Nhạc sĩ Thiên Ngôn: Âm nhạc thăng hoa từ tình yêu

Thứ Ba, 21/03/2017, 17:06
Sinh ra đã không may mắn - mắc phải căn bệnh bại não thể co cứng, nhưng Vũ Quốc Hùng (tên thật của nhạc sĩ Thiên Ngôn) đã vượt qua được số phận khi chỉ với vài ngón tay cử động, anh đã tự học đàn, tự học sáng tác và trở thành tác giả của một loạt ca khúc hit của các ca sĩ trẻ.

Đã có thời gian Hùng loay hoay tìm kiếm chủ đề sáng tác cho mình nhưng không được kết quả như mong muốn. Chỉ đến khi tình yêu đầu tan vỡ thì cũng là lúc âm nhạc của Hùng thăng hoa.

Chàng nhạc sĩ có nghị lực phi thường.

Nếu ai đã từng nghe những ca khúc hit “Đừng bắt em phải quên” và “Em muốn quên” (Miu Lê), “Dù không là định mệnh” (Minh Vương M4U), “Hạnh phúc của anh” (Tăng Nhật Tuệ), “Người đứng sau em” và “Anh vẫn quen có em” (Hồng Dương M4U), “Nụ cười hạnh phúc” (Vũ Duy Khánh)... chắc không thể nào quên những giai điệu da diết, ngọt ngào của tình yêu đôi lứa. Giận hờn, chia xa, nhung nhớ, những cung bậc cảm xúc của tình yêu được tác giả diễn tả chân thực bởi đó cũng chính là những cảm xúc thật của chính tác giả.

Những ca khúc này được tìm kiếm và được nghe nhiều trên YouTube và bảng xếp hạng zing. Thế nhưng, để viết được những ca khúc hay như thế, Thiên Ngôn đã phải trải qua suốt một thời gian dài loay hoay tìm kiếm cảm xúc trong âm nhạc.

Thiên Ngôn là một nhạc sĩ đặc biệt của âm nhạc Việt Nam. Một nhạc sĩ hiếm hoi tự học đàn, học sáng tác ở nhà vì mắc bệnh bại não bẩm sinh. Nhiều ca sĩ dù đã tạo được hit suốt một thời gian dài nhưng đến tận bây giờ mới biết được hoàn cảnh đặc biệt của người đã sáng tác và gửi ca khúc cho mình.

Cuộc đời của Thiên Ngôn có lẽ sẽ viết được thành cả một tiểu thuyết bởi những cố gắng nỗ lực không ngừng nghỉ của chàng nhạc sĩ khuyết tật nhưng tài hoa này.

Thiên Ngôn sinh năm 1993. Lúc mới sinh ra anh cũng khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác. Nhưng đến 5 tháng tuổi, thấy con có vẻ khác thường, bố mẹ anh mới đưa con đến Viện Nhi để khám. Khi bác sĩ thông báo anh bị bại não thể co cứng, bố mẹ anh gần như chết lặng.

Nuốt nước mắt vào trong, ông bà đưa anh đi khám chạy chữa khắp nơi với một niềm tin mãnh liệt rằng con sẽ khỏi bệnh. Nhưng càng lớn, bệnh của Ngôn càng nặng. Ngôn không thể tự đi lại được, đôi chân teo tóp, đôi tay có quắp, ngay cả việc vệ sinh cá nhân cũng phải một tay mẹ làm. 5 tuổi, Ngôn đã tự ý thức được mình không bằng các bạn.

Cậu sống khép kín, chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường, làm bạn với chiếc máy tính cũ. Đó cũng là khoảng thời gian khủng hoảng nặng nề của gia đình anh. Những lời xì xào bàn tán về đứa con khuyết tật khiến mẹ anh không biết bao lần khóc cạn nước mắt.

