Nhà văn Nguyễn Trương Quý: Đi tìm Hà Nội từ những “vi lịch sử”

Thứ Hai, 09/09/2019, 07:11
Với nhà văn Nguyễn Trương Quý, Hà Nội vẫn là một địa hạt còn rất nhiều khoảng trống để tìm hiểu và nghiên cứu. Huyền thoại về Hà Nội sẽ tiếp tục được tạo dựng nên từ chính những số phận, những con người, những câu chuyện kể mà anh gọi là những “vi lịch sử”.


 - Chúc mừng Nguyễn Trương Quý với cuốn sách “Một thời Hà Nội hát” của anh vừa đoạt Giải thưởng Bùi Xuân Phái  - Vì Tình yêu Hà Nội. Anh viết khá nhiều sách về Hà Nội. Vậy với “Một thời Hà Nội hát” có gì đặc biệt?

- Tôi cũng khá bất ngờ khi nhận được giải thưởng này. Mọi người cho rằng, trao giải là sự ghi nhận về quá trình viết về Hà Nội của tôi, những tình cảm đặc biệt tôi dành cho Hà Nội. Nhiều ý kiến cho rằng, đã có quá nhiều người viết về Hà Nội rồi. Hà Nội là một chủ đề được đào xới, khảo sát rất kỹ từ trước đến nay.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý.

Nhưng theo tôi, đó là cách nhìn khá phiến diện, bởi khi tôi đi tìm những câu chuyện được phân mảnh ra thì còn rất nhiều khoảng trống về Hà Nội. Hà Nội giai đoạn bản lề trước 1954, hoạt động văn hóa giải trí của Hà Nội ra sao, đi xem hát thế nào, các bài hát lãng mạn ra đời trong hoàn cảnh nào?

Trong quá trình đi tìm đó, tôi quan tâm đến những bài hát tân nhạc. Tôi yêu thích nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và có cơ duyên gặp khi ông còn sống. Những bài hát của ông có ảnh hưởng đến sự định hình thẩm mỹ của tôi khi lớn lên.

Tôi trở đi trở lại với đề tài này suốt trong hơn 20 năm bằng những bài tiểu luận ngắn, những tản văn về một không gian âm nhạc đã định nghĩa nên hình ảnh Hà Nội trong kiến văn và trong tư duy của người Việt suốt 60 năm qua. Nên tôi muốn cắt nghĩa sâu hơn cơ chế tạo ra một huyền thoại Hà Nội, ở đây là huyền hoại về sự lãng mạn.

Tôi nhìn thấy Hà Nội như một cộng đồng văn hóa và tôi đi tìm tư liệu về việc nó được bồi đắp ra sao từ các nguyên mẫu còn sống, tư liệu trong thư viện, trong các bộ sưu tập cá nhân, sách vở. Điều giúp tôi giữ được cảm hứng làm việc đó là tôi có cảm xúc với chủ thể đối tượng nghiên cứu, nếu không có tình cảm, đam mê và yêu thích thì công việc đó sẽ rất vất vả.

Anh có nhiều tác phẩm viết về Hà Nội.

- Qua chân dung một nghệ sĩ, anh đã tái hiện lại không gian văn hóa, thẩm mỹ của Hà Nội một thời. Tại sao anh lại chọn nhạc sĩ Đoàn Chuẩn?

- Khi đủ thời gian nhìn lại, Đoàn Chuẩn là một trong không nhiều nhạc sĩ tiền chiến có bản sắc rõ nét với tư cách là một tác giả. Thời điểm đó chúng ta chỉ có một vài cái tên hiếm hoi để nhận diện như thế, đó là nhạc sĩ Văn Cao, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, nhạc sĩ Phạm Duy, họ tạo ra một ý niệm thẩm mỹ riêng.

