Nhạc sĩ Phó Đức Phương: Người về cõi Phù Vân

Thứ Năm, 24/09/2020, 08:04
Ông đã ra đi vào một ngày Hà Nội trở gió. Ông bay về cõi Phù Vân nhưng những giai điệu đẹp đẽ của ông sẽ còn ngân vang mãi trong bầu trời âm nhạc Việt Nam, những giai điệu được chưng cất bởi tài năng, bởi tình yêu tha thiết với quê hương, đất nước...

1.Sự ra đi của người nhạc sĩ tài hoa dù không đường đột nhưng nhiều người vẫn bất ngờ bởi với tinh thần sống mạnh mẽ của ông, tất cả vẫn hy vọng ông sẽ còn đủ thời gian để viết tiếp những dự định còn dang dở. Trong đêm nhạc “Khúc hát phiêu ly” bạn bè tổ chức dành tặng ông cách đây 2 tháng, ông còn gửi lời nhắn nhủ” “Tôi sẽ trở lại”. Vậy mà…

Nhạc sĩ Trần Tiến - một người bạn thân thiết của ông trong nhóm “Bộ tứ Sông Hồng” chia sẻ: “Phương đi trước nhé. Nước rồi cũng bốc hơi, ai rồi cũng phải bay về đâu đó. Ta sinh ra là bước vào con đường đi đến cõi chết. Ta không sợ chết, chỉ sợ sống chưa đủ. 

Tôi không biết chắc Phó Đức Phương còn thiếu điều gì chưa làm xong, vợ anh đẹp, con anh khôn, làm nhạc giỏi hơn cha là nhà có phúc. Anh lo cho đồng nghiệp chuyện bản quyền bạc cả tóc. Anh bỏ viết nhạc làm những điều mình cho là đúng. Chắc anh còn điều gì đó mà thấy mình sống chưa đủ. 

Tôi cũng như mọi người Việt yêu nhạc thì thấy anh đã sống đủ rồi. Chỉ cần vài ca khúc để lại trên đời rồi bay đi. Thế là đủ một cái tên nhạc sĩ Phó Đức Phương. Những ca khúc như dấu chim thiêng không phải ai cũng có, rồi sẽ lẫn lộn và bay đi cả đàn rợp trời nhiều thế kỷ, biết dấu chân nào của anh Phương, anh Hoàng Vân, anh Đỗ Nhuận… 

Nhưng ai cũng biết đó là loài chim của thiên đường, của người nhà trời. Ai rồi cũng sẽ chết nhưng mấy ai biết sống sao cho tử tế như anh. Với tôi sống hay chết không quan trọng bằng, bạn có hạnh phúc hay không”.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương.

Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long - thế hệ hậu sinh ngưỡng mộ ông, chia sẻ: “Một nhạc sĩ tài ba, người góp phần tạo diện mạo cho nền âm nhạc đại chúng mang đậm chất Việt. Một nhạc sĩ đa tài, yêu quê hương Việt Nam, yêu vùng quê đồng bằng Bắc bộ và yêu quê ngoại Kinh Bắc trong từng nốt nhạc, lời ca. 

Một nhạc sĩ không ngại tiếp nạp những mới mẻ của âm nhạc đương thời mà giới trẻ đang tiếp nối và sáng tạo. Tôi còn nhớ cách đây chưa lâu, khi hai chú cháu cùng là khách mời tham gia một chương trình do nhà phê bình văn học Nguyễn Hoài Nam dẫn dắt, sau khi quay xong, 3 chú cháu xuống quán cafe trên phố Hàng Trống ngồi trò chuyện, ông nói ông thực sự hứng thú với âm nhạc của các bạn trẻ. 

Hai gương mặt ông ấn tượng nhất và sẵn sàng tham gia trong nhóm cùng sáng tạo là Hoàng Thuỳ Linh và Phùng Khánh Linh. Trước đó không lâu, cũng những năm thuộc giai đoạn cuối của sự nghiệp sáng tác, tôi thực sự ấn tượng với ca khúc “Tửu ca” với sự góp mặt của Thanh Ngoan, Thanh Thanh Hiền. 