Lên 9 tuổi, nhìn thấy bạn bè được cắp sách đến trường, Ngôn tủi thân lắm. Không được đến trường, Ngôn xin mẹ mua sách vở tự học ở nhà và mẹ chính là cô giáo đầu tiên và cũng là người có ảnh hưởng nhất trong cuộc đời, sự nghiệp của Ngôn.

Kể từ khi Ngôn bị bệnh, bà bỏ việc ở nhà để dành trọn thời gian chăm sóc con. Cũng năm ấy, khi nghe cô giáo dạy em gái đánh đàn, Ngôn mê mẩn với tiếng piano du dương, ngọt ngào. Ngôn xin mẹ được đi học đàn.

Thương cậu con trai bất hạnh, bà gật đầu đồng ý. Lúc ấy bà chỉ nghĩ đơn giản để Ngôn có một niềm vui một động lực để khỏa lấp những trống vắng, thiệt thòi. Những ngày đầu học đàn quả thật như một cơn ác mộng với Ngôn và mẹ. Dù bật cả điều hoà cả quạt nhưng lúc nào Ngôn cũng ướt đẫm mồ hôi vì cố gắng quá sức.

Thiên Ngôn và ca sĩ Miu Lê.

Với người bình thường học đàn đã khó nhưng với người chỉ còn cử động được vài ngón tay trái như Ngôn thì khó khăn càng tăng lên gấp bội phần. Mỏi mệt, đau đớn rã rời nhưng chưa bao giờ Ngôn đòi bỏ cuộc dù mẹ đã bao lần khóc lóc can ngăn. Nhưng rồi cuối cùng, bằng sự cố gắng không mệt mỏi, Ngôn cũng làm nên điều kì diệu khi tự chơi đàn bằng một bàn tay co quắp ngón.

Từ đó Ngôn tự mày mò học sáng tác nhạc trên mạng. Ban đầu chỉ là những mảnh ghép về cuộc đời, về mọi thứ xung quanh anh, những ngôn từ ngây ngô, giai điệu không cảm xúc.

Viết rồi lại xoá, rồi lại ném thùng rác, Ngôn không nhớ mình đã viết đi viết lại bao lần nhưng ở chàng trai trẻ luôn bùng cháy một khát khao làm được điều kì diệu để cha mẹ có thể tự hào về mình.

Chỉ đến khi gặp được cô bạn gái cũ cùng những cảm giác thăng hoa trong tình yêu, Ngôn mới tìm được cảm xúc thật sự cho âm nhạc của mình. Nhưng rồi tình yêu giữa hai người nhanh chóng tan vỡ vì cả hai đều không vượt qua được rào cản từ nhiều phía.

Ngày ấy Ngôn đã khóc rất nhiều, cảm xúc vỡ oà trong vòng tay của mẹ. Được mẹ động viên, cả đêm Ngôn ngồi viết và những ca khúc về tình yêu cứ thế ra đời từ chính những cảm xúc, rung động đầu đời của chàng trai trẻ.

Ngày ấy mỗi lần viết xong một ca khúc, Ngôn lại gửi email đến nhiều ca sĩ trẻ mà Ngôn yêu mến, mong họ sẽ hát ca khúc của mình. Có người không hồi đáp, có người từ chối thẳng thừng. Không nản chí, chàng trai trẻ vẫn tiếp tục gửi, vẫn hi vọng và chờ đợi.

Cuối cùng trời không phụ lòng người, nhiều ca sĩ trẻ đã đồng ý và giúp Ngôn hoà âm phối khí lại ca khúc hay hơn, chỉn chu hơn. Chỉ trong một thời gian ngắn ra mắt, ca khúc đã trở thành những bản hit và nhận được sự yêu mến của nhiều khán giả.

Thiên Ngôn tâm sự, đến bây giờ dù đã có được tình yêu mới nhưng anh vẫn thầm cảm ơn người yêu cũ đã cho anh có được những cảm xúc thăng hoa để viết nên những ca khúc hay đến thế. Anh lấy nghệ danh là Thiên Ngôn cũng là để khẳng định những giai điệu ấy là do trời cao ban tặng. Từ ấy, Ngôn chìm đắm cảm xúc trong âm nhạc, tìm lại được chính bản thân mình.