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn chỉ có 20 tác phẩm thôi và quá nửa bài hát của ông được công chúng yêu thích, tạo ra một dấu ấn sâu đậm trong cộng đồng và người ta mặc nhiên gắn ông với Hà Nội. Những câu chuyện về ông quá phong phú, gia đình ông, con nhà giàu từ Hải Phòng lên Hà Nội, có những cuộc tình lãng mạn… Đoàn Chuẩn trở thành nhân vật trung tâm cho các mối liên hệ với các nhạc sĩ, ca sĩ khác.

Bài hát của ông cũng nằm trong sự chuyển hóa của Hà Nội từ thời kỳ tạm chiếm và đến năm 1954 trở thành Thủ đô của một chính thể độc lập. Có nhiều vấn đề đặt ra để đào bới và khảo sát. Đó là lý do tôi chọn phương án thông qua cuộc đời của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn để dựng lên chân dung lớn đô thị Hà Nội mà những dấu ấn của nó vẫn còn ảnh hưởng đến bây giờ.

- Anh nói, anh đi tìm cơ chế tạo ra một huyền thoại. Vậy huyền thoại Đoàn Chuẩn và sự hào hoa, lãng mạn của Hà Nội được tạo nên như thế nào?

- Về mặt thể tài, chất liệu có thể nó không còn nữa nhưng về mặt cơ chế tạo dựng ra huyền thoại lãng mạn Hà Nội vẫn cứ tiếp tục, nó là một vòng lặp đã được chỉ ra ở nhiều đô thị lớn trên thế giới. Các đô thị thường hấp dẫn bởi những câu chuyện có khả năng chứa đựng những huyền thoại như thế.

Nhà văn Nguyễn Trương Quý (Áo vest đen) nhận giải Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội.

Huyền thoại về Đoàn Chuẩn hào hoa, lãng mạn, giàu sang, rong chơi và chỉ quan tâm đến nghệ thuật và luôn luôn dành mối quan tâm đến các người đẹp. Nó nằm trong của chủ nghĩa lãng mạn kéo dài từ thế kỷ 16-17 ở châu Âu qua ngã văn hóa Pháp và sang Việt Nam. Đoàn Chuẩn thấm chủ nghĩa lãng mạn đó và ở ông có cả sự đan cài của ý niệm lãng mạn nội tại của người Việt. Hai hệ thống thẩm mỹ hòa vào nhau tạo nên một Đoàn Chuẩn và tạo nên thẩm mỹ Hà Nội thời đó.

- Một Hà Nội hào hoa thanh lịch, một Hà Nội lãng mạn, trầm tích. Liệu Hà Nội ấy có sự kết nối với hôm nay không hay chỉ còn trong ký ức, trong sự hoài niệm của những người yêu Hà Nội?

- Ở thời điểm hiện tại, chính quyền và người dân đều cảm thấy nuối tiếc, hoài niệm và muốn níu giữ một Hà Nội lãng mạn, đẹp đẽ như ngày xưa. Trào lưu vintage đang trở thành phổ biến, nhiều người muốn phục hiện lại một giai đoạn mà họ cho đó là đỉnh cao thẩm mỹ. Mặt khác, tìm về hoài niệm là người ta đang mô phỏng cơ chế mới từ các giá trị cũ.

Họ muốn tìm kiếm có tài tử giai nhân nào, có những câu chuyện nào mới, điều đó tạo nên sự hấp dẫn cho các đô thị. Bản thân những người trẻ tìm về quá khứ như một cái bóng để nương tựa vào đó, để biết mình đến từ đâu, nơi mình đi có gì hấp dẫn không hay chỉ là một bãi đất trống. Hà Nội có những trầm tích như thế, ngoài Đoàn Chuẩn còn có các trầm tích khác.

Đó là câu chuyện không bao giờ cũ cả, có thể câu chuyện về chất liệu âm nhạc, giải phổ về giá trị của tác phẩm sẽ không kéo dài nhưng giải phổ về mặt huyền thoại sẽ còn tiếp diễn. Nhưng ngay trong sự tiếp cận với huyền thoại chúng ta cũng đụng đến vấn đề giải thiêng.

