Nhà văn Nguyễn Quang Thiều:

Văn học về đề tài Công an luôn quyến rũ bạn đọc

Thứ Năm, 23/07/2015, 07:00
Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là một trong 18 nhà văn được vinh danh nhân kỷ niệm 70 năm những trang sách vàng Công an Nhân dân. Một người làm thơ là chủ yếu, nhưng mỗi khi viết văn xuôi, ông rất thích tiếp cận đề tài Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống, vì sức hấp dẫn của nó đối với công chúng văn học.
- Thưa ông, theo đánh giá của ông, trong văn học, sức hấp dẫn của đề tài Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống, mà chúng ta thường nói ngắn gọn là "đề tài Công an" thể hiện ở những điểm nào?

Trên thế giới, từ rất lâu đã hình thành nên dòng văn học trinh thám, với nhiều tác phẩm rất hay, thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc. Nó phản ánh các hoạt động phản gián, các hoạt động đấu tranh chống các loại tội phạm như tội phạm ma túy, tội phạm tâm lý, tội phạm tình dục, tội phạm dùng bạo lực và rất nhiều hoạt động tội phạm tinh vi khác của con người.

Nhiều tác phẩm ở đề tài này đã đạt tới đỉnh cao của tư tưởng, như "Tội ác và trừng phạt" của Dostoyevsky chẳng hạn. Chúng ta cần thấy rằng bản thân những câu chuyện liên quan đến quá trình biến đổi trong tâm lý tội phạm hay những hoạt động truy bắt tội phạm đã là những bí ẩn, quyến rũ trí tò mò của con người. Vậy nên thật dễ hiểu vì sao những tác phẩm viết về những đề tài này lại được công chúng quan tâm, đón đợi.

Ở Việt Nam, đề tài này được quan tâm muộn hơn, nhưng sức hấp dẫn của nó thì không hề kém. Hình dung lại, có một thời chúng ta đã từng xếp hàng để mua "X30 phá lưới" (tác giả Đặng Thanh).

Ở đó, ngoài mong muốn tìm hiểu những trang viết về công trạng của một cá nhân, thì bản thân các hoạt động truy nã tội phạm là rất kích thích tâm trí người đọc. Trước đây những tác phẩm viết về đề tài này thường đơn điệu, đơn tuyến, nhưng càng ngày các tác phẩm viết về những cuộc đấu tranh chống tội phạm càng ngày càng phong phú đa dạng.

Người ta không chỉ viết về một vụ án đó, một kẻ tội phạm đó, về người đấu tranh chống tội phạm đó, mà người ta viết tất cả những gì phía sau những hành động tội phạm, những hành động đấu tranh chống tội phạm. Khi nào con người hết trí tò mò, khi nào con người không có nhu cầu tìm hiểu những bí mật, thì sức hấp dẫn của đề tài này, tính đặc trưng của đề tài này mới được xóa đi.

- Trong một số cuộc thi gần đây do Hội Nhà văn và Bộ Công an tổ chức,  thường là giải cao được trao cho các tác giả trẻ, cho thấy, người cầm bút trẻ đã để mắt, quan tâm nhiều hơn đến đề tài này. Theo đánh giá của ông, so với các thế hệ đàn anh đi trước, nhà văn trẻ hôm nay có lợi thế gì hơn khi viết về đề tài Công an?

Những thế hệ đi trước do những điều kiện của xã hội, do yêu cầu tuyên truyền hay tính bảo mật của đề tài nên các tác phẩm của họ thường viết về một phía. Họ viết về những tấm gương trong cuộc chiến bảo vệ an ninh xã hội. Nhà văn thường chỉ viết về hành động của người truy bắt tội phạm là chính, ít khai thác những câu chuyện phía sau. Nhưng ngày nay văn học mở ra đa chiều hơn, dân chủ hơn. Biên độ tự do sáng tác mở ra rộng lớn hơn.

Những nhân vật chủ thể làm công việc truy nã tội phạm hiện lên không phải là những cái máy, mà là những con người với đầy đủ các phẩm chất cao đẹp cũng như thấp hèn, sự trong sáng cũng như lòng tham, dục vọng. Những phẩm chất thuộc về con người ấy, có những lúc đã trở thành thách thức lớn với những người đấu tranh chống tội phạm. Thậm chí có những người đã không vượt qua được những thách thức ấy, và họ sa ngã.

Các tác giả trẻ hôm nay, thông qua cách nhìn cởi mở của xã hội về các vấn đề của cuộc sống, họ có điều kiện hơn để viết. Họ đã viết được cả những phần phía sau của những người chống tội phạm, những cán bộ hình sự hay chiến sĩ tình báo. Chính vì lột tả một cách đầy đủ nhất về hình ảnh một người làm công việc khó khăn trong bảo vệ an ninh cuộc sống, nên nhân vật của các tác giả trẻ sống động hơn.