Tất nhiên nó không phải ca khúc tiêu biểu nhất gắn với tên tuổi Phó Đức Phương nhưng nó thể hiện chất "điên", chất riêng, như vừa thoát tục như vừa vấn vít bụi trần. Gió mùa Đông Bắc và mưa ở Hà Nội ngày hôm nay sẽ đưa Phó Đức Phương về chốn phiêu diêu đỉnh thiêng Yên Tử, sẽ đưa ông về chốn bình yên rong ruổi khắp miền Kinh Bắc. Vĩnh biệt người nhạc sĩ tài ba”.

Còn ca sĩ Tùng Dương, người gắn bó nhiều năm với nhạc sĩ Phó Đức Phương ngậm ngùi: “Nghe những “Trên đỉnh Phù Vân”, “Một thoáng Tây Hồ”, “Thần chim lạc”, “Bên dòng sông Cái”, “Chảy đi sông ơi” của Phó Đức Phương, đủ biết cái tình của ông với quê hương, vừa phơi phới rộng mở lại cũng vừa thăm thẳm ưu tư, dù có trèo non hay xuống bể thì cuối cùng vẫn nặng tình với “bánh đa bánh đúc” quê mình. 

Dù cùng đi qua và nếm trải những hệ lụy, cú sốc của chiến tranh, hậu chiến rồi những năm tháng khó khăn của thời bao cấp, những thử thách của thời kinh tế thị trường… nhưng kỳ lạ sao trong âm nhạc của họ - Bộ tứ sông Hồng ta chỉ thấy những niềm vui phơi phới của cánh buồm căng no gió, của những cái ngẩng đầu, hoặc nếu có buồn thì cũng đều là những nỗi buồn thật đẹp, thật thoát tục chứ chưa bao giờ bế tắc, bi lụy hay vỡ vụn, bất mãn”.

Giờ thì Bộ tứ sông Hồng, những tráng sĩ ôm giấc mộng lớn một thời cho âm nhạc Việt Nam ấy, nhạc sĩ Trần Tiến, nhạc sĩ Dương Thụ, nhạc sĩ Nguyễn Cường và nhạc sĩ Phó Đức Phương, đã vắng bóng một người. Mỗi người trong họ là một bản sắc riêng, đã viết nên những giai điệu đẹp về cuộc đời, về đời sống. Và có thể nói, họ đã góp phần viết lên một giai đoạn rực rỡ cho nền thanh nhạc Việt Nam, tiếp nối dòng chảy âm nhạc của các bậc tiền bối. 

Bộ Tứ sông Hồng và đêm nhạc mà ca sĩ Tùng Dương tham gia.

2. Tôi có hai lần ngồi trò chuyện cùng ông. Một lần về công tác bản quyền âm nhạc mà ông “vác tù và hàng tổng” với nhiều công sức và cũng không ít những điều tiếng. Nhưng nếu không có sự tiên phong của ông, câu chuyện bản quyền âm nhạc của Việt Nam không hiểu sẽ đi về đâu.

Một lần khác, tôi có dịp trò chuyện với ông về cuộc đời và âm nhạc nhân dịp lần đầu tiên sau hơn 70 năm làm nhạc, ông có một live show riêng của mình, “Chảy đi sông ơi” ở Nhà hát Lớn Hà Nội. 

Cuộc trò chuyện diễn ra tại phòng làm việc nhỏ bé của ông ở Trung tâm Tác quyền âm nhạc. Ông lúc nào cũng nhiệt thành, sôi nổi; câu chuyện của ông về âm nhạc sẽ miên man sang câu chuyện văn hóa, lịch sử. 

Ông là người có vốn kiến thức văn sâu rộng, vì thế mà âm nhạc Phó Đức Phương không chỉ đẹp ở giai điệu, không chỉ quyến rũ ở ca từ mà cả chiều sâu của triết lý, nhân sinh quan và những ý niệm về đời sống, sự tự do, cái chết…

Đêm nhạc “Khúc hát Phiêu ly” do bạn bè nghệ sĩ tổ chức dành tặng ông.