Không phải cái gì cũng tuyệt đối, hoàn mỹ cả. Chúng ta rất yêu những cô gái trong âm nhạc của Đoàn Chuẩn, nhưng thực tế, gần như ông chỉ có 1 bài viết cho vợ. Chúng ta không tuyệt đối hóa cái gì hết mà phải nhìn bằng con mắt đa chiều, mỗi thời điểm có một hệ thẩm mỹ, giá trị đạo đức riêng.

- Anh nghĩ gì về trào lưu hoài cổ đó?

- Nhiều người hiện nay muốn khôi phục lại những giá trị đẹp của quá khứ, tạo ra sự đa dạng. Xã hội luôn có nhu cầu kết nối quá khứ và tạo ra cái mới cho tương lai, không thể nói cái nào sẽ thắng thế 100% bởi bằng chứng là các cuộc cách mạng muốn triệt bỏ quá khứ đều thất bại.

Chúng ta đã hiểu quá khứ chưa, chưa chắc đâu. Ngay cả Hà Nội, dù có bao nhiêu cuốn sách về Hà Nội nhưng chúng ta có dám chắc mình đã hiểu hết, còn bao mảnh ghép về Hà Nội bị trống khuyết. Ngành đô thị học của chúng ta còn rất mỏng, chưa chú ý đến số phận con người, những “vi lịch sử”.

Tôi luôn tìm về những câu chuyện nhỏ bởi chính nó sẽ giúp cho các đô thị như Hà Nội cắt nghĩa được bản sắc và định hình được sự phát triển trong tương lai như thế nào. Giờ chúng ta hay nói tới việc xây dựng một Thủ đô thanh lịch thì phải dựa trên nền tảng có sẵn. Nền tảng bắt đầu như thế nào? Bao nhiêu câu chuyện về bản sắc Hà Nội không biết bắt đầu từ đâu, như món phở có từ khi nào, ai là chủ nhân đầu tiên của nó? Chúng ta không có tài liệu, tất cả đều là suy đoán và ước lượng thôi.

- Người ta hay nói về một Hà Nội ngày nay đổi thay theo chiều hướng tiêu cực, một Hà Nội ồn ào, ngột ngạt. Còn Hà Nội trong mắt anh thì sao?

- Tùy từng góc nhìn của người quan sát. Hà Nội bây giờ sống động hơn trước vì nó thu hút dân cư, du lịch tạo ra một chân dung đa diện hơn. Hà Nội có vấn đề về môi trường, không khí, rác thải, cây xanh, quy hoạch khu nhà ở... Nhưng nó may mắn có sự tương tác của con người nên không bị thưa vắng và lạnh lẽo.

Quần cư và tính cộng đồng là một ưu điểm tạo nên đặc thù riêng của Hà Nội, khiến nó chưa bị máy móc, vẫn là một đô thị cổ truyền với quán xá vỉa hè. Tôi nghĩ đó là điều làm nên sức hấp dẫn của Hà Nội. Trong làn sóng đô thị hóa theo kiểu khuôn mẫu thì chúng ta sẽ mất Hà Nội. Với tôi, Hà Nội nên ổn định lại bằng cách bảo tồn giá trị cũ bên cạnh những công trình mới, bảo tồn mà vẫn sinh lợi được chứ không phải là những giá trị bị đóng khung.

Hà Nội đang trong quá trình tiếp biến, vừa muốn bảo tồn, vừa muốn xây dựng, làm sao để hai xu hướng đó gặp nhau để tạo nên cái khung của Hà Nội. Còn phần hồn là những bài ca, những câu chuyện kể, những không gian văn hóa của Hà Nội cũng cần được tạo dựng. Nó làm nên phần hồn, cá tính của một đô thị.

- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện.

Lan Tường (thực hiện)
.
.
.