Đã có khoảng thời gian Ngôn sống khép mình, luôn cảm thấy cuộc sống tẻ nhạt, vô vị. Nhưng giờ đây khi âm nhạc đã chảy trong tâm hồn từng đổ vỡ, từng tuyệt vọng vì tình yêu, vì bệnh tật thì mọi cảm xúc như dâng trào. Ngôn sống nhiệt tình, sống hối hả, sống vội vã, để mong được tiếp tục viết, tiếp tục cống hiến cho đời.

Và điều quan trọng với Ngôn là làm được điều khiến bố mẹ tự hào, hãnh diện. Ngôn khoe với những sáng tác của mình, anh có thể phụ giúp được ba mẹ phần nào những chi phí sinh hoạt trong gia đình.

Mẹ là người có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời và sự nghiệp của Thiên Ngôn.

Người giúp âm nhạc của Thiên Ngôn thăng hoa là mối tình đầu, nhưng người có công lớn nhất trong sự nghiệp của Ngôn là mẹ. Mẹ đã hi sinh tất cả để cùng Ngôn bước đi trên con đường làm nghệ thuật chông gai.

Đã bao lần Ngôn làm mẹ buồn, đã bao lần mẹ khóc vì Ngôn, giờ đây khi khẳng định được tên tuổi của mình trong làng âm nhạc thì Ngôn mới đủ tự tin, đủ bản lĩnh thốt ra lời xin lỗi mẹ thổn thức qua ca khúc “Giờ con mới biết”. Tôi cũng chợt rưng rưng khi đọc dòng tâm thư Ngôn gửi cho mẹ trong ngày 8-3: “…

Con từng rất muốn biến mất, bởi phía trước chỉ toàn màu đen xám. Mẹ là người giáo viên duy nhất trong đời dạy con ý nghĩa của sự sống. Rằng có mặt trên trái đất này, được thấy mây xanh nắng vàng, đó chính là cơ hội. Rằng con không thể đi bằng đôi chân co quắp của mình, nhưng con còn đôi mắt sáng để nhìn về nơi mình muốn đến.

Mẹ dạy con bài học về sự lựa chọn. Con không được phép chọn giữa sống và tồn tại, con phải có ích; không được phép chọn giữa tiếp tục hay buông xuôi, con phải hết mình; con cũng không được phép chọn giữa sự thật hay giả dối, con phải chân thành.

Con bây giờ, rất đam mê sáng tác, nuôi một hạt mầm hy vọng để gieo vào nốt trầm nốt bổng, bán dăm ba tình khúc góp mấy đồng. Bao năm nay, nỗ lực của con có thấm tháp gì những dãi dầu và can trường của mẹ.

Mẹ à, nếu được sống thêm một lần nữa, mẹ còn muốn là mẹ của con không? Một đứa con trai không thể đi lại, ngay cả việc ăn uống, vệ sinh cá nhân cũng phải đợi mẹ. Mẹ à, nếu thời gian quay ngược, mẹ còn muốn là mẹ của con không? Cậu bé cứ lết từng mét vuông gạch, chưa bao giờ có thể hát cho mẹ nghe, vỗ về tấm lưng của mẹ. Hôm qua, hôm nay và cả những năm dài tháng rộng phía trước...

Mẹ yêu! Con có một trái tim không tật nguyền. Nó lành lặn hơn cơ thể thiếu sót của con. Ở trái tim đó, có mẹ…”.

Hiện tại, với sự giúp đỡ của người bạn thân, Ngôn đang gấp rút hoàn thành cuốn tự truyện mang tên “Hùng”, như một lời cảm ơn cuộc đời, cảm ơn những người đã giúp Ngôn có được ngày hôm nay.

Mai Ngọc
.
.
.