Với nhạc sĩ Phó Đức Phương, ông đã sống trọn vẹn một cuộc đời ý nghĩa, nhiệt thành và cống hiến, dám thử nghiệm mình ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông đã bay về đỉnh Phù Vân nhưng nhân gian sẽ còn ngân mãi những giai điệu âm nhạc đẹp của ông. 

Với một nghệ sĩ, chỉ một vài bài hát để lại đã là hạnh phúc. Còn ông đã để lại cho kho tàng âm nhạc Việt cả một gia tài. Ông có tới vài trăm bài hát, bài nào cũng đọng lại rất sâu trong tâm trí người nghe: “Chảy đi sông ơi”, “Cánh đồng tình yêu”, “Con sông tuổi thơ”, “Hồ trên núi”, “Huyền thoại hồ núi Cốc”, “Không thể và có thể”, “Trên đỉnh Phù vân”, “Vũ khúc con cò”… 

Và rất lạ, nhiều bài trong gia tài ông để lại được viết theo đơn đặt hàng. Nhà văn Trần Thị Trường chia sẻ: “Gần như bài hát của ông đều bắt đầu từ những đặt hàng. Bài “Về quê” cũng là nhận đặt hàng mà viết. Nhưng vừa viết vừa khóc: "Đưa nhau ta thì về/ Đưa nhau ta thì về nơi mẹ đưa nôi/ Nơi sáo diều chơi vơi/ Với dòng sông bên lở bên bồi/ Bao nhiêu năm theo dòng đời đua chen /Phiêu bạt nơi phồn hoa cát bụi/ Đôi khi cánh cò xưa lạc vào giấc mơ tôi/ Nước qua cầu thời gian trôi mau/ Nơi bền lâu là nơi lắng sâu/ Thiếu quê hương ta về, ta về đâu?". 

Tác giả khóc, người nghe khóc, vì đó là những lời của trái tim, của nỗi nhớ và tình yêu khôn nguôi về quê hương đất nước. “Trên đỉnh Phù Vân” Phó Đức Phương cũng viết theo hợp đồng cho vở kịch của Đoàn kịch Hải Phòng. 

Ông bảo, chả cứ “Trên đỉnh phù vân” mà “Chảy đi sông ơi” cũng một bài từ thất tình mà thành”. Những bài hát viết theo đơn đặt hàng nhưng đều trở thành những ca khúc nằm lòng trong trái tim khán giả, điều đó một lần nữa minh chứng cho tài năng của người nhạc sĩ.

Tài hoa là thế, công việc bận rộn là thế và danh tiếng là thế nhưng ông sống một cuộc đời giản dị trong ngôi nhà hơn 40m2 ở ngõ Văn Chương. Trong nhà không có gì đáng giá ngoài cây đàn piano. 

Đến tận năm 2017, gia đình ông mới chuyển về ngôi nhà rộng rãi hơn ở Âu Cơ. Ông tự nhận mình là dân nghèo thành thị. Nhưng ông có một gia đình hạnh phúc, con cái trưởng thành. Âu đó cũng là sự bù đắp của cuộc đời cho ông, người tận tụy, tận hiến cuộc đời cho âm nhạc, cho những lý tưởng mà ông theo đuổi.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh năm 1944, quê ở Đa Ngưu, Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Năm 1962, ông học Khoa Toán trường Đại học Sư phạm. Năm 1965, ra trường, Phó Đức Phương vào làm công nhân ở nông trường tại Hòa Bình. 

Một năm sau, năm 1966, ông thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam (tiền thân của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Cũng trong năm đó, ông nổi tiếng với ca khúc "Những cô gái quan họ" sáng tác giữa lúc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Ông từng là Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và cũng từng đảm nhận vai trò Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội. 

Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm: “Những cô gái quan họ”, “Hồ trên núi”, “Một thoáng Tây Hồ”, “Nha Trang thu”, “Trên đỉnh Phù Vân”, “Chảy đi sông ơi”, “Không thể và có thể”, “Về quê”.

Lan Tường
.
.
.