bốn lần phẫu thuật ở Bệnh viện Mắt Trung ương là 4 lần người mẹ ấy thấp thỏm hy vọng. Nhưng căn bệnh bong võng mạc đã đến giai đoạn cuối không thể cứu chữa. Mắt Hoàng mờ hẳn. Hoàng thất vọng, thậm chí tuyệt vọng khi nghĩ rằng, cuộc đời mình sẽ chìm trong bóng tối. “Lúc ấy với em, mọi ước mơ vụt tắt.

 Không còn những ngày tung tăng cùng bạn bè đến trường, những buổi thả diều trên cánh đồng làng. Chỉ còn màn đêm và bóng tối vây quanh không gian chật hẹp bốn bức tường”. Hoàng kể lại những ngày gian khó nhất của mình. Tôi hỏi Hoàng, vậy động lực nào để Hoàng có thể vượt qua những khó khăn đó. “Phải mất một thời gian em bi quan, tuyệt vọng, vì em không nhìn thấy tương lai của mình. Em cứ nghĩ, chẳng lẽ cuộc đời mình chỉ còn là bóng đêm và việc học sẽ dừng lại ở đây sao”. 

Lúc đó em chưa biết đến chữ nổi dành cho người khiếm thị. Nhưng đúng là cuộc sống, khi cánh cửa này khép lại sẽ có một cánh cửa khác mở ra”. Hoàng nói. Các cô ở Hội Người mù huyện Can Lộc biết tin đã đến thăm động viên mẹ con Hoàng và dạy chữ nổi Braille  để Hoàng được tiếp tục đến trường. “Em mừng quá, vậy là cuộc đời em chưa khép lại”. Hoàng kể lại.

Một năm miệt mài học chữ, Hoàng nỗ lực đọc thông viết thạo và trở lại ngôi trường thân yêu cùng bạn bè. Hoàng hiểu, em phải nỗ lực gấp nhiều lần mới đuổi kịp bạn bè. Buổi học đầu tiên, khi nghe cô giáo giảng và động viên Hoàng hiểu bài nhanh, Hoàng đã rơi nước mắt. Vậy là vẫn còn hy vọng… Những khởi đầu đó đã giúp Hoàng lấy lại động lực và quyết tâm chinh phục con đường học vấn. Khiếm thị, không còn là rào cản với những trái tim đầy khát vọng như Hoàng.

Nhưng đằng sau những thành công mà Hoàng có được ngày hôm nay là sự hy sinh tảo tần của mẹ, chị Sen. Làm phụ nữ đơn thân đã muôn vàn khó khăn, mẹ Hoàng còn phải đối diện với những gánh nặng bệnh tật, suy thận. Thế nhưng, vượt qua bệnh tật và sự nghèo khó, người mẹ ấy kiên cường bám trụ để nuôi Hoàng ăn học. 

“Đường đến trường THPT Đồng Lộc hơn 4km, mỗi ngày hai buổi học, 4 chuyến đưa đón trong khi công việc nhà quay như chong chóng, vậy nhưng, chưa bao giờ tôi để con phải bỏ mất buổi học nào. Tôi hiểu, đi học là một niềm vui lớn của con. Tôi cũng muốn con có chữ để thay đổi cuộc đời, không sống cuộc đời vất vả, lầm lũi như mẹ”. 

Vì con, chị Sen từ chối nhập viện điều trị bệnh suy thận mà chỉ lấy thuốc về nhà chữa trị. Chị sợ tốn kém và sợ vắng chị, con không có ai chăm sóc. Hơn ai hết, Hoàng cảm nhận được điều đó. “Nếu không có mẹ, em sẽ không có đủ nghị lực và niềm tin để vượt qua những khó khăn. Mẹ chính là đôi mắt dẫn đường cho em đi. Và có niềm tin, tình yêu của mẹ nên mọi khó khăn của em trở nên nhỏ bé…”. Hoàng tâm sự.

Trần Việt Hoàng chia sẻ trong ngày khai giảng ở đại học Fulbright.

Hiểu được những khó khăn của mình, trong Hoàng luôn nuôi khát vọng học và vươn ra khỏi lũy tre làng. Chỉ có học vấn mới giúp Hoàng làm chủ cuộc đời mình và mở rộng tầm mắt. Hoàng luôn dẫn đầu lớp trong các năm học phổ thông và đạt nhiều thành tích cao như giải thưởng học sinh giỏi tỉnh môn Lịch sử. Với sự hỗ trợ đắc lực của các công cụ học tập dành cho người khiếm thị cùng nỗ lực mạnh mẽ của cá nhân, Hoàng đã bứt phá dẫn đầu lớp về thành tích học tập. 

Năm lớp 11, Hoàng được ra Hà Nội giao lưu với các học sinh khuyết tật tiêu biểu của Thủ đô. Một chân trời mới được mở ra đối với cậu bé từ vùng quê nghèo như Hoàng. “Chuyến đi giúp em hiểu ra nhiều điều. Em được gặp những bạn bè cùng trang lứa, cùng hoàn cảnh đang nỗ lực học tập từng ngày. Đó là động lực giúp em cố gắng hơn, chinh phục những khó khăn để chạm tới ước mơ của mình trong tương lai. Em hiểu, mình sẽ tự viết tương lai cho chính mình chứ không phải ai khác”. 

Tốt nghiệp lớp 12, Hoàng quyết định nộp hồ sơ ứng tuyển vào đại học Fulbright Việt Nam. Hoàng biết đến đại học Fulbright qua sự giới thiệu của người sáng lập Quỹ Khát vọng mà Hoàng là một thành viên. “Bài luận em viết về chính mình, về thực trạng của những người yếu thế. Hiện nay những người khuyết tật chưa nhận được sự quan tâm và tạo điều kiện để phát triển. Và em nhấn mạnh, nếu những người yếu thế được tạo cơ hội, họ có thể làm nên điều kỳ diệu”.

Sau nhiều vòng phỏng vấn, thi cử khắt khe, Hoàng đã nhận được giấy báo trúng tuyển với gói hỗ trợ tài chính trọn gói suốt 4 năm học. Thực tế mỗi năm, trường đại học này chỉ hỗ trợ tài chính toàn phần có 1 đến 2 học sinh giỏi, sáng tạo, có tiềm năng nhưng hoàn cảnh khó khăn. Hồ sơ được chấp thuận ở trường đại học này đã phải vượt qua rất nhiều vòng kiểm tra, thi và phỏng vấn. 

Với tinh thần giáo dục khai phóng, chắc chắn Hoàng sẽ có nhiều cơ hội phát triển bản thân và theo đuổi đam mê của mình trong tương lai.  Nhìn Hoàng đứng trên bục phát biểu trong lễ khai giảng của trường rất chững chạc và tự tin, người mẹ bao năm tảo tần, hy sinh của Hoàng không cầm được nước mắt. Chị khóc vì hạnh phúc. Chị không bao giờ mơ ước lớn như thế, khi con trai chị được nhận vào học ở một môi trường quốc tế- niềm mơ ước của rất nhiều học sinh Việt Nam. Nhưng chị cũng hiểu rằng, nếu có ước mơ và quyết tâm theo đuổi ước mơ thì hoàn cảnh, khuyết tật không còn là một rào cản. Con trai chị đã chứng minh điều đó.

Thúy Phương
.
.
.