Ở đây tôi không nói họ tài hơn các thế hệ đi trước, mà họ thuận lợi hơn về môi trường sáng tác cũng như việc tiếp cận các tài liệu hay các cách nhìn cởi mở, dân chủ hơn mà viết được tự do, đa chiều hơn. Một số tác phẩm của người trẻ khai thác tốt yếu tố tâm lý của cả người phá án lẫn tội phạm, đấy là ưu điểm nổi bật của họ mà thế hệ trước không có được.

- Thưa ông, chúng ta không phủ nhận sức hấp dẫn của đề tài Công an, nhưng vì sao các tác phẩm về đề tài này, đặc biệt là các tác phẩm hay về đề tài này vẫn còn chưa tương xứng?

Theo tôi, số lượng tác phẩm về đề tài này còn khiêm tốn, hay số lượng nhà văn quan tâm đến đề tài này còn khiêm tốn là có mấy lý do sau đây. Thứ nhất, việc quan niệm đề tài. Không phải không còn những nhà văn nghĩ rằng không thể trở thành nhà văn lớn với đề tài này. Họ cho rằng viết về cuộc đấu tranh chống tội phạm chỉ là câu chuyện ngợi ca, hay mô tả hành động, và chỉ là giải trí cho một bộ phận độc giả.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều tại Ngày thơ Việt Nam 2015.

Họ không vượt qua được những suy nghĩ thiên kiến về đề tài để biến tất cả những câu chuyện mình kể trở thành một đời sống hấp dẫn. Chúng ta đọc những tác phẩm lớn của thế giới và Việt Nam về đề tài này thì thấy rằng, các nhà văn đã viết văn chương thật đẹp, đã lao động sòng phẳng với chính suy nghĩ của mình, không quan niệm đề tài lớn hay nhỏ. Họ kể một câu chuyện phá án đi nữa thì cũng là kể một câu chuyện về con người, về đời sống này.

Nguyên nhân thứ hai cho việc còn ít nhà văn viết về đề tài này ở ta, là nhiều câu chuyện hay, nhiều bí mật vẫn chưa được vén màn, chưa được khám phá. Đây cũng là một vấn đề khó khăn đối với nhà văn. Và cuối cùng là ngay cả khi có tài liệu tốt, không có nhiều người cầm bút có khả năng biến nó thành một tác phẩm văn chương. Tức là người viết chưa đặt vào đó những lý giải xã hội, thông qua việc lý giải tâm lý tội phạm. Người viết vẫn bị nặng tâm lý kể lại vụ việc, vụ án đơn thuần.

- Những cuộc thi sáng tác văn học về đề tài Vì An ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống gần đây do Bộ Công an phối hợp với Hội Nhà văn tổ chức phải chăng là cách nhấn mạnh rằng đã đến lúc văn học chúng ta phải nhìn đề tài này ở một mức độ khác, thưa ông?

Đúng là như vậy. Đã đến lúc chúng ta không cần thiết phải nhấn mạnh chuyện đề tài nữa. Và nếu có, thì nhấn mạnh rằng đây là đề tài hấp dẫn nhất, là mảnh đất màu mỡ nhất cho người cầm bút đến khai phá. Thử nghĩ mà xem, nếu văn học là phương tiện hữu hiệu để phản ánh đời sống con người, với những mặt đa chiều của nó, thì cuộc đấu tranh chống tội phạm, truy bắt tội phạm chẳng phải là cuộc đấu tranh mà ở đó ta nhìn rõ nhất những thử thách đối với nhân cách con người hay sao.

Thường thì người đọc cho rằng những nhà văn mặc sắc phục Công an, những người làm việc trong lực lượng Công an có lợi thế hơn trong tiếp cận tài liệu, chất liệu để sáng tác. Nhưng phải thẳng thắn nói rằng, tác phẩm của họ vẫn chưa đạt tới một tầm vóc như bạn đọc kỳ vọng. Đôi khi tác phẩm hay lại là tác phẩm của nhà văn không ở trong lực lượng. Theo ông, có sự dè dặt nào trong tâm lý cầm bút của nhà văn Công an chăng?

Tôi nghĩ rằng sự dè dặt ấy là cũng có, chứ không phải không. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn lại phải quay về việc họ quan niệm đề tài, như đã nói ở phần trước. Quan niệm viết vụ án vẫn như một hòn sỏi nhỏ cản trở tư duy và cảm hứng của họ.

Một điều nữa là, rất ít nhà văn trong lực lượng Công an dành cả cuộc đời mình để mê đắm, theo đuổi duy nhất đề tài này. Họ nghĩ rằng, họ phải tìm kiếm nhiều đề tài khác nữa để viết. Và viết về đề tài này khó hay, khó có tác phẩm lớn. Đó là ý nghĩ hết sức sai lệch. Trong văn học thế giới có nhiều nhà văn cả đời chỉ theo đuổi dòng văn học trinh thám, và họ trở thành những nhà văn lớn, được công chúng mến mộ.

-   Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Quang Thiều về cuộc trò chuyện này.

Bình Nguyên Trang (thực hiện)
.
